Hồ Chí Phèo (Danlambao) - Cụ Nguyễn Văn Vĩnh trong Đông Dương Tạp chí, khoảng năm 1914 có viết bài về tính hay cười của người Việt mà chúng ta không ai không biết "Gì cũng cười": An Nam ta có một thói lạ là thế nào cũng cười...
Qua hơn 100 năm, từ thời thực dân nay đã qua chế độ cộng sản, tiếng cười người Việt không còn đơn giản như cụ Vĩnh đã viết. Nó không là một thói lạ, nó trở thành một cách biễu lộ tình cảm, ý kiến về mọi lãnh vực. Người ta nói "cặp mắt là cửa sổ linh hồn" nhưng tiếng cười phát ra có thể diễn đạt tình cảm mạnh mẽ hơn nhiều. Trong đêm hoang vắng, tiếng cười man rợ của một con ác quỉ người ta thấy lạnh xương sống hơn khi nhìn cặp mắt đỏ như lửa. Có tiếng cười không bao giờ quên trong đêm tân hôn của hai người yêu nhau, nhưng cũng có những tiếng cười hiểm độc, khả ố ám ảnh người ta suốt cả đời.
1/ Hình thức nụ cười:
Tùy theo tiếng cười lớn nhỏ, miệng mở rộng ra cở nào ta có các kiểu cười với hình thức khác nhau:
- Cười cấp một: Tiếng cười nghe không rõ, miệng mở hơi hơi: cười nhẹ nhàng, cười tủm tỉm, cười chúm chím, cười rúc ríc, cười hi hi… Cũng có người thích cười nhe răng, răng đẹp hay sún không cần biết, nhe răng cười hề hề là được.
- Cười cấp hai: Tiếng cười nghe rõ ràng, miệng há ra: cười ha hả, cười khà khà, cười hô hố, cười rổn rảng,… Cười cấp hai có thể làm văng nước bọt, nên dùng khăn tay che bớt.
- Cười cấp ba: Âm lượng cười tăng tối đa, mồm há thực lớn, cơ thể rung theo nhịp cười: cười bể bụng, cười long óc, cười xập nhà... Người nào răng đã yếu hay mang răng giả, cười cấp ba có thể làm văng răng ra ngoài, rất nguy hiểm.
2/ Nội dung và tác dụng của cười:
- Trong giao tiếp xã hội: cười đóng vai trò quan trọng và không phải “gì cũng cười”. Đám ma đương nhiên không nên cười. Người nước ngoài hay nói câu “xin lỗi”, mặc dù mình chỉ tạo cho người khác cảm giác không vui lắm. Người Việt thường ít nói câu xin lỗi mà hay cười như cười xoà, cười dấp diếm, cười thông cảm... Điều này có thể tạo cảm giác bực bội với người nước ngoài vì có lỗi mà lại cười như nhạo báng.
Đám cưới có tốn kém nhiều cũng nên cười như hoa nở, không nên cười méo xẹo. Người buôn bán giỏi phải biết cách cười duyên với khách hàng.
Mấy cô đi thi sắc đẹp, khi bước qua giám khảo nên cười cấp một: cười tươi tắn, cười duyên dáng... Nếu cười cấp hai: cười hề hề, cười ha hả... hoặc cười cấp ba, hàng giả rớt xuống lả tả xem như mình đã bị đánh rớt.
- Về sức khoẻ: khoa học chứng minh, cười còn hơn thuốc bổ, rất tốt cho sức khoẻ như trí não, tim, hệ thống tuần hoàn máu... Khi cười cấp ba tác dụng tương đương hơn chục lần tập thể dục. Trong ngày nếu thấy thiếu vận động, cứ ôm bụng cười sằng sặc khoảng ba phút sẽ có hiệu quả hơn nửa tiếng chạy bộ. Cần hỏi thêm chi tiết xin gọi BS Lương Tâm.
- Trong tình yêu: lúc ban đầu nàng thường cười đài các hay cười khinh thị: "Anh làm gì mà cứ tò tò bám đuôi người ta!". Chàng không đủ kinh nghiệm trận mạc để cười dê mà chỉ cười cấp một, méo xẹo. Khi đã yêu nhau, chàng hay cười cấp hai, đắc thắng. Nàng cười tủm tỉm "Anh ấy dẻo dai, đáng yêu quá!". Khi con cái đầy đàn, chàng hay cười cấp ba, bể tường: "Dô, dô, trăm phần trăm". Nàng cười chịu đựng: "Tình yêu lên men!". Nhưng khi nàng là lão bà lại thường hay cười cấp hai, cười chọc ghẹo, cười nhạo: “Hết hơi rồi sao? Bằng phẳng chứ có đèo có dốc đâu mà ông trầy trật quá dzậy?". Thời oai hùng của chàng trai khoẻ mạnh đã trở thành chuyện cổ tích, lão ông cười nửa của cấp một, cười hắt: "Bằng phẳng nhưng mà đầu gối long ra hết trơn rồi! Bà muốn thì tui chỉ ráng bò, ráng lết!". Đúng vậy lão bà sống thọ hơn lão ông!
Trường hợp tình yêu có bị gẫy cánh giữa đường, không nên khóc lóc om sòm mà có thể chọn:
- Cười cấp một: Tình mất vui khi đã vẹn câu thề.
Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở.
- Hồ Dzếnh (Ngập ngừng).
- Cười cấp hai:
Cười lên đi em ơi.
Dù nước mắt rớt trên vành môi
Lê Hựu Hà (Hãy ngước mặt nhìn đời).
- Đối với đầy tớ của nhân dân, chúng ta cười như thế nào?
Đi trái luật giao thông, bị công an thổi, nên cười thê thảm để công an thấy tội nghiệp cho phạt giảm giá (discount) hay khuyến mãi mà không cần biên nhận. Mượn tiền ngân hàng nên cười cầu tài. Đi xin việc làm nên cười cầu khẩn, mang thêm phong thư tiền để chứng tỏ thành tâm.
Gặp chức sắc lớn của đầy tớ nhân dân nên cười cấp một: cười làm quen, cười nịnh nọt, cười khúm núm...
Gặp quan lớn của toà án nếu tội bình thường nên cười nháy nháy, cười đưa đẩy... kèm theo phong thư càng dầy càng tốt. Nếu bị tội phản động chỉ còn cách cười “an nhiên tự tại” vì bản án đảng đã định, quan tòa chỉ là cái loa phát thanh.
3/ Nụ cười trong lịch sử chính trị Việt Nam:
Tiếng cười dân gian Việt Nam đã có từ xa xưa qua các tác giả như Trạng Quỳnh, Trạng Lợn, Ba Giai - Tú Xuất... Các nhân vật hài hước người Việt rất quen thuộc như Lý Toét, Xã Xệ,... Chúng ta có thể tìm thấy các bài viết liên quan trên internet. Trong phạm vị bài này, ta chỉ nói đến giai đoạn lịch sử cận đại, thời đảng cộng sản.
Người cộng sản VN cũng biết cười và cười như thế nào? Nhưng người dân cười có thể xem như phát biểu chống đối, không khéo có thể vào tù vì dám cười bôi bác chế độ. Ta hãy nhìn lại lịch sử, phân tích chọn ra cười tiêu biểu trong từng thời kỳ, bắt đầu từ năm 1954.
- Thời chiến tranh, các lãnh đạo cộng sản gặp nhau thường cười vồn vả, tâng bốc lẫn nhau xem mình chừng nào tiêu diệt được chế độ tư bản, nhuộm đỏ thế giới, đưa mọi người lên thiên đường. Khi Mỹ bỏ bom miền Bắc, Bác và mọi Uỷ viên trung ương đảng chui trốn kỹ ở đâu không ai có quyền được biết, để khi yên tâm không còn nguy hiểm nào mới trồi lên ban cho các bộ đội đang cheo leo trên pháo đài, ngọn súng, cung nỏ... nụ cười ban ơn kèm theo vài điếu thuốc lá: "Các chú, các cô cứ tiếp tục hy sinh giữ bầu trời. Bác và đảng đang lo mặc cả, trả giá ở hoà đàm đấy!".
"Đi đâu tôi cũng thấy người Cộng Sản... cười. Người CS đã cười theo chỉ thị, theo công tác, theo tiêu chuẩn? Nếu không thì tại sao, đâu đâu, ai ai cũng có một cách cười chung chung như thế? Có thể Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng... cười hả hê vì là Tướng, là cán bộ cao cấp được điểm Bác và Đảng... Nhưng rồi sao những công nhân nhà máy dệt, đội làm cầu, cán bộ mậu dịch... những người gầy còm, mắt trắng, những kẻ tóc bạc mệt nhọc đầy như tóc rối, như nếp nhăn, những người này có gì để phải cười như Giáp, như Đồng?!!"” Phan Nhật Nam (Tù Binh Và Hòa Bình).
Trong miền Nam, ngoài những nụ cười thành đạt trong học vấn, trong doanh nghiệp, nụ cười tiêu biểu thời đó không thể nào quên:
Nụ cười An Lộc của mùa hè đỏ lửa 1972. Hơn 20 ngàn bộ đội miền Bắc được pháo binh và chiến xa yểm trợ đã mở khoảng 7 cuộc tấn công vào An Lộc. Sau 93 ngày giao tranh ác liệt, giành nhau từng căn nhà, hơn 4000 binh sĩ hai miền chết (gấp khoảng 20 lần số thương vong trong 12 ngày đêm Mỹ thả bom miền Bắc), quân đội tiếp viện đã bắt tay với quân đang tử thủ An Lộc. Bao nhiêu nụ cười và nước mắt giữa những người lính miền Nam. Ông TT Nguyễn văn Thiệu đã bay đến An Lộc tươi cười đứng bên tướng Lê văn Hưng.
Và khi người lính còn sống sót trở về:
“Bà mẹ đứng lặng người, đôi môi khô thoáng hiện nụ cười sung sướng, giọt nước mắt tự nhiên rơi xuống gò má nhăn nheo của tuổi già với ngày tháng chờ mong: "Tụi bay ơi! Thằng Hai nó dìa kìa. Trời ơi! Con sao ốm quá". Anh lính trẻ vừa trở về nhà trong ngày phép, cũng dụi mắt cười với mẹ. Vợ anh từ vườn chạy vào, lặng người, long lanh nước mắt, chị cười hạnh phúc, nước mắt long lanh mừng ngày xum họp cho dù ngắn ngủi."
- Thời sau 30 tháng tư 1975. Song song những nụ cười huyênh hoang vì chiến thắng của cán bộ CS, những nụ cười mỉa mai chế độ của những người miền Nam bắt đi học tập, vô cùng phổ biến:
“Cán bộ như mọi ngày lên lớp học tập chính trị cho mọi người đã làm việc cho chế độ miền Nam. Ông ta ba hoa bài giảng đã thuộc lòng:
- Nhân dân dưới sự dẫn dắt của Bác và Đảng đã có chiến thắng thần kỳ. Quân đội mạnh nhất trên thế giới hiện nay là Liên xô, thứ hai là Trung Quốc. Quân đội nhân dân ta, đánh bại đế quốc Mỹ sừng sỏ, nên thế giới xếp đứng hàng thứ ba. Mỹ như vậy chỉ là con cọp giấy…
Một người đứng tuổi trong lớp từ tốn đứng lên:
- Thưa cán bộ. Mỹ không phải là con cọp giấy mà là con cọp thiệt.
Cán bộ sừng sộ:
- Anh nói sao? Tư tưởng còn ảnh hưởng Mỹ Ngụy, chưa thông suốt…
- Dạ thưa. Nếu Mỹ là con cọp giấy mình chiến thắng đâu có oai hùng. Mỹ phải là con cọp thiệt!
- À... à... cho các anh tạm nghỉ, chờ tôi lấy ý kiến cấp trên.
Vài phút sau, cán bộ trở lại tươi cười:
- Anh đây học tập rất tốt. Đảng đã xác định lại Mỹ là con cọp thiệt.
Trong phòng học mọi người không ngăn được tiếng cười, những tiếng cười mỉa mai... Cán bộ cũng cười, cười lấp liếm những lời ngu dốt mà đảng dạy".
Qua bao năm tháng, nhiều người vẫn không bao giờ quên những tiếng cười của cán bộ trong các trại tù tập trung cải tạo dành cho người trong chế độ miền Nam.
"Tên Thượng úy Trưởng Trại mà chúng tôi gọi là Thằng Bia, vì có bộ mặt giống như tấm hình Việt Cộng trên tấm bia chúng tôi tập bắn ở xạ trường Thủ Đức, khệnh khạng bước lên bục. Hắn nở nụ cười và "hồ hởi" tuyên bố: "Báo tin mừng cho các anh vui chung, chúng tôi vừa chận đứng một âm mưu trốn trại. Tất cả 5 thằng trốn, ta bắt được 2, còn 2 thằng đã bị bắt rồi còn bỏ chạy, ta đành bắn chết thôi. Thấy không, chúng tôi chỉ bắn kẻ chạy đi, không bắn kẻ chạy lại bao giờ! Thằng còn lại ta sẽ bắt nay mai, nếu không bắt được thì cũng thành con vọc trong rừng mà thôi! Này này, mỗi đội cử 1, 2 người ra để xem bạn của các anh chết ra làm sao nhé!"
Nói xong, hắn cười khoái trá. Cái màn cười vô nhân này, đến nay tôi vẫn chẳng quên được. Nó như nụ cười của con Hắc Tinh Tinh, vô cảm và man rợ!" Phan Nhật Nam (Tù Binh Và Hòa Bình).
Những ngày tháng u buồn cứ lãnh đạm trôi qua. Cả triệu người vượt biên, vượt biển để tìm tự do. Không biết bao nhiêu người đã bỏ mạng trên biển khơi và bao nhiêu người bị tù tội vì tội vượt biên trái phép.
"Em là cô gái tuổi đôi mươi, tuổi của mộng mơ. Em xinh đẹp, nếu được sinh ra một đất nước nào khác có lẽ em được sống trên nhung lụa. Sau ngày 30/04/1975, mọi mơ ước, lý tưởng đã bị phủ phàng chôn vùi, gia đình cho em đi vượt biên. Ăn chia giữa bộ đội biên phòng và công an không sòng phẳng, cuộc vượt biên bất thành. Em bị công an bắt. Sau ba tháng ở tù ở Chí Hoà, em bị đưa lên trại lao động Sông Bé. Em vượt ngục nhưng tuổi đời còn ngây thơ, em dễ dàng bị bắt lại. Bọn công an trại giam vui mừng vì có dịp để cảnh cáo các tù nhân khác.
Tất cả tù nhân được tập trung lại, ngồi bệt dưới đất trong khoảng sân rộng dưới ánh nắng trưa hè như đang thiêu đốt. Công an trại giam, súng AK lăm le trên tay, đi qua đi lại. Em bị trói hai tay lên cao. Em bị lột truồng. Trưởng trại giam chỉ tay vào em, giọng hăm dọa:
- Anh chị vi phạm pháp luật. Nhà nước khoan hồng cho đi lao động cải tạo, lại tìm cách trốn. Em đây vi phạm lần đầu nên chỉ phạt cảnh cáo như thế này! Tái phạm chúng tôi sẽ bắn bỏ.
Theo hướng chỉ tay công an trưởng trại, những tên công an khác toát miệng ra cười. Chúng cố gắng cười thô bỉ, khả ố nhất mà Bác và Đảng đã bỏ công dạy dỗ. Em đứng đấy, trần truồng, tóc dài xoã xuống vai, cặp mắt nhìn căm hờn. Nhiều phạm nhân cuối đầu, cố nén những giọt nước mắt nghẹn ngào, uất ức vì cảm thấy bất lực trước cái ác đang diễn ra.
Một tuần sau, vào một buổi sáng, em chỉ còn là một thân xác cứng đơ, nằm in lìm bên cạnh các chai lọ trống không thường dùng đựng thuốc uống. Em đã không chịu nỗi sự sĩ nhục cùng tiếng cười trơ trẻn mà đảng cộng sản VN đã đạt đến đỉnh cao.
Em D đã mãi mãi không trở về căn nhà gia đình ở Tân Định. Em đã vượt qua một không gian khác xa lắm! Tuổi em chỉ vừa đôi mươi!”
Nhiều người Việt định cư ở nước ngoài cũng không bao giờ quên tiếng cười của mình, của những người cùng cảnh ngộ khi con tàu sau nhiều ngày đêm lênh đênh trên sóng biển đã vừa cặp bến bờ tự do. Những nụ cười sung sướng trên bờ môi đã héo khô do đói khát, nắng gió.
Nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, có những tiếng cười khiến ta cảm thông sự sung sướng, sự hạnh phúc. Có những tiếng cười ta cảm thấy bất nhẫn vì nó quá ác độc, quá khả ố. Tiếng cười ấy giống như tiếng cười của bọn Hồi giáo quá khích như cả thế giới đã phẩn nộ khi tay Hồi giáo đặt bom giết người ở Bali, ra trước toà đã cười: nụ cười của tên cuồng tín, sát nhân.
Gần đây nhất, khi nhìn bức hình các ngài bộ trưởng nhà nước mắc quần tắm, khoe thân thể trắng ú nùng nục, tươi cười vui đùa tắm biển để chứng minh biển miền Trung đã sạch. Những tiếng cười trơ trẻn trên sự đau khổ của bao nhiêu gia đình mà cuộc sống của họ dựa chính vào nghề cá.
Những người dân miền Trung biểu tình đòi Formosa phải bồi thường, nhiều người cũng cười. Tiếng cười với ý nghĩa hoàn toàn trái ngược.
Người nước ngoài cũng rất thích cười. Ở Mỹ sau kết quả bầu cử tổng thống vừa qua, người theo Cộng hoà cười hỉ hả, người theo Dân chủ cười chua chát. Nhưng phải nói người Việt Nam cười nhiều nhất và phong phú nhất thế giới. Cười để biểu hiện sung sướng, nhưng cũng để lấy nghị lực vượt qua khổ đau. Dân tộc Việt nam đã khổ đau bao nhiêu năm. Một cuộc chiến qui mô lớn, kéo dài nhất trong lịch sử cận đại giữa hai ý thức hệ: cộng sản và tư bản. Nó qui tụ bao nhiêu vũ khí tối tân từ các nước cộng sản Nga, Tàu, Đông Âu... và Mỹ, Úc, Đại hàn... Cuộc chiến duy nhất trên thế giới vì nó sẽ không bao giờ xẩy ra nữa. Chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô, Đông Âu hoàn toàn xụp đổ. Tàu và Việt Nam... chỉ còn cái da Cộng sản (để giữ quyền lợi cá nhân), hồn vẫn là độc tài, đảng trị. Giữa các nước có da cộng sản này, vì quyền lợi riêng còn đấm đá, dành giật các hải đảo... thì ngu gì chiến tranh ý thức hệ, đem vũ khí để giúp lẫn nhau à!
Hàng triệu người Việt đã chết trong cuộc chiến, bao nhiêu gia đình ly tán. Sau cuộc chiến, chế độ độc tài, hà khắc, hàng triệu người vượt biên bỏ nước ra đi, bao nhiêu người bỏ mình ngoài biển khơi, bao nhiêu người bị tù dày... có lẽ vì thế người Việt luôn muốn cười để đời vơi khổ, cười để còn đủ sức tiếp tục chịu đựng, tiếp tục sống.
Thái Lan cho là đất nước của nụ cười, những nụ cười sung sướng, hạnh phúc vì Thái Lan không có chiến tranh như Việt Nam. Khoảng thập niên 60-70, Thái cộng do Tàu, Việt Nam hỗ trợ, quấy phá miền đông bắc, nhưng may mắn thay, nhóm cộng sản đã không thành công. So người Thái hay cả thế giới, tiếng cười người Việt nhiều và vô cùng phong phú, biểu hiện cho nhiều loại tình cảm khác nhau: cười sung sướng, cười mỉa mai, cười cay đắng, cười long lanh nước mắt... Người nước ngoài khi đến Việt Nam rất thích vì người Việt hay cười thân thiện. Họ thích nhưng họ không bao giờ hiểu nụ cười ngọt ngào hay nụ cười đắng cay của người Việt. Họ không hiểu khi kể câu chuyện buồn đôi khi người Việt lại cười. Cười để dấu nỗi buồn phiền, cười để có nghị lực đấu tranh cho cuộc sống, cười mỉa mai xã hội …???
18.2.2017