Bài thi viết 'Cộng sản và Tôi': Chuyện dài Bộ Đội - Dân Làm Báo

Bài thi viết 'Cộng sản và Tôi': Chuyện dài Bộ Đội

Hiển Du (Danlambao) - Không biết phải bắt đầu từ đâu để mà nói về bộ đội cho có đầu có đuôi, có xuôi có ngược, có nhược có ương, có ghét có thù, có cái thằng lù đù vác lu mà chạy, có cái ngày bộ đội lên thành và có những câu chuyện dài về bộ đội kể hoài không hết…

Thôi thì bắt đầu từ cái ngày gan lộn lên đầu, nhà lầu xuống đất, để cho bọn “đi bộ, đội nón cối” (bộ đội) leo lên tầng hai, tầng ba còn chủ gia thì xuống tầng trệt bởi “Nhờ lòng thương xót của Cách Mạng khoan hồng nếu không thì bọn chúng mày ra sân che chòi mà ở.”

Năm ấy tôi đang ở nhờ nhà bác đi học vì dưới quê không có trường đại học, vả lại vừa đi học vừa được bác trả tiền thư ký riêng để giúp đàn em nheo nhóc ở nhà.

Nhà Bác là hãng nước mắm có tiếng ở quận sáu. Mỗi đêm sau khi học bài tôi hoàn tất sổ sách trong ngày về việc thu chi của hãng, cộng trừ nhân chia đối với sinh viên ban toán như tôi thì luôn luôn xuất sắc không mất một xu. 

Kể từ ngày bọn đi bộ, đội nón cối chiếm cứ ở trên lầu chúng tôi đối diện với bao chuyện cười ra nước mắt, cười thắt trong ruột, cười tuột cả quần (vì lưng quần càng ngày càng lỏng do thiếu ăn) 

Chiều hôm trước bọn chúng đến ở, khoảng mười giờ sáng, tôi đang rửa rau trong bếp chợt giật thót mình vì một tên bộ đội xộc vào:

“Này này, cô có trông thấy con cá của tớ chui xuống đây không? Con cá hơn nửa ký lô đấy nhé”

Tôi bực bội trừng mắt một giây với hắn, gắt giọng:

“Cá anh để đâu mà xuống đây hỏi? Tôi ở đây từ sáng đến giờ có thấy gì đâu!”

Hắn nhìn dáo dác rồi xộc ngay vào nhà vệ sinh, tôi bước vội theo thấy hắn dùng cây thụt cầu quậy quậy trong cái bồn cầu. Tôi lớn giọng:

“Anh làm gì vậy, tìm gì trong ấy?”

“Tìm xem con cá tôi có chui xuống đây không?”

“Cá anh để đâu? Hứ.”

“Tôi đi chợ về thả nó vào cái bồn như thế này trên ấy. Bắt nồi cơm xong quay lại thì nó biến mất, chắc là nó chui xuống đây, cô có cách nào nâng cái bồn này lên không?” 

Hắn vừa nói vừa cố sức nhấc bồn cầu lên. Tôi trợn mắt định mắng ‘Đồ ngu” nhưng kịp dằn được nên quay lung lắc đầu để mặc hắn. Thầm nghĩ “Sao mà ngu thế”. Giờ cơm trưa tôi kể cho gia đình nghe, các anh chị cười lăn, cười bò. Bác trai nhìn xa xăm:

“Mấy đứa này chắc ở nhà quê chưa từng thấy cái cầu tiêu máy nên nó tưởng đó là cái bồn nuôi cá đó con.”

Tối đến, cả nhà đang yên giấc bỗng nghe tiếng réo ơi ới, hốt hoảng:

“Các đồng chí ơi dậy mau, bọn chúng còn gài bẫy chúng mình. Trần nhà có gắn máy chém, bọn Việt gian này ghê thật đấy”

Chúng tôi yên lặng cố lắng nghe xem chuyện gì đã xảy ra. Tiếng ồn ào, rồi tiếng chân chạy rầm rập xuống cầu thang, tiếng đập cửa rầm rầm:

“Mở cửa, mở cửa, chúng bây định giết chúng tớ hở, mau lên mà dừng cái máy chém ấy ngay nếu không thì chúng mày không yên đấy.” 

Bác trai và anh trai chạy vội lên lầu vì chẳng hiểu bọn chúng nói gì và chuyện gì đã xảy ra mà chúng vu khống như thế. Đèn phòng khách sáng choang, quạt trần đang quay vù vù ở số mạnh nhất. Bác nhìn quanh quất chẳng thấy gì quay lại định hỏi thì một tên chỉ lên trần:

“Đấy, tắt ngay cái máy chém ấy, bọn bây định giết chúng tớ hử?”

Anh trai bước tới tắt quạt, bác hiểu ra nhẫn nhịn giải thích:

“Đấy không phải máy chém mà là cái quạt gió treo trên trần nhà còn gọi là quạt trần. Nếu mấy anh không thích thì mai tôi sẽ gỡ xuống.”

Mấy chị em chúng tôi nghe kể vậy trố mắt nhìn nhau dở khóc dở cười chẳng biết họ đáng thương hay đáng trách vì giống như “người rừng.”

Bốn tháng sau tôi ghi danh học khóa “Sư phạm cấp tốc” vì thấy thời cuộc rối ren quá, không biết ngày mai ra sao?

