Tâm tư đọng lại của người yêu nước đối với hành xử của những Việt gian trong ngày 17-02-2017 - Dân Làm Báo

Tâm tư đọng lại của người yêu nước đối với hành xử của những Việt gian trong ngày 17-02-2017

Dương Đại Triều Lâm (Danlambao) - Nếu ngày 17-02-1979 ghi dấu điểm khởi đầu của một cuộc tàn sát dã man của quân Tàu cộng và cuộc chiến đấu tự vệ kiên cường của người dân Việt Nam thì ngày 17-02-2017 là ngày lộ rõ bản chất đê hèn của những tên Việt gian sẵn sàng chà đạp lòng ái quốc của người dân để quỵ luỵ thiên triều Bắc Kinh.

Từ trước ngày tưởng niệm đồng bào chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ đất nước, nhà cầm quyền đã ra lệnh cho công an bao vây nhiều người hoạt động. Nhiều người đã bị giam lỏng không được ra khỏi nhà. Những nỗ lực để bày tỏ lòng tri ân với những người hy sinh vì Tổ quốc đã bị cầm tù. Trước ngày 17-02 lòng yêu nước của rất nhiều người Việt đã bị giam lỏng, quản thúc tại gia.

Vào ngày 17-02-2017, một lần nữa như những năm trước, nghĩa cử biết ơn sự hy sinh của đồng bào và chiến sĩ chống quân xâm lược Tàu cộng lại một lần nữa bị chửi bới, chà đạp, hành hung, trấn áp bởi lực lượng công an, dân phòng và thành phần giả dạng làm "quần chúng tự phát". (Danlambao - Công an phá lễ tưởng niệm cuộc chiến biên giới phía Bắc).

Anh Nguyễn Viết Dũng, người đã bị bỏ tù 12 tháng vì những hoạt động nhân quyền, bảo vệ môi trường và chủ quyền biển đảo, sau khi ra tù vẫn tiếp tục dấn thân. Anh đã chia sẻ cảm nhận của anh về hành động của nhà cầm quyền:

"Tôi cho rằng hành động cản trở người dân tưởng niệm Chiến tranh biên giới của nhà cầm quyền là hành vi vừa không tôn trọng luật pháp, vừa đi trái với đạo lý dân tộc Việt Nam:

Về luật pháp:

- Bằng cách thực hiện biện pháp ngăn chặn tại nhà đối với một số nhà hoạt động, nhà cầm quyền đã xâm hại trầm trọng quyền được tự do đi lại của công dân;

- Bằng việc cản trở buổi tưởng niệm, nhà cầm quyền đã xâm hại quyền được tự do tín ngưỡng, tự do bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa của công dân;

- Và bằng việc bắt bớ các nhà hoạt động ôn hòa như anh Nguyễn Lân Thắng, Nghệ sĩ Kim Chi..., nhà cầm quyền đã thực hiện hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Không tôn trọng, hay nói cách khác, chà đạp lên pháp luật bằng một loạt các hành động có tổ chức nêu trên chứng tỏ nhà cầm quyền ngày càng sợ hãi sự nhận thức của số đông và sức mạnh về kiến thức của dân chúng.

Về khía cạnh đạo đức

Việc ngăn cản buổi tưởng niệm cho thấy rằng nhà cầm quyền đi ngược lại với đạo lý của dân tộc Việt Nam, không tôn trọng những vong linh đã từng ngã xuống trong công cuộc bảo vệ Tổ Quốc.

Một nhà cầm quyền như vậy, chỉ có thể gọi là tà quyền, không thể gọi là chính quyền."

Sự lựa chọn của nhà cầm quyền trong ngày 17 tháng 2 một lần nữa cho người dân thấy đảng và nhà nước đang đứng ở đâu giữa lằn ranh Tổ quốc - Dân Tộc và Ngoại bang xâm lược. Về sự lựa chọn này, anh Nguyễn Kim Tuấn, một facebooker tại Sài Gòn đã chia sẻ với chúng tôi rằng:

"Tôi thấy đó là lựa chọn dại dột của nhà cầm quyền. Cản trở người dân thể hiện lòng yêu nước thì chính quyền càng trở nên mất lòng tin đối với người dân. Vì ngay cả lòng yêu nước không được phép bày tỏ thì tính chính danh của chính quyền coi như không còn. Điều này vô cùng nguy hiểm vì gây ra một sự phẫn nộ đối với người dân. Nhất là đối với những gia đình người lính đã hy sinh cũng như đồng bào các tỉnh biên giới."

Bạn Huỳnh Thành Phát, quê ở An Giang, một người trẻ bị công an bắt giữ trong thời gian ngắn để ngăn chặn bạn tham gia tưởng niệm thì cho rằng: 

"Em cảm thấy đó là một bước đi sai lầm của nhà cầm quyền hiện tại. Vì việc cản trở tưởng niệm 17/2/1979 trong khi sự kiện đã được các trang tin chính thống đăng tải là một việc làm thiếu sự cẩn trọng, vì ở đó người ta có thể thấy được bộ mặt thật của nhà cầm quyền thông qua hành động cản trở hôm nay. Điều đó không chỉ là diễn biến tâm lý của riêng anh em quan tâm xã hội, mà nó còn là của những người dân bình thường, hay đọc và theo dõi tin tức. Những người đó có thể trước hôm nay họ đứng ở phía trung lập để đánh giá. Nhưng em tin sau sự việc trên thì họ sẽ có phần nghiêng về anh em và tiến trình dân chủ hóa, hơn nữa. Trên hết đây là buổi lễ tưởng niệm người lính thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam, do đó những hành động ngăn cản, trấn áp có thể làm lung lay ý chí của các bộ đội đang trấn giữ các đồn biên giới. Vì họ thấy chính những người ngã xuống vì quê hương vì đảng và nhà nước, mà không được tưởng niệm, không được vinh danh, thì chẳng ai còn lòng dạ để trung kiên với đảng nữa."

Riêng nhà báo Lê Bảo Nhi ở Sài Gòn thì rất thẳng thừng trong nhận xét của chị: 

"Chúng nó sợ mẫu quốc quở trách. Bán nước mà. Thà đánh đập dân mình chớ nhất định không để ông cố nội nó buồn."

Nếu chúng ta có mặt tại hiện trường tưởng niệm hay qua các clip, hình ảnh, chứng kiến thái độ của những thành phần Việt gian có lẽ không ai có thể không tởm lợm và khinh bỉ đối với những hành động của họ. Nhà báo Nguyễn Tường Thụy chỉ có thể nói được một câu nhưng cũng đủ nói lên tâm trạng của những người Việt yêu nước: 

"Căm phẫn bè lũ bán nước, vong ân bội nghĩa!"

Riêng đối với cựu tù nhân lương tâm Lê Văn Sơn thì anh cho rằng đây là: 

"Một sự ngu dốt của cộng sản, quá khinh thường người dân. Vi phạm luật pháp quốc tế về công ước nhân quyền, chà đạp lên hiến pháp và pháp luật."

Những người tham dự các buổi tưởng niệm là kết hợp của nhiều thế hệ. Có những bạn sinh ra sau năm 1979 nhưng cảm nhận được sự hy sinh của thế hệ đàn anh. Sinh viên Cao Trần Quân, Sài Gòn, nói lên cảm tưởng của một người trẻ ngày hôm nay:

"Theo em thì chính quyền đang cố gắng bảo vệ giữ kín lịch sử, đàn áp người tưởng niệm để giảm thiểu số lượng người biết đến sự thật này càng ít càng tốt, hành động cản trở, đàn áp và bắt bớ đó thực sự là điều sai trái, bởi chả có ai cấm tôn thờ hay tưởng niệm ai cả. Chính quyền đang càng làm thêm cho người dân mất niềm tin hơn nữa."

Rõ ràng như bạn Cao Trần Quân nói, nhà cầm quyền đang muốn phi tang và xóa bỏ một giai đoạn lịch sử bi hùng của đất nước.

Từ biển đảo Hoàng Sa tháng trước với sự hy sinh của những người lính Việt Nam Cộng Hòa cho đến cuộc chiến biên giới Việt-Trung với sự hy sinh của những người lính Quân Đội Nhân Dân, nhiều người dân Việt đã có một nghĩa cử giống nhau dành cho họ. Đó là ghi ơn sự hy sinh của những người đã ngã xuống để bảo vệ tổ quốc.

Bạn Mai Tấn Vũ quê ở Bình Thuận chia sẻ:

"Hồi tháng trước tưởng niệm HS họ ngăn chặn ở một số nơi, còn hôm nay thì em nghĩ có liên quan đến việc ông Trọng qua Bắc Kinh. Đảng CS đã quá phụ thuộc Bắc Kinh... và gần đây nhất lại bắt tay ký kết 15 văn kiện với Bắc Kinh thì chúng nhất quyết sẽ không để mọi người tưởng niệm thành công bằng mọi cách. Vì nếu tưởng niệm được thì chúng sẽ không nhận được hỗ trợ từ Bắc Kinh nữa và có thể bị hình phạt nào đó. Và em nghĩ trong bộ phận ĐCS có rất nhiều mật thám và sự điều hành của Trung Cộng nên nó mới nhất quyết bằng mọi cách ngăn cản tưởng niệm Gạc Ma."

Bạn Nguyễn Mạnh Hiền quê ở Nghệ An cũng cùng quan điểm: 

"Việc ngăn cản tưởng niệm có thể là để hài lòng Trung cộng."

Kỹ sư Trần Bang tại Sài Gòn (SG) cũng có cùng suy nghĩ về thái độ lệ thuộc và quỵ luỵ quan thầy Bắc Kinh của nhà cầm quyền CSVN. Ông nói: 

"Hà Nội sợ mất lòng quan thầy Bắc Kinh vì chưa biết Trump có như Obama không? Tư tưởng nô lệ, sợ hãi Trung Cộng ăn sâu vào CSVN, CSVN phụ thuộc tư tưởng, kinh tế, chính trị quá nặng vào TC. Mất lòng TC thì sợ mất chỗ dựa sẽ... dẫn đến... cách mạng dân chủ, và CS Hà Nội mất quyền lãnh đạo."

Chị Nguyễn Thị Bích Ngà, quê ở Đồng Tháp, một người hoạt động bảo vệ môi trường thì cho rằng: 

"Tôi nghĩ đó là hành vi của một chính quyền không có tính công chính, hèn nhát và vô ơn với người đã nằm xuống vì đất nước. Chính quyền đã đặt lợi ích nhóm cao hơn nhân nghĩa và cao hơn lòng dân."

So sánh mức độ hành xử của nhà cầm quyền đối với 2 lần tưởng niệm, và lý do dẫn đến việc trấn áp người dân, anh Cao Xuân Quyền tại Sài Gòn có nhận định rằng:

"Một động thái khó hiểu. Khi cho phép tưởng niệm ôn hòa vụ hải chiến Hoàng Sa. Nhưng lại thể hiện một bộ mặt khác hẳn khi ngăn cấm tưởng niệm những người lính của mình. Tuy nhiên khó hiểu nhất là một bài viết đánh thẳng vào việc sách giáo khoa chỉ có 11 dòng ghi về chiến tranh biên giới. Tôi đang cảm giác có một sự kích động tinh thần dân tộc nhắm vào người dân và quân đội. Vụ cấm bà con vào viếng thăm nghĩa trang biên giới cũng là một sự kích động sự phẫn uất lan truyền có chủ đích. Áp lực phải nịnh bợ Trung Quốc cảm thấy nó hơi vô lý trong trường hợp này. Vì theo cách nhìn nhận từ mấy năm tưởng niệm bao nhiêu lần, thì lực lượng tưởng niệm và qui mô tưởng niệm không đủ lớn để TQ xen vào.

Theo cách nhìn thì cho tưởng niệm hay cấm tưởng niệm luôn nằm trong sự diễn biến nội bộ, nội bộ tự cân đong đo đếm lợi ích để cho hoặc cấm. Quy mô giới bất đồng chính kiến tưởng niệm chỉ nằm trong tầm cân đong đo đếm của địa phương, chưa tới mức bộ vào cuộc. Nhưng đợt này thì thấy hơi khác chút vì trong thời điểm này, thì lãnh đạo nên cho phép tưởng niệm để xoa dịu ngay vụ trước đó đàn áp giáo dân.

Tuy nhiên, mức độ cấm đoán đã quá mức, như ở Sài Gòn, huy động lực lượng đông và làm mạnh tay một cách công khai. Do đó, theo anh là họ đang cố tình kích động sự phẫn nộ của chính những người, cụ thể là các cựu quân nhân có mối quan hệ với bên quân đội."

Riêng anh Huỳnh Quốc Huy tại Sài Gòn thì cho rằng: 

"Thực sự việc đàn áp ấy có lợi cho csvn lắm. Phía Trung Quốc vui lòng do đó giảm căng thẳng để đổi lấy tiền" và chị Trần Hương Quế cũng đã tiếp lời rằng: "Chúng biết chúng cầm quyền không chính danh và chúng lo sợ, ráng giấu đuôi cáo được ngày nào hay ngày đó."

Nói về hành động của những Việt gian ngày 17.02.2017 anh Đỗ Đức Hợp, Sài Gòn, một người bị giam lỏng tại nhà bởi liên quân phường-quận, có lẻ là người ngắn gọn nhưng lại chính xác trong việc chia sẻ cảm nhận của mình đối với việc làm của họ: 

"Kinh tởm!"

Hành động của nhà cầm quyền đã như là một bảo cáo trạng chính họ đã dành cho họ. Những thái độ của người dân chẳng qua chỉ phản ảnh lại tội ác mà chính các lực lượng công an, dân phòng và côn đồ. Anh Đặng Nguyễn Hữu Trường tại Đà Nẵng đã dành cho họ một bản cáo trạng ngắn gọn như sau:

"Trước tiên là một hành động thiếu văn minh, mang tính bạo lực. Thứ 2, đây là một việc làm vong ân bội nghĩa. Thứ 3, những người tham gia vào công việc cản trở đó không có lý trí, không có tư duy hành động như những con rối. Thứ 4, những kẻ đứng đằng sau chuyện này tỏ rõ bộ mặt bán nước."

Bản cáo trạng của anh Đặng Nguyễn Hữu Trường dù ngắn gọn nhưng là những lời kết án chính xác và đầy đủ nhất dành cho những Việt gian đứng đằng sau hay xuất hiện trong ngày 17.02.2017 vừa qua.

18.02.2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo