Huy Phương (Danlambao) - Trên thế giới, lực lượng quân đội nào, với vũ khí, quân cụ trong tay cũng có khả năng làm đảo chính, lật đổ chính quyền. Có trường hợp vì chính phủ độc tài, tham nhũng, cũng có khi vì phe cánh hay có bàn tay bên ngoài của các quốc gia khác.
Việt Nam Cộng Hòa cũng đã có hai cuộc đảo chánh do quân đội cầm đầu năm 1960 (bất thành) và năm 1963, giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Với truyền thống can thiệp vào nền chính trị, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã ba lần làm đảo chính vào những năm 1960, 1971 và 1980. Năm 1987, quân đội Thổ không làm đảo chánh, nhưng lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của các đảng phái Hồi Giáo trong nước, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự chỉ huy của tướng İsmail Hakkı Karadayı đã áp lực với chính quyền đóng cửa các trường học tôn giáo, cấm sinh viên đại học đeo mạng che mặt. Thủ Tướng Necmettin Erbakan bị các tướng lĩnh ép phải từ chức, một chính phủ lâm thời được lập ra, và quân đội cuối cùng cầm quyền vào năm 1998.
Thái Lan đã có tất cả 11 lần quân đội làm đảo chánh vào những năm 1932, 1933, 1946, 1951, 1957, 1971, 1976, 1977, 1991, 2006, 2014.
Một cuộc đảo chính Xô Viết năm 1991, được gọi là Cuộc Nổi Dậy Tháng Tám hay cuộc Đảo Chính Tháng Tám, một nhóm các thành viên của chính phủ Xô Viết đã hạ bệ trong một thời gian ngắn vị Tổng Bí Thư Liên Xô Mikhail Gorbachev và tìm cách nắm quyền kiểm soát đất nước.
Tháng Tám, 1982, Không Quân Kenya (Phi Châu) nổi dậy chống Tổng Thống Daniel arap Moi. Năm 2009, Tổng Thống Yahya Jammeh của Gambia bị quân đội đảo chánh. Năm 2015 Tướng Godefroid Niyombare của Burundi, làm đảo chánh chống Tổng Thống Pierre Nkurunziza, nhưng bất thành.
Chính phủ nào cũng đề phòng, cảnh giác những chuyện đảo chánh từ phía quân đội, nhất là trong những xứ độc tài. Để đề phòng hậu hoạn, chỉ trong vòng bốn năm, từ ngày ông Kim Jong-un của Bắc Hàn lên nắm quyền, đã có hơn 70 quan chức cấp cao bị xử tử, ngay cả các đại thần mà cha ông phó thác con côi như Jang Song-thaek, Ri Yong-ho và nay là Hyon Yong-chol. Theo tin Bắc Hàn, Bộ Trưởng Quốc Phòng Hyon Yong-chol đã bị xử tử với một khẩu súng phòng không bắn gần, vì lý do mơ hồ là “không phục tùng lãnh đạo và ngủ gật trong buổi họp.” Thực sự là Kim Jong-un luôn luôn lo sợ các tướng lãnh làm đảo chánh. Có thời gian, mỗi tuần Kim Jong-un đem ra xử trảm một tướng.
Độc tài không thua kém Bắc Hàn, lại nô dịch Trung Cộng một cách quá đáng, mất lòng dân, đảng Cộng Sản Việt Nam cũng mang tâm trạng lo sợ bị làm đảo chánh, nhưng các cấp chỉ huy lực lượng vũ trang quân đội và công an đều là những người của đảng, xuất thân từ trung ương đảng như Nguyễn Minh Tiến, Tư Lệnh Quân Khu 1; Lê Xuân Dũng, Tư Lệnh Quân Khu 2; Vũ Hải Sản, Tư Lệnh Quân Khu 3; Võ Minh Lương, Tư Lệnh Quân Khu 7…
Thay vì thanh trừng nội bộ như Bắc Hàn, CSVN khôn ngoan hơn, lấy lòng tướng lãnh “quân đội nhân dân,” bằng miếng mồi ngon, có mùi thơm của đô la. Bộ Quốc Phòng, cơ quan bảo vệ đất nước cho đúng hai tiếng “quốc phòng” lại quản lý hơn 100 doanh nghiệp lớn nhỏ, trong đó có nhiều tổng công ty quân đội (tương đương các Quân Đoàn/Binh Chủng hay tương đương một Quân Khu/Quân Chủng (tập đoàn Viettel), Quân Đoàn/Binh Chủng (các tổng công ty), hoặc Sư Đoàn (các công ty). Một ví dụ là Thượng Tướng Lê Hữu Đức, một trong bảy thứ trưởng hiện thời của Bộ Quốc Phòng, Tư Lệnh Quân Chủng Phòng Không-Không Quân, là ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng, đại biểu Quốc Hội, nhưng lại là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Quân Đội (MBB), có một lô lốc tướng lãnh quân đội dưới quyền…
Trong 21 tập đoàn, tổng công ty được thống kê, có chín tướng quân đội giữ chức chủ tịch hay tổng giám đốc, bao gồm: một thượng tướng, sáu thiếu tướng và hai chuẩn đô đốc. Ở nhiều tổng công ty, chức vụ chủ tịch, tổng giám đốc có quân nhân mang cấp bậc đại tá nắm giữ. Có một sĩ quan cấp tá làm tổng giám đốc tổng công ty 789, đó là Trung Tá Nguyễn Công Hiếu. Tổng Công Ty 789 đã được chuyển làm công ty thành viên của Tổng Công Ty Thành An. Thiếu Tướng Nguyễn Quốc Dũng kiêm nhiệm vị trí chủ tịch của Tổng Công Ty Thành An cũng như Tổng Công Ty 789.
Một trường hợp tương tự khác là Tổng Công Ty Xăng Dầu Quân Đội là đơn vị thành viên của Tổng Công Ty Vạn Xuân. Hai tổng công ty này có chung chủ tịch là Thiếu Tướng Đào Ngọc Thạch.
Tập Đoàn Viễn Thông Quân Đội có một tổng giám đốc và bảy phó tổng giám đốc. Ba người trong đó có cấp bậc thiếu tướng. Các vị trí còn lại do ba đại tá và hai thượng tá nắm giữ.
Chủ tịch Tổng Công Ty Tân Cảng Sài Gòn là Chuẩn Đô Đốc Phạm Hoài Nam. Một tổng giám đốc là Chuẩn Đô Đốc Nguyễn Đăng Nghiêm.
Giữ chức vụ chủ tịch kiêm tổng giám đốc tại Tổng Công Ty Trực Thăng Việt Nam (VNH) là Thiếu Tướng Hà Tiến Dũng. Bốn phó tổng giám đốc tại VNH là Đại Tá Vi Công Hùng, Đại Tá Trần Đình Nam, Đại Tá Lê Trọng Đông, Thượng Tá Kiều Đặng Hùng.
Trong phạm vi của trang bài này, chúng tôi không thể liệt ra đây hết “phương danh” các vị tướng lãnh đội nón kết, đeo lon tướng, đi xe bảng đỏ, không còn lo việc chống giặc, giữ an ninh cho bờ cõi mà có nhiệm vụ làm… tiền. Theo con số của Bộ Quốc Phòng, hiện nay có 80000 “ông nón cối” đang làm kinh tế, cầm trong tay nghìn tỷ trên thương trường!
Chúng ta thường hiểu “chức năng” là “nhiệm vụ.” Chức năng của tim là bơm để đẩy máu theo các động mạch, đem dưỡng khí và các chất dinh dưỡng đến toàn bộ cơ thể, đồng thời loại bỏ các chất thải trong quá trình trao đổi chất. Chức năng của lực lượng công an là bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Đương nhiên chức năng của quân đội, bất kỳ của quốc gia nào cũng là bảo vệ quốc gia, bảo vệ quần chúng, chống sự xâm lược từ các quốc gia khác.
Nhưng gần đây, bộ trưởng Quốc Phòng, vì nhu cầu bảo vệ và kinh tài cho đảng lại uốn lưỡi cho rằng: “Tham gia sản xuất xây dựng kinh tế là một chức năng của quân đội! Quân đội làm kinh tế là củng cố tiềm lực quốc phòng, nâng cao vị thế quốc gia!”
Quân đội lãnh lương từ tiền thuế của dân hôm nay lại đi làm rừng, làm ngân hàng, bốc dỡ hàng hóa, những lối đi buôn, thay vì thao dượt, bảo vệ biên giới, đất biển cho tổ quốc, bảo vệ an ninh cho đồng bào tránh khỏi nanh vuốt của ngoại bang, bảo vệ ngư dân ngay trên vùng biển của quốc gia.
Bộ Trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch cũng cho rằng “Có những vùng khó khăn chỉ có quân đội mới đứng chân làm được. Trong sự nghiệp phát triển kinh tế, doanh nghiệp quân đội không ngừng đổi mới, sáng tạo, chiếm thị trường trong nước, nước ngoài và trở thành đối tác kinh tế uy tín.” Lời văn nghe sang sảng trước hàng quân nhưng rõ ràng là lời ngụy biện vô cùng nguy hiểm cho dân tộc.
Tóm tắt việc cho quân đội làm kinh tế, theo Vũ Đông Hà (trang Danlambao) tổn hại cho đất nước:
- Quân đội có nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc nay đã trở thành đội quân bạc nhược, lấy chủ trương “bám ghế - kiếm tiền,” làm suy yếu việc phòng thủ quốc gia.
- Tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp quân đội với doanh nghiệp dân sự.
Nhân danh phục vụ mục tiêu quốc phòng, tài nguyên quốc gia đã bị các tập đoàn tướng tá Cộng Sản thu tóm để làm giàu mà không cần thuê và lại được hưởng những ưu đãi rất nhiều trong việc đóng thuế.
- Tướng tá được thăng chức tùy tiện dựa theo kết quả kiếm tiền cho đảng, thay vì bằng khả năng chiến trận.
- Hiện nay nhiều công trình, dự án đều lệ thuộc nguồn vốn và nguyên liệu của Trung Cộng, nên tất cả tướng tá đại gia đều lệ thuộc Bắc Kinh, đầu hàng kẻ thù vô điều kiện, xem dân là thù, lấy thù làm bạn.
Theo nguyên tắc không có một vụ chia chác quyền lực và đồng tiền nào làm thỏa mãn được mọi người, “Quân Đội Nhân Dân” hiện nay đang bị phân hóa, xé nát trầm trọng vì tranh nhau miếng ăn. Phe không ăn bất mãn, phe có ăn lo kiếm ăn, không ai quan tâm dến chuyện “rèn cán, chỉnh quân” trở thành một đội quân yếu và hèn.
Không ăn được thì đập phá, phe “trâu cột” không có miếng ăn lên tiếng đòi hỏi: “Quân đội không nên làm kinh tế.” Phe “trâu ăn” là tướng lãnh quân đội đang có đặc quyền làm kinh tế, tuyên bố sẽ ra tay làm đảo chánh nếu bị Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cấm làm kinh tế? Rồi đây, đất nước có thể xảy ra binh biến, không phải vì giặc vào nhà, mà vì gà tranh nhau vì thóc, lúa.
Trong khi Kim Jong-un non nớt dùng hạ sách với “cây gậy” xử trảm công khai các tướng lãnh nghi ngờ chống lại mình, thì đảng CSVN cao thủ hơn, cho tướng lãnh củ “cà rốt” để nắm quyền lực, khiến họ phải trung thành tuyệt đối, nhưng rồi đây tình trạng đất nước sẽ ra sao khi giặc tới biên giới?
Ngày xưa thời kháng chiến, mỗi cán bộ chỉ có một đôi đũa và cái chén nhôm giắt lưng, nói chuyện yêu nước dễ. Bây giờ quyền cao chức trọng hàng muôn, ngày đêm nghĩ cách kiếm tiền, giữ tiền, đến lúc “ngọn cờ ngơ ngác, trống canh trễ tràng” thì đã quá muộn.
14.08.2017