Siêu hạn hán tại đồng bằng sông Cửu Long đe dọa tới an ninh lương thực - Dân Làm Báo

Siêu hạn hán tại đồng bằng sông Cửu Long đe dọa tới an ninh lương thực


Hạn hán đang làm thiệt hại cho ngành nông nghiệp Việt Nam, bao gồm các loại hoa màu như chôm chôm.

Christina Larson * Trần Xuân Bách (Danlambao) dịch - Đợt hạn hán nghiêm trọng nhất từng được ghi nhận tại Việt Nam hiện đang làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng an ninh lương thực. Trong một cuộc họp với các quan chức chính phủ vào tuần sau, các chuyên gia nghiên cứu cùng với văn phòng khu vực Châu Á của Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) tại Hà Nội sẽ công bố các bản đồ cho thấy cách thức và mức độ nguy hiểm mà tình trạng khan hiếm nước và biến đổi khí hậu có thể gây ra đối với các loại lương thực chủ yếu như gạo, sắn, ngô, cà phê và hạt điều trên toàn quốc.

Theo lời ông Brian Eyler, phó giám đốc Chương trình Đông Nam Á của trung tâm Stimson, tại Washington D.C: “Mức độ nghiêm trọng của đợt hạn năm nay sẽ có tác động sâu rộng tới sản xuất nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long”.

Kể từ giữa tháng 3, gần một triệu người tại miền Trung và miền Nam Việt Nam đã chịu cảnh thiếu nước sạch để sinh hoạt, theo một báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc. Các nguồn cung ứng gạo, loại lương thực chính yếu, cũng gặp nguy hiểm. Tình hình xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long đã hủy hoại ít nhất 159.000 héc-ta lúa, và đe dọa thêm 500.000 héc-ta trước khi bắt đầu mùa mưa trong hè này. Chính phủ Việt Nam đã chấp thuận chi 23,3 triệu đô-la từ quỹ hỗ trợ khẩn cấp để đền bù cho các nông dân bị thiệt hại nặng và cung cấp bồn chứa nước cùng các trang bị cần thiết khác. Trong khi đó, Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam đã được huy động để trợ giúp cho các tỉnh nơi mà trạm y tế địa phương đang gặp khó khăn trong việc cung cấp những dịch vụ thiết yếu do thiếu nước ngọt.

Mối quan hiện hiện tập trung vào con sông Mekong (Cửu Long), con đường nước dài nhất của Đông Nam Á và cũng là huyết mạch nuôi sống cho toàn vùng. Con sông này bắt nguồn từ vùng cao nguyên Tây Tạng và chảy xuống phía Nam, qua tỉnh Vân Nam ở miền Tây Trung Quốc, My-an-ma, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, được công bố hồi tháng trước, “Kể từ cuối năm 2015, nước ở vùng hạ lưu sông Mekong đã xuống thấp ở mức kỷ lục trong suốt gần 100 năm qua”. Liên Hiệp Quốc ước tính rằng mực nước chảy qua sông Mekong và các nhánh ở hạ lưu của nó vào hồi tháng trước đã giảm từ 30% đến 50% so với các mức trung bình của tháng 3.

Các mực nước thường sụt giảm vào mùa khô, gây ra tình trạng xâm nhập mặn từ biển vào. Tuy nhiên, theo Liên Hiệp Quốc, vào năm trước, vì lượng mưa thấp một cách bất thường, tình trạng xâm nhập mặn đã bắt đầu sớm hơn 2 tháng – gây ảnh hưởng tới các mạch nước ngầm và ruộng lúa ở xa tới 90km trong đất liền. Phần lớn nông dân trồng lúa trong khu vực có thể trồng và thu hoạch được ít nhất 2 vụ lúa trên nền đất màu mỡ của vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Theo lời ông Eyler, “Thông thường, vào thời gian này trong năm, người nông dân đang canh tác vụ đầu tiên. Nhưng hiện tại, phần lớn các cánh đồng đang khô hạn và đất đai nứt nẻ”.

Một vài yếu tố đã làm giảm lưu lượng nước sông Mekong, trích lời ông Leocadio Sebastian, phụ trách chương trình khu vực của văn phòng Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo Quốc Tế tại Hà Nội. “Hiện tượng El Niño đã góp phần gây ra hạn hán thông qua việc làm giảm lượng mưa, và biến đổi khí hậu có thể còn khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn”. Các con đập ở thượng nguồn, một mối quan ngại đã kéo dài lâu nay tại khu vực Đông Nam Á, cũng đã làm bóp nghẹt lưu lượng. Theo lời ông Sebastian, trong điều kiện dòng chảy bình thường, “nước ngọt của dòng sông sẽ đẩy lùi được một lượng lớn hơn nước mặn trở ra biển”. Trung Quốc, nước vốn chịu sự chỉ trích từ các chuyên gia môi trường về việc xây và cung cấp tài chính cho các đập trên sông Mekong, hiện đang cố gắng xoa dịu tình hình. Theo hãng tin nhà nước - Tân Hoa Xã, nước này đang cho xả nước từ một con đập lớn trên sông Mekong, nằm tại tỉnh Vân Nam, gọi là đập thủy điện Cảnh Hồng, để giảm tình trạng thiếu nước dưới hạ nguồn.

Vào ngày 12 tháng 4, một đội nghiên cứu về bản đồ của CIAT sẽ có cuộc họp với các quan chức Việt Nam về mức độ chịu tác động bởi biến đổi khí hậu. Điểm quan trọng nhất, theo chuyên gia Clément Bourgoin của CIAT, chính là “vùng duyên hải của đồng bằng sông Mekong có thể trở nên kém phù hợp với một số loại hình nông nghiệp”, đặc biệt là trồng lúa gạo, vì nhiệt độ nóng hơn vào mùa hè cùng với xâm nhập mặn do mực nước biển dâng.

Các giống lúa gạo với khả năng chịu mặn và hạn cao có thể sẽ là giải pháp cho người nông dân, nhưng việc sử dụng hạt giống biến đổi “phải đi đôi với” việc thực hiện tốt mô hình hóa khí hậu. Theo ông Sebastian, “Ngay cả giống lúa chịu hạn cũng không có khả năng chịu được các đợt hạn nặng nhất có thể xảy ra”.

06.4.2016





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo