Cuộc độc diễn "cướp chính quyền" của Việt Minh ngày 19/8/1945
Mai Tú Ân (Danlambao) - Không hề hạ thấp giá trị của ngày Tổng Khởi Nghĩa 19/8/1945 cũng như ngày Lễ Độc Lập 2/9/1945 của Việt Minh nhưng cũng cần đưa những giá trị lịch sử về đúng chỗ của nó. Bởi đó mới là Lịch Sử.
Lâu nay sử sách lề phải luôn dạy học sinh rằng, đảng cộng sản đã lãnh đạo quần chúng nhân dân đứng lên Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền, xóa bỏ chế độ thực dân Pháp, rồi Phát xít Nhật, một cổ hai tròng v.v... Vậy chúng ta sẽ xem xét sự kiện này qua con mắt lịch sử nhé.
Có hai điều cực kỳ quan trọng đã không được đưa một cách cố ý vào sử sách về sự kiện trên nên đa phần các học sinh không biết gì, và thậm chí cả các giáo sư, tiến sĩ hay các nhà này nhà nọ cũng ù ù cạc cạc.
Thứ nhất đó là hoàn toàn không có thực dân Pháp nào trên toàn cõi Đông Dương vào thời điểm xảy ra cuộc cướp chính quyền của Việt Minh ngày 19/8/1945 cả. Những người Pháp có mặt ngày ấy thì chỉ có những người Pháp dân sự, đàn bà và trẻ con và tất thảy đều vừa thoát khỏi cảnh trốn chui trốn nhủi được vài ngày. Còn người Pháp trong bộ máy cai trị của Pháp, như quân đội, cảnh sát, thuế quan... thì đều đã tan rã hoàn toàn từ mấy tháng trước. Khi ngày 9/3/1945 Người Nhật bất ngờ tấn công, bắt tù binh và tàn sát đẫm máu tất cả, đánh sập toàn bộ hệ thống cai trị của Pháp. Chỉ có một số dân sự Pháp, cùng các đơn vị quân đội thuộc lẻ tẻ, tàn quân của các đơn vị thuộc địa chạy thoát Trung Quốc... Toàn quyền Đơ Cu cùng toàn bộ lãnh đạo Đông Dương đều bị bắt sống và ở hết trong tù của người Nhật vào thời điểm Cách Mạng 19/8/1945. Thậm chí cũng chưa có tù binh người Pháp nào trên toàn thể Đông Dương được người Nhật phóng thích chỉ vài ngày sau khi Nhật Hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng (15/8/1945). Tôi xin nhấn mạnh là ngày 19/8/1945 không hề có người Pháp nào thuộc bộ máy cai trị có mặt ở Hà Nội. Không hề có.
Cũng trong thời gian đó, quân đội Nhật đồn trú ở Việt Nam, choáng váng với 2 quả bom nguyên tử thả xuống nước họ ngày 6-9/8 và với lệnh đầu hàng của Nhật Hoàng Hirohito 15/8/1945. Thì tất cả lực lượng quân sự của Nhật đều ở trong trại.
Do vậy ngày 19/8/1945 hoàn toàn không có một người nào trong cái gọi là Thực dân Pháp và Phát xít Nhật có mặt trên đường phố Hà Nội cả. Người Pháp thì vẫn ở trong tù, chỉ sau khi quân Anh vào giải giới quân Nhật từ vĩ tuyến 16 trở vào ngày 29/8/1945 thì người Nhật mới bàn giao trả tự do cho tù binh Pháp. Cũng có một vài cuộc nổi loạn lẻ tẻ của tù bịnh ở các trai tù Sơn La, Đồng Đăng và có vài tù nhân trốn thoát. Nhưng lúc cách mạng 19/8/1945 nổi lên thì những người Pháp vượt ngục này vẫn còn chui nhủi trong rừng Tây Bắc.
Phần quân đội Nhật Bản thì vì là hàng binh nên được lệnh cấm trại tuyệt đối, và chờ quân Tàu Tưởng vào giải giáp từ vĩ tuyến 16 trở ra.
Đó là điều mà tôi bảo đảm tuyệt đối.
Còn điều thứ hai mà lịch sử che giấu là nước Việt Nam ta đã được độc lập trước đó rồi. Ngày 11/3/1945 được người Nhật, sau khi lật đổ chế độ thực dân Pháp, chính thức trao trả độc lập cho Việt Nam thì Hoàng Đế Bảo Đại đã làm lễ tế tổ tông và tuyên cáo Độc Lập ra toàn cõi về một quốc gia mới.
Đó là quốc gia độc lập có tên là Đế Quốc Việt Nam, thống nhất ba miền làm một. Đây là một nền độc lập với thể chế nghị viện và Hoàng gia chỉ là hình thức kiểu như của các nước Nhật, Anh quốc, Thái Lan. Cũng nói thêm đây chính là lúc đất nước Việt Nam được độc lập với tất cả lãnh thổ quốc gia rộng lớn nhất, bao gồm cả Hoàng Sa... điều mà khó có chính quyền nào sau này tự hào hơn được.
Lá cờ chính thức là Cờ Quẻ Ly, tiền thân của các lá Cờ Vàng ba sọc đỏ, cờ chính thức của ba chế độ không CS sau này như Quốc Gia Việt Nam 1949 - 1955, Đệ Nhất Cộng Hòa 1955-1963 và Đệ Nhị Cộng Hòa 1963-1975.
Về vị Thủ Tướng đầu tiên của chính quyền này thì thoạt đầu vua Bảo Đại đã mời nhà chí sĩ Ngô Đình Diệm đứng ra lập chính phủ (TTg) nhưng ông Diệm đã từ chối, và nhà sử học Trần Trọng Kim, đứng đầu một chính phủ gồm toàn những trí thức, học giả danh tiếng thời đó như:
Bác sĩ Trần Đình Nam (Bộ Nội Vụ), Ts luật Trần Văn Chương - Bộ Ngoại giao và là thân sinh ra bà Trần Lệ Xuân, vợ ông Ngô Đình Như sau này, Ts luật Trịnh Đình Thảo - Bộ trưởng Tư pháp, Ts Luật Vũ Văn Hiền - Bộ trưởng tài chính, Gs Hoàng Xuân Hãn - Bộ trưởng giáo dục, Lưu Văn Lang - Kỹ sư bách nghệ Bộ trưởng Công chính, Nguyễn Hữu Thi - Bác sĩ, đại thương gia, Bộ trưởng tiếp tế, Phan Anh - Luật sư, Bộ trưởng Thanh niên.
Ngoài ra còn có nhiều nhà trí thức có tiếng tăm cùng tham gia chính quyền như: Phan Kế Toại (Khâm sai Bắc bộ), Bác sĩ Trần Văn Lai (Thị trưởng Hà Nội), Phó bảng Đặng Văn Hướng (Tỉnh trưởng Nghệ An), Phó bảng Hà Văn Đại (Tỉnh trưởng Hà Tĩnh), Giáo sư Đặng Thai Mai (Tỉnh trưởng Thanh Hóa), các ông Hoàng Đạo Thúy, Tạ Quang Bửu, Trần Duy Hưng, Nguyễn Xiển, Vũ Văn Cẩn, Ngụy Như Kontum, Giáo sư Nguyễn Lân (Thị trưởng Huế) và là cha đẻ của các con trai tên tuổi sau này như Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Lân Hùng...
Mặc dù tồn tại trong một thời gian ngắn ngủi, nhưng chính phủ này cũng đã làm được một số việc quan trọng như: tuyên bố nước Việt Nam độc lập, hủy bỏ Hiệp ước Bảo hộ 1884 (Hòa ước Patenôtre), thành lập Đế quốc Việt Nam, thống nhất về mặt danh nghĩa, đưa đất Nam Kỳ trở lại với nguồn cội Việt Nam, thay chương trình học bằng tiếng Pháp chuyển sang học bằng tiếng Việt, hành chánh được cải tổ với việc dùng chữ Việt trong tất cả các giao dịch của chính phủ.
Quan hệ với nước Nhật thì bị cho là bù nhìn cho Nhật nhưng kể cả Hoàng Đế Bảo Đại cho tới chính phủ Trần Trọng Kim thì đều không thân thiện với người Nhật, mặc dù điều kiện duy nhất mà người Nhật đặt ra, là ở trong Khối Đại Đông Á. Nên mặc dù Nhật đã trao hoàn toàn độc lập nhưng đáng tiếc chính phủ Đế Quốc Việt Nam lại từ chối thành lập Bộ Quốc Phòng, từ chối thành lập quân đội quốc gia. Không có quân đội, Đế Quốc Việt Nam sụp đổ chỉ bởi một nhóm cơ hội CS...
Và đấy cũng là điểm yếu căn bản của nền độc lập này, vì ngày 19/8/1945 khi nhân dân Hà Nội tổ chức diễn hành để chào mừng nền độc lập của Đế Quốc Việt Nam thì bỗng có lá cờ đỏ sao vàng buông xuống từ mặt tiền, một đôi trai gái giật micro và kêu gọi ủng hộ Việt Minh.
Xin thưa rằng trong không khí những ngày sục sôi đó thì treo lá cờ nào, lên diễn đàn nói gì thì cứ nói. Chẳng ai bắt tội cả. Đoàn người sau mít tính đã kéo đến tòa nhà Bắc Bộ Phủ. Khâm sai đại thần Phan Kế Toại đi vắng, đội lính lệ mở cửa cho một số đông người vào cửa chính đưa thư đòi giải tán. Vì theo nguyên tắc mà Đồng Minh đã đặt ra là tất cả các chính quyền do người Nhât lập ra ở các vùng họ xâm lược đều không có giá trị, phải giải tán.
Ấy thế mà sau này sử dạy, rồi có cả hình chụp là nhân dân đã ùn ùn trèo qua hàng rào sắt. Có lẽ những tay thợ chế lịch sử đảng CSVN sau này đã bê nguyên si hình ảnh cuộc tấn công Cung Điện Mùa Đông bên Nga cho nó có vẻ hoành tráng, đầy tính cách mạng, cho nó có vẻ như phá ngục Bastile chăng...
Tóm lại đó là một cuộc cách mạng chẳng ai chết, không có một phát đạn nào và chỉ diễn ra thành công ở duy nhất ở Hà Nội. Ông Hồ Chí Minh cùng các đầu lãnh còn không ngờ tới thành công này khi ngày 19 đó họ còn ở tuốt trên rừng và chỉ sau khi nhận được tin báo thành công, thì các đầu lĩnh mới vào Hà Nội, ở nhờ nhà bà địa chủ Nguyễn Thị Năm, người sau này bị xử vắn trong vụ Cải Cánh Ruộng Đất. Còn ở Sài Gòn thì lộn xộn nhưng do các sứ quân chớp thời cơ không ai coi cả nên làm chiếm lấy. Còn tại kinh đô Huế thì mặc dù không có lính bảo vệ vì có một số lính ngự binh thì rút vào thành để bảo vệ Hoàng Gia, nhưng cách mạng cũng không nổ ra và kinh đô cũng không bị thất thủ.
Nhưng thời mạt mới thấy quân trung. Thế là xuất hiện ngay một phản thần Phạm Khắc Hòe, Ngự tiền Đổng lý văn phòng Bảo Đại là một Việt Minh cài vào. Ông này liên tục thi hành lệnh từ Hà Nội và luôn dọa dẫm Hoàng Đế và Hoàng Gia theo kiểu thổi lỗ tai tung tin vịt. Theo cuốn hồi ký Từ kinh thành đến chiến khu... thì ông ta cứ kể cho Bảo Đại về cái chết của vua Louis thứ 16 và Hoàng hậu Marie Antoinette. Nhất là ông ta lợi dụng việc đánh bài với bà Từ Cung để kể tỉ mỉ về chuyện máy chém đoạn đầu đài đẫm máu của vợ chồng vua Pháp cho hai bà trong cung, là Bà Từ Cung, mẹ Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương khiến cho hai bà yếu bóng vía này, không suốt ngày cầu Phật thì cũng cầu Chúa (bà NPHH) khiến không khí trong thành Nội như có ma ám.
Quả là thần diệu. Chỉ có hai bà Hoàng rỉ tai đêm ngày mà cuối cùng Việt Minh được lợi. Trong khi chẳng có ai bên cách mạng đến gõ cửa thành Ngọ Môn thì Hoàng đế Bảo Đại qua cận thần phản trắc Phạm Khắc Hòe đã gửi điện mừng và mời phái đoàn chính phủ ở Hà Nội vào Huế để nhận đầu hàng, ấn kiếm. Và thế là vua Bảo Đại, đã tự nguyện trở thành vị vua cuối cùng của triều đại Nguyễn lừng lẫy khi ra chiếu tuyên bố thoái vị ngày 24/8/1945 và toàn cõi VN đã tuân theo. Trong chiếu thoái vị đọc trước vài vị đại diện Việt Minh vừa từ HN vào có đoạn như sau:
"Đáp ứng lời kêu gọi của Ủy ban Cách mang, tôi sẵn sàng thoái vị. Trước giờ quyết định này của lịch sử quốc gia, đoàn kết là sống, chia rẽ là chết. Tôi sẵn sàng hy sinh tất cả mọi quyền lợi, để cho sự đoàn kết được thành tựu, và yêu cầu đại diện của Ủy ban (Việt Minh) sớm tới Huế, để nhận bàn giao."
Đổng lý Phạm Khắc Hòe thảo chiếu thoái vị, với câu nói nổi tiếng mà ông Hoàng đã đọc những ngày sôi nổi ấy: "Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị."
Ngày 2/9/1945, ông Hồ Chí Minh đã đọc tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước VNDCCH như ngày nay. Tất cả đều xuất phát từ việc lợi dụng một cuộc mít tinh mừng Độc Lập của Đế Quốc Việt Nam để biến thành một cuộc cách mạng "long trời lở núi", một cuộc cướp chính quyền với không có đối thủ và đã thành công. Nếu có kể công thêm thì có thể kể thêm một ông Hoàng hèn nhát, hai bà Hoàng yếu bóng vía và một kẻ đại phản thần Phạm Khắc Hòe...
Tất cả chỉ có thế, và chỉ có thế mà thôi.
18.08.2016