Trịnh Xuân Thanh-Xung Đột giữa ý niệm dân chủ pháp trị và pháp chế xã hội chủ nghĩa - Dân Làm Báo

Trịnh Xuân Thanh-Xung Đột giữa ý niệm dân chủ pháp trị và pháp chế xã hội chủ nghĩa

LS Đào Tăng Dực (Danlambao) - Ngày 23 tháng 7 vừa qua, một biến cố có tầm vóc quốc tế diễn ra tại Cộng Hòa Liên Bang Đức làm rung chuyển bang giao Việt-Đức diễn ra. Đó là Đảng CSVN đã noi gương của Kim Chính Ân Bắc Triều Tiên, chủ mưu bắt cóc một cựu đảng viên cao cấp là Ông Trịnh Xuân Thanh đang xin tỵ nạn chính trị tại Dức Quốc. Ông Trịnh Xuân Thanh đang bị nhà cầm quyền CSVN tố cáo hình sự liên hệ đến những sự thất thoát tài chánh tại công ty Quốc Doanh PetroVietnam lên đến $177 triệu Mỹ Kim. Ngược lại Ông Thanh tố cáo rằng nhà cầm quyền CSVN đàn áp ông vì lý do chính trị và vì ông biết và có thể tiết lộ nhiều bí mật tham nhũng của những nhân vật cao cấp nhất trong đảng và nhà nước CHXHCNVN.

Nhiều vị thức giả đã nhận định biến cố này từ nhiều góc cạnh khác nhau như TS Cù Huy Hà Vũ (Đài VOA), LS Lê Công Định (Đà BBC) và BS Hoàng Thị Mỹ Lâm (Đài ĐLSN). 

Trong bài này tôi xin thảo luận một số khía cạnh pháp lý của việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức Quốc.

Không những các đảng viên mọi cấp của CSVN mà ngay cả nhiều người Việt bình thường, sinh sống suốt đời dưới chế độ CSVN, không biết tại sao việc bắt cóc một công dân Việt Nam, dù là trên lãnh thổ một quốc gia khác, nhưng do chính nhà cầm quyền Việt Nam chủ mưu, lại có thể tạo ra một phản ứng ngoại giao gắt gao như thế?

Thật vậy chính phủ Công Hòa Liên Bang Đức (CHLBĐ) đã phản đối không những rất gắt gao, mà còn đề xướng những biện pháp trả đũa vô cùng mạnh mẽ với CSVN.

Đối với nhiều công dân Việt Nam, việc công an bắt giữ người, không có án lệnh của tòa án, có thể giam giữ người nhiều tháng, thậm chí cả năm mà không hề truy tố trước tòa, hoặc hành hạ dã man, đưa đến mất tính mạng trong các đồn công an không có gì lạ cả.

Họ không biết rằng, bên ngoài vũ trụ kín của các quốc gia theo hệ thống cộng sản, bao trùm trong khái niệm pháp chế xã hội chủ nghĩa, còn có những quốc gia dân chủ pháp trị chân chính và Cộng Hòa Liên Bang Đức là một trong những quốc gia trên.

Thêm vào đó, như mọi dân tộc văn minh và tuân thủ luật pháp cũng như công pháp quốc tế, lý do quan trọng CHLBĐ phản đối gắt gao là vì 2 khái niệm rường cột của công pháp quốc là các khái niệm chủ quyền quốc gia (national sovereignty) và quyền tự quyết dân tộc (national self determination). 

Trước hết quyền tự quyết dân tộc giả định rằng, một dân tộc có quyền đương nhiên quyết định vận mệnh và trật tự chính trị của chính mình mà không cần sự xen lấn của bất cứ một quyền lực ngoại bang nào. Trong khi đó, khái niệm chủ quyền quốc gia quy định rằng, một chính quyền đại diện cho một dân tộc như thế, có thẩm quyền lập pháp, tư pháp và hành pháp trên toàn diện lãnh thổ của mình, từ con người, đất đai, không khí, không gian, những tài nguyên dưới lòng đất hay trên mặt đất, từ cây kim, cộng cỏ cho đến những con người quốc tịch khác, nhưng cư ngụ vĩnh viễn hay tạm thời trong cương thổ của quốc gia, như trong trường hợp TXT, một người có quốc tịch Việt Nam nhưng đang cư trú tại Đức vậy.

Sự kiện đảng CSVN, qua mật vụ tại Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Đức, âm mưu bắt cóc TXT, không đơn thuần là là một sự vi phạm luật hình sự của Đức Quốc, mà còn nghiêm trọng hơn nữa là sự vi phạm các ý niệm chủ quyền quốc gia và quyền tự quyết dân tộc của họ. Chính vì thế, trong một quốc gia tôn trọng tinh thần pháp trị, các giới hữu trách Đức có trách nhiệm phản đối mạnh mẽ.

Hậu quả cho quyền lợi quốc gia (national interests) của dân tộc Việt (mà CSVN không hề lưu ý khi bắt cóc Ông Trịnh Xuân Thanh) trong tương lai, có thể sâu xa hơn nhiều. Lý do là vì Đức Quốc, ngoài là đầu tàu kinh tế của Liên Hiệp Âu Châu (Cường quốc kinh tế số một trên thế giới) mà cùng với Pháp, họ là đầu tàu về chính trị của Liên Hiệp này.

Rõ ràng là những nhân vật bên trong Bộ Chính Trị của CSVN, khi âm mưu hành động phi pháp trên lãnh thổ của một cường quốc như thế, chỉ muốn tiêu diệt Trịnh Xuân Thanh, bịt miệng ông này liên hệ đến những tì vết tham nhũng của cá nhân và phe nhóm, hoàn toàn không để ý đến quyền lợi tổ quốc Việt Nam. Chỉ khi nào ông TXT chết hoặc bị sự quản thúc tại Việt Nam, họ mới có cơ hội bịt miệng ông tuyệt đối.

Trong khi đó, một chính quyền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên như Đức Quốc đòi hỏi những gì? Sự đòi hỏi của họ có phù hợp với lẽ phải và công pháp quốc tế?

Chính quyền Đức đòi hỏi nhà cầm quyền CSVN trao trả TXT về với các cơ quan hữu trách Đức quốc với 2 mục đích quan trọng riêng biệt.

Một là xét đơn tỵ nạn chính trị của ông TXT đang được thụ lý trước các cơ quan hữu trách.

Hai là duyệt xét đơn xin dẫn độ TXT về Việt Nam của nhà cầm quyền CSVN.

Vì Đức Quốc là một quốc gia dân chủ pháp trị chân chính, đòi hỏi của họ vô cùng hữu lý và hoàn toàn phù hợp với công pháp quốc tế.

Lý do là vì công pháp quốc tế luôn ý thức rằng trong tương quan giữa chính quyền (the state) bên này và cá nhân các công dân cá thể (individual citizens) bên kia, thì chính quyền là một định chế đầy quyền lực, trong khi một công dân cá thể lẻ loi và yếu đuối. Chính vì thế, trước hệ thống pháp lý, qua tư pháp của quốc gia là các tòa án, hoặc các cơ quan hữ trách khác tại Đức, thì chính quyền (kể cả một chính quyền ngoại quốc là CSVN) lẫn cá nhân ông TXT, đều được xem là những hữu thể pháp lý bình đẳng.

Các cơ quan hữu trách của Đức sẽ thẩm định sẽ duyệt xét đơn xin tỵ nạn chính trị của ông TXT. Nếu Ông không được quy chế này và khiếu kiện lên tòa án, thì tòa án sẽ duyệt xét.

Đơn xin dẫn độ ông TXT của chính phủ Việt Nam cũng sẽ được duyệt xét tương tự. Cả chính phủ Việt Nam lẫn ông TXT đề có quyền bằng nhau để chứng minh quan điểm của mình, trong tinh thần pháp trị chí công vô tư của một quốc gia pháp trị chân chính.

Nếu Ông TXT thua và nhà cần quyền CSVN thắng, thì ông sẽ bị dẫn độ về VN, Chính quyền Đức bắt buộc phải tuân thủ các quyết định chí công vô tư của các cơ quan hữu trách, nhất là nếu có án lệnh của các tòa án.

Nếu Ông TXT thắng thì ông sẽ được quy chế tỵ nạn và đảng CSVN sẽ không làm gì được ông cả.

Thực ra, cả 2 chế độ, một là thủ tục dẫn độ, hai là quy chế xin tỵ nạn chính trị, đều là những khái niệm pháp lý có mục tiêu giới hạn tính tuyệt đối của khái niệm chủ quyền quốc gia nêu trên.

Các chế độ độc tài luôn có khuynh hướng cỗ vũ cho một khái niệm chủ quyền quốc gia tuyệt đối. Một mặt để bài bác các sự can thiệp của quốc tế, khi họ đàn áp những người dân thấp cổ bé miệng của họ. Mặt khác, họ có thể bao che trong lãnh thổ của họ, những thành phần tội ác đến từ các quốc gia khác, nhưng cùng quyền lợi và quan điểm với họ.

Đức quốc là một quốc gia pháp trị. Chính phủ Đức không những có một bản hiến pháp của dân, do dân và vì dân, mà họ còn bắt buộc phải nghiêm chỉnh tuân thủ tất cả những công ước quốc tế về nhân quyền và dân quyền đã ký kết. Hệ thống tòa án hoàn toàn độc lập của họ sẽ duyệt xét tất cả mọi tác động của hành pháp (judicial review of executive actions) và sẽ buộc chính phủ tuân hành tất cả các công ước quốc tế họ ký kết.

Kết quả là cả nhà cầm quyền CSVN (qua thủ tục xin dẫn độ) và ông Trịnh Xuân Thanh (qua đơn xin tỵ nạn) sẽ được xét xử chí công vô tư. Quyền lợi của quốc gia (qua ý niệm chủ quyền) và nhân quyền cá thể (qua các công ước quốc tế) sẽ được đo lường, dung hòa và một phán quyết nghiêm chỉnh sẽ hình thành.

Tuy nhiên, tiến trình pháp lý bình thường của nhân loại văn minh nêu trên sẽ không bao giờ xảy ra vì một mặt mật vụ CSVN, qua Tòa Đại Sứ tại Đức đã bày ra âm mưu bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Trong khi đó, chính phủ CHXHCNVN vẫn chính thức nộp đơn xin dẫn độ TXT, đồng thời Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn thăm viếng và ký kết những hiệp ước thương mại, hoàn toàn như không có việc gì lớn lao đang xảy ra. Lạ lùng hơn nữa là website của Chủ Tịch nước Trần Đại Quang lại lên án vụ bắt cóc TXT.

Chúng ta phải lý giải những hiện tượng mâu thuẫn này ra sao?

Trước hết, chúng ta phải ý thức rằng, tuy nắm giữa các chức vụ khác nhau. Nguyễn Xuân Phúc thì nắm guồng máy điều hành quốc gia và Nguyễn Phú Trọng thì nắm giữ đảng CSVN. Tuy nhiên họ đều là những người cộng sản gộc. Đối với họ, mưu mô và lươn lẹo biến thành bản chất cố hữu.

Một mặt thì bề ngoài, nộp đơn chính thức xin dẫn độ, theo bang giao quốc tế. Mặt khác ngấm ngầm, một cách bất hợp pháp, bắt người trên lãnh thổ Đức, đặt quốc gia này trước sự kiện đã rồi, không nằm ngoài bản chất CS của chính Nguyễn Xuân Phúc.

Tuy nhiên xác suất rất cao là cả Nguyễn Xuân Phúc lẫn Trần Đại Quang đều không có khả năng kiểm soát toàn bộ guồng máy chính trị và mật vụ tại Việt Nam. Nội bộ đảng CSVN vô cùng chia rẽ và nhiều nhân vật hoặc bảo thủ, hoặc tham nhũng tận răng đang sợ bị TXT thanh tố giác và nhất quyết tiêu diệt TXT, bất chấp hậu quả cho quốc gia.

Tuy nhiên, cả Nguyễn Xuân Phúc, Trần Đại Quang và Nguyễn Phú Trọng đều biết rằng, quyền lợi của họ gắng liền lẫn nhau và những sự chia rẽ hoặc xung đột sẽ dừng bước ở mức độ quyền lợi, hầu cùng nhau bảo vệ sự sống còn của đảng.

Điều vô cùng bất hạnh cho họ là, trong thời đại tin học, không những các vụ việc mà họ cho là nhỏ như hình ảnh một công an đạp vào đầu của một phụ nữ trong đồn công an, cho đến lớn hơn một ít như hình ảnh công an đánh chết dân vô tội trên đường, cho đến âm mưu bắt cóc một nhân vật lớn như Trịnh Xuân Thanh trên lãnh thổ một cường quốc tây phương, đều được phổ biến trên mạng lưới toàn cầu với tốc độ bằng nhau.

Vấn đề pháp lý sau cùng trong phạm vi bài này là:

Cộng Hòa Liêng Bang Đức là một quốc gia dân chủ pháp trị. Trong khi đó Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là một quốc gia được đảng CSVN rêu rao là theo pháp chế xã hội chủ nghĩa. Sự xung đột giữa Cộng Hòa Liên Bang Đức và Công Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa VN về vấn đề TXT lần này có liên hệ gì tới sự xung đột giữa các khái niệm dân chủ pháp trị và pháp chế xã hội chủ nghĩa hay không? 

Câu trả lời là:

Một nền dân chủ pháp trị luôn đòi hỏi sự hiện hữu của 2 yếu tố nền tảng khác. Đó là hiến định và đa nguyên. Chính vì thế một nền dân chủ như Đức Quốc là một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên.

Một chế độ độc tài, độc đảng như CSVN không thể là một chế độ dân chủ pháp trị nghiêm chỉnh và người CSVN lừa gạt dân chúng bằng cụm từ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế pháp chế xã hội chủ nghĩa là phản đề của dân chủ pháp trị, sử dụng công an, côn đồ để đàn áp, bắt cóc và thậm chí tra tấn đến chết trong các đồn công an tại Việt Nam.

Sự kiện sử dụng mật vụ của tòa Đại Sứ VN tại Đức (và cũng có thể một số thành phần VN bất hảo tại Đức) để bắt cóc TXT, đưa về Việt Nam, trong phạm vi thẩm quyền pháp lý của một quốc gia khác, chứng tỏ rằng, pháp chế xã hội chủ nghĩa thực chất là công an và côn đồ trị, tương tự Đức Quốc Xã và Phát Xít dưới thời của Hitler, Mussolini và thời kỳ CS cuồng tín của Stalin hoặc Kim Chính Ân của Bắc Triều Tiên hiện nay.

Đây chính là sự xung đột điển hình giữa 2 khái niệm căn bản về luật pháp: chế độ dân chủ pháp trị chân chánh tại Đức Quốc và pháp chế xã hội chủ nghĩa của CSVN.

6/8/2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo