Trần Nguyên Thao (Danlambao) - Việt cộng bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh từ Đức, bí mật áp giải qua nhiều ngả đưa được về Hà Nội, làm sân khấu chính trị Việt Nam “bừng nóng” lên: nhiều nhân vật từng có vai vế lớn của chế độ trong phe thất thế, đang trở thành mục tiêu của mưu toan thanh trừng khốc liệt; Phe đương quyền thì hỉ hả xen lẫn âu lo. Sau nhiều cuộc ép cung, sắp xếp... Hà Nội trình chiếu một Trịnh Xuân Thanh bơ phờ như kẻ mất hồn trong đoạn phim”đầu thú” vụng về[1]... Để rồi chuốc lấy hình ảnh một Việt Nam đầy hoen ố như một kẻ “khủng bố” trong mắt Thế Giới, khi chỉ còn vài tháng nữa (11-2017) Việt Nam được giao cho tổ chức Hội Nghị APEC tại Đà Nẵng. Hà Nội không trả TXT về Đức như đòi hỏi để hồ sơ này được cứu xét theo luật. Chính phủ Đức đang xem xét trừng phạt Việt Nam “ở cấp độ chính trị, kinh tế và chính sách phát triển" mà Đức nêu ra trong tuyên bố của Bộ Ngoại Giao [2]. 24 ngày sau (17-08) Việt cộng phải đưa ra đề nghị xin đàm phán với phía Đức để giải quyết khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước. Phía Đức chưa đưa ra phản hồi nào.
Ông Trịnh Xuân Thanh (TXT) bị Cộng đảng cáo buộc gây thất thoát 3 ngàn 200 tỷ khi còn làm chủ tịch hội đồng quản trị công ty PVC. Ông TXT đã làm đơn xin ra khỏi đảng (04-09-2016), chạy sang Đức xin tỵ nạn vài tháng trước khi Hà Nội phát lệnh truy nã. Hôm 14 tháng 08, Cảnh Sát Hình Sự Quốc Tế (Interpol) nói là tên ông TXT “không có trong danh sách truy nã” [3].
Bên lề hội nghị G20 đầu tháng 07 vừa qua, đích thân Thủ Tướng VC, Nguyễn Xuân Phúc vận động để xin dẫn độ TXT. Nhưng bà Thủ tướng Đức Merkel đã từ chối, viện dẫn rằng, thủ tục dẫn độ phải làm đúng theo những chuẩn mực của nhà nước pháp quyền. Dù là Thủ Tướng, bà cũng không có thể can thiệp vào thủ tục pháp lý được.
Chính phủ Đức nói, có đủ bằng chứng Việt cộng đã dùng gái làm “chim mồi” để bắt cóc TXT, đưa vào Đại Sứ Quán Việt Nam tại Bá Linh một ngày trước khi ông này được phỏng vấn về hồ sơ xin tỵ nạn. Đại tá công an Nguyễn Đức Thoa làm việc tại Đức dưới “vỏ bọc” Bí Thư Thứ Nhất đã bị Đức trục xuất đầu tháng 08. Một phần toán đặc vụ được Hà Nội gởi qua Đức bắt cóc ông Thanh còn trốn ở lại các nước Âu Châu đang bị an ninh tầm nã. Hôm 13 tháng 08, an ninh Cộng Hòa Séc đã bắt giữ ông Nguyễn Hải Long, chủ nhân một cơ sở dịch vụ, vì ông này đứng ra thuê chiếc xe Multivan để mật vụ Hà Nội sử dụng bắt cóc ông TXT. Một người Việt Nam khác, là công chức Cộng Hòa Liên Bang Đức cũng đang bị điều tra vì bị tình nghi có liên quan.
Viện Công Tố Liên Bang Đức đã nhập cuộc để tiếp tục điều tra. Nước Đức đã tạm thời ngưng cấp chiếu khán nhập cảnh cho công dân Việt Nam muốn thăm thân nhân tại Đức; Và tạm ngưng giải ngân khoản viện trợ 257 triệu Mỹ Kim cho VN.
Bộ Trưởng Ngoại Giao Đức, ông Sigmar Gabriel tuyên bố chính quyền Đức “đang xem xét những việc cần phải làm để Việt Nam thấy chúng tôi không thể chấp nhận hành động bắt cóc người tại nước Đức. Đồng thời, ông Gabriel cũng lấy làm “khó hiểu” việc Việt Nam "chấp nhận mạo hiểm trong vụ TXT để làm tiêu tan thành quả quan hệ song phương” (07-08).
Hôm 12 tháng 08, Nghị sỹ Burkhard Lischka, phát ngôn viên đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) “đòi hỏi phải trục xuất thêm nhiều nhân viên mật vụ tình báo Việt Nam và đóng băng các khoản tiền viện trợ hợp tác phát triển”. Đồng quan điểm với Nghị sỹ Burkhard Lischka, Dân biểu Jürgen Hardt, đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (CDU) đề nghị phải đưa ra biện pháp chung của khối EU (Liên Hiệp Âu Châu) trong việc này.
Hiện có khoảng trên 100 ngàn người Việt Nam đang sinh sống tại Đức. Qua vụ Hà Nội bắt cóc TXT cộng đồng người Việt tại Đức cảm nhận đang có bất an và giao động. Số người đông đảo này cũng có không ít chưa hoàn tất thủ tục cư trú hợp lệ. Nếu bị trả về Việt Nam thì Hà Nội cũng mất một mối ngoại tệ lớn. Chính về điểm này mà Hà Nội không dám ký hiệp định dẫn độ với nhiều nước.
Hôm 14 tháng 08, người Việt tỵ nạn tại Đức đã biểu tình trước sứ quán Việt cộng đòi “nhân quyền cho Việt Nam và không chấp nhận mật vụ Hà Nội trên nước Đức”.
Tờ báo kinh tế hàng đầu thế giới, Forbes, hôm 11 tháng 08 đã đi một bài viết của ký giả David Hutt cho hay việc mật vụ Hà Nội bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trên đường phố Berlin hồi cuối tháng 7 vừa qua có thể sẽ khiến bản dự thảo Hiệp Ước Tự Do Mậu Dịch giữa Việt Nam với Âu Châu bị xét lại [4].
Hiệp Ước Tự Do Mậu Dịch (EVTFA) giữa Việt Nam và Châu Âu đã ký năm 2016 và sẽ hiệu lực vào năm 2018. Đức là lãnh đạo thương mại hàng đầu tại Âu Châu, và EVTFA là niềm hy vọng duy nhất của Việt Nam sau khi TTP bị Hoa Kỳ loại bỏ. Châu Âu hiện là nhà nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam nên Hiệp Định EVTFA đang được cộng đồng doanh nghiệp trong nước đặt nhiều kỳ vọng. Đức Quốc tiêu thụ ít nhất 20% số lượng hàng xuất khẩu và là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Âu Châu.
Ngày 31 tháng 7, khi Đức chưa phản ứng mạnh ông Nguyễn Phú Trọng tính sẽ dùng lời khai của TXT để diệt phe thất thế, nên mói ví von: "Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy [5]. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”.
HÀ Nội còn cuồng điên, dùng dư luận viên chửi bới, mạt sát nước Đức bằng nhiều ngôn từ thậm tệ và quá khích. Nhiều kẻ đã coi nhà nước Đức là kẻ thù và tuyên bố Việt Nam không cần quan hệ với nước Đức.
Trên báo mạng, đầy những bài phân tích về 4 Uỷ viên Bộ Chính Trị, Đinh La Thăng bị giam lỏng, Phạm Bình Minh như cái bóng mờ; còn các ông Đinh Thế Huynh, Thường Trực Ban Bí Thư Cộng đảng và Trần Đại Quang, Chủ Tịch Nước thì đang “lâm bệnh nặng” chưa rõ nguyên nhân.
Câu chuyện về “cuộc chiến tay ba” [6] đầy thủ đoạn tranh giành quyền lực; dùng cả chất độc để triệt hạ nhau trong nội bộ Ba Đình đang được lập lại và phơi bầy trên các trang báo mạng. Theo đó, phe Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng muốn tước hết hầu bao và chặt mọi tay chân của phe cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng còn chằng chịt như chân rết trong mọi ngành.
Hai cựu lãnh đạo của một ngân hàng tư nhân hàng đầu Việt Nam đã bị bắt giữ hôm đầu tháng 08. Các ông Phan Huy Khang, nguyên tổng giám đốc Sacombank và ông Trầm Bê, được mô tả là người từng làm kinh tài cho nhóm lợi ích của cựu Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ngoài ra, phe đương quyền còn bắt thêm 14 người cầm đầu của nhiều ngân hàng tư nhân và ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước. Theo Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, những sai phạm của hệ thống ngân hàng gần đây lại được đưa ra khá rầm rộ. "Có tới hơn 100 vụ được khởi tố với hàng trăm nhân vật trong hệ thống ngân hàng đã và sẽ bị điều tra hay bị bắt."
Một trong những tập họp công khai nhằm “bắn tiếng” rất hiếm hoi vừa được phe “thất thế” biểu dương: Bản tin của VOV mới đây, dưới nhan đề “Họp mặt Đảng ủy viên Đảng ủy Quân khu 9 các thời kỳ” [7] (http://bit.ly/2vBY3kR) vào ngày 25-07. Quân khu 9, vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, là thánh địa họp bàn những việc cơ mật của ông Nguyễn Tấn Dũng. Cũng có tin nói rằng, gia đình ông Nguyễn Tấn Dũng đã dọn vào cư ngụ trong nhà khách của Bộ Tư Lệnh Quân Khu 9.
Các chuyên gia phân tích chính trị về Việt Nam cho rằng, việc xuất hiện của các tay cộng sản đầu sỏ như Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh... tại trụ sở Bộ Tư lệnh Quân khu 9 dưới danh nghĩa họp mặt là một động thái bất thường của phe ông Nguyễn Tấn Dũng. Đó được coi là một hành động có tính toán nhằm gửi đi một thông điệp đến Tổng BT Nguyễn Phú Trọng rằng họ sẽ không chịu ngồi im để chờ chết.
Mọi phát biểu công khai của các nhân vật tham dự đều đưa ra cam kết: “Sẽ sát cánh cùng lực lượng vũ trang Quân khu 9 để xây dựng lực lượng vũ trang tinh nhuệ và từng bước hiện đại, để củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân”.
Hà Nội cảm nhận bị Âu Châu “bổ vây” kinh tế sau vụ TXT, nên vội vã đưa ra nhiều điều kiện ưu đãi về thuế khóa, tiền thuê đất và thời gian thuê đất dầu tư lên đến 99 năm cho (3) dư án Đặc Khu Kinh Tế Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc. Các sửa đổ mới này được báo Dân Trí loan báo hôm 15 tháng 08 [8]
Dù cho Hà Nội đưa ra đề nghị “bán nước” dễ dãi như nói trên, cũng vẫn chưa biết các nhà đầu tư sẽ đáp ứng ra sao. Trong mắt quốc tế, hành vi Hà Nội đưa mật vụ vào Đức bắt cóc ông TXT là vi phạm luật pháp nước Đức cũng như quốc tế; không phù hợp với cách hành xử của một quốc gia có trách nhiệm. Tóm lại, mọi dự tính của Hà Nội về kinh tế, thương mại và chính trị đã bị đảo lộn chỉ vì tranh ăn nội bộ, bất chấp quyền lợi của Dân Tộc Việt Nam!
Aug 18-2017
__________________________________
Chú thích: