Bài thi viết Cộng sản và Tôi: Lao động là vinh quang - Dân Làm Báo

Bài thi viết Cộng sản và Tôi: Lao động là vinh quang

Phạm Phong Trần (Danlambao) - Ngày ấy chúng tôi một bọn tù ốm đói, xanh xao, rách rưới, bơ phờ, lao động như súc vật, sống trong những “chuồng người” nơi rừng sâu ở Quảng Ngãi, bởi mang thân phận của thằng lính bại trận. Toán của tôi, cựu thiếu úy Thuận làm toán trưởng, tôi không biết Thuận ở binh chủng hoặc đơn vị nào, thật ra tôi không quan tâm, vì xác định trong nhà tù cộng sản càng hạn chế giao tiếp càng tốt.

Tôi ở toán 6, tổ 5, mỗi tổ 10 tù nhân, Khánh làm tổ trưởng, nhưng nhóm tôi có 4 người thường đi làm với nhau: Nguyễn văn Khánh (biệt động quân) trưởng tổ. Trần Văn Chương (quân y). Lê A (pháo binh TK/ Quảng ngãi). Ba người bạn tù của tôi đều có tư cách, tuy mỗi người một nét riêng.

Chương thiếu úy, sĩ quan trợ y của Biệt Động Quân, lúc chưa vào lính là giáo sư dạy vạn vật ở trường Bùi Thị Xuân Đà Lạt, anh vừa dạy vừa học tiếp cao học, sắp làm luận án Đệ tam Cấp thì nhập ngũ, anh có kiến thức khoa học của một ông thầy giáo, những gì thuộc lãnh vực khoa học chúng tôi thắc mắc được giải thích cặn kẽ, thỏa đáng làm bọn tôi phục Chương lăn quay sát đất luôn.

Khánh, thiếu úy đại đội trưởng Biệt Động Quân, dân Điện Bàng Đà Nẵng, tính tình vui vẻ hơi tếu, người cao gầy ngăm đen dáng dấp lanh lẹ, phong cách của một sĩ quan chiến trường, nhìn anh không ai có thể ngờ bên trong cái dáng người khô khan đen đúa đó là một kho tàng kiến thức mênh mông về xã hội, Khánh hiểu biết rất nhiều về tư tưởng dân chủ của Roussau, Montesquieu, anh phân tích học thuyết nho giáo của Khổng Tử, tương quan giữa vũ trụ và con người của Lão Tử, Mạnh Tử. Anh thuộc những điển tích của Tàu, từ Đông Chu tới Tam Quốc, mỗi lần Khánh kể chuyện kiếm hiệp Kim Dung thì bọn tôi bị hút hồn, mê mẩn, ngoác miệng ngồi nghe quên cả cái đói triền miên đang cồn cào cấu xé cái dạ dày trống hoác trống huơ. Khánh còn cả một kho tàng đầy ắp văn chương thơ phú, thuộc thơ Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, nhưng tâm đắc vẫn là thơ Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán. Khi nói chuyện anh gọi “vẹm” và bọn “cốt đột” để chỉ lũ cộng sản.

Lê A cũng tương đối có kiến thức, trong nhóm tôi bạn thâm niên nhất, hình như A tài nguyên sĩ quan năm 1969, trước kia bạn đã làm trung đội trưởng ngoài tiểu đoàn 23/ pháo binh thuộc pháo binh sư đoàn 2, mới đổi về pháo binh Tiểu khu Quảng Ngãi độ ba bốn tháng, đang làm sĩ quan tiền sát viên liên đoàn 912 Địa phương quân. Bốn chúng tôi đi lao động cùng tổ. Ăn chung, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, không kết nghĩa đào viên nhưng thân thiết, nhất là “ba đứa chúng mình”: tôi, Chương và Khánh, trong nhóm tôi trẻ tuổi nhất mà sức khỏe cũng “kém” nhất.

Thời gian đầu tôi biết Giáo, chưa chơi thân, anh cùng toán nhưng khác tổ, Giáo có sức khỏe, nên ở nhóm đốn gỗ, công việc mà bọn tôi “ớn bà chè” nhất, vừa nặng nề mà không “ma giáo” trốn tránh đâu được, bởi thằng Việt Cộng nó mang súng đứng kè kè một bên, nghếch cái bản mặt như mặt chuột dễ ghét, nhìn trân trân theo dõi mấy thằng tù ốm nhom tháo mồ hôi hột, dang tay thẳng cánh bổ từng nhát rìu vào gốc cây, lại còn chĩa cái mồm thối vào lên giọng dạy bảo phải chặt như thế nầy, phải mở qua hướng kia, lúc nào cũng “khẩn trương”, mệt không cho nghỉ, nó làm như mỗi thằng tù là một cái máy không bằng, phải nói cái bọn Việt Cộng nó ác khỏi nói! Hết biết luôn!