Một hôm đi học về tôi dắt xe đạp vào cổng, mấy tên bộ đội đang ngồi chơi trong sân, một tên ngồi ngay gần lối đi đang cầm tờ báo cũ rích, vàng khè đọc. Thấy tôi hắn ngưng đọc đảo đôi mắt ti hí khắp người tôi, nhìn chằm chằm từ trên xuống dưới khiến chân tôi lúng túng. Tôi rủa thầm trong lòng “Đồ mắc dịch”, vừa qua khỏi hắn đưa tờ báo đập vô mông tôi cái “bộp”:

“Mông to và lẳng thế em… ha ha.” 

Cả bọn ré lên cười ha hả. Tôi nổi điên, vừa tức, vừa ngỡ ngàng, đỏ mặt tía tai quay lại thét “Đồ cà chớn” rồi đi một mạch vô nhà đứng khóc rưng rức. Không có sự sỉ nhục nào hơn thế!

Bác trai tôi nghe kể giận quá ra định mắng chúng một trận, vừa gặp mặt bác chúng tranh nhau ào ào: 

“Này bác, cô cháu bác bảo bạn tớ “đồ cà chớn” nghĩa là thế nào?”

Bác suy nghĩ một giây rồi vừa cười vừa che miệng lớn tiếng cốt cho chúng tôi nghe:

“Đồ cà chớn là nó khen chú ấy lịch sự đấy.” 

Cả bọn nhao nhao:

“Thế à, cho bác biết này, bộ đội chúng tớ toàn là cà chớn cả đấy nhé.”

Bác tôi đưa hai tay lên chào thua, chúng lại tưởng bác tôi thán phục nên vỗ tay rầm rầm.

Học sư phạm ba tháng chúng tôi được cấp bằng chứng nhận giáo viên, được tập hát nhạc phẩm “Bài ca sư phạm” và “Cô giáo trẻ trên bản làng xa” để đi làm cô giáo trẻ trên buôn làng gần biên giới. 

Chúng tôi được gọi là “Đoàn giáo viên xung phong” được Đảng và chính quyền cách mạng tin tưởng giao cho trọng trách khai trí nhân dân qua việc xây trường, mở lớp đưa văn hóa cách mạng về tận buôn làng. Diệt tận gốc cái ngu cái dốt cho nhân dân tiến lên Xã Hội Chủ Nghiã mau lẹ.

Đó là vùng quê nghèo nàn hèo lánh, mấy cô giáo trẻ chúng tôi được gởi gắm ở nhờ nhà bác tư gần trường. Xung quanh nhà bác đất rộng nên bộ đội đóng quân tùm lum. Tôi nghĩ “Sao cứ gặp mãi bọn này?”

Phía trước nhà dưới gốc cây xoài to, bác gái che một mái tranh bán nước giải khát và cà phê. Ngoài sân gần lề đường bác trai che tấm ny lon để sửa xe, trên bờ rào có treo tấm biển “Sửa Honda” viết nguệch ngoạc bằng than đen. 

Chúa nhật không đi dạy tôi ra quán nước phụ bác gái.

Đang rửa ly nghe bác lớn tiếng hỏi tên bộ đội vừa kéo ghế ngồi: 

“Chú bộ đội ơi, uống gì vậy chú?”

“Này, cho một ly sữa hon đa nhé, ly lớn đấy,” vừa cao giọng gọi hắn vừa lột cái nón cối quạt lấy quạt để.

Bác gái tưởng mình nghe không rõ bước ra tận bàn:

“Chú gọi sữa gì hả chú?”

Hắn chỉ tay ra bảng “Sửa Honda” treo trên hàng rào:

“Đấy, thì sữa Honda chứ sữa gì!” 

Bác gái mím môi cố nén cười ôn tồn giải thích, hắn hiểu ra cái chữ dốt của mình, lúng túng nhìn sang bàn bên cạnh. Thấy khách bàn bên đang uống cà phê phin hắn chỉ:

“Thế thì cho tớ ly cà phê có cái nồi ngồi trên cái cốc giống bên kia nhé. Cho cả ly đá to vào, nóng thế này thì đâu kém gì miền Bắc nhỉ” 

Hắn cố nói huyên thuyên để che cái dốt trước nhưng không ngờ lòi tiếp cái dốt sau.

Lần đầu tiên trong đời tôi nghe loại cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc”.

Mọi người lén nhìn nhau cười chứ không ai dám nói gì.

Tôi chua xót trong lòng thầm nghĩ: “Sao họ lại ngu dốt đến vậy?” 

Ôi, quả là chuyện dài bộ đội, kể mãi vẫn chưa hết chuyện, thôi thì hẹn lại khi nào có dịp tôi sẽ kể tiếp đất nước nghe. Đất nước ơi, xin đừng quên “Bộ đội chúng tớ toàn là cà chớn cả đấy!”

Cali, Ngày 15/4/2015



_________________________________________



...Thời gian nhận bài xúc tiến từ bây giờ và sẽ tiếp tục chọn đăng trên diễn đàn Danlambao cho đến hết ngày 28/4/2015. Đóng góp tác phẩm dự thi xin gởi về: Congsanvatoi@gmail.com. Để biết thêm chi tiết, xin đọc: 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo