Lật lại hồ sơ vụ án nhà báo Đoàn Hữu Hậu "lừa đảo chiếm đoạt..." (bài 2) - Dân Làm Báo

Lật lại hồ sơ vụ án nhà báo Đoàn Hữu Hậu "lừa đảo chiếm đoạt..." (bài 2)

Bài 2: Truy xét đến cùng

- Cơ quan điều tra nói sao cũng được
- Công an, Viện kiểm sát, tòa án là một

Hoàng Hà - Thanh Toàn - Bắt quyết tội “Lợi dụng ảnh hưởng…” không được, cơ quan tố tụng tỉnh Kiên Giang quay sang bắt tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bản án số 26/2013/HSST ngày 08/4/213 Tòa án tỉnh Kiên Giang tuyên xử phạt NB Đoàn Hữu Hậu 02 hai năm tù giam. Bị Tòa án Tối cao hủy toàn bộ Bản án sơ thẩm, các cơ quan Tố tụng họp bàn phương án khác. CQĐT viết lại Bản Kết luận điều tra, Viện Kiểm sát truy tố, Tòa án xử tội…

Cùng là một sự việc, 2 kết luận đối nghịch nhau.

Kết luận Điều tra thứ 1:

Ngày 13/6 / 2012 CQĐT ra Bản kết luận điều tra số 03 KLĐT-PC46, với phần nhận xét và đề nghị (Trích): “Đoàn Hữu Hậu lợi dụng danh nghĩa Hội viên nhà báo nhận tiền của bà Đinh Ngọc Diễm và Bùi văn Tạo tổng cộng 98.000.000 đồng (trong đó bà Diễm 70.000.000 đồng, ông Tạo 28.000.000 đồng)

Sau đó ông Hậu lợi dụng ảnh hưởng của mình tìm đến những người có chức vụ quyền hạn nhờ những người này giảm nhẹ hình phạt cho Bùi văn Tạo, xử cho bà Đinh Ngọc Diễm thắng kiện. Việc ông Tạo không được giảm nhẹ hình phạt, bà Diễm không thắng kiện là kết quả ngoài ý muốn của Đoàn Hữu Hậu.

Hành vi nói trên của bị can phạm vào tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, được quy định tại Điều 291 của Bộ luật hình sự nước CHXHCNVN…”

Theo đó, Tất cả các văn bản của Viện Kiểm Sát, Tòa án tỉnh Kiên Giang, từ Quyết định khởi tố, Cáo trạng truy tố, Quyết định đem ra xét xử, đều “nhất trí” với tội danh “Lợi dụng ảnh hưởng…”

Ngày 08/4/2013 Tòa án tỉnh Kiên Giang mở phiên xét xử. Đại diện Viện Kiểm sát là Bùi Hải Thủy nhận thấy “khó nuốt” với tội danh này, nên tự ý chuyển sang tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản…” Chủ tọa phiên tòa là Phó Chánh án Đỗ Minh Hùng vẫn tiến hành xét xử. Bản án số 26/2013/HSST ngày 08/4/213 tuyên xử: Bị cáo Đoàn Hữu Hậu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản - xử phạt hai năm tù… Trong khi toàn bộ Bản án không có hành vi nào là gọi là lừa đảo. Bản án còn quy kết cả bị cáo, bị hại đều là đồng phạm... Một kịch bản vụng về, trơ trẽn, lố bịch, đạo diễn tồi.

Ông Đoàn Hữu Hậu kháng cáo Bản án phi lý đó.

Ngày 24/06/2013 Tòa án Tối cao tại TP Hồ Chí Minh xử phúc thẩm. Bản án số 646/2013/HSPT tuyên xử: Hủy toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm của TA tỉnh Kiên Giang, vì vi phạm nghiêm trọng Luật Tố tụng hình sự, trả hồ sơ điều tra xét xử lại từ đầu.

Kết luận Điều tra thứ 2:

Bị hủy án, 3 cơ quan Tố tụng: Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án tỉnh họp lại, đề ra kịch bản mới, trên cơ sở “rút kinh nghiệm” những cái tào lao mà Bản án TATC chỉ ra.

Ngày 03/9/2013 Cơ quan CSĐT ra Bản kết luận điều tra số 09/KLĐT-PC46, với phần Nhận xét và đề nghị khác (Trích): “Đoàn Hữu Hậu lợi dụng danh nghĩa nhà báo dùng lời nói gian dối như hứa giúp cho Tạo được án treo, hứa giúp cho Diễm được thắng kiện, giới thiệu Tạo và Diễm gặp ông Trương Thanh Hùng để tạo lòng tin với Tạo và Diễm. Vì tin nhầm Hậu có thể lo giúp được mình nên khi Hậu yêu cầu Bùi văn Tạo và Đinh Ngọc Diễm đưa tiền cho Hậu để Hậu chạy án thì Tạo và Diễm đưa tiền ngay cho Hậu. Từ đó Hậu đã chiếm đoạt Tạo và Diễm số tiền 98.000.000 đồng. Hành vi nói trên của Đoàn Hữu Hậu đã phạm vào tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại điều 139 BLHS …”

Theo đó Viện Kiểm sát tỉnh Kiên Giang ra cáo trạng số 23/ KSĐT-KT ngày 09/9/2013 với nội dung mô tả như Bản kết luận điều tra. Ngày 16/01/2014 vẫn là ông Bùi Hải Thủy, người đã “tự ý” chuyển đổi tội danh cáo trạng trước đây từ “Lợi dụng ảnh hưởng…” sang tội “Lừa đảo chiếm đoạt…” nay đề nghị Tòa án xét xử sơ thẩm lần 2. Cũng như phiên xử lần trước, Tòa án tuyên: “Phạm tội lừa đảo chiếm đoạt… xử phạt Đoàn Hữu Hậu 2 năm tù giam”, tăng số tiền bồi thường lên 32 triệu đồng (trước là 29 triệu)

CQĐT Công an Kiên Giang ăn nói ngược ngạo

Kết luận trước thì cho rằng “Sau đó ông Hậu lợi dụng ảnh hưởng của mình tìm đến những người có chức vụ quyền hạn nhờ những người này giảm nhẹ hình phạt cho Bùi văn Tạo, xử cho bà Đinh Ngọc Diễm thắng kiện. Việc ông Tạo không được giảm nhẹ hình phạt, bà Diễm không thắng kiện là kết quả ngoài ý muốn của Đoàn Hữu Hậu”. Nghĩa là ông Hậu có ý chí quyết tâm làm cho bằng được. Không đạt được kết quả là ngoài ý muốn. Giờ thì CQĐT viết lại là “Đoàn Hữu Hậu lợi dụng danh nghĩa nhà báo dùng lời nói gian dối như hứa giúp cho Tạo được án treo, hứa giúp cho Diễm được thắng kiện… vì tin nhầm Hậu có thể lo giúp được mình…” 

Cũng là một vụ việc, một bản chất vấn đề, cũng là Điều tra viên Võ Văn Đoàn, cũng là Phó Thủ trưởng CQCSĐT Nguyễn văn Luyện ký, nhưng 2 bản kết luận, trước sau gần như đối lập nhau. Một vụ việc mà “tiền hậu bất nhất”, hai kết luận khác nhau. Trong Công an TP Rạch Giá sau khi đã điều tra xác minh, kết luận đây là giao dịch dân sự, không có dấu hiệu phạm tội. Nhưng CQĐT Công an tỉnh kết luận phạm tội. Lúc đầu thì nói phạm tội “lợi dụng ảnh hường…” Sau lại nói phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt…” Trong khi với 2 tội danh này, nếu có dấu hiệu của tội này, thì không thể phạm tội, tội kia. Thử đặt vấn đề, nếu ông Hậu có phạm, thì tại sao không xử lý Công an TP Rạch Giá đã tội bỏ lọt tội phạm? Vả lại CQĐT Công an tỉnh không xác minh hồ sơ Công an TP Rạch Giá đã làm việc với ông Hậu. Vì khi làm việc với Công an TP Rạch Giá, ông Hậu đã nộp lại tất cả giấy tờ, chứng cứ có liên quan trong vụ án. Nghĩa là đợi đến khi ông Hậu không còn giữ giấy tờ gì tới vụ án, CQĐT mới làm việc. Như trong đơn bà Diễm trình bày, Điều tra viên Võ Văn Đoàn kêu ông Hậu nộp tiền trả lại sẽ hướng dẫn làm đơn bãi nại. Rồi sau khi nộp tiền lại ghi biên bản là chứng cứ tang vật. Vậy thì Điều tra viên dụ dỗ, hay ăn nói ngược ngạo… Tại sao cùng một hệ thống pháp luật, mà mạnh ai nấy làm, và lại kết luận trái ngược nhau (?!)

Cũng cần nói thêm. Trong thời gian khởi tố, trả lời PV báo Nhân dân số ra thứ hai ngày 16 - 4- 2012, Thượng tá Nguyễn Văn Luyện, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm trật tự quản lý kinh tế và chức vụ cho biết: Nếu Hậu nhận tiền mà không gặp những người có chức trách để lo, sẽ bị truy tố tội “lừa đảo”. Nhưng đây, Hậu có lo nhưng không thành, nên truy tố tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” 

Nghĩa là ngay từ đầu CQĐT xác định là không có sự lừa đảo trong vụ án. Thế nhưng tại sao…?

Không có việc lừa đảo chiếm đoạt 

Trước Tòa, phiên xét xử sơ thẩm lần 2, bà Đinh Ngọc Diễm và ông Bùi văn Tạo người “bị hại” thừa nhận là ông Hậu có hướng dẫn, tư vấn giúp đỡ làm thủ tục cho mình và xin giảm nhẹ cho ông Hậu không phải tù tội.

Cả hai sự việc đều thỏa thuận hợp đồng bằng miệng với nhau, không có giấy tờ, chứng cứ nào. Về phía hai người “bị hại” chỉ có lời khai, không nhân chứng. Trong khi ông Đoàn Hữu Hậu có những chứng cứ, nhân chứng chứng minh, đặc biệt là từ đơn yêu cầu của người bị hại, vậy mà không được Cơ quan Tố tụng, Tòa án tỉnh Kiên Giang xem xét, vẫn tiếp tục tuyên xử phạt tù. Thật trớ trêu người bị lừa dối, lừa gạt lại bị Tòa án tuyên phạm tội “Lừa đảo…” Còn kẻ gạt, lừa là người chiến thắng (?!)

Chứng cứ, hành vi trong vụ án không đủ yếu tố cấu thành và cũng không có việc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS”. Nếu xét cho kỷ thì chỉ có lừa dối, lừa gạt. Còn ai lừa ai, ai gạt ai như trên đã trình bày, có lẽ ai cũng biết.

LUẬT SƯ ĐOÀN CÔNG THIỆN 

CHỦ NHIỆM ĐOÀN LUẬT SƯ KIÊN GIANG:

LS Đoàn Công Thiện
Theo Điều 139 BLHS, yếu tố cấu thành tội lừa đảo là phải có ý định chiếm đoạt tài sản trước và bằng thủ đoạn gian dối để người khác tin và giao tài sản. 

Trong vụ án này, bà Diễm, ông Tạo đã chủ động tìm đến anh Hậu trình bày nhờ giúp đỡ, chứ không phải anh Hậu tìm gặp trực tiếp họ để gạ gẩm, đặt vấn đề. Cả hai sự việc anh Hậu đều có thực hiện theo tinh thần đôi bên giao ước, chứ không phải nhận tiền mà không làm. Trường hợp bà Diễm, cơ quan tố tụng không đủ chứng cứ chứng minh rằng anh Hậu nhận tiền mà không làm. Tiễn bà Diễm gửi Hậu trả nợ cũ, hay là đưa tiền “ chạy án”. Nếu là đưa tiền chạy án, thì bà Diễm cũng phạm tội. Trường hợp ông Tạo mức độ hoàn thành công việc không như giao ước, anh Hậu đã gửi trả tiền lại bằng phân nửa số tiền. Không thể nói là lừa đảo.

Cơ sở khoa học giữa 2 tội danh này, không có mối liên hệ, mà là gần như đối lập nhau. Nếu có dấu hiệu của tội danh này, thì không phạm tội tội danh kia. Anh Hậu gặp những người có chức vụ, quyền hạn để đặt vấn đề hướng dẫn làm thủ tục pháp lý đó là đã có hành động làm. Mà có làm thì không thể nói là lừa đảo. Tội “ lừa đảo chiếm đoạt…”là có ý thức từ đầu, dùng thủ đoạn gian dối để lấy tiền người khác, mà không làm. Có làm thì không thể nói lừa đảo./.

Những tài liệu liên quan





(Còn tiếp)



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo