+ Hà Nội:
A) Đài phun nước Bờ Hồ;
B) Nhà Hát Lớn (dự phòng nếu điểm A không tập kết đc)
+ Sài Gòn: Công viên 30/4, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q1.
+ Các tỉnh khác: Bất cứ địa điểm công cộng nào.
+ Đà Nẵng: Công viên 29-3
+ Hải Phòng: Nhà hát lớn TP
+ Tại các tỉnh: Ở bất cứ đâu với bất cứ ai có thể xuống đường với trang phục hay biểu ngữ về môi trường.
*
Chúng ta để lại Việt Nam nào cho con cái?
Đã qua rồi ngày nô nức bầu cử toàn dân.
Đã lắng đọng rồi cơn cuồng nhiệt Tổng thống.
Chỉ còn lại cho chúng ta, gia tài của mẹ là một nước Việt buồn!
Thưa những ông bố, bà mẹ đang hằng đêm mất ngủ không biết giấu con cái mình đi đâu cho thoát khỏi bầu không khí đầy bụi bẩn và thủy ngân ở Hà Nội, bụi chì tại TP Hồ Chí Minh.
Thưa những bạn sinh viên ngày ngày phơi mình dưới cái nắng 42 độ C đến trường và tự hỏi vì trái đất đang nóng lên hay vì hàng nghìn cây xanh đã bị chặt mùa hè trước?
Thưa những người nông dân hết ngoảnh ra đồng ruộng hạn hán lại ngoảnh vào nhìn lũ con thơ. Năm nay mất mùa, năm sau ra sao?
Thưa các chị, các cô nội trợ mỗi sáng đứng tần ngần trước hàng cá mà đành quay lưng bỏ đi dù đã nhớ hương vị cá biển suốt hai tháng nay hoặc cả trăm lần cầm trong tay nắm muối, đưa lên nhìn, ngửi và làm đủ các thí nghiệm không chuyên chỉ để chắc rằng muối nhà mình có còn đủ an toàn?
Và thưa, các bác, các chú, các anh ngư dân, các tiểu thương, các buôn lái cá ở miền Trung.
Thưa các em nhỏ trước vẫn bì bõm nghịch cát ngoài bãi biển và phụ cha mẹ bắt thêm vài con cua, con ốc.
Thật khó khăn và đau đớn khi phải nhắc lại đây những điều mà mỗi người dân ven biển miền Trung đã phải gánh chịu. Ánh mắt đau đáu nhìn ra biển như nhìn vào tương lai bất định, hay nhìn vào rổ cá, vào ghe thuyền tìm kiếm câu trả lời mà sự nhỏ bé của mỗi người nào có đủ khả năng. Càng khó khăn hơn để hình dung ánh mắt của những đứa con khi nhìn lên bàn thờ cha/mẹ chúng đã qua đời chỉ vì ăn phải tôm cá độc hay do lặn xuống vùng biển Vũng Áng.
Có lẽ chưa bao giờ nỗi sợ hãi trong mỗi chúng ta lại hiện hình rõ vậy, nó hiện hình mỗi khi chúng ta ăn, mỗi khi chúng ta đi ra đường, mỗi lần chúng ta có ý định đến một bãi biển để tắm. Nó còn hiện hình rõ hơn nữa mỗi lần chúng ta ngắm nhìn lũ trẻ của mình, tương lai nào đang chờ đợi chúng?
Chúng ta đã từng nghĩ rằng chúng ta sống lương thiện, không động chạm đến ai, cố gắng kiếm tiền lo cho con cái, vun vén cho gia đình, cho những mục tiêu cá nhân là đủ.
Nhưng thời gian qua, tai họa xộc thẳng vào trong biết bao gia đình, bao giờ đến gia đình ta? Mọi người ạ, đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại.
Có lẽ chúng ta có thể bảo nhau cách phân loại rác thải, chúng ta có thể chỉ cho nhau xem nên trồng thêm cây ở đâu, như thế nào để lớn nhanh và nhanh chóng cho bóng mát. Chúng ta cũng có thể từ chối sử dụng túi nilon, hạn chế đi xe máy, ô tô nhiều nhất có thể,... Có rất nhiều việc mà chúng ta có thể làm và chúng đều tốt cả. Nhưng đã đủ chưa?
Chúng ta có thể làm tốt, nhưng hàng ngàn doanh nghiệp, nhà máy vẫn đang thải ra môi trường cả tấn chất độc mỗi ngày. Ta có thể chăm chút cho vài cái cây ta trồng, nhưng chỉ bằng một con dấu, nguyên cả khu rừng, nguyên cả thành phố có thể trụi lụi chỉ trong một tháng. Còn vô số điều khác nữa mà ta tốt thôi cũng chưa đủ.
Môi trường là vấn đề không của riêng ai, bởi lẽ chúng ta hít chung một bầu không khí, dùng chung một biển Đông, dùng chung một nguồn nước. Chúng ta đứng chung dưới một mặt trời mà nếu chẳng may có một lỗ thủng nhỏ, 94 triệu người dân Việt Nam ta đều có xác suất ngang nhau để mắc phải ung thư da, ung thư mắt.
Hơn nữa, môi trường không chỉ là vấn đề của hiện tại. Chúng ta yêu nhau, cưới nhau, sinh con đẻ cái và đặt biết bao yêu thương và kỳ vọng vào chúng. Nhưng chúng ta thực sự để lại được gì cho chúng? Những dòng sông khô cạn? Những bãi rác khổng lồ? Các khu rừng trơ trụi? Hàng loạt làng ung thư? Hay một vùng biển chết?
Hẳn là không ai trong chúng ta muốn điều đó, dù chỉ là trong suy nghĩ. Và vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần ngồi lại với nhau để quyết định xem ta sẽ để lại gì cho con cháu mình. Đã đến lúc chúng ta thúc giục nhau bảo vệ môi trường như thể bảo vệ mạng sống. Đã đến lúc chúng ta nhắc nhở nhau gìn giữ môi trường trong từng câu chuyện, từng bữa cơm. Đã đến lúc chúng ta cùng nhau chống lại kẻ hủy hoại môi trường như thể chống giặc ngoại xâm.
Mọi người ơi, đã đến lúc chúng ta cần hành động!
Bởi lẽ đó, Green Trees với tư cách là một tổ chức xã hội dân sự về môi trường, bất chấp các thách thức, quyết định đứng ra kêu gọi và tổ chức một cuộc tuần hành rộng khắp cả nước nhân ngày Quốc tế Môi trường – ngày 5/6/2016.
Ngày Quốc tế Môi trường ra đời cũng nhằm mục đích cùng nhau hành động vì môi trường trên Trái Đất. Được ấn định từ năm 1972 bởi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, mà trong đó Việt Nam là một thành viên. Đây là ngày kỷ niệm lớn nhất về môi trường hàng năm. Và vì vậy mà nó là dịp tốt nhất, đẹp nhất, phù hợp nhất để chúng ta làm những việc chúng ta nhắc tới ở trên.
Cuộc tuần hành có tên: Vì Một Việt Nam Xanh – Cần hành động.
Dù bạn là người Việt Nam hay người nước ngoài và thuộc bất cứ tổ chức xã hội nào. Hãy cùng nhau mặc trang phục có hai màu xanh lá cây và xanh đại dương thanh thản dạo bước xuống đường. Nếu vì lý do bất khả kháng không thể ra ngoài, các bạn có thể chụp ảnh ở nhà rồi gửi lên Fanpage Green trees để hiệp thông với mọi người.
Thông điệp: OUR FUTURE IN OUR HANDS – Tương lai nằm trong tay chúng ta.
Cuối cùng, mọi người ơi! Vì hôm nay và vì mai sau, chúng ta cần hành động!
Hà Nội:
A) Đài phun nước Bờ Hồ;
B) Nhà Hát Lớn (dự phòng nếu điểm A ko tập kết đc)
Sài Gòn: Công viên 30/4, phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q1.
Các tỉnh khác: Bất cứ địa điểm công cộng nào.
Đà Nẵng: Công viên 29-3
Hải Phòng: Nhà hát lớn TP
Tại các tỉnh: Ở bất cứ đâu với bất cứ ai có thể xuống đường với trang phục hay biểu ngữ về môi trường
https://www.facebook.com/events/280061275671365/
https://www.facebook.com/events/280061275671365/