Hành trình về dân chủ đa nguyên - Phần 5: Tam quyền phân lập - Dân Làm Báo

Hành trình về dân chủ đa nguyên - Phần 5: Tam quyền phân lập



Bùi Quang Vơm - Mặc dù thế giới đã từng có các chế độ Cộng Hoà như thành bang Athène và cộng hoà Rôma, tồ̀n tại từ 509 - 44 trước công nguyên, cho đến trước các cuộc cách mạng dân chủ tư sản vào cuối thế kỷ 18, có thể nói, lịch sử loài người trong gần hai nghìn năm, nằm dưới chế độ quân chủ tuyệt đối, hay còn gọi là quân chủ chuyên chế.

Trong chế độ quân chủ tuyệt đối, mọi quyền lực nhà nước đều tập trung trong tay nhà Vua. Ý chí của Vua là luật. Mọi công cụ quyền lực quốc gia chỉ được sử dụng để bảo vệ ngai vàng của Vua. Đây chính là nguồn gốc của sự độc tài, chuyên chế trong việc thực thi các quyền lực nhà nước.

Cùng với sự phát triển lực lượng sản xuất, sự lớn mạnh của giai cấp tư sản đòi hỏi quyền tự do thoát khỏi sự trói buộc của chế độ chuyên chế, dẫn đến các cuộc cách mạng dân chủ tư sản, kết liễu sự thống trị hàng ngàn năm của chế độ quân chủ chuyên chế.

Để chấm dứt vĩnh viễn sự quay lại của chế độ chuyên chế độc tài và đặt nền móng cho sự hình thành các thể chế tự do, dân chủ, một học thuyết của nhiều học giả tư sản đã được nêu ra, đó là thuyết Tam quyền phân lập. Theo học thuyết này, quyền lực nhà nước không phải là một thể thống nhất, mà phân chia thành 3 quyền: quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các quyền này được thực hiện độc lập với nhau, kiểm soát và kiềm chế lẫn nhau.

Tư tưởng phân quyền được các nhà triết học đặt ra từ thời cổ La Mã, mà vị đại diện đặc sắc nhất là triết gia HY Lạp Aristote (384 - 322 tr.CN). Aristote đã chia quy trình hoạt động của nhà nước thành ba bước chính: Quy ước, Thực hành và Xét xử. Tuy nhiên, tư tưởng của ông mới chỉ dừng ở việc phân biệt các lĩnh vực hoạt động của nhà nước như một thứ trình tự, ông chưa chỉ rõ phương thức vận hành cũng như mối quan hệ tương tác giữa các thành phần đó.

Tư tưởng về phân quyền chỉ trở thành một lý thuyết toàn diện và độc lập trong thời kỳ Khai sáng. Người khai sinh ra học thuyết này là triết gia người Anh, John Loke (1632-1704) và người có đóng góp lớn nhất, thậm chí có thể nói là hoàn chỉnh nó, là nhà luật học người Pháp S. Montesquieu (1689-1755), với tác phẩm Tinh thần Pháp luật (l'Esprit des lois)xuất bản năm1748.

Nội dung cơ bản của học thuyết Montesquieu xuất phát từ một là quy luật có tính tiên đề : quyền lực nhà nước luôn có xu hướng tự bành trướng, tự tăng cường. Bất cứ ở đâu có quyền lực, ở đấy sẽ xuất hiện xu thế lạm quyền và chuyên quyền, bất kể quyền lực ấy thuộc về ai.

Do vậy, để đảm bảo các quyền tự do cơ bản của công dân, ngăn ngừa hành vi lạm quyền của các chủ thể nắm giữ quyền lực nhà nước, phải thiết lập cơ chế pháp lý nhằm giới hạn quyền lực. Cách tốt nhất để chống lạm quyền là giới hạn quyền lực bằng chính công cụ quyền lực. Luân lý và đạo đức không phải là công cụ kiềm chế quyền lực. Chỉ có quyền mới chặn được quyền, "seul le pouvoir arrête le pouvoir" (Montesquieu) .

Theo học thuyết này, công cụ quyền lực cuả Nhà nước bao gồm, Quyền lập pháp, Quyền hành pháp, và Quyền Tư Pháp. Nói một cách nôm na là Quyền lập ra quy ước, quy tắc, quy phạm, Quyền thực thi và vận hành các quy tắc quy phạm đó lên sinh hoạt xã hội, và Quyền giám sát,̀ phán xét việc thực thi đó. Ba Quyền này phải được tách biệt và độc lập với nhau, ràng buộc, giám định và khống chế lẫn nhau.

Trong một nền dân chủ, hoạt động của Nhà nước chỉ có mục đỉch là bảo vệ quyền làm chủ của công dân. Nhưng những công cụ quyền lực trong tay các thiết chế công quyền luôn có xu hướng bành trướng, lấn át các quyền cơ bản của công dân, nhằm giảm nhẹ và lẩn tránh trách nhiệm và vì các lợi ích tự thân, thuận tiện cho thực hành của chính thiết chế quyền lực đó. 

Muốn hạn chế quyền lực nhà nước thì trước hết phải phân quyền và sau đó phải làm cho các nhánh quyền lực đã được phân chia chỉ được phép hoạt động trong phạm vi lãnh địa của mình, không chiếm dụng, dẫm đạp, lấn át các quyền thuộc phạm phi khác. Montesquieu khẳng định: “Trong mỗi quốc gia đều có ba thứ quyền lực: Quyền lập pháp, quyền thi hành những điều hợp với quốc tế công pháp và quyền thi hành những điều trong luật dân sự.” Montesquieu chủ trương phân quyền để chống lại chế độ chuyên chế, triệt tiêu nạn lạm quyền, để chính quyền không thể gây trở ngại cho người bị trị và đảm bảo quyền tự do cho người dân. Ông viết: “Khi quyền lập pháp và hành pháp nhập lại trong tay một người hay một Viện (Nguyên Lão), thì sẽ không còn tự do nữa, vì người ta sợ rằng chính các chủ thể đó chỉ đặt ra những luật độc tài để thi hành một cách độc tài. Không có gì là tự do nếu quyền tư pháp không tách rời khỏi quyền lập pháp và hành pháp. Nếu quyền tư pháp được nhập với quyền lập pháp, thì người ta sẽ độc đoán với quyền sống, quyền tự do của công dân; quan toà sẽ là người đặt ra luật. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền hành pháp thì quan toà sẽ có cả sức mạnh của kẻ đàn áp. Tất cả sẽ mất hết, nếu cả ba thứ quyền lực nói trên đều nằm trong tay một người, một nhóm quan chức, nhóm quý tộc, hoặc thậm chí ngay cả một nhóm dân chúng.”[Tinh thần Luật pháp- Montesquieu].

Với một cơ chế tam quyền phân lập, các thiết chế quyền lực Nhà nước được chia tách độc lập, không chỉ để tạo điều kiện chuyên môn hoá các quyền mà quan trọng hơn là để giữa các quyền có sự giám sát, chế ước lẫn nhau, tạo nên sự cân bằng về quyền lực giữa chúng với nhau. Mỗi cơ quan được quyền hoạt động trong lĩnh vực của mình, không có quyền trong lĩnh vực khác, nhưng trong khi giữ tính độc lập của mình, nó ngăn chặn nguy cơ lạm quyền của các cơ quan khác.

Quyền lực ngăn chặn quyền lực chính là điểm cốt yếu trong chủ trương phân chia quyền lực. Trong tác phẩm “Tinh thần pháp luật” Montesquieu cho rằng “Cơ quan lập pháp có hai bộ phận ràng buộc nhau bằng chức năng ngăn cản bên này đối với bên kia. Cả hai bộ phận lập pháp và tư pháp đều bị ràng buộc bởi quyền hành pháp, mà quyền hành pháp bị khống chế bởi quyền lập pháp, trong khi cả hai thứ quyền này đều chịu sự gíam sát ccuả quyền tư pháp.”

Cả Jonh Locke và Montesquieu đều mong muốn một xã hội tốt đẹp, trong đó quyền tự do của con người được đề cao, xã hội không phải gánh chịu những lộng hành của Nhà nước. Họ kỳ vọng vào sự kiểm soát quyền lực nhà nước ngay trong hệ thống quyền lực. 

Hiến pháp Hoa Kỳ quy định Quốc Hội là cơ quan độc quyền lập pháp, Tổng thống chỉ có thể đề nghị Quốc hội soạn thảo, không có quyền trình dự án luật trước Quốc hội, nghĩa là không có quyền sáng lập luật pháp, nhưng Tổng thống có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết một dự luật đã thông qua bởi Quốc hội.

Pháp viện tối cao Hoa Kỳ có quyền tuyên bố một đạo luật là vô hiệu nếu trái ngược với Hiến pháp Hoa Kỳ, nhưng không có quyền thay đổi hoặc huỷ bỏ đạo luật đó. 