Nhìn mấy gốc cây tôi phát rét, ớn xương sống, toàn là danh mộc như: Bàng Lăng, Gõ Đỏ, Sao, Dầu, Bìn Nin, gốc nào gốc nấy to “tổ chảng”, bự “chà bá”, đường kính cả mét mấy người ôm không hết.

Eo ơi! nếu bắt tôi làm việc đốn gỗ chắc chết sớm, xin bái tổ, đầu hàng! Cho dù có phê phán tôi lười lao động, không tin lời “bác Hồ” dạy: “lao động là vinh quang”, chưa giác ngộ “cách mạng”, thì tôi cũng xin “an phận thủ thường” chịu mang danh hiệu không tiến bộ cho nó lành.

Công việc đốn gỗ rất là nặng nhọc, nhìn anh em bổ từng nhát rìu vào gốc cây kịch, kịch bằng tất cả sức mạnh, mồ hôi dầm dề chảy ròng ròng từ đầu xuống mình mẩy, áo quần ước như tắm, mà lại có thằng Việt Cộng ngồi “chần dần” nhìn “chằm chằm”, tôi lắc đầu chịu thua.

Tôi thì chủ trương chỉ làm việc “xìu xìu, ểnh ểnh” thôi, nên chọn những công việc nào không có mấy thằng Việt Cộng đi theo dòm ngó, để được “lè phè”, lúc nào tránh né được thì cứ tránh, ngu gì mà làm cho nhiều, bởi tôi xác định thời gian lưu đày sẽ là vô định, ngày về mịt mù tăm hơi, “biên cương nghìn trùng”, đừng có mơ.

Do đó tôi, Chương, Khánh và Lê A hay nhập vào những toán di chuyển gỗ xuống suối, công việc này tương đối khỏe, thích hợp với máu lười biếng của tôi, có thể “dụ dựa” được. Thứ nhất là không có thằng bộ đội nào đi theo, đói quá, mệt mỏi thì ngồi nghỉ, không có tên vẹm nào hò hét, thúc hối “khẩn trương khẩn triếc” gì hết trơn hết trọi.

Thứ hai những khúc gỗ anh em đốn hạ trên triền núi, có độ dốc, chỉ cần dùng đòn xeo rồi đẩy xuống là “ông nội” sẽ chạy tuột, rồi lại xeo tiếp, cứ thế từng đoạn một mà bọn tôi đưa xuống suối “khỏe re như con bò kéo xe”, đưa lần ra bãi tập trung.

Rồi khi khiêng về trại cưa, thì lúc nào tôi cũng chọn cây nhỏ, chấp nhận bị chê là lao động yếu, mặc kệ cứ tà tà qua ngày. Để cho bạn tù nào muốn được cai tù nó khen, nó dùng ống thu đủ thổi vào hậu môn, tâng bốc là lao động tốt, cải tạo tốt, được bình bầu xuất sắc sau mỗi tuần tổng kết, rồi lấy danh hiệu “anh hùng lao động” mong được “cách mạng” sáng suốt cứu xét cho về sớm. Cứ tin cộng sản đi rồi “bán lúa giống” mà ăn! Còn tôi thì không bao giờ!

Nếu hôm nào đi chặt củi, mặc dù lệnh của tên cán bộ Việt Cộng là phải chọn củi chắc, củi tốt, tôi cứ chọn cây nào nhẹ, “mục” mà khô độn bên trong, mặt ngoài thì che đậy vài cây coi được, khi đi ngang qua mặt thằng cán bộ thì cũng giả vờ rụt cổ, còng lưng, làm như nặng lắm, tới nơi tập trung ném vào cái ào, thế là xong cái gánh củi rất ư là thiếu “chất lượng” của tôi nó cũng được nằm chung ấm cúng, lẫn lộn với mấy bó củi rất là “chắt nịch nặng chình chịch” của mấy bạn tù “anh hùng lao động”. Thế là xong một ngày của đời tù.

Đi cắt tranh về lợp nhà cũng thế thôi! Cứ “đường xưa lối cũ” mà đi, bên ngoài bó tranh tôi ngụy trang hơi dài dài một tí, bên trong cứ tranh khô và ngắn độn vào, nhìn bên ngoài thì cũng không nhỏ hơn bó tranh của anh em, nhưng nó nhẹ tờn tơn, khỏe re trên đôi vai trơ xương không còn chút thịt nào của thằng tôi. Đến nơi tập trung bỏ ào như đống núi, đố biết bó nào của ai! Cho dù “bác Hồ” của chúng nó ngoài cái “cầu tiêu Ba Đình” có sống dậy cũng đành bó tay chịu chết, chứ làm sao mà truy tìm tung tích cái thằng “ngụy” nào nó ma giáo “quá cỡ thợ mộc” như thế nầy!

Mà chuyện ma giáo, lao động qua quít kiểu như tôi, cũng hơi “bị” nhiều. Phải nói thật, mấy thằng công tử bột, thư sinh, ốm yếu mà theo mấy “cha nội” to con, khỏe mạnh kia có cho mà chết! Về chầu ông bà sớm trước khi Việt Cộng nó cho ra tù.

Bọn tôi phần đông tuổi còn rất trẻ, tóc vừa xanh, cái tuổi đáng ra còn ngồi trong giảng đường đại học, bạn với sách đèn, chứ có biết lao động lao điếc gì đâu! Nhưng cũng vì mấy “cha cộng sản” ngoài miền Bắc “rảnh quá” mang “búa liềm” vào để “đập đầu, cắt cổ” dân miền Nam chơi, nên bọn nầy phải “xếp bút nghiên theo nghiệp kiếm cung”, chứ thiệt tình có biết đốn cây, kéo cày bao giờ.

Cho nên khi cộng sản nó “phỏng... hai hòn”, chúng lùa vào cái “chuồng người” vừa bỏ đói, vừa bắt làm việc như trâu bò thì có nước chết. Cứ thiệt thà nghe nó phỉnh “lao động là vinh quang”, rồi “cải tạo” tốt sẽ được “cách mạng” cứu xét cho về, ra sức cày để cho nó khen, nó “biểu dương” thì chỉ có “tàn đời”, xuống địa ngục gặp “bác Hồ” sớm là cái chắc. Cuộc đời đứa nào cũng đen thui như mõm chó mực. Nên làm sao đừng để mấy thằng nịnh cán bộ biết, nó báo cáo thì “an toàn trên xa lộ”, thế là cứ tiếp tục ca bài “đường ta ta cứ đi”, để còn chút hy vọng sống sót may ra có ngày trở về.

Bởi Việt Cộng thì nó ác ôn tàn độc hết chỗ chê, chúng nó khai thác sức lao động của tù đến cạn kiệt, cho tù ăn rất ít, nhưng lao động thì phải đạt “chỉ tiêu” ấn định, thằng tù nào kiệt sức chết, nó lôi ra bìa rừng là xong, mạng sống anh em chúng tôi cũng xêm xêm như cóc nhái, rẻ hơn bèo, nên chuyện chết sống thì “vô tư”, miễn bàn.

Chúng cho tù ăn loại thực phẩm để nuôi gia súc, đó là bo bo loại thực phẩm ở các nước tư bản chỉ dùng cho ngựa, hoặc mì lát phơi khô, loại chỉ dùng nuôi heo, mà lát nào lát nấy to “tổ bố”, dày “sấm súc”, bọn tôi gọi là “bánh xe lịch sử”, lại còn mốc meo xanh lè lè do phơi chưa khô và kho bị ẩm, còn mọt thì thôi khỏi nói, hằng hà sa số, nó đông như quân Nguyên, hàng hàng, lớp lớp như chiến thuật biển người của “Võ Đại Tướng”, cắn ra nó nằm đen thui, chết queo trong ruột lát mì, chúng cương quyết “bám trụ” giống như Việt Cộng bám trụ trong “hang địa đạo củ chi”. Ban đầu thấy ghê ghê còn lấy cây tăm khều “cu cậu” ra, lâu dần mất thì giờ, lại cũng quen mắt nên cứ tống luôn vào mồm, ngấu nghiến, dồn hết vào cái dạ dày trống hoát của thằng tù, rồi cười tự an ủi: “mọt có nhiều vitamin”, riết rồi quen, không còn ghê ghiếc gì hết trơn hết trọi.

Còn thêm một nỗi “cay đắng tình đời” nữa là nó sống nhăn, vì dày quá nên dù nhà bếp đã ngâm nước từ tối hôm trước, sáng hôm sau mới bỏ vào chảo nấu, trong ruột nó vẫn trơ trơ cứng ngắt, hàm răng của bọn tù phát khóc thét vì không làm sao nghiền “ông cố nội” cho nhuyễn ra được, nhưng vì cái dạ dày nó réo gọi liên hồi nên thôi thì cứ trợn mắt tống vào cho cái bao tử nó nằm yên, khỏi có ý kiến.

Rồi cái nạn bo bo cũng dở khóc dở cười, hai hàm răng lẫn cái bao tử của bọn tù chúng tôi đều “kéo cờ trắng” đầu hàng vô điều kiện với cả “anh chàng mất dạy” nầy, nhai mấy thì nhai, nhai đến nỗi xương quai hàm nó mỏi rã rời “cha nội” cứ “trơ gan cùng tuế nguyệt”, bỏ vào mồm hình dạng làm sao thì nó đi ra nguyên dạng thế ấy. cứ ra ngoài hầm phân thì thấy rõ “cảnh đời đen bạc” như thế nào!

Nếu hôm nào tù được “lăn bánh xe lịch sử” thì dưới hầm bầy nhầy sềnh sệch xơ mì, lẫn từng mảng mì sống vỡ vụn lợn cợn cỡ hạt gạo. Hôm nào “thưởng thức” bo bo thì hột hột, vàng vàng, lẫn cái mày óng ánh “nguyên xi” như khi đi vào cửa trên ra làm sao, nó ra cửa dưới thế đó, không chịu thay hình đổi dạng. Thiệt tình anh chàng “kiên cường, bất khuất” không thua “cách mạng” một ly nào.

Thành thật mà nói, từ khi cha sinh mẹ đẻ, tôi sống ở miền Nam, lớn lên dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, đến ngày cộng sản hoàn thành cuộc chiến tranh “ xâm lược” và đặt ách đô hộ, 26 tuổi tôi vào tù, lần đầu tiên tôi biết con người ăn được các loại thực phẩm nầy, chứ trước đây ở miền Nam làm gì có. Tôi đã từng theo bộ binh hành quân xuôi ngược khắp các thôn làng, từ núi rừng đến miền duyên hải, nơi nào cũng nước trong gạo trắng, chưa thấy ai ăn thực phẩm của gia súc bao giờ.

Phải nói cám ơn “cách mạng”, cám ơn “bác và đảng”, đã cho người dân Miền Nam “sáng mắt sáng lòng”, hiểu biết cái “ưu việt” của chế độ cộng sản, đó là sự bình đẳng giữa con người và súc vật, ít ra là trong cái ăn. Thiệt tình cái “thiên đường” cộng sản có khác! 

Sự bạo tàn và gian ác của cộng sản, thì không còn gì để bàn, phải gọi là “siêu ác”. Chúng xem tù như súc vật, sức tù như trâu bò khai thác triệt để. còn thua cả trâu bò, vì với trâu bò Việt Cộng không có hận thù, còn bọn tù chúng tôi là lính VNCH thì nó thù “tới bến” là cái chắc, vì bọn tôi chiến đấu chống lại sự xâm lăng của chủ nghĩa cọng sản quốc tế bảo vệ Miền Nam tự do, ngăn cản sách lược nhuộm đỏ toàn cầu, tức là kẻ thù không đội trời chung với việt cọng, nên chúng thù chúng tôi là đương nhiên, tha hồ hành hạ, chết nó lôi ra rừng là xong, sinh mạng bọn tù chúng tôi không bằng con giun, con dế, chứ đừng so sánh với trâu bò thì còn lớn quá.

Điều chúng tôi thắc mắc là các tổ chức nhân quyền quốc tế, những cá nhân trước kia lên án VNCH vi phạm nhân quyền, lúc đó ở đâu? Tại sao họ không đến cái “thiên đường xã hội chủ nghĩa” nầy để xem cái “chuồng người” mà bọn Việt Cộng nhốt và đối xử với người lính VNCH.

Không biết cái ông cha đạo Chân Tín đòi “cải thiện chế độ lao tù” ngày trước ông ở nơi mô? có thể ông đã chọn sứ mạng đưa dân tộc vào cỏi thiên đàng theo con đường của Mac mà không cần rao giảng tin mừng theo con đường chúa Jêsus, và ông đã toại nguyện khi Việt Cộng đã “phỏng… hai hòn” toàn dân miền Nam.

Nghĩ lại cái bọn thân cộng, bọn trí thức ba xu đội lốt tôn giáo nằm vùng trước kia ở miền Nam như Chân tín, Nguyễn Ngọc Lan, bọn Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Ngô Bá Thành v.v... trong cái gọi là “ủy ban bảo vệ chế độ lao tù” rất ư là “khốn nạn”. Chúng đã lượn lẹo, giả dối và vô cùng tán tận lương tâm, khi làm cái việc gian dối là lên án chính sách giam giữ bọn giặc cộng và tù binh cộng sản. Chúng nói láo cố tình bôi nhọ VNCH hầu quấy phá ở hậu phương, làm mất uy tín suy yếu chế độ đẩy mạnh phong trào chống đối, tiếp tay cộng sản làm sập đổ miền Nam.

Sự thật ai cũng biết là Việt Nam Cộng Hòa, luôn chấp hành đúng những qui định của quốc tế về chế độ nhà tù, vì miền Nam là một xã hội mở, một chế độ dân chủ đa nguyên, tự do báo chí, tự do ngôn luận, có báo chí tư nhân, tất cả các hãng thông tấn quốc tế như Reuteur, UPI, AFP v.v... đều có mặt thường trực. Phóng viên báo chí nước ngoài trên toàn thế giới không thiếu mặt tờ nào. Họ dòm ngó, để mắt vào mọi ngõ ngách, các cơ quan của VNCH, chuyện giám sát các nhà giam là thường xuyên, nhất là bên cạnh họ lúc nào cũng có bọn nằm vùng sẵn sàng dàn dựng, vu khống lợi dụng thể chế dân chủ để thực hiện mưu đồ.

Trong nhà giam và các trại cải huấn thời VNCH, phạm nhân được học nghề như điện, cơ khí, thêu may, đan đát v.v..., học đàng hoàng có trường lớp hẳn hoi, giải trí có bóng chuyền, bóng tròn, bóng bàn, cờ tướng, cờ vua.

Ăn uống đúng tiêu chuẩn: cơm trắng, thức ăn có cá canh, rau, đủ ba món. Phạm nhân có quyền khiếu nại những sai sót lên ban quản đốc, tố cáo ra trước dư luận báo chí, hay khi có các tổ chức quốc tế hoặc cơ quan nhân quyền thăm viếng.

Những bạn trước là Quân Cảnh đã công tác tại Phú Quốc, còn kể lại chuyện tù Việt Cộng bỏ ăn, khiếu nại vì thực đơn ba ngày liền không đổi cá khác, hoặc hai ngày vẫn một món rau, chúng lên tiếng phản đối buộc ban quản đốc phải đáp ứng không được chậm trễ.

Cứ xem mặt mày mập ú, da dẻ hồng hào (nhờ cơm gạo Quốc Gia) của bọn cán binh Việt Cộng khi trao đổi tù binh năm 1973, so với hình hài tiều tụy tả tơi như “con ma đói” của người tù binh VNCH, thì cũng đo lường được mức “thiện và ác”, và bản chất của hai chế độ đối với tù binh.

Trong khi đó, “thiên đường xã hội chủ nghĩa” miền Bắc của cộng sản “kín mít tối thui” như đêm 30 “đếch” chơi với ai, “đếch” thèm “mở cửa mở kiếc”, “thanh tra thanh triếc” gì ráo trọi. Thế mà chẳng có “thằng chó” nào lên án hết trơn, tại sao kỳ vậy ta? Như vậy thì có bất công, gian lận quá xá không hả trời!

Sau nầy đến những năm cuối cùng của thế kỷ 20, nếu tôi nhớ không lầm khoảng năm 1998-1999 thì phải, không biết nhờ nhỏ loại thuốc gì mà ông Chân Tín “sáng mắt” và “khai khẩu” giảng liên tiếp ba bài: “sám hối” tại nhà Dòng Chúa Cứu Thế, kết quả là “bác và đảng” đã cho ông “đi chỗ khác chơi”, vì “miếng chanh” chân Tín đã hết nước, nên cho ông ra Cần Giờ “sám hối” mệt nghỉ!

Vì không được nghe bài giảng nên tôi không biết có phải ông Chân Tín muốn kêu gọi bọn Việt Cộng “sám hối” những tội ác với dân tộc, vì “bàn tay vấy máu đồng bào” nhiều quá, cướp bóc khiếp quá, thằng dân không còn cái quần đùi để che “bác Hồ”, để đậy “bác Tôn” như trong dân gian vẫn truyền miệng.

Hay với cả bản thân ông cũng cần sám hối, vì lỡ dại một thời mê “bác và đảng” nên “ăn cơm Quốc Gia thờ ma cộng sản”. Ông sám hối với tất cả những thanh niên miền Nam, đã ngã xuống ngoài chiến trường, đã hy sinh mạng sống để ngăn cản lũ ác quỉ cộng sản vô thần xâm lăng miền Nam, để dân tộc được sống làm người, trong đó có ông, ông được sống bình an “phây phây” ở thành phố, được tự do rao giảng tin mừng trong nhà thờ.

Thế mà ông “quậy tới bến”, ông phản bội, cấu kết với bọn ác tăng Ấn Quang, bọn cộng sản nằm vùng đâm những nhát dao chí mạng, lút cán vào lưng người lính đang đầu tên mũi đạn, liều thân ngoài chiến trường.

Hai mươi lăm năm sau, một phần tư thế kỷ, khi đã có hàng trăm ngàn người chết bởi “lao động là vinh quang” trong các trại tù khổ sai. Hàng nửa triệu người làm mồi cho cá biển, làm phân cho cây rừng vì sợ “té đái” cái thiên đường của “bác và đảng”. Toàn dân miền Nam “ốm nhom ốm nhách” và “lạnh ngắt lạnh ngơ” trong cái “chuồng người” xã hội chủ nghĩa, ông mới thốt lời “sám hối”, liệu có muộn màng lắm không?

Sự hiểu biết về bản chất quỉ quyệt, gian ác, láo lường của “mấy cha” cộng sản đã cảnh giác tôi tỉnh táo, chuẩn bị tư thế “trường kỳ kháng chiến” trong tù ngục, tuyệt đối không bao giờ tin những gì ở bọn Việt Cộng. Vì từ khi còn “ở truồng” chạy “nhồng nhông” tôi đã nghe trong dân gian người ta truyền miệng “nói láo như vẹm” và thường nhắc nhở nhau: “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời cộng sản nó thương dân mình”.

Cho nên dù không đồng tình với Tổng Thống Thiệu nhiều điều, nhưng với tôi, ông đã để lại hai câu nói bất hủ, hai câu nói hay “vượt thời gian”, trở thành chân lý:

“Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm”

“Quốc gia còn thì còn tất cả, Quốc gia mất là mất tất cả.”

Câu nói có thể xếp hạng vào những danh ngôn lưu lại hậu thế để cảnh tỉnh cho nhân loại cùng với những câu nói của những nhân vật nổi tiếng trên thế giới như:

1- “Cộng sản là loài cỏ dại, mọc trên hoang tàn của chiến tranh, là loại trùng độc, sinh sôi nẩy nở trên rác rưởi của cuộc đời.” (Đạt Lai Lạt Ma)

2- “Cộng sản đã làm cho người dân trở thành gian dối.” (Thủ Tướng Đức Merkel)

3- “Ai tin cộng sản là không có cái đầu, ai làm theo cọng sản là không có trái tim” (Tổng Thống Nga: Putin)

4- “Tôi đã bỏ một nửa đời cho lý tưởng cộng sản. Hôm nay tôi đau buồn mà thú nhận rằng: cộng sản chỉ biết tuyên truyền và nói dối” (Tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Sô Gorbachev)

5- “Cộng sản không thể nào sửa chữa, mà cần phải đào thải nó...” (Boris Yeltsin Tổng thống Nga)

Cám ơn các vị đã có những câu nói để đời, cảnh tỉnh những ai còn mụ mị lú lẫn đang bị phỉnh lừa, và cho cả các thế hệ mai sau.

“Lao động là vinh quang”, câu thần chú “siêu lừa” trên đầu môi của người cộng sản, chẳng bao giờ có thật, vì “lao động” chỉ dành cho lớp bị trị, nếu “vinh quang” là có thật thì làm gì có tới thằng dân!

Cái “bánh vẽ”, thì bao giờ cũng là “bánh vẽ”. Nhưng đến bao giờ dân tộc tôi vứt được cái “bánh vẽ” mà mấy “chả” nhử “lâu lắc lâu lơ”, lâu “quá xá” rồi hả trời!!!


Phạm Phong Trần
danlambaovn.blogspot.com




...Thời gian nhận bài xúc tiến từ bây giờ và sẽ tiếp tục chọn đăng trên diễn đàn Danlambao cho đến hết ngày 25/4/2015. Đóng góp tác phẩm dự thi xin gởi về: Congsanvatoi@gmail.com. Để biết thêm chi tiết, xin đọc:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo