Gửi tiền trong ngân hàng Việt Nam còn an toàn? - Dân Làm Báo

Gửi tiền trong ngân hàng Việt Nam còn an toàn?

Bóng ma tin tặc trong ngân hàng Việt Nam

Trần Nguyên Thao (Danlambao) - Tầu cộng đã dùng “nội gián kế” trong binh pháp Tôn Tử [1], cài người vào rất nhiều lãnh vực, riêng hệ thống điện toán, mới lộ ra sau lần “ra quân” mang tính diễn tập đứt quãng từ cuối tháng 7 kéo dài đến cuối tháng 8 vừa qua. Trong các lần đánh thử, khi riêng rẽ, lúc dính chùm, Tầu cộng đã làm chủ tình thế toàn hệ thống điện toán của Việt Nam Airlines cùng lúc với hệ thống truyền thanh hai phi trường lớn nhất Việt nam. 

Sau đó là các trận đánh vào khối Tín Dụng Ngân Hàng Thương Mại (NHTM) Việt Nam, khiến Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) Việt Nam cuống cuồng la lối các NHTM là “thiếu bảo mật”. Gần một tháng sau, Thủ Tướng Phúc mới ra văn thư đòi bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán của hệ thống ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng Việt Nam.

Lần sơ lại các sự kiện: cuối tháng 07 vừa qua, hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bị nhóm tin tặc 1937cn Tầu cộng tấn công vào hệ thống điện toán điều hành, ảnh hưởng đến 100 chuyến bay, bí mật của hàng trăm ngàn hành khách của công ty Vietnam Airlines bị tin tặc đánh cắp. Website của nhóm 1937cn bằng Hoa ngữ thanh minh “quy chụp cho chúng tôi tấn công trên mạng là thiếu tính khoa học”. Về phía Hanoi thì bảo là “sự việc đang trong quá trình điều tra, nên chưa thể cung cấp thông tin”. 

Đầu tháng 8, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) yêu cầu hệ thống ngân hàng thương mai “Tăng cường các biện pháp an ninh, phát hiện và xử lý các lỗ hổng, bảo mật hệ trong thống công nghệ thông tin”. 

Giữa tháng 08, một khách hàng của Vietcombank, bị tin tặc tấn công lấy mất 500 triệu đồng trong thẻ ATM. 

Cuối tháng 08, ngân hàng Thinh Vượng (VP Bank), bị khách hàng tố cáo làm “26 tỉ đồng trong tài khoản biến mất”, khách hàng nạn nhân là một công ty đầu tư & phát triển. 

Nêu lên các sự kiện này để thấy mức an toàn trong hệ thống điện toán nói chung, cũng như hệ thống điện toán tại các ngân hàng thương mại Việt Nam đang bị đe dọa. Chiến tranh du kích trên mạng điện toán tại Việt Nam đang bị kẻ thù phương Bắc tấn công, nhằm “tập trận”cho cuộc chiến tài chánh quy mô được điều phối nhịp nhàng với mặt trận tiền giả, cũng đang công khai rao bán lẻ tẻ trên Facebook, sẽ đồng khởi khi đúng thời điểm. 

Trước đó, 22-08, Bắc kinh đã cho tập trận bắn đạn thật ngay tại vịnh Bắc Bộ [2]. Các sự kiện đã phối hợp nhịp nhàng trong cùng một chuỗi áp đảo Dân Tộc Việt Nam của cả hai đảng Việt cộng và Tầu cộng.


Vào dịp ông Nguyễn xuân Phúc, Thủ Tướng Việt cộng duyệt hàng quân danh dự với người đồng nhiệm trong chuyến thăm Trung cộng 6 ngày, khởi đầu hôm 10-09, riêng về thương mại, ông Phúc kêu gọi Bắc Kinh “xuất sang Việt Nam những hàng hóa có chất lượng cao hơn, nguồn gốc rõ ràng, cũng như bảo đảm mặt an toàn, vệ sinh của các loại thực phẩm”. 

Hai ngày sau, với toan tính trước, Bắc Kinh “hồi đáp” bằng cuộc tập trận với Nga, kéo dài 8 ngày, từ 12-09, nhằm “thao diễn chiến thuật chiếm hải đảo” [3] ngay tại Biển Đông, nơi hai bên đang tranh chấp chủ quyền. Lần thao diễn này có sự phối hợp của Hải quân và Thủy Quân Lục chiến hai nước, trang bị võ khí hạng nặng và tầu ngầm... Phía Nga còn xác đinh “đứng cùng chiến tuyến với Trung cộng trong tranh chấp Biển Đông”. Hanoi cảm thấy ra sao khi “đàn anh 16+4” cùng với “ông thầy Nga” hành động “vỗ mặt” chế độ trước toàn thế giới!

Chiến tranh tài chánh trên mạng điện toán, khi khởi đầu quy mô, thì hầu như trong chớp nhoáng, có thể làm tê liệt toàn hệ thống giao dịch tài chánh ngân hàng thương mại của nước bị tấn công. Trong lần đánh thử vừa qua, tin tặc Tầu cộng đã tấn công các máy vi tính (cyber attacks), và lấy trọn các dữ kiện thông tin của 411 ngàn cá nhân hay đại diện các cơ quan mua vé máy bay trên website Vietnam Airlines bằng thẻ tín dụng. Nhiều hành khách là quan đỏ bị tin tặc gom nguyên các thông tin cá nhân, chức vụ, nhiệm vụ và cơ quan làm việc. Thẻ tín dụng cấp trước đó, được khách hàng dùng mua vé máy bay qua Website Vietnam Airlines đã bị các ngân hàng vô hiêu hóa.



Chuyên gia đầu tư và tài chánh trong giới ngân hàng thương mại hay ngân hàng trung ương của nhiều nước cho hay, thiếu “nội gián” khó mà làm nên cơm cháo gì. Yếu tố “tay trong và thiếu phòng gian, bảo mật”, đưa tới các cuộc tấn công dễ dàng vào hệ thống điện toán. 

Nhóm tin tặc 1937cn của Tầu cộng bị nêu đích danh chủ mưu cuộc tấn công hai phi trường Nội Bài và Tân Sơn Nhất cuối tháng 07. Như vậy trong cơ cấu điều hành điện toán của Vietnam Airlines có nội gián Trung cộng “mở cửa” theo chỉ thị từ gốc, để bọn tin tặc làm chủ tình thế suốt 90 phút. Các màn hình và loa phóng thanh tại hai phi trường đều loan truyền các thông tin kích động, xúc phạm Việt Nam và Philippines, xuyên tạc nội dung về Biển Đông. Theo các chuyên gia an ninh, trang 1937cn.net được lập ra với mục đích khiêu khích tấn công vào các website của Việt Nam. 

Một sự kiện khác, báo chí của cộng đảng cũng nhìn nhận, trước đây tại nhiều nơi khác nhau, hiện tượng bị cướp làn sóng phát thanh đã xẩy ra nhiều, nhưng bị lâu nhất là ngày 27-08, “đài phát thanh Hội An, tỉnh Quang Nam bị tin tặc cướp làn sóng để phát thanh toàn tiếng Tầu suốt 30 phút” [4].

Tuy nhiên, nhóm 1937cn, khó mà làm nên cơm cháo gì, nếu không có tay trong. Việc nội gián còn cho thấy hàng chục năm nay, 90% các dự án lớn của Việt Nam đều vào tay nhà đầu tư Trung cộng. 

Trong chiến tranh quân sự hay kinh tế, kẻ nội thù có thể là một phụ nữ trẻ đẹp, thi hành mỹ nhân kế hay một nhân viên làm nội gián, đưa tin tức để mở đường cho các cuộc tấn công từ bên ngoài, kể cả việc giành thị phần trong thương trường hay các dự án kỹ nghệ. Bên ngoài Bắc Kinh tiếp tục ve vãn bằng “16 chữ vàng, 4 tốt”, nhưng đàng sau, họ âm thầm cho Hanoi “vào rọ” qua kế “tiếu lý tàng đao” [5]

Ngay sau khi các vụ hacker lấy mất tiền tại các ngân hàng, giới chuyên gia tài chánh trong nước cảnh báo, về kẽ hở lớn, nguy cơ niềm tin của người dân đối với các ngân hàng bị lung lay và tiền của người Việt sẽ chảy vào các ngân hàng nước ngoài. 

Khi rà soát lại quy trình giao dịch, các ngân hàng phải xem xét lại trình độ nghiệp vụ của nhân viên, đặc biệt việc triển khai chính sách chăm sóc khách hàng VIP của ngân hàng.

Các ngân hàng không thể thoái thác trách nhiệm, với một thông cáo ngắn gọn “đã thực hiện đúng quy trình” để đùn đẩy lỗi lầm, mà ngân hàng làm mất tiền phải bồi thường cho người gởi tiền trước các công việc khác.

Cựu Thống đốc NHNN, ông Cao Sỹ Kiêm được báo đảng hôm 25/8 dẫn lời: "Nếu tiền bốc hơi mà không có chữ ký của khách hàng, ngân hàng phải trích từ quỹ rủi ro bồi thường trước, lỗi của ai sẽ làm rõ sau đó”.


Bà Trần Thị Thanh Xuân, giám đốc công ty đầu tư và phát triển Quang Huân - khách hàng của VPBank và là nạn nhân trong vụ mất 26 tỷ, ngày 24-08, khẳng định “có sự câu kết của nhân viên VPBank với nhân viên Công ty Quang Huân, gây ra thiệt hại cho công ty của bà, nhưng ngân hàng VPBank cố tình đùn đẩy trách nhiệm”.

Nhiều báo trong nước trong đó có Tuổi Trẻ Online, Zing.vn đều đăng tin về tiền giả rao bán công khai trên Facbook.

Đối với từng lớp tư bản đỏ, họ gần như đem hết tài sản quốc gia, gom được từ nhiều năm làm tham quan cùng với gia đình dự tính ra nước ngoài sinh sống. Cuối tháng 8, báo Dân Trí dẫn nguồn Bộ Tư pháp [6], nói, chỉ trong năm 2015, có 4, 474 người bỏ quốc tịch Việt Nam sang nước khác sinh sống. Chưa kể trên mười ngàn cuộc hôn nhân với người nước ngoài, cũng như những người bỏ nước ra đi, nhưng vẫn còn giữ quốc tịch Việt Nam. Gần đây, việc đại gia Trương Đình Anh, chủ tịch tập đoàn FPT đưa cả gia đình qua Mỹ sống; rồi đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường có quốc tịch Malta…

Trên trang điện tử, từng đăng biết bao nhiêu vụ quan chức tham nhũng tiêu pha, ăn xài như vua; Còn có cả hình ảnh của một phụ nữ 40 tuổi, ở tinh Sơn La, chết vì lao phổi, nghèo đến độ gia đinh phải bó xác của bà trong manh chiếu! (BBC, 15-08) 

Ông Trịnh Xuân Thanh, Đai Biểu Quốc Hội, Phó Chủ Tịch Tỉnh Hậu Giang, rời Việt Nam bí ẩn, đang ở một nước Tự Do, công khai bỏ đảng, vì "không còn tin vào sự lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư". 

Theo báo mạng, vụ ông Thanh “còn có nhiều uỷ viên Bộ Chính Trị khác liên quan”. Ông Thanh tố ngược TBT Trọng từng nhận hối lộ nhiều lần dưới hình thức quà biếu từ xưa. Vụ gần đây là tượng HCM đúc bằng vàng, được trao tay khi ông Trọng thăm Formosa cuối tháng 04-2016, trong vụ thảm họa môi trường biển Miền Trung. Do đó, ông Thanh thách thức TBT Trọng đối chất về tham nhũng trong một phiên tòa công khai [7], có luật sư, báo chí và đại diện nhân quyền quốc tế. 

Ông Thanh được Blog Người Buôn Gió yểm trợ. Cả hai “so găng” không cân sức với đảng csVN. Cuộc chiến kéo dài 10 ngày. Cả làng báo đảng được lệnh nhập cuộc gặp đâu đánh đấy. Phía ông Thanh tung ra tòan đại pháo. Hanoi cho hưu chiến ngày 13-09. Hôm sau Người Buôn Gió “đáp lễ” bằng bài thứ 15 – phần kết, mang nội dung lạc quan về cuộc sống mới của “thân chủ”. 

Bực bội vì “con mồi” đang nhởn nhơ ngòai “tầm với”, Hanoi đưa ra lệnh truy nã quốc tế đối với ông Thanh. Nhưng nếu quốc gia ông Thanh đang tá túc, không ký hiệp ước dẫn độ với Việt Nam, thì lệnh truy nã, dẫn độ chỉ để chữa thẹn cho chế độ.

Trong cộng đảng, rất nhiều người đã đặt đầu mối ở nước ngoài, sẵn Visa. Họ dễ dàng rời Việt Nam khi hết thời ăn bẩn. Tổng số sinh viên, học sinh Việt Nam, phần lớn là con đảng viên và thân thuộc ở nước ngoài là 110 ngàn; riêng tại Mỹ đã chiếm tới 19 ngàn từ tiểu học đến hậu đại học [8]. Số liệu này chỉ cho riêng năm 2015. Du học sinh đi học nước ngoài khá tốn kém. Phải là thứ tư bản đỏ, hay sân sau lắm tiền, nhiều của mới dám cho con cái đi du học. Đó là những bằng chứng rõ ràng cho thấy sự chuẩn bị tháo chạy khỏi Việt Nam khi có biến động hay lúc phe nhóm họ mất quyền. 

Tình trạng Viêt Nam như diễn tả là hiện tượng nền kinh tế đang “mất máu”, vì cả đảng cầm quyền tham nhũng có hệ thống cả chục năm nay. Tiền vơ vét của dân làm của riêng lại được chuyển ra khỏi nước.

Những kẻ chóp bu ở Hà Nội sẽ làm gì trong tình huống dở khóc, dở cười : tiền thì chả còn bao nhiêu, lại bị đàn anh Phương Bắc tấn kích và làm nhục tứ bề. Cảnh túng quẫn đang hối thúc từng ngày và những cơ hội mới đầy mầu mỡ như TPP lại chưa đến. Thành ra phải xoay qua moi túi các nhóm không cùng phe phái, gây ra cảnh ám toán lẫn nhau, đấu đá khốc liệt ngay trong nội bộ đảng.


Đối với đa số dân chúng, nạn nhân của chế độ tàn ngược, từ thiếu hiểu biết, viễn kiến về nguồn Cửu Long đưa đến Miền Tây ngập mặn; đến lòng tham quá độ trong thảm họa Formosa xả độc, đang được Hanoi mua thời gian để cho “chìm xuồng”; lại đến Khu Liên Hợp luyện thép Hoa Sen ở Cà Ná, Ninh Thuận được hưởng nhiều ưu đãi, đang manh nha thành hình. Vào lúc dư luận hoang mang phản đối, Hanoi vội ra lệnh cho báo chí không được bàn tán gì tới dự án Hoa Sen, Ca-ná nữa, để cũng như Formosa, bằng mọi giá, Hanoi âm thầm cho Hoa Sen đi vào hoạt động, nhằm thu thêm tiền nuôi chế độ. 

Hồi tháng 5, Hanoi tung bong bóng về kế hoạch huy động 500 tấn vàng trong dân chúng, dự tính đó bị dân chúng cảnh giác, khó thi hành. Nay quá bí, rất có thể tiền gởi trong ngân hàng Việt Nam, của mọi thành phần kể cá các tôn giáo, coi chừng bị chế độ dòm ngó và có ngày họ ra tay qua một vụ “hacker”. Trong tình huống này, dù điều nhơ nhuốc đến đâu cũng có thể được Hanoi toan tính.

18/9/2016


Nội gián kế trong chương 13 của Binh Pháp Tôn Tử.
Tiếu lý tàng đao (dấu đao sau nụ cười), là mưu mô thứ 11 trong 36 chước.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo