Vui xuân chớ quên các nhân vật nhiệt huyết đấu tranh - Dân Làm Báo

Vui xuân chớ quên các nhân vật nhiệt huyết đấu tranh

Nguyễn Lộc Yên (Danlambao) - Người xưa có câu: Lấy sức thắng người thì mất (Dĩ lực thắng nhân tắc vong) Thế mà, Đảng CSVN lại dùng vũ lực để đàn áp người dân hòng độc đảng, độc tài, thử hỏi đảng này còn tồn tại bao lâu nữa?!. Thật vậy, thuận theo ý trời lòng người, trong những năm qua đã có nhiều Nhân vật Việt Nam ở khắp ba miền đất nước đã đấu tranh quyết liệt. Thế nên, đón xuân Đinh Dậu: “Vui xuân chớ quên các Nhân vật nhiệt huyết đấu tranh”. Người viết xin trân trọng khái quát một số Nhân vật đấu tranh vì quê hương và dân tộc:

1- Sinh viên Nguyễn Phương Uyên đã khẳng khái xác định tại Phiên tòa phúc thẩm ở Long An năm 2013, bằng câu nói lịch sử: “Tôi không cần giảm án. Tôi chỉ cần tòa xử đúng người đúng tội. Tôi cho rằng chống Đảng Cộng sản không phải chống phá đất nước, dân tộc”. Thật là:

Phương Uyên khẳng khái tại tòa 
Sinh viên nhiệt huyết, cánh hoa rỡ ràng. 

2- Sinh viên Đinh Nguyên Kha đã dõng dạc trả lời tại phiên tòa ở Tòa án tỉnh Long An năm 2013: “Tôi trước sau vẫn là một người yêu nước, yêu dân tộc tôi. Tôi không hề chống dân tộc tôi, tôi chỉ chống đảng cộng sản. Mà chống đảng thì không phải là tội”. Đúng là:

Nguyên Kha lưu luyến quê hương 
Sinh viên chống đảng, lo lường núi sông. 

3- Nguyễn Hữu Vinh sinh năm 1956 tại Hà Nội, bố là ông Nguyễn Hữu Khiếu (1915-2005) từng là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Bộ trưởng Bộ Lao động, Đại sứ Việt Nam ở Liên Xô, Bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên. Nguyễn Hữu Vinh từng là sĩ quan công an, sau đấy làm ở Ban Việt kiều Trung ương. 

Nguyễn Hữu Vinh thành lập và quản trị trang mạng blog “Anh Ba Sàm” từ ngày 9-9-2007, là một trang web đăng tin nổi tiếng và vạch rõ báo chí tuyên truyền một chiều của nhà cầm quyền và đảng CSVN nên có rất nhiều độc giả truy cập. Mục tiêu trang “Anh Ba Sàm” dùng website để khai dân trí đồng thời đưa tin hữu ích đến người dân. Ngày 05-05-2014, Nguyễn Hữu Vinh bị CSVN bắt, cho là đã làm trái quy định tại Điều 258 của Bộ luật Hình sự. Điều 258 lại quy định: 

a- Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

b- Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Cùng bị bắt với ông Vinh có bà Nguyễn Thị Minh Thúy, nguyên là nhân viên cũ của ông Vinh tại công ty TNHH. Bà Thúy cũng là người quản lý trang anhbasam từ năm 2012.

Phiên tòa ngày 23-3-2016, tại thành phố Hà Nội, Nguyễn Hữu Vinh bị tuyên phạt 5 năm tù với cáo buộc "bôi nhọ, xuyên tạc sự thật Nhà nước". Bài viết: "Tòa Ba Sàm làm tôi nhớ lại thời Cộng sản Đông Đức" của Nghị sĩ nước Đức là Martin Patzelt đã được dịch ra Việt ngữ, có đoạn ghi rằng: “Martin Patzelt có mặt trước tòa án vào ngày xử, nhưng ông không được vào tham dự với lý do đã có đại diện của EU, Martin Patzelt viết: Những nhà hoạt động nhân quyền trẻ tuổi này thể hiện một tiềm năng quý giá cho tương lai Việt Nam. Khắp nơi trên thế giới đã cho thấy phát triển kinh tế mà không có sự phát triển đồng thời của dân chủ thì sẽ đi vào ngõ cụt. Những người trẻ này không hề là sự xấu hổ, và càng không phải là tội phạm. Họ chính là lợi nhuận cho đất nước. Đàn áp họ, nhà cầm quyền đã tự làm hại mình”.

4- Bùi Thị Minh Hằng sinh năm 1964, ở tỉnh Vĩnh Phúc, con trai bà Hằng là Trần Bùi Trung, trả lời BBC qua điện thoại ngày 20-2-2014, rằng: “Lúc 10h sáng ngày 11/2, trên đường đi tới nhà ông Nguyễn Bắc Truyển tại huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp... cùng với mẹ tôi còn có 20 người khác... trên đường đi thì bị một lực lượng lớn công an huyện Lấp Vò chặn lại và dùng dùi cui đánh đập cả đoàn, cướp giật tài sản, máy móc rồi dẫn cả đoàn về giam tại công an huyện Lấp Vò. Sang ngày 12/2, họ trả tự do cho 18 người, còn ba người là mẹ tôi, cô Nguyễn Thị Thúy Quỳnh và anh Nguyễn Văn Minh, vẫn bị tạm giữ". Công an thông báo giam bà Hằng với lý do: “Tội gây rối, làm mất trật tự giao thông”?! 

Từ đấy, bà Hằng bị giam cho đến nay là năm 2016. Bà Hằng đã tranh đấu ở mọi mặt, mọi nơi, xông xáo trên tuyến đầu chống Trung cộng xâm lược biển Đông. Bà Hằng đã quyết tâm đấu tranh vì quốc gia, dân tộc nên đã xâm trên vai của mình hàng chữ: "Nợ Nước Thù Nhà". Bà Hằng còn trừ được hành động bẩn của nhà cầm quyền CSVN, CSVN đã cho công an Lấp Vò giả dạng côn đồ chọi mắm tôm và đồ bẩn vào tường của nhà bà Hằng. Bà Hằng giải trừ đồ bẩn bằng cách dán một số hình các người lãnh đạo CSVN, như hình Hồ Chí Minh trên tường ấy, khi côn an chọi mắm tôm và đồ bẩn vào tường thì mặt mày các lãnh đạo CSVN hứng chịu đồ bẩn của côn an chọi, thấy vậy thì chúng liền ngưng tay. 

Tinh thần đấu tranh và đối phó với công an của bà Bùi Thị Minh Hằng, người viết cảm kích: 

Bùi Minh Hằng tận tụy giang san
Tranh đấu sắt son, dẫu xốn xang
Chọi bẩn tứ tung, nhơ nhớp vách
Công an chọi “Bác”, hết gian nan?!

5- Linh mục Nguyễn Văn Lý sinh năm 1946, ở tỉnh Quảng Trị, tên thánh là Thadeus. Vào ngày 24-11-2000, Linh mục Lý phổ biến bản "Tuyên ngôn về thực trạng Giáo hội Công giáo tại giáo phận Huế" với lời kêu gọi "Chúng tôi cần có tự do tôn giáo thật sự tại Việt Nam”. Ngày 22-8-2006, Linh mục Lý đã cùng ký tên vào bản công bố của "Khối 8406" về "Tiến trình dân chủ hóa Việt Nam". Ngày 30-3-2007, tại Huế, “Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế” đã mở phiên tòa xét xử Linh mục Nguyễn Văn Lý, gọi là tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam". Đến ngày 12-3-2011, Tường An là thông tín viên đài RFA tường trình như sau: Một nhân viên an ninh tại phiên tòa, mặc thường phục đã lấy tay bịt miệng Linh mục Nguyễn Văn Lý tất cả tới 5 lần, bịt miệng mỗi khi Linh mục đọc từ một đến 4 câu thơ sau đây:

“Tòa án Cộng sản Việt Nam,
Trò hề bỉ ổi ngàn năm chê cười (bị bịt miệng lần 1 và 2).
Quan Tòa kịch bản sẵn rồi,
Tay sai nô lệ xử người nào đây? (bị bịt miệng lần 3).
Lầm sai ngập cả đất trời!
Lọc lừa, bạo lực, độc tài, bít bưng, (bị bịt miệng lần 4).
Cộng sản chỉ có luật rừng,
Độc tôn độc hại, độc quyền Hồ-Mao (bị bịt miệng lần thứ 5)

Khi Linh mục Lý ra khỏi tù, Linh mục cho biết: “Thái độ tôi trước tòa là tôi bất hợp tác cho nên khi ông chủ tọa của phiên tòa gọi tôi đứng lên, tức khắc tôi đọc thơ ngay lập tức. Tôi đọc thơ tất cả 5 lần và họ bịt miệng đúng 5 lần. Lần bịt miệng thứ 6 là lần tôi hô "Ô nhục, phiên tòa ô nhục!”

Linh mục Nguyễn Văn Lý đấu tranh bất bạo động cho Tự do Tôn giáo và Nhân quyền tại Việt Nam, kể từ năm 1977, Linh mục Nguyễn Văn Lý đã bị nhà cầm quyền Việt Nam kết án 4 lần, tổng cộng 53 năm tù giam.

Linh mục Nguyễn Văn Lý là người yêu nước nồng nàn, đã nói khẳng khái trước phiên tòa của CSVN là kẻ bán nước. Linh mục Lý đã nối tiếp chí khí hào hùng của nhà ái quốc Nguyễn Thái Học và 12 vị anh hùng của Việt Nam Quốc Dân Đảng khi lên đoạn đầu đài của giặc Pháp ở Yên Bái vào sáng ngày 17-6-1930. Trước khi bị chém, chí sĩ Nguyễn Thái Học đã dõng dạc, khí khái ngâm thơ bằng tiếng Pháp:

“Mourir pour sa patrie
C’est le sort le plus beau
Le plus digne... d’ envie...”

Nghĩa là: Chết vì tổ quốc 
Là chết vinh quang
Lòng ta sung sướng
Trí ta nhẹ nhàng...

Tinh thần đấu tranh của Linh mục Nguyễn Văn Lý, người viết vô vàn kính phục:

Cha Lý, quê hương lo lắng chung 
Thương đời, lo đạo giữ kiên trung
Ngâm thơ sang sảng, lời đanh thép 
Đất nước gian nguy, há lạnh lùng?! 

6- Nguyễn Đình Ngọc sinh năm 1966, ở quận 7 thành phố Saigon, tức là blogger Nguyễn Ngọc Già cũng là bút danh của ông Ngọc. Ông Ngọc bị bắt ngày 14-12-2014, với cáo buộc viết các bài trên mạng “chống phá Đảng, Nhà nước”. Nguyễn Đình Ngọc có bố là đảng viên 50 năm tuổi Đảng. Nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam xét xử phúc thẩm blogger Nguyễn Ngọc Già vào ngày 05-10-2016, tại Sài Gòn với bản án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế. 

7- Nhạc sĩ Việt Khang tên thật là Võ Minh Trí sinh năm 1978 tại Tiền Giang, là một nhạc sĩ, ca sĩ và nhà bất đồng chính kiến Việt Nam. Từ 2 tác phẩm: "Anh Là Ai""Việt Nam Tôi Đâu" của Việt Khang, lời nhạc yêu nước nồng nàn và chống quân xâm lược Tàu quyết liệt, gây cho nhà cầm quyền CSVN hoảng hốt, vì 2 bản nhạc này dám thẳng thắn gọi Trung cộng là quân xâm lược, va chạm đến thiên triều Bắc Kinh của Đảng CSVN, nên CSVN bắt Việt Khang vào tháng 9 năm 2011, cầm tù một thời gian lại thả ra, tháng 12 năm 2011 thì bắt lại. Đến ngày 30-10-2012, kẻ bán nước ra tuyên án nhạc sĩ yêu nước 4 năm tù và 2 năm quản chế. Sau đây là lời bản nhạc “Việt Nam tôi đâu?”:

Việt Nam ơi thời gian quá nửa đời người và ta đã tỏ tường rồi
Ôi cuộc đời ngày sau tàn lửa khói
Mẹ Việt Nam đau từng cơn xót dạ nhìn đời
Người lầm than đói khổ nghèo nàn
Kẻ quyền uy giàu sang dối gian!
Giờ đây Việt Nam còn hay đã mất?
Mà giặc Tầu ngang tàng trên quê hương ta
Hoàng-Trường Sa đã bao người dân vô tội
Chết ngậm ngùi vì tay súng giặc Tàu!
Là một người con dân Việt Nam
Lòng nào làm ngơ trước ngoại xâm
Người người cùng nhau đứng lên
Đáp lời sông núi!
Từng đoàn người đi chẳng nề chi
Già trẻ gái trai giơ cao tay
Chống quân xâm lược
Chống kẻ nhu nhược bán nước Việt Nam!

Và ai muốn nghe bản nhạc này thì vào link:

8- Cấn Thị Thêu sinh 1962, cư ngụ tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội. Cấn Thị Thêu là con dâu Dương Nội, nhưng tiếng nói có sức thuyết phục rất mạnh mẽ với bà con ở đấy. Người dân Dương Nội đã bị nhà cầm quyền Hà Nội cho công an đàn áp dã man. Từ đấy, bà Thêu đã dồn hết tâm huyết kể cả sinh mạng của mình cho cuộc đấu tranh giữ gìn ruộng đất cho mình và cho bà con. 

Trong hai cuộc cưỡng chế ruộng đất vào tháng 3/2010 và tháng 4/2014, hàng nghìn công an, bộ đội và máy ủi, máy xúc được huy động để phá hủy hoa mầu, cày xới mồ mả và phá sạch lều canh giữ ruộng đất của bà con. Bà Thêu đã dặn dò lời tâm huyết: "Khi tôi bị bắt nếu Công an dùng nhục hình để ép cung, mớm cung và tra tấn đánh đập tôi đến chết thì tôi nhờ bà con và gia đình mang xác tôi đến các cơ quan chính quyền của thành phố Hà Nội và Chính phủ để làm sáng tỏ sự việc. Nếu chính quyền làm ngơ trước cái chết của tôi thì gia đình và bà con hãy đưa thông điệp này đến Hội đồng nhân quyền Thế giới kêu gọi can thiệp giúp đỡ để lấy lại sự công bằng cho tôi và cả dân tộc Việt Nam". 

Ngày 25-07-2015, bà Thêu mãn án tù. Đến ngày 10-06-2016, bà Thêu bị công an bắt tại tư gia, cáo buộc là “gây rối an ninh trật tự”. 

Ngày 20-9-2016, tòa án CSVN tại quận Đống Đa, Hà Nội tuyên phạt bà Cấn Thị Thêu 20 tháng tù giam?! Khi đó, đông đảo bà con ủng hộ bà Thêu giơ cao các khẩu hiệu: “Công Lý cho dân oan Cấn Thị Thêu”, “Bắt người cướp đất là tội ác”, “Phản đối mật vụ cộng sản công an nhân dân”... có một số người bị công an bắt giam. 

Tinh thần đấu tranh vì nước nhà vì dân tộc của bà Cấn Thị Thêu là hoàn toàn chính nghĩa nên khi trình bày đường lối đấu tranh hay vạch trần tội ác CSVN cướp đất “Dân oan” lại dâng hiến đất đai, biến đảo cho quân xâm lược Tàu?! Do lý luận vì chính nghĩa nên lời lẽ của bà Thêu luôn đúng và hùng hồn. Thật vậy, có nhiều người nhận định chính xác: “Cán bộ CSVN, kể cả Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng khi nói năng không hào hùng và rạch ròi bằng bà Thêu?!” Cảm phục thay:

Cấn Thị Thêu tranh đấu vững vàng 
Ngăn ngừa cướp đất, mặc gian nan 
Dân oan nể phục, người tâm huyết 
Lời lẽ hào hùng, nghĩa chứa chan!

9- Trần Huỳnh Duy Thức sinh năm 1966, quê ở Sài Gòn, ông Thức là một kỹ sư, doanh nhân Việt Nam, đã lập thương hiệu EIS chuyên về Dịch vụ điện thoại internet, đến năm 1994, doanh thu của EIS tăng nhanh. Năm 1994, ông Thức cùng Lê Thăng Long thành lập Công ty tin học Duy Việt tại Hà Nội. Kể từ năm 1998, tại Việt Nam số người truy cập Internet bắt đầu phát triển mạnh. 

Công ty tin học Duy Việt thắng thầu nhiều dự án với các hãng lớn nước ngoài, tạo nên thế đứng vững vàng. Năm 2003, tới 3 công ty: One-Connection Singapore, One-Connection USA và One-Connection Vietnam có mặt ở San Jose (California, Mỹ). Từ đấy, Công ty EIS tự tin đủ sức cạnh tranh với các đối thủ trên thế giới lúc bấy giờ. Do đó, Trần Huỳnh Duy Thức thường được cơ quan phát triển kinh tế Singapore mời và đối đãi trọng thị tại quốc gia của họ. 

Ông Thức là một doanh nhân thành đạt tại Việt Nam, có nhiều ý kiến phê bình những rào cản từ phía các cơ quan quản lý viễn thông đối với sự phát triển của ngành công nghệ cao này. Thế nên, One-Connection Việt Nam không được “Nhà nước” nghênh đón, đến tháng 3/2009, lại ra quyết định buộc One-Connection Việt Nam ngừng cung cấp dịch vụ và xử phạt hành chính, tịch thu các máy móc thiết bị. Nhà cầm quyền CSVN tiếp tục đàn áp Trần Huỳnh Duy Thức và trù dập Công ty tin học Duy Việt.

Nhà cầm quyền CSVN đã cho công an bất ngờ bắt Trần Huỳnh Duy Thức vào Chủ nhật ngày 24-5-2009, với cáo buộc tội trộm cước viễn thông. Sau đấy, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long cũng bị bắt, lại buộc tội “Hoạt động chính trị nhằm lật đổ chính quyền”. Dù vậy, CSVN không tìm ra bất kỳ bằng chứng nào sau hàng tháng lục lọi hệ thống thiết bị và sổ sách công ty, lại chuyển qua khởi tố "kinh doanh trái phép"; đến tháng 12/2009, họ không thể tìm được bằng chứng nên hủy bỏ khởi tố kinh doanh trái phép. 

Vào ngày 20-01-2010, đưa ra xét xử tại Saigon, Trần Huỳnh Duy Thức bị phạt 16 năm tù và tịch thu một phần tài sản. Vào ngày 10-06-2013, Trần Huỳnh Duy Thức ra cuốn sách: "Trần Huỳnh Duy Thức và Con đường nào cho Việt Nam" đã phát hành miễn phí dưới dạng ebook (electronic book) là sách điện tử đọc trên mạng, đây là một phương thức đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam. Cảm kích thay:

Trần Huỳnh Duy Thức, miệt mài thân 
Mong mỏi nhân quyền, há ngại ngần? 
Tranh đấu kiên cường, tha thiết nghĩa
Nấu nung nhiệt huyết, vững vàng tâm.

10- Nguyễn Viết Dũng sinh ngày 19-6-1984 (trùng Ngày Quân lực VNCH), quê tỉnh Nghệ An, có biệt danh là “Dũng Phi Hổ”, là một sinh viên thông minh xuất sắc. Năm 2004, Dũng đang học năm thứ 3 trường Đại học bách khoa Hà Nội thì bị đuổi học vì tham gia biểu tình chống Trung cộng xâm lược. 

Ngày 02-4-2015, Dũng thành lập “Đảng Cộng Hòa” và hội họp những người yêu Quân lực Việt Nam Cộng Hòa để lập “Hội yêu nước, thương dân” bằng tinh thần nhân bản. 

Sáng ngày 12-4-2015, khoảng 150 người đi tuần hành bảo vệ cây xanh quanh bờ Hồ Hoàn Kiếm, có 05 người mặc áo thun đen có in hình biểu tượng Quân lực VNCH trước ngực, đến trưa thì nhóm của Dũng bị bắt về trụ sở Công an phường Hàng Trống, Dũng bị giam và truy tố về tội: “Gây rối trật tự công cộng”. 

Đến sáng ngày 13-04-2016, tại trại giam số 2, Hà Nội, sau 12 tháng bị cầm tù, Nguyễn Viết Dũng được trả tự do. Khi ra tù, “Dũng Phi Hổ” mặc áo trắng, trên túi áo có hình Cờ Vàng của Việt Nam Cộng hòa và trên cánh tay xăm hai chữ: “SÁT CỘNG” và dòng chữ "Government should be afraid of people" (Chính quyền nên sợ người dân).

