Tham nhũng cá nhân và tham nhũng chế độ - Dân Làm Báo

Tham nhũng cá nhân và tham nhũng chế độ

Bùi Quang Vơm (Danlambao) - Quanh chuyện Trịnh Xuân Thanh tự thú hay bị bắt cóc, đang nổ ra những tranh luận ầm ĩ và có nhiều ý kiến xuôi ngược khác nhau. Đáng chú ý là ý kiến của nhà báo Huy Toàn của Truyền hình Công An nhân dân: "Thực ra "bắt cóc" hay "đầu thú" không quan trọng, mà quan trọng là có con người Trịnh Xuân Thanh tại Việt Nam - một mắt xích quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng."

"Nếu phía Đức đưa ra những cáo buộc Việt Nam "bắt cóc" cũng chẳng qua họ muốn thể hiện uy quyền và sự nghiêm minh của bộ máy tư pháp của họ mà thôi. Bởi Trịnh Xuân Thanh không phải là biểu tượng về "tự do dân chủ", "nhân quyền", hay một nhà hoạt động về tư tưởng, chính trị. Còn họ bảo hộ cho một kẻ tham nhũng thì họ cũng chẳng tốt lành gì," ông Toàn bình luận.

"Tôi nghĩ rằng đó chỉ là cái cớ để họ làm khó những vấn đề khác mà thôi. Sẽ vất vả cho các bác Bộ Ngoại giao phải vào cuộc và giải quyết những bất đồng giữa hai nước trên tinh thần xây dựng,"

Ý kiến này có những nhân định chủ quan, gượng ép và không xác đáng.

Thứ nhất là quan điểm thực dụng của chính sách. Đây là loại chính sách gọi là "mục đích biện minh cho phương tiện" mà Trung Quốc là quốc gia nổi tiếng bất chấp đạo đức và văn hóa, miễn là đạt được mục đích. Đảng cộng sản Việt Nam, trên thực tế là Công an Việt Nam là một điển hành áp dụng chính sách này. Cứ xem họ đạp vào mặt người biểu tình, đánh cả phụ nữ tóe máu mặt rồi lôi họ xềnh xệc trên mặt đường thì biết văn hoá của công an Việt Nam thuộc cỡ bậc nào. Cho nên ông Huy Toàn mới nói: "tự thú hay bắt cóc không quan trọng", miễn là có mặt Trịnh tại Việt Nam để thụ án là được.

Thứ hai, ông Huy Toàn suy diễn ác ý một cách cố tình: "Còn họ bảo hộ cho một kẻ tham nhũng thì họ cũng chẳng tốt lành gì". Ông là nhà báo mà dám suy diễn theo kiểu quy kết như vậy, thì người ta có quyền nghi ngờ trình độ và lòng tự trọng của ông.

Không phải là chuyện bảo hộ hay không bảo hộ tham nhũng, mà là thế nào là tham nhũng, và như thế nào là xử lý tham nhũng.

Việt Nam quy kết Trịnh Xuân Thanh tội làm thất thoát tài sản quốc gia. Có thể với đầy đủ bằng chứng, điều đó không sai. Nhưng bản chất của sai phạm đó, căn nguyên của sai phạm đó ở đâu? Trịnh Xuân Thanh có phải là người duy nhất, và sau khi bắt giam Trịnh Xuân Thanh thì tệ và nạn tham nhũng có giảm và bị tiêu diệt không? Ở Việt Nam đã có hàng nghìn cán bộp quan chức phạm tội tham nhũng. Ở Trung Quốc có hàng trăm nghìn quan chức đã bị bắt, nhưng còn có hàng triệu quan chức khác chưa bị bắt.

Ngay trong đảng, nhiều ý kiến khẳng định 90% cán bộ có chức quyền là tham nhũng. Như vậy, mỗi cá nhân tham nhũng, đương nhiên là phạm tội, nhưng những cá nhân đó là sản phẩm không thể tránh khỏi của cái lỗi chung, lỗi của hệ thống. Hết lượt những tội phạm này bị xử, sẽ xuất hiện tiếp tục những tội phạm khác. Cho nên xét tới cùng, chế độ mới chính là tội phạm. Nạn tham nhũng hệ thống gây tổn thất tài sản quốc gia, gây ra sự băng hoại nền đạo đức xã hội và phá hủy nền tảng văn hoá của dân tộc. Vì vậy, tư cách xử tội của chính quyền cần phải được xét lại.

Chính phủ Đức luôn là người ủng hộ các chính sách nhằm cải thiện cuộc sống cả vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam, nhưng là một chính phủ có lập trường dứt khoát và cứng rắn nhất trong các quốc gia thuộc Liên hiệp châu Âu phản đối các chính sách vi phạm nhân quyền và các hành động đàn áp các nhà hoạt động ôn hòa của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

Có một lý do đặc biệt khác nữa, chính là chính phủ hiện tại là chính phủ của liên minh đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo do Angela Merkel, một người từng là cán bộ quận đoàn thanh niên cộng sản Đông Đức, làm chủ tịch đảng và Thủ tướng. Chính phủ của bà là chính phủ hiểu rõ bản chất của một chế độ do đảng cộng sản cầm quyền, là chế độ mị dân và không trung thực.

Quan niệm về tội phạm chính trị của chính phủ Đức vì vậy không giống, thậm chí chống lại quan niệm của chính phủ Việt Nam. Đó là lý do Hiệp định dẫn độ tội phạm giữa Việt Nam và Đức không thể thực hiện, mặc dù đã có nhiều năm đàm phán.

Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra sau những cố gắng thương lượng lần cuối cùng trong cuộc gặp với cả Tổng thống lẫn Thủ tướng Đức của ông Nguyễn Xuân Phúc bên lề Hội nghị G20, ngày 8/7 vừa rồi.

Đây là cách xử sự mang tính trả miếng của chính phủ CSVN. Nó vừa thể hiện sự xấc xược, bất chấp vừa cho thấy hành vi thiếu văn minh của nhà cầm quyền CSVN.

Cho nên, nhà báo Huy Toàn có phần không trung thực khi đổ cho chính phủ Đức cái tội "cáo buộc Việt Nam bắt cóc". Không phải là "cáo buộc" theo ý ông Huy Toàn muốn lập lờ là chính phủ Đức đổ vấy cho chính phủ Việt Nam cái tội không có, mà Bộ ngoại giao Đức triệu đại sứ của Việt Nam để công bố chính thức kết quả điều tra và yêu cầu trục xuất nhân viên an ninh của chính phủ Việt Nam nằm trong Sứ quán dính líu tới vụ án bắt cóc.

Việc bắt cóc là việc có thật, đã được tổ chức thực hiện trên đất Đức giữa thanh thiên bạch nhật, với đầy đủ dấu vết, không thể tẩy xóa và không thể chối cãi. Và có bằng chứng vụ bắt cóc được thực hiện bởi lực lượng mật vụ của nhà cầm quyền Hà Nội. Điều đó nói lên rằng vụ bắt cóc đã được lên kế hoạch từ trước và có được chuẩn bị.

Việc nhà cầm quyền liên quan tới vụ án là không thể chối cãi. Vì vậy, việc ông Bộ trưởng Công an từ chối không biết, và việc tạo ra lời "cam kết tự thú" vụng về và muộn màng của chính ông Trịnh Xuân Thanh không hề có giá trị và chỉ càng làm vụ việc trở nên bất lợi cho uy tín của nhà cầm quyền.

Thông điệp mà chính phủ Đức qua sự việc này là: não trạng và tư duy của Hà Nội đã quá lạc hậu rồi, cần có một sự thay đổi để theo kịp và hoà nhịp với nhân loại tiến bộ.

03/08/2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo