Nguyễn Thế Lữ - Ngày chủ nhật, 28-12-2014 có lẽ là thời gian dành cho gia đình và vui chơi cùng bạn bè nhưng với tôi thì những chuyến đi chơi không còn hứng thú khi cha tôi ngày càng yếu đi rất nhiều nơi chốn lao tù ở trại giam Xuân Lộc, Đồng Nai. Thăm cha là bổn phận làm con của tôi, chứ chưa nói gì đến trách nhiệm của một người con dân đất Việt vốn đã đổ ra không biết bao nhiêu xương máu của cha ông, để con cháu vẫn giữ được đất nước cho đến hôm nay... với tôi được thăm cha vậy là quá đủ và hạnh phúc để sau những ngày bộn bề với công việc mưu sinh.
Chuyến thăm lần này cũng như bao chuyến thăm lần trước, mỗi lần đi là một cảm xúc và một tâm trạng thật khác, ngoài một cảm giác không khác là nôn nao vì chị em chúng tôi sắp gặp được cha mình.
Xe đã đến cổng chào của nhà tù lúc 9h45, tôi và chị tôi (Nguyễn Ngọc Lụa) chuẩn bị giấy ghi đồ ăn để gởi cho cán bộ trại giam, đợi chờ cho các người thăm nuôi khác thăm trước, lượt thăm của hai chị em tôi là cuối cùng, khoảng 45 phút sau, chúng tôi được dẫn đi sâu vào trong khoảng 500 mét. Hai chị em cố gắng khiên đồ đi trong thật khủng khỉnh và nặng nhọc.
Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Lía |
Cuối cùng buổi gặp mặt cha đã đến, tôi lại được thấy rõ ánh mắt, nụ cười tươi của cha tôi và tay chân run lên khi cha hạnh phúc được thấy hai đứa con của cha, cha cất tiếng: “sao lâu rồi không lên thăm cha vậy con?” câu nói nghe có vẻ trách yêu chị em chúng tôi cách nhẹ nhàng nhưng làm ấm lòng tình nghĩa cha con. Cha tôi luôn hỏi thăm sức khỏe đến mẹ và bà nội. Lúc còn ở ngoài, mỗi sáng cha tôi thường đạp xe đạp xuống nhà nội để thăm nội như thế, rất đều đặn và chỉ khi bệnh mới không đi. Cha lúc ở nhà vẫn hay nói chuyện cùng mẹ và chia sẻ buồn vui cùng gia đình, tôi cảm nhận tình cảm thảo hiếu của cha dành cho người mẹ thân yêu là bà nội, tình thương yêu vợ chồng hơn mấy năm cho mẹ và dành cho con cái trong gia đình. Tôi thật không biết một người như cha sao có thể lại ngồi ở đây? trong chốn lao tù, vì cái tội gì?
Theo thông lệ một giám thị trại giam ngồi bên cạnh cha và cặm cụi ghi chép những gì chúng tôi trao đổi... luôn luôn là vậy. Cha hỏi: “con có đem cây viết và quyển tập cho cha không con?” tôi đáp: “cán bộ ở đây không cho đem vào cha ạ”. Cha tôi cảm thấy bức xúc hỏi ngay cán bộ ngồi bên cạnh rằng: "nội quy tại điều 5, quy định trong trại giam Xuân Lộc này là cho người thân được mang vào gởi người tù một cây viết và quyển tập vở". Tôi và chị Lụa quay sang hỏi lại trường hợp này thì cán bộ trả lời: "do cấp trên không cho phép". Chúng tôi lại hỏi: "vậy thì văn bản không cho phép đâu?" Ông ta im lặng. Chị Lụa nói với viên giám thị: "Tôi hỏi ông ngày xưa khi lãnh tụ của ông là Hồ Chí Minh ở tù và cuốn nhật ký trong tù, ông ta lấy viết và giấy đâu ra?" Ông ta cũng im lặng không trả lời được. Vậy đây là điều tôi và tất cả học sinh phải học theo sách giáo khoa của Bộ giáo dục ban hành thời còn đi học, giờ tôi mới hiểu ra rằng không có dân chủ, không có tự do như những tôi được thầy cô và sách cho tôi hiểu như vậy. Thật là đáng buồn cho cha tôi lúc này! Ngày xưa chắc cũng có được quyền được tự do viết bài hay thư gởi người thân rồi, chứ không phải đến bây giờ thì đi ngược lại hết.
Cha kể mình bị biệt giam và những ngày sống nơi đây như một cõi chết, khi xung quanh toàn vách tường cao khoảng 3 đến 4 thước Cha nói: “họ đã rào thêm một lớp rào, rồi rào chắn bên trong mỗi khu vực phòng giam, mỗi phòng giam có thêm một lớp lưới, và cứ thế bị rào và đối xử như những con chuột đang chờ ngày chết ngộp vậy”. Tôi nghe xong mà thấy xót xa đau đớn theo từng lời của cha tôi. Cha sẽ vẫn ở suốt trong đó dù cha tôi đã nhiều lần yêu cầu cán bộ được lên trạm xá để tiện theo dõi bệnh vì tuổi đã cao sức yếu, được trồng rau gần gũi thiên nhiên không khí hơn có cái làm cho hữu ích giúp những người bị giam có thêm nguồn rau ít ỏi mà dùng, nhưng họ thì chỉ có những lời hứa chứ không biết thực hiện và cha vẫn ở cái nơi ngột ngạt và bị cách ly như thế. Phải chăng những ngày cha sắp về họ làm vậy để cha phản ứng và rồi có cái cớ để quy thêm tội hay sao? Tôi tự hỏi đây chắc là đường lối của đảng đưa xuống trại giam thực thi hay sao? Nghe cha nói: "Ai vào đây thì tỷ lệ sống sót rất thấp" mà chị em tôi cảm thấy nhói lòng.
Lần thăm nuôi trước cha dặn nhớ đem Sấm giảng thi văn của Đức Thầy Huỳnh Giáo Chủ của nhà xuất bản tôn giáo vào cho cha, vì với nhà xuất bản đã được kiểm duyệt đó thì họ sẽ cho mang vào. Nhưng khi chúng tôi lấy sách ra đưa cho cha thì viên giám thị liền giật phăng đi, và bảo rằng trong đây cũng có sách, đọc gì thì lấy sách trong đây. Nhưng chính miệng cha phản kháng rằng: “trong này họ đã không cho cha một quyển sách nào mặc cho cha đã nhiều lần yêu cầu”. Tuy vậy họ vẫn kiên quyết không để chúng tôi để lại những cuốn sách đó, mà lớn tiếng dọa nạt, khiến chúng tôi phải mang về. Tôi lại thấy bộ mặt giả dối của các ông ở trên nói Việt Nam luôn có quyền dân chủ, con người... vậy mà cán bộ ở đây đáng làm con cháu mà lại có những lời lớn tiếng, thô thiển như vậy đến người cha già của tôi. Tôi tự hỏi do học từ tư tưởng của ai hay do áp lực công việc nơi đây? Hay là thói quen bắt nạt, và sách nhiễu thường có đối với những người bất đồng?
Chị em chúng tôi đau đớn lại càng đau hơn. Thật tội nghiệp cho những người tù, họ đói từng con chữ, đói từng lời vàng ngọc của Đức Phật, Đức Thầy nhưng những giám thị ở đây tước đi cái quyền tâm linh tín ngưỡng của họ như tình trạng của cha tôi lúc này khi trực tiếp không cho đọc sách tâm linh trong tù. Và tôi không tin nổi họ nhân đạo, khi lúc nào cũng ra rả tuyên truyền đảng lãnh đạo là một đảng nhân đạo, vì dân và do dân. Tất cả là bịp bợm, dối trá.
Lại một ngày chủ nhật thật buồn lưu nhiều dấu vết cay đắng, chị em chúng tôi bước đi bên nhau trong bộn bề nghĩ suy. Việt Nam bao giờ trở lại? Tôi nghĩ về cha mình, và tôi biết ông đã làm tròn bổn phận. Tôi nghĩ về con đường của chúng tôi, và chỉ khi những người trẻ như chúng tôi dám bước chân đi trên con đường tìm kiếm sự thật, khi ấy Việt Nam mới trở lại, Việt Nam tôi đâu, Việt Nam hai tiếng hồn thiêng nơi đất mẹ... hãy để cha tôi được tự do, hãy dừng tội ác lại và để ông và những tù nhân lương tâm khác được về với gia đình.
____________________________________
* Cha của anh Lữ là tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Lía, một tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo đã bị nhà cầm quyền dùng điều luật 258 để kết án ông 5 năm tù.