Hai chữ: “SÁT CỘNG” của “Dũng Phi Hổ”, dũng khí hào hùng giống như vào năm 1285, quân Nguyên Mông xâm lược nước ta, các tướng sĩ nhà Trần thề quyết tâm đánh đuổi giặc. Thế nên, quân sĩ nhà Trần tự nguyện thích vào cánh tay hai chữ "Sát Thát" nghĩa là giết giặc Mông Cổ. Nếu ai copy hàng chữ: “Bộ quân phục VNCH đã đẩy tôi vào tù” rồi click vào Google sẽ thấy hào khí của Nguyễn Viết Dũng. Tinh thần “Dũng Phi Hổ” cảm mến vô vàn: 

Dũng Phi Hổ, khí tiết quang minh
Yêu nước thiết tha, vẹn nghĩa tình 
“Sát Cộng”, vẫy vùng lo Tổ quốc
Hùng tâm son sắt, dạ trung trinh.

11- Lê Công Định sinh năm 1968, quê ở Sài Gòn. Luật sư Định từng viết các bài bình luận thời sự trên báo chí trong và ngoài nước rất sâu sắc. Quan điểm của luật sư Định ủng hộ tư tưởng dân chủ, đa đảng, đa nguyên, cải tiến về chính trị. Thế nên, luật sư Định đã bị CSVN cho là đi ngược lại quan điểm chính thống của “Đảng và Nhà nước Việt Nam”. Do đấy, vào ngày 13-6-2009, luật sư Định bị công an bắt giữ theo các điều luật 88 và 258 của “Nhà nước” Việt Nam. 

Chiều 20-1-2010, tòa tuyên án Lê Công Định 5 năm tù giam, quản chế 3 năm về tội "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền". Ngày 06-2-2013, luật sư Định được phóng thích. 

Luật sư Định có các câu nói nổi tiếng: "Đa nguyên không đáng ngại, mà trái lại rất cần thiết nếu biết điều tiết thích hợp", "Đa nguyên là động lực của sự phát triển, điều đó miễn bàn cãi."

12- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sinh năm 1979, tại tỉnh Khánh Hòa, thường gọi là Blogger Mẹ Nấm, bị công an Khánh Hòa bắt giữ vào ngày 10-10-2016, tại Nha Trang, vì Mẹ Nấm luôn đấu tranh chống quân Tàu xâm lược, chống nhà cầm quyền CSVN đã cấu kết với hãng gang thép Formosa làm ô nhiễm môi trường các tỉnh miền Trung nghiêm trọng. Thế mà, CSVN đưa ra cáo buộc ngược ngạo rằng Mẹ Nấm đã viết nhiều bài "xuyên tạc sự thật, xuyên tạc lịch sử, chống lại đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước"?!. 

Mẹ Nấm đã từng bị bắt 10 ngày hồi năm 2009, khi kêu gọi mọi người chú ý tới vấn đề quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, và việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên. Mẹ Nấm là thành viên của Mạng lưới Blogger Việt Nam, đã từng tổ chức “Những người bảo vệ nhân quyền” tiếng Anh gọi là: Civil Rights Defenders, viết tắt là CRD, Mẹ Nấm được trao giải thưởng “Người bảo vệ nhân quyền 2015”. 

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh từng khẳng định về chính kiến của mình: "Tôi không muốn con tôi phải đấu tranh và làm những gì tôi đang làm bây giờ."“Không phản kháng, không bày tỏ sự bất bình của mình đối với Tập Cận Bình nghĩa là chúng ta xấu hổ khi là công dân, chúng ta xấu hổ với ngư dân Việt Nam. Chẳng lẽ thế là phản động? Chẳng lẽ vì liêm sỉ quốc gia lại thành đứa phản động? Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là người đã phụng sự đúng trách nhiệm công dân. Chính quyền lẽ nào không muốn thế?”

Sự đấu tranh vì nước nhà vì dân tộc của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, rất đáng được nể phục và trân trọng:

Mẹ Nấm, sắt son lo nước nhà
Đấu tranh tống khứ “Formosa” 
Lung lay, “chế độ” run cầm cập
Bắt bớ để hòng nguy ngập qua?!

14- Bác sĩ Hồ Văn Hải, tức “blogger Hồ Hải”. Bác sĩ Hải ngoài lãnh vực y khoa, trong nhiều năm qua rất nổi tiếng với nhiều bài viết giá trị về xã hội, y tế cũng như những phân tích xác thực về hiện tình đất nước. 

Bác sĩ Hải là người sáng lập quỹ “Khuyến Học Tây Du”, mong mỏi giúp giới trẻ Việt Nam, ông từng chia sẻ về việc thành lập quỹ Khuyến Học Tây Du với đài RFA: “Với tình hình giáo dục của nước nhà cũng đi xuống nhiều lắm. Chính vì vậy trong thời gian qua, khoảng năm năm gần đây thì tôi viết blog và tôi có hướng dẫn một số cháu lấy học bổng đi du học qua Mỹ. Tại vì tôi có kinh nghiệm qua con tôi. Hồi đó cha con cũng đi kiếm học bổng để qua Mỹ du học chứ mình đâu có dư tiền.” 

Đặc biệt trong năm 2016, ông đã đăng tải nhiều bài viết về thảm họa ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra như: Chiến lược giải quyết vấn nạn môi trường ở Việt Nam. Hãy kiện tập đoàn Formosa ra tòa án quốc tế. Phải đóng cửa không chỉ tập đoàn Thép... 

Bác sĩ Hồ Văn Hải đã bị công an bắt ngày 02-11-2016, tại Phòng Khám Đa Khoa Á Châu (Asia Clinic) tọa lạc tại số 891 Kha Vạn Cân, Phường Linh Tây, Quận Thủ Đức. Ông bị buộc tội theo Điều 88: "Có hành vi tán phát thông tin, tài liệu chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên Internet"?!. 

15- Trần Thị Nga sinh năm 1977, quê huyện Lý Nhân, cư trú phường Hai Bà Trưng, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. 

Được biết bà Trần Thị Nga trước đây từng đi lao động tại Đài Loan, đã tích cực hỗ trợ phụ nữ Việt Nam làm việc tại Đài Loan. Sau khi về nước, bà là một trong các nhà hoạt động năng nổ tham gia biểu tình chống Trung cộng xâm lược biển đảo của Việt Nam. Gia đình bà Nga neo đơn nên khi đi biểu tình bà thường bồng bế con theo. Bà Nga luôn có mặt tuần hành phản đối công ty Formosa đã gây ra thảm họa môi trường miền Trung và trợ giúp đồng bào khiếu kiện. Vào ngày 21-1-2017, công an tỉnh Hà Nam đến bắt bà Trần Thị Nga, để lại 2 đứa con thơ dưới 10 tuổi bơ vơ, với cáo buộc: Truy cập Internet phát tán video, viết bài chống phá: “Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 88. Điều 88, CSVN quy định:

1- Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a)- Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;

b)- Tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;

c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

2- Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

Các điều luật lắt léo của CSVN, Giáo sư Allen Weiner, Đồng Giám đốc Chương trình Luật Quốc tế của Trường Luật Stanford nói qua BBC: "Việc sử dụng điều 79 và 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam, như cách Việt Nam sử dụng với những nhà hoạt động này, vi phạm luật nhân quyền quốc tế." Cảm kích thay: 

Trần Thị Nga tranh đấu miệt mài 
Bồng con chống cộng, có thua ai? 
Tồn vong dân tộc, băn khoăn dạ
Cứu nước sắt son, nhung nhớ hoài. 

Còn nhiều người đã đấu tranh mạnh mẽ, như: Những Blogger đấu tranh không ngưng nghỉ: Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Ngọc Chênh... Những bài viết rất sâu sắc về đấu tranh của Huỳnh Ngọc Tuấn và con gái của ông là Huỳnh Thục Vi... Những người đấu tranh đã chấp nhận mọi sự trù dập của nhà cầm quyền CSVN: Nguyễn Hoàng Vi, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Đắc Kiên, Hồ Thị Bích khương, Nguyễn Trung Cang, Ngô Hào... 

Những người đấu tranh bảo vệ đạo pháp: Mục sư Nguyễn Công Chính, ông Nguyễn Văn Lía là vị tu sĩ Phật Giáo Hòa Hảo truyền thống... 

Các luật sư vừa đấu tranh vừa ra tòa biện hộ miễn phí cho bà con dân oan, bà con đấu tranh do yêu nước lại bị công an CSVN bắt bớ, giết hại, luật sư: Lê Quốc Quân, Hà Huy Sơn, Võ Văn Đôn, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Bắc Truyển...

28.01.2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo