LS Nguyễn Văn Thân (Danlambao) - Bước vào đầu năm 2017, Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe đã tiến hành chuyến công du tại 4 nước Châu Á là Phi Luật Tân, Úc, Nam Dương và Việt Nam. Úc và Nhật là đồng minh quân sự của Hoa Kỳ. Nam Dương là quốc gia có tầm vóc lãnh đạo trong Khối ASEAN. Phi Luật Tân và Việt Nam đều có tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Đông và Việt Nam cũng là nước chủ nhà sẽ tổ chức Hội Nghị APEC tại Đà Nẵng trong năm 2017 này. Tưởng cũng nên nhắc lại Abe là nguyên thủ đầu tiên ghé thăm và chúc mừng Donald Trump tại New York hồi tháng 11 năm ngoái khi ông trên đường tham dự APEC tại Peru.
Trong tháng 12 thì Abe cũng thi hành hai công tác ngoại giao quan trọng. Thứ nhất là đón tiếp Tổng Thống Nga Vladimir Putin. Nga là nước duy nhất mà Nhật chưa ký Hiệp Ước Hòa Bình sau Đệ Nhị Thế Chiến. Trong những ngày cuối của cuộc chiến, Liên Bang Xô Viết đưa quân chiếm đóng một vài hòn đảo ở phía Bắc của Nhật gọi là quần đảo Kuril và tranh chấp chủ quyền của quần đảo này đã ngăn cản tiềm năng quan hệ giữa hai nước. Abe và Putin không ra tuyên bố gì đột phá về Kuril nhưng hứa hẹn là sẽ cải thiện quan hệ kinh tế song phương trong bối cảnh Nga đang bị Hoa Kỳ và Châu Âu cấm vận vì xâm chiếm Crimea. Còn Nhật thì đang mong vực dậy nền kinh tế qua nhiều năm suy thoái.
Vào cuối tháng 12, Abe cũng đã viếng thăm Trân Châu Cảng nơi mà 75 năm về trước Nhật đã đánh bom tấn công căn cứ hải quân làm Hoa Kỳ quyết định nhảy vào vòng chiến. Chỉ ngoài một tiếng đồng hồ, phi hành đoàn với hơn 350 phi cơ của Nhật đã đánh chìm hoặc phả hủy 19 tàu hải quân bao gồm 8 tàu chiến Mỹ, phá hủy 328 máy bay và hạ sát 2403 quân nhân Mỹ. Tới năm 1945, Mỹ thả bom nguyên tử xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki làm hơn 150,000 thường dân Nhật thiệt mạng. Chuyến đi của Abe là để đáp lễ chuyến viếng thăm Hiroshima của Obama hồi tháng 5. Cũng như Obama, Abe không lên tiếng xin lỗi nhưng bày tỏ lời chia buồn chân thành và sâu sắc. Abe ca ngợi nỗ lực hàn gắn quan hệ hai nước của Mỹ và cam kết là Nhật sẽ không bao giờ lập lại nỗi kinh hoàng của chiến tranh.
Tại Úc, Abe và Thủ Tướng Úc Malcolm Turnbull thảo luận về vấn đề an ninh trong khu vực trước viễn ảnh và tương lai bấp bênh của Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump cũng như quyết định của Trump rút khỏi TPP. Nhật là quốc gia đầu tiên và duy nhất trong 12 thành viên đã phê chuẩn TPP vào đầu tháng 12 năm ngoái. Mục đích là muốn khuyến khích Trump thay đổi ý định để kết hợp quan hệ đồng minh quân sự và đối tác kinh tế của trục Mỹ - Nhật - Úc là những quốc gia chia sẻ các giá trị tự do, dân chủ và pháp trị trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hầu đối phó với sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc. Nhưng quyết định thiển cận của Trump đã làm đảo lộn hết tất cả. Không có TPP thì trục Tự Do không có cơ hội sử dụng ván bài kinh tế làm đòn bẩy an ninh và chiến lược.
Tại Nam Dương, Abe hội kiến Tổng Thống Jowoki và thảo luận quan hệ kinh tế song phương cũng như tình hình an ninh tại Biển Đông. Nhật là đối tác chiến lược của Nam Dương. Hai lãnh tụ đồng ý tiếp tục 4 dự án chiến lược mà theo đó Nhật sẽ viện trợ và đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng cung cấp hệ thống giao thông và năng lượng cho Nam Dương. Đây là phiên họp thứ tư giữa hai lãnh tụ trong vòng 2 năm qua.
Trước đó thì Abe đã ghé tới Phi Luật Tân. Vào tháng 10 năm ngoái, Tổng Thống Duterete đã đến thăm Nhật sau chuyến công du Trung Quốc. Nhật xâm chiếm Phi Luật Tân vào ngày 8/12/1941 chỉ 8 tiếng đồng hồ sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Tới khi chiến tranh kết thúc vào năm 1945 thì có khoảng từ 500,000 tới 1 triệu người Phi thiệt mạng trong thời gian Nhật chiếm đóng. Nhưng trong thời gian qua, Nhật là quốc gia viện trợ lớn nhất của Phi Luật Tân. Trong năm 2016, viện trợ của Nhật cho Phi Luật Tân có giá trị khoảng 19 tỷ Mỹ kim gồm có viện trợ cho các dự án xây dựng hệ thống xa lộ và phát điện. Trước đó, Nhật cũng đã hứa cung cấp 10 tàu tuần tra để giúp Phi Luật Tân đối phó với Trung Quốc trong việc tranh chấp trên biển.
Việt Nam là chặng đường cuối trong chuyến công du của Abe. Abe đến Việt Nam chỉ vài ngày sau khi Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trở về sau khi viếng thăm Trung Quốc trong 4 ngày. Abe công bố là sẽ viện trợ tổng cộng 1.5 tỷ Mỹ kim cho Việt Nam gồm cócung cấp 6 chiếc tàu tuần tra mới cho Việt Nam trị giá 338 triệu Mỹ kim để giúp Việt Namtrong nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải.
Chuyến công du này phản ánh chính sách ngoại giao chủ động, tích cực và mở rộng ảnh hưởng của Thủ Tướng Abe. Trước đây với mặc cảm quá khứ và lịch sử chiến tranh nên Nhật hài lòng với vai trò thụ động và tránh xa ánh đèn sân khấu trên mặt trận ngoại giao. Nhưng sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc tạo ra thách thức và đe dọa chủ quyền của Nhật tại Biển Hoa Đông dẫn đến chính sách ngoại giao mới dựa trên nguyên tắc bình thường hóa. Có nghĩa là Abe muốn Nhật có thể sử dụng mọi công cụ ngoại giao, kinh tế, an ninh và chiến lược cho lợi ích quốc gia mà không bị Hiến Pháp chủ hòa cản trở. Ngay từ nhiệm kỳ đầu tuy ngắn ngủi chỉ trong vòng một năm từ 2006 tới 2007, Abe đã phác họa chính sách ngoại giao mới có tên là “Cung Tự Do & Thịnh Vượng” (Arc of Freedom and Prosperity). Chính sách này dựa trên hai yếu tố. Thứ nhất là bảo vệ các giá trị phổ quát là tự do, dân chủ và pháp trị và thứ hai là chủ động siết chặt quan hệ với các quốc gia trong khu vực chia sẻ các giá trị phổ quát này chẳng hạn như Mỹ, Úc và Ấn Độ. Từ năm 2007, Nhật đã thúc đẩy các cuộc đối thoại an ninh bốn bên gồm có Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ (Quadrilateral Security Dialogue). Sau cuộc đối thoại đầu tiên vào tháng 5 năm 2007, Nhật đã tham gia tập trận Malabar trong vịnh Bengal. Đây là lần đầu tiên Nhật tham gia tập trận ngoài lãnh hải của họ.
Trong tháng 12 năm 2013, nhân dịp 40 năm quan hệ ASEAN - Nhật, Abe vận động thành công cho việc thành lập diễn đàn đối thoại cấp bộ trưởng quốc phòng ASEAN và Nhật. Trong bài diễn văn chính yếu tại Đối Thoại Shangri - La vào năm 2014, Abe nhấn mạnh ba nguyên tắc chủ đạo về an ninh trên Biển Đông là các quốc gia “đưa yêu sách chủ quyền dựa trên luật quốc tế, không được sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực để đạt yêu sách và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”.
Chính sách của Nhật tại Biển Đông có thể được coi là chủ động, tích cực và nhất quán. Thứ nhất là nâng cao ảnh hưởng của Nhật trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Thứ hai là kiềm chế sự trỗi dậy hung hãn của Trung Quốc bằng cách phân tán nguồn lực hầu để giảm áp lực tranh chấp tại Biển Hoa Đông. Thứ ba là lèo lái dư luận trong nước về nhu cầu thay đổi hoặc diễn giải Hiến Pháp phù hợp với chính sách ngoại giao mới. Trung Quốc thường chỉ trích Nhật về các chính sách hỗ trợ cho Phi Luật Tân và Việt Nam có ý chống lại Trung Quốc và cảnh báo Nhật đừng can thiệp vào tranh chấp tại Biển Đông vì Nhật không phải là một bên trong cuộc tranh chấp. Nhưng cũng như Hoa Kỳ, Nhật có lợi ích cốt lõi trong việc duy trì an ninh hòa bình và tự do lưu thông hàng hải và hàng không tại Biển Đông. Do đó, Nhật không ngần ngại tận dụng mọi cơ hội ví dụ như trong các cuộc Hội Nghị G7 thúc đẩy các nước phát triển lên tiếng bày tỏ quan điểm trái ngược với Trung Quốc.
Nỗ lực ngoại giao của Nhật cũng có một số mặt giới hạn. Thứ nhất, nền kinh tế của Nhật vẫn nằm trong chu kỳ suy thoái. Với dân số lão hóa và ngày càng tụt giảm thì khó có cơ hội phục hồi nhanh chóng. Thứ hai, đa số dân chúng vẫn chưa quên vết thương chiến tranh nên không chấp nhận nguyên tắc bình thường hóa trong chính sách ngoại giao, an ninh và chiến lược. Mọi ý định tu chính Hiến Pháp chủ hòa đều bị chống đối mạnh mẽ. Thứ ba là hệ thống chính trị bấp bênh dẫn đến sự thay đổi chính quyền và thủ tướng thường xuyên. Trong thập niên qua thì Nhật đã có tới 7 vị thủ tướng là Junichiro Koizumi (2001-2006), Shinzo Abe (2006-2007), Yasuo Fukuda (2007-2008), Taro Aso (2008-2009), Yukio Haytoama (2009-2010), Naoto Kan (2010-2011), Yoshihiko Noda (2011-2012) rồi trở lại Shinzo Abe từ 2012 đến nay. Điều này ảnh hưởng tới kế hoạch và hành động nhất quán và dài hạn, và khó xây dựng được quan hệ cá nhân chặt chẽ giữa các lãnh tụ cũng như lòng tin là chính sách sẽ không thay đổi với các quốc gia đối tác.
Tuy nhiên, Thủ Tướng Abe đã chứng minh trong thời gian qua ông là một chính khách có bản lãnh và thành công trong việc củng cố quyền lực của mình. Nhiệm kỳ thủ tướng của ông đúng ra sẽ chấm dứt vào tháng 9 năm 2018 nhưng Đảng Tự Do Dân Chủ đã đồng ý gia hạn nhiệm kỳ lãnh đạo và Abe có thể tranh cử và làm thủ tướng đến tháng 9 năm 2021. Có nghĩa là Abe có nhiều cơ hội củng cố chính sách ngoại giao mới của Nhật trong thời gian sắp tới. Đối phó với Trump cũng sẽ là một thách thức. Hiện nay Nhật chi khoảng 42 tỷ Mỹ kim một năm cho ngân sách quốc phòng tương đương với 1% GDP so với tỷ lệ trung bình là 2% đối với các quốc gia khác. Có thể Trump sẽ đặt áp lực và yêu cầu Nhật gia tăng chi phí quốc phòng. Trước đây, Phó Tổng Thống Joe Biden đã từng nói với Tập Cận Bình là Nhật có đủ khả năng phát triển vũ khí nguyên tử "trong 24 tiếng đồng hồ" nếu Trung Quốc không kiềm chế Bắc Hàn. Vấn đề là người dân Nhật có sẵn sàng thay đổi tư duy chủ hòa hay chưa?
Đối với Việt Nam, Nhật là quốc gia có tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ và kỹ thuật cao có thể giúp Việt Nam phát triển nhanh về mặt kinh tế. Chẳng những thế, Nhật có năng lực và thiết bị biển có thể giúp Việt Nam đối phó với sức ép của Trung Quốc tại Biển Đông. Xây dựng quan hệ an ninh quốc phòng với Nhật có thể giúp Việt Nam cân bằng quan hệ và giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc. Vấn đề là Đảng Cộng Sản Việt Nam và đặc biệt là ông Nguyễn Phú Trọng có muốn đặt lợi ích của Việt Nam trên hết và sẵn sàng làm bạn thân với một quốc gia tự do, dân chủ, pháp trị nơi mà quyền con người căn bản được tôn trọng như Nhật Bản hay không? Hay là ông Trọng vẫn còn mơ được nắm tay ông Tập Cận Bình để đưa Việt Nam theo chân Trung Quốc tiến lên thiên đường xã hội chủ nghĩa.