Ở các nước dân chủ hiện đại, cơ cấu nhà nước theo thể chế chính trị đa nguyên bắt buộc các thiết chế quyền lực phải độc lập với nhau.

Quyền lập pháp là quyền lực cao nhất. Trong một quốc gia có chế độ dân chủ đích thực, quyền lập pháp thuộc về toàn thể dân chúng. Vì vậy, cơ quan quyền lực cao nhất là Trưng cầu dân ý. Đây là cơ chế thể hiện trực tiếp ý chí của toàn thể công dân. Không có một thết chế nào cao hơn Trưng cầu dân ý. Dân là người có tiếng nói cuối cùng. Trong những trường hợp không thể tổ chức được trưng cầu dân ý, thì cơ quan đại diện ý chí của dân là Quốc hội. Ở những quốc gia, do tính chất phân bố địa lý, điều kiện kinh tế và xã hội không có luật trưng cầu dân ý, thì Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất. Quôć hội là nơi thông qua Hiến Pháp-bộ luật tối thượng của một quốc gia. Quốc hội là nơi bầu và quyết định phê chuẩn các định chế công quyền cao nhất, như Tổng Thống, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và Chánh án Toà án tối cao. Tuy vậy, quyền lực thực tế hay còn gọi là quyền hành pháp nằm trong tay Tổng thống và Chính phủ. Quyền lực của Quốc hội nếu lấn át Tổng thống hay Thủ tướng, gây khó khăn, làm chậm các quyết định của Tổng thống hay Thủ tướng, chính là làm giảm khả năng thích ứng tình huống và làm giảm tính hiệu quả các chính sách quốc gia.

Dưới một chế độ chính trị đa nguyên, quyền cầm quyền hay quyền lập chính phủ được luân chuyển thường xuyên giữa các lực lượng chính trị cạnh tranh nhau, quyền hành pháp nằm trong tay Chính phủ luôn có xu thế lạm dụng quá mức để khai thác cường độ và hiệu quả tối đa của hệ thống công lực quốc gia để thực hiện các cam kết trong chương trình kinh tế xã hội mà họ đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Chính phủ luôn có xu hướng vi phạm quyền tự do và các quyền cơ bản khác cuả công dân.

Chính phủ do đảng chính trị thắng cử lập ra nhưng do Quốc hội phê chuẩn, các bộ luật do Chính phủ đề nghị và soạn thảo phục vụ các chính sách tương ứng, nhằm thực thi chương trình, đều phụ thuộc vào sự phê chuẩn của Quốc hội đối chiếu với các điều luật bảo vệ quyền công dân và lợi ích cộng đồng, đồng thời chịu sự giám sát và đôn đốc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế xã hội đã được cam kết. vì vậy trên thực tế, Chính phủ chịu trách nhiệm chính trị trước Quốc hội và việc thực hành pháp luật dưới sự giám sát của Quốc hội.

Hệ thống giá trị quốc gia, và hệ thống các quyền cơ bản của công dân được đảm bảo bởi Tổng thống trong chế độ Tổng thống hay Bán tổng thống, hoặc bởi nhà Vua trong chê ́độ quân chủ lập Hiến. Vì vậy, ngoài Quốc hội, Chính phủ luôn chịu sự quản chế và khống chế củaTổng thống hay của nhà Vua.

Tổng thống, với chức danh là người đảm bảo cao nhất chủ quyền quốc gia, người đại diện và đảm bảo cao nhất hệ thống giá trị quốc gia và hệ thống các quyền cơ bản của công dân, được bầu trực tiếp theo chế độ phổ thông đầu phiếu, không phụ thuộc và không chịu trách nhiệm chính trị trước Quốc hội. Tổng thống có thể xuất phát từ một đảng phái chính trị, nhưng khi nhậm chức, buộc phải tuyên thệ trung thành với Hệ thống giá trị quốc gia, trung lập hoá và phi chính trị hoá công cụ quyền lực thuộc phạm vi quản trị của tổng thống.

Toà án tối cao, có thể do Tổng thống bổ nhiệm nhưng phải có sự chuẩn thuận của Quốc hội và Thượng viện, hoặc Hội đồng Địa phương. Thẩm phán tối cao có nhiệm kỳ suốt đời và có một mức thu nhập đủ để ngăn chặn tha hoá. Toà án tối cao có quyền xét xử tất cả mọi thiết chế quyền lực công cộng, trong đó có Tổng thống, thủ thướng chính phủ và chủ tịch quốc hội.Tuy nhiên,Thẩm phán tối cao có thể bị bãi nhiệm bởi tổng thống và Quốc hội khi có biểu hiện vi phạm luật nghiêm trọng.

Quy chế Tam Quyền Phân Lập là một đặc trưng chỉ có trong thể chế chính trị Dân chủ Đa nguyên. Xuất phát từ mục đích tối thượng bảo vệ quyền tự do dân chủ của người dân, trong đó có các quyền tự do tư tưởng và tự do hội họp, đa đảng chính trị trong sinh họat xã hội là một tất yếu. Khi đã đa đảng, quyền lực chi phối xã hội buộc phải mang tính trung lập. Từ đó các cơ chế giám sát, kiểm soát và chế ước, không chế lẫn nhau trở thành một nhu cầu không thể tách rời, như một thuộc tính gắn với bản chất chế độ.

Trong thể chế chính trị dân chủ đa nguyên đích thực, quyền lực xuất phát từ dân và có mục đích hướng tới dân.

Khác với các tổ chức thuần tuý giáo phái, hay hội kín có cơ cấu theo hình thức đầu lĩnh, quyền lực tuyệt đối nằm trong tay thủ lĩnh và giảm từng nấc từ trên xuống, một tổ chức chính trị lấy dân chủ làm triết lý nền tảng và nguyên tắc cho moị sinh hoạt, thì giống như một nhà nước dân chủ, cấu trúc quyền lực của tổ chức được xây dựng từ dưới lên. Điều này có nghĩa là quyền lực cao nhất của tổ chức là Đại hội toàn thề thành viên, nơi hình thành và phê chuẩn Cương lĩnh chính trị, Quy ước sinh hoạt và Chương trình hành động từng giai đọan của tổ chức. Nghị quyết của Đại hội là mệnh lệnh chính trị tối thượng mà mọi thành viên có trách nhiệm thực thi vô điều kiện. Mệnh lệnh chính trị đó được Đại hội uỷ nhiệm cho một định chế có tính chất trung chuyển, gọi là Ban Chấp Hành hay Ban Điều Hợp có trách nhiệm tổ chức, điều phối các bộ phận của tổ chức nhằm thực thi các nghị quyết của Đại hội. 

Ban Chấp Hành có quyền đề xuất cơ cấu cần thiết nhưng phải đựơc Đại hôị toàn thể hay đại hôị đaị biểu thông qua. Ban Chấp hành chịu sự giám sát, có trách nhiệm giải trình trước Đại hội và bất cứ thành viên nào.

Trong các tổ chức kinh doanh cũng vậy, chẳng hạn như trong một Công ty cổ phần đại chúng, cơ quan quyền lực cao nhất là Đại hội cổ đông. Đại hội cổ đông bầu và bãi miễn Hội Đồng quản trị, Điều lệ và phê duyệt các cơ cấu nhân sự, các kế hoạch phát triển chiến lược kinh doanh ngắn và dài hạn, các chính sách phân chia lợi nhuận, trích lập các quỹ v.v... 

Ở Việt Nam, dưới chế độ cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam hiện nay thì không như vậy. Tại điều 2, chương 1, hiến pháp 1992 quy định: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp nhhưng thống nhất về mặt chính trị. Có nghĩa là chỉ phân công và cùng chịu một cây gậy chỉ huy chung là đảng cộng sản.

Trong hiến pháp không có điều nào nói về tính độc lập, sự giám sát, kiềm chế, chế ước lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực đó. Vì vậy ở Việt Nam, tham nhũng có đất sống ngay trong hệ thống tư pháp (xem báo điện tử chính thống Vietnamnet ngày 28/3/2013 “Cán bộ tòa án ăn hối lộ, chạy án“) .

Trên thực tế, bộ máy nhà nước được tổ chức tập trung vào một đảng duy nhất, vừa lãnh đạo, vừa cầm quyền . ĐCSVN lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối mọi hoạt động của nhà nước, bao gồm cả quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Điều này được quy định tại điều 4 hiến pháp 1992 và hiến pháp 2013.

Mọi chức vụ quan trọng trong quốc hội, trong bộ máy nhà nước, trong tòa án đều do các đảng viên ĐCSVN nắm giữ. Quốc hội là cơ quan lập pháp có trên 94% thành viên là đảng viên ĐCSVN. Chính phủ là cơ quan hành pháp có 100% thành viên là đảng viên ĐCSVN. Từ thủ tướng đến các bộ trưởng đều là đảng viên ĐCSVN. Tòa án tối cao là cơ quan tư pháp có 100% thành viên là đảng viên ĐCSVN nắm giữ hội đồng thẩm phán của tòa án tối cao và chánh án tòa án tối cao.

Đảng cộng sản được tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung, nghĩa là đảng viên có nghĩa vụ bắt buộc chấp hành tuân thủ nghị quyết của cấp trên trực tiếp. Cấp dưới phục tùng cấp trên, cấp cơ sở phục tùng trung ương.

Cầm đầu các cơ quan quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp, từ cơ sở cho tới trung ương là các cán bộ đảng được cấp uỷ đảng cấp trên trực tiếp phân công từ dưới lên cho đến cấp trung ương, những người đứng đầu các cơ quan quyền lực tối cao, như Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng chính phủ, Viện Kiểm soát và Toà án Tối cao đều do sự phân công của đảng và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của bộ chính trị.

Như vậy ĐCSVN nắm giữ toàn bộ 3 nhánh quyền lực của nhà nước. Mọi quyết định của bất cứ cơ quan quyềǹ lực nào, đều có thể bị vô hiệu hóa hoàn toàn bởi một nghị quyết của đảng uỷ cấp trực tiếp. Ở cấp tối cao bởi một nghị quyết Ban bí thư hay của bộ chính trị. Do vậy không thể thực hiện việc kiểm soát, giám sát, kiềm chế giữa các nhánh quyền lực của nhà nước. Quyền lực không thể bị giám sát chính là nguyên nhân gốc rễ của mọi sự tha hóa quyền lực, lạm quyền để chiếm các đặc quyền đặc lợi, coi thường pháp luật, suy đồi đạo đức. Trên thực tế, một bí thư huyện uỷ có thể quyết định mức án của bất cứ phạm nhân nào thuộc thẩm quyền xử của Toà án nhân dân Huyện. Bộ chính trị, hay cá nhân Tổng bí thư có thể quyết định moị phán xét của Chánh án Toà án tối cao.

Tình trạng độc đảng cộng sản đang nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối và cầm quyền ở Việt Nam hiện nay chính là lý do chủ yếu giải thích vì sao học thuyết lập hiến tam quyền phân lập chưa thể áp dụng ở Việt Nam. Muốn áp dụng thì trước tiên phải xóa bỏ tình trạng độc quyền lãnh đạo và cầm quyền. Như vậy có nghĩa là phải chấp nhận đa nguyên, đa đảng trong chính trị và đời sống xã hội, chấp nhận sự giám sát thực sự của nhân dân và luật pháp, chấp nhận sự cạnh tranh về phẩm chất và năng lực đảm đương sứ mệnh được nhân dân giao phó là người lãnh đạo. 

Đảng cộng sản Việt nam tổ chức theo mô hình tổ chức đảng chuyên chế, do một nhóm độc tài cầm đầu, nắm trong tay toàn bộ hế thống quyền lực bao gồm cả ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, thì theo học thuyết Phân quyền của Montesquieu, ngườidân Việt Nam sẽ "mất hết, không còn gì cả".

Ông Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban thường trực Ban tuyên giáo Trung ương nói: "Trong hệ thống của ta có một tật xấu là hay quy chụp. Nếu cứ quy chụp thì làm sao phát triển được tư duy… Không bỏ đi cái bệnh hay quy chụp nhau, không chịu nghe nói thẳng, nghe những ý kiến khác mình thì mọi thứ sẽ cằn cỗi, không vươn nhanh lên được. Phải tuyệt đối kiên định với quan điểm quyền lực là của dân chứ không phải quyền lực của tài phiệt, cũng không phải quyền lực của cá nhân ai, của gia đình nào, của nhóm người nào". Vậy tại sao cả dân tộc cứ phải đi theo định hướng của một nhóm người mà nhóm người đó không chắc đúng và sẽ không ai chịu trách nhiệm? Ông Võ Văn Kiệt cũng đã nói: "Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả ".

Tập Hợp DCĐN là tổ chức chính trị phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng Việt Nam thoát khỏi chế độ độc đảng chuyên chế, xây dựng một chế độ xã hội dân chủ đích thực, dựa trên nền tảng đa đảng chính trị và Tam Quyền Phân Lập, đảm bảo mọi quyền công dân, vì một nền kinh tế phát triển thịnh vượng, một xã hội nhân bản và tiến bộ, phù hợp và hoà đồng với nền văn minh nhân lọai.

Paris 17/12/2016




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo