Cuối cùng sự thật chiến thắng - Dân Làm Báo

Cuối cùng sự thật chiến thắng

Oriana Fallaci * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Hà Nội, tháng Hai, 1969- Thế giới lần đầu tiên nghe đến Giáp vào năm 1954 khi ông đánh bại người Pháp ở Điện Biên Phủ, rồi lần nữa tại Hà Nội, nơi ông đồng thời giữ các chức vụ Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang. Trong hệ thống tổ chức như giáo hội của thế giới cộng sản, Giáp thuộc hàng tổng giám mục, là người không ai được chạm đến và cũng không thể nào chạm đến.

Gặp được ông là đặc quyền hiếm có, và được nghe ông phát biểu lại càng hiếm hoi hơn. Trong những năm qua chỉ có ba hay bốn nhà báo được gặp ông, nhưng chẳng ai trong họ nghe ông nói điều gì quan trọng. Lý do là nếu ông có điều gì để nói thì ông viết ra. Sách ông “Chiến tranh Nhân dân, Quân đội Nhân dân” đang bán ngay tại Hoa Kỳ. Nhưng chủ yếu họ biết rất ít từ ông vì ông khôn khéo, vì ông là bậc thầy về cách trả lời lơ lửng. Chiếc bẫy duy nhất ông có thể mắc vào trong chốc lát là sự ngây thơ, đức tính mà ông chưa quen lắm.

Tôi tin chính vì vẻ ngây thơ của vài câu hỏi trong những câu hỏi tôi đặt ra cho ông cho nên ông mới tiết lộ bí mật tuy dù rất ít. Nhưng rồi ông rút lại tất cả những gì ông đã nói và trao cho tôi bản đánh máy hoàn toàn không có những lời ông đã nói. Bản đánh máy là bản sao giấy than trên ba tờ giấy mỏng. Khi Võ Thị Thế, hướng dẫn viên cho tôi, trao nó cho tôi ngay trước khi tôi rời Bắc Việt, chị giơ ngón tay lên báo cho biết trước: Đây là văn bản chính thức, được Giáp công nhận, và là văn bản duy nhất tôi có toàn quyền công bố.

Cho nên tôi nay công bố văn bản ấy, một bằng chứng đáng buồn về sự cắt xén chính thức sự thật, và cả bóp méo. Nhưng, dù tướng Giáp thích hay không thích thì tôi nay cũng công bố câu chuyện thật, cho dù như thế khiến tôi dường như thành kẻ vô ơn trước vinh hạnh được trò chuyện 45 phút. Vì đối với tôi sự thật là điều tôi nghe bằng chính tai mình và thấy bằng chính mắt mình.

Đây là nhật ký ghi lại việc tôi gặp Giáp.

Người Nga mù tịt

Sáng thứ Bảy-Hôm nay lúc 3 giờ tôi sẽ gặp ông. Sắp xếp được cuộc gặp này là cả kỳ công. Ông khó gặp như Hồ Chí Minh; từ năm 1967 đến nay ông không xuất hiện trước công chúng. Cho nên chẳng lạ gì người ta nói ông đã chết. Milan, phóng viên Tiệp Khắc, nói: "Tôi hầu như tin chắc như thế."

Boris Sumeep và Boris Chiumev, những người Nga ở thông tấn xã Novosti, nói giọng bất mãn. "Cả năm trời chúng tôi chờ đợi ở đấy mà chẳng thấy ông ta. Rõ ràng chúng tôi không quan trọng." Hóa ra, tôi đã thật sự làm được một chuyện phi thường, mặc dù tôi sẽ không gặp ông một mình, mà cùng với ba phụ nữ trong đoàn đại biểu cộng sản đến từ Ý. Carmen, Giulia và Marisa thảy đều náo nức. Đối với họ toàn những người Mác-xít thì gặp được ông giống như được yết kiến Đức Giáo Hoàng. Riêng tôi, thật sự tôi thấy hồi hộp. Tôi sắp sửa đưa tay ra chạm vào bóng ma, bóng ma khiến tôi lạnh cả xương sống vì rùng mình sợ hãi: sợ Việt cộng và Bắc Việt pháo kích; rùng mình trước cảnh những người lính miền Bắc chết-những người chết của ông-trong những chiến hào Đắc Tô, những người Mỹ chết trên phi đạo Khe Sanh, những người chết ở cả hai bên trong cuộc tấn công Tết mà mọi người nói: "Giáp đứng sau vụ tấn công này."

Tôi không biết tôi sẽ nghĩ gì khi tôi thực sự thấy ông, khi tôi bắt tay ông; ông thực sự là người như thế nào. Ngày hôm qua, tôi dành cả ngày đọc mọi thứ ông viết và người ta viết về ông; quả là cuộc đời phi thường.

Ông sinh ở An Xá tỉnh Quảng Bình vào ngày 1 tháng Chín, 1910, con điền chủ nghèo. Năm 14 tuổi ông đã là người cộng sản khích động quần chúng; năm 18 tuổi ở tù, nơi ông gặp người vợ tương lai, Minh Thái. Chánh sở mật thám bắt đầu thích ông đến độ sắp sếp cho ông vào học trường Quốc Học ở Huế và rồi vào Đại học Hà Nội, nơi đây ông học triết và học lấy bằng luật, đồng thời dạy sử ở trường trung học và qua đó truyền mối ám ảnh của ông về Napoleon đến học sinh.

Ông vẽ trên bảng đen những phác họa chi tiết về những trận đánh của Napoleon và bắt chước cách nói của Napoleon, nói những câu ngắn, và đầu cúi xuống còn ngón tay cái đút vào áo vét. Ngày nọ một thầy giáo hỏi ông: "Anh đang đóng vai Napoleon đấy à?" Ông đáp lại: "Tôi sẽ là Napoleon." Một con người dửng dưng, mặt không biểu lộ cảm xúc, có thể tức giận giữa những lúc im lặng lạnh lùng.

Tình cảm lãng mạn

Họ gọi ông là "núi lửa phủ tuyết". Sau đấy ông trở thành Ma Qủy, rồi cuối cùng là Giáp. Ông trở thành Giáp vào năm 1935, lúc ông kết hôn với Minh Thái và gia nhập Đảng Cộng Sản. Đảng là sự tận tụy suốt đời, nhưng ông chỉ ở với Minh Thái cho tới năm 1939, khi Đảng bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và ông trốn sang Trung Quốc.

Minh Thái chấp nhận bị bắt để che giấu cho ông trốn thoát, và vào năm 1941 bà chết trong nhà tù vốn bị chuột hoành hành. Đây là điều lãng mạn nhất tôi thấy trong tiểu sử của Giáp. Hình như ông quả thật yêu bà, và cũng hình như từ khi bà chết ông trở nên căm thù và độc ác tàn bạo. Những ai biết ông rõ nhất nói ông trở thành Giáp của ngày hôm nay không phải vì tình cảm dân tộc hay niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản, mà chỉ vì để trả thù cho Minh Thái.

Vào năm 1940, ông gia nhập Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, về sau gọi là Việt Minh. Khi ông ở trong các hang động ở Diên An, chặng cuối cùng của cuộc trường chinh của Mao, thì người đứng đầu Việt Minh, Hồ Chí Minh, ra lệnh ông tập trung vào các vấn đề quân sự. Lúc này, ông gạt Napoleon qua một bên để học Bành Đức Hoài, mà mới cách đây không lâu còn là Bộ Trưởng Quốc Phòng của Bắc Kinh, song hiện giờ bị thất sủng.

Cùng với Bành ông soạn thảo ra cẩm nang kháng chiến và nghiên cứu các tác phẩm của Tôn Tử, nhà binh pháp và quân sử Trung Hoa sống trước Chúa Giê-Su 2.500 năm. Ông nói ông không nợ gì Mao như Mao và Bành Đức Hoài không nợ gì Tôn Tử. Ông chưa từng bao giờ là người rất hâm mộ Trung Quốc nên ông không ở lại đấy lâu hơn thời gian cần thiết.

Vào năm 1941 ông trở về nước, cùng với Phạm Văn Đồng, để tổ chức lực lượng du kích Việt Minh, và sống trong hang Pác Bó với Hồ Chí Minh:

"Hang đầy dây leo, rắn và nhện hay cắn. Chúng tôi thường dậy sớm; Bác Hồ đánh thức chúng tôi dậy. Chúng tôi tập thể dục một chút, rồi bắt đầu làm việc. Chúng tôi ăn rất ít, chủ yếu cơm với muối. Chúng tôi thường bị sốt rét rừng."

Ông có trái lựu đạn cầm tay giắt ở thắt lưng, trái lựu đạn bị lép nhưng ông vẫn giữ nó lại "vì không nên vất bỏ công cụ thuyết phục."

Ta thấy ông khóc trong một đoạn trong sách của ông. Ông ở núi Lam Sơn khi đồng chí Cáp đưa tin đến là Bác Hồ đã chết.

"Mọi thứ quay cuồng quanh tôi. Tôi bỏ đồ dùng của Bác vào giỏ mây mà Bác dùng như chiếc va-li rồi yêu cầu Phạm Văn Đồng đọc điếu văn. Trời rất lạnh, và muôn vàn vì sao soi sáng bầu trời bao la. Lòng tôi buồn vô hạn; tôi cảm thấy bị bỏ rơi và cô đơn. Mắt tôi rưng rưng khi tôi ngước nhìn các vì sao."

Phút sau, ta thấy Giáp cười. " Chúng tôi biết được Bác Hồ không chết lúc chúng tôi nhận được tờ báo từ Trung Hoa với nét chữ Bác ở bên lề trang báo: ' Gửi lời chào đến tất cả mọi người, và hãy giữ vững tinh thần cho công tác. Ở đây mọi sự đều tốt."

"Cáp chịu trách nhiệm về việc hiểu sai ngữ nghĩa. Khi anh hỏi nhà chức trách Trung Hoa tin tức về Bác, họ nói : 'Su lo, su lo." Nhấn mạnh vào chữ đầu tiên nghĩa là 'chết rồi', ngược lại nhấn mạnh vào chữ thứ hai nghĩa là 'khỏe mạnh'. Tôi là người đầu tiên bật cười."

Dùng người Nhật

Đương lúc Châu Âu diễn ra Đệ Nhị Thế Chiến thì người Nhật xâm lăng Việt Nam. Giáp với quân Việt Minh của ông đánh Nhật trong bốn năm, nhưng ông để dành những sĩ quan giỏi về chiến trận trong rừng, tin rằng họ sẽ hữu dụng sau này.

Khi Nhật đầu hàng vào tháng Tám năm 1945, ông nhanh chóng vào Hà Nội để giao thành phố cho Hồ. Người Pháp chậm trở lại do chấn động của cuộc chiến tranh họ đã thua ngay trên quê hương mình. Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và phong Giáp làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Điều đầu tiên Giáp thực hiện là tàn sát những người Việt quốc gia không phải là đảng viên Đảng Cộng sản. Rồi ông đưa những hàng binh Nhật ra làm huấn luyện viên quân sự trong lúc ông lo đối phó với người Pháp đã quay trở lại và tuyên bố nước cộng hòa của Hồ Chí Minh là vô giá trị. Trong tám năm sau đấy, người Pháp không có kẻ thù nào tàn bạo hơn ông.

Từ năm 1945 đến 1954, ông đã thử kỹ tất cả những cạm bẫy mà hiện nay ông vẫn đang xử dụng. Những đàn ong vò vẽ độc, gai tẩm độc dưới chân, rắn trong những cái lỗ phủ đầy lá; mìn nhét trong xác chết để bên đường để chờ mang đi. Là bậc thầy phá hoại và khủng bố, Giáp tuyên bố thẳng thừng, " Chiến tranh du kích nhất định luôn luôn thắng chiến tranh hiện đại", mặc dù ông đánh bại người Pháp ở Điện Biên Phủ bằng hàng trăm đại bác 105 ly do người Trung Quốc đã mua từ người Mỹ và rồi viện trợ lại cho ông.

Đại bác được mang từng bộ phận một trên xe đạp hay trên vai trong những cuộc trường chinh bắt buộc của những người lính Việt Minh thiếu ăn được ông nuôi bằng nửa cân gạo một ngày cùng với những bài thơ dữ dội:"Đánh địch rồi chạy/ Dụ chúng vào nơi mai phục để giết/ Giết đế quốc bằng bất cứ phương tiện nào có sẳn/ Bất chấp bao hiểm nguy."

Hay câu nói tàn bạo của ông: "Trên thế giới mỗi phút có hàng trăm ngàn người chết. Sống và chết không quan trọng." Nếu ở Điện Biên Phủ 12.000 người Pháp chết thì người Việt chết gấp đôi. Nhưng chết đối với ông không quan trọng. Ông không ở ngoài mặt trận.

Ông sống trong biệt thự kiểu thuộc địa do Pháp xây cùng với đồ đạc Pháp trong nhà. Ông có thể ghét người Pháp, nhưng ông nói tiếng họ và nợ họ văn hóa căn bản của ông.

Ông lập gia đình lại cách đây nhiều năm với một cô gái trẻ hơn ông rất nhiều và có bốn hay năm người con với ông. Ông có ô tô do người Nga tặng, và tủ áo quần đầy các bộ quân phục, mà ông trân trọng giống như một sĩ quan Phổ vào trước năm 1914. Ở tuổi 58 hay lớn hơn, ông đã bắt đầu có vẻ hơi tư sản, hoàn toàn trái ngược với vẻ khổ hạnh của Hồ Chí Minh hay bầu không khí cuồng tín bao phủ trên miền Bắc Việt Nam.

Thực ra, ở Hà Nội người ta hoàn toàn không thích ông. Võ Thị Thế, người thường nói năng cần thận, đã sơ ý thốt lên: "Suốt đời tôi cũng không hiểu tại sao mấy người Tây lại muốn biết về Giáp. Chúng tôi thiếu gì các tướng trẻ tài giỏi. Ông ấy không phải là người duy nhất chỉ huy chiến tranh."

Có lẽ không, nhưng tôi quan tâm đến ông; tôi muốn biết ông nghĩ gì về người Mỹ, về Việt Cộng. Tình hình của Việt Cộng đã trở nên phức tạp gấp đôi kể từ khi Giáp lần đầu tiên đưa quân Bắc Việt đến giúp họ vào năm 1965. Ngay cả niềm tin cộng sản chung vẫn không thể nào hoàn toàn xóa sạch mối nghi ngờ đã có từ lâu giữa người Bắc và người Nam cộng sản.

Khi các sư đoàn của Giáp vào Nam, họ nắm quyền lãnh đạo và lên kế hoạch tất cả các cuộc tấn công chính, để Việt Cộng thực hiện công tác phá hoại hay do thám. Đắc Tô là cuộc tấn công của Bắc Việt, chứ không phải của Việt Cộng, và cũng như ở Khe Sanh, Huế và Đà Nẵng.

Năm ngoái khi tôi ở Đà Nẵng, trong thời gian diễn ra những trận đánh mà con rể của Tổng Thống Johnson tham chiến, một sĩ quan Mỹ bảo tôi:" Vào những ngày này, khi chúng tôi đếm xác, chỉ thấy toàn những lính chính quy Bắc Việt trong những bộ quân phục mới còn thẳng nếp ủi. Việt Cộng đã bị gạt qua một bên, như thể Hà Nội không tin tưởng chúng."

Tất nhiên, đây là điều Giáp không bao giờ thú nhận. Ông thậm chí không thú nhận những sư đoàn của ông đã thâm nhập vào miền Nam. Các đại biểu của Hà Nội ở bàn hội nghị hòa bình Paris cũng không thú nhận điều này cho dù ta có chỉ cho họ thấy hình ảnh những xác chết. Nhưng từ ông tôi có thể biết về vai trò ông có trong cuộc tấn công Tết, hay biết liệu ở đây tại miền Bắc này họ thật sự muốn hòa bình hay không muốn hòa bình.

Lúc này các hướng dẫn viên của tôi gõ cửa. Họ muốn đưa tôi đi xem chợ hoa Tết. Tối nay mới Tết, nhưng người ta đã bắt đầu vui xuân. Những lá cờ đỏ treo ở khắp mọi nhà, giáo đường và chùa chiền và mọi người bước đi loanh quanh trên tay cầm các bó hoa-thường là hoa nhựa. Họ rất mê hoa nhựa.

Nhỏ con không ngờ

Chiều thứ Bảy-Các sĩ quan tham mưu đang chờ chúng tôi ở bên ngoài cổng tòa nhà Bộ Quốc Phòng, họ mặc quân phục màu vàng lục được cắt khéo. Họ cúi đầu chào và mỉm cười, rồi đưa chúng tôi đi dọc theo hành lang dài đến một phòng lớn có ghế sofa ở giữa phòng và các ghế bành chung quanh. Giáp chờ ở đấy.

Ấn tượng đầu tiên của tôi là vóc người thấp bé của ông. Họ bảo ông cao chưa tới một mét rưỡi, nhưng ông trông còn thấp hơn, với tay ngắn chân ngắn còn cổ biến mất bên trong cổ áo. Người ông mập mạp nên trông ông lại càng thấp hơn.

Ông quả thực giống Napoleon, ngoại trừ khuôn mặt Á Châu. Khuôn mặt ông đặc biệt không ấn tượng. Một bộ mặt chưa hoàn chỉnh, hơi húp híp và đường nét không cân đối, như bộ mặt ta thấy ở những người bị bệnh thận, lại bị cắt ngang bởi cái mũi tròn nhỏ như mũi trẻ con. Nhưng đôi mắt ông thuộc về những đôi mắt thông minh nhất tôi từng thấy, nhưng cũng là đôi mắt gian trá nhất, đôi mắt độc ác nhất. Lẽ nào đôi mắt như thế đã từng có thể khóc vào một đêm nọ ở trên núi Lam Sơn?

Ông bước nhanh đến tôi, chìa tay ra với thái độ tự tin bặt thiệp. Ông hỏi tôi có biết nói tiếng Pháp không và tôi đáp, "Oui, Monsieur". Ông dường như chẳng khó chịu việc tôi gọi ông bằng monsieur; có lẽ cách xưng hô ấy gợi ông nhớ đến thời xưa và ông thậm chí còn thích được xưng hô như thế.

Rồi ông bắt đầu chú ý đến Marisa, Giulia và Carmen. Ông dường như rất thích Carmen, người cao hơn một mét tám, vì ông cứ nhìn chị chòng chọc và muốn chị ngồi bên ông. Nhưng Carmen giữ lời hứa với tôi nên nhường chỗ cho tôi.

Chào hỏi xong, chúng tôi ngồi xuống, ông và tôi ngồi ở giữa, Carmen ngồi ở ghế bành đầu tiên ở bên phải, kế tiếp là Marisa, Giulia, rồi các hướng dẫn viên của chúng tôi Thế, Huân, Hộ, người phiên dịch. Về bên trái là các sĩ quan tham mưu. Trong số sĩ quan này có một người không thoải mái với đôi giày nên bắt đầu tháo dây giày ra hết lỗ này đến lỗ khác cho đến lúc anh cảm thấy dễ chịu.

Trước mặt chúng tôi là chiếc bàn bày đủ loại món ngon: những thanh phó mát, cốm, hạnh nhân, bánh bích quy, các món khai vị khác nhau và những ly đầy rượu đỏ. Rõ ràng, mục đích là có bữa tiệc nhẹ, nhưng tôi cắt ngang câu chuyện để nói tôi muốn bắt đầu cuộc phỏng vấn.

Giáp không nhìn Carmen nữa mà mặt cau có nhìn đăm đăm chiếc máy ghi âm. Võ Thị Thế nói thầm vào tai tôi ông không muốn có máy ghi âm. "Xin Tướng Giáp cho phép." tôi nói, " Tôi dùng nó cho chính xác." và ông đáp: "Ca va, alors; comme vous voulez." Nhưng với ngay từ câu hỏi đầu tiên, ông đã đổi ý, nên cuối cùng tôi phải chấp nhận không dùng đến máy ghi âm, nhưng cuộc phỏng vấn không vì thế mà thiếu phần chính xác. Huân, Hộ và tôi đều ghi lại hết thảy tất cả mọi lời ông nói. Về sau chúng tôi so sánh với nhau rất kỹ các bản chép tay của chúng tôi.

Người Mỹ bị đánh bại

"Thưa Tướng Giáp," tôi bắt đầu, "trong nhiều tác phẩm của mình, ông hỏi câu hỏi này: 'Ai sẽ là người chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến tranh Việt Nam?' Tôi muốn hỏi ông ngay bây giờ. Trong những tháng đầu tiên năm 1969 này, liệu ông có thể nói người Mỹ đã thua trong cuộc chiến tranh này, về quân sự họ đã thất bại chăng?"

"Chính họ công nhận như thế," ông đáp. "Bây giờ tôi sẽ chứng minh cho chị thấy rằng người Mỹ đã bị đánh bại về quân sự lẫn chính trị. Để chứng minh họ thất bại về quân sự, tôi sẽ quay trở lại việc họ thất bại về chính trị, mà đấy chính là nền tảng của tất cả mọi sự.

"Người Mỹ đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi chọn Miền Nam Việt Nam làm bãi chiến trường. Ngụy quyền Sài Gòn quá yếu-ngay cả Taylor và McNamara và Westmoreland đều biết điều ấy. Điều họ không biết là do quá yếu nên giới chóp bu Sài Gòn không thể nào xử dụng tốt viện trợ Mỹ.

"Vì mục đích xâm lược của Mỹ ở Việt Nam là gì? Để xây dựng thuộc địa kiểu mới dựa trên ngụy quyền. Nhưng để xây dựng thuộc địa như thế, ta cần chính quyền ổn định, nhưng ngụy quyền Sài Gòn cực kỳ không ổn định. Nó không ảnh hưởng gì đối với dân chúng; nhân dân không tin tưởng nó.

"Từ đấy hãy nhìn thấy người Mỹ đang lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Cho dù họ muốn, họ cũng không thể nào rút ra khỏi Miền Nam Việt Nam, vì để rút lui họ sẽ phải để lại sau lưng tình hình chính trị ổn định. Nghĩa là, đám tay sai sẽ thay thế họ, nhưng tay sai phải vững vàng và mạnh mẽ, Nhưng ngụy quyền Sài Gòn chẳng mạnh mẽ và cũng chẳng vững chắc. Thậm chí cũng chẳng phải là loại tay sai giỏi giang gì. Nó không thể nào đứng vững nổi ngay cả khi được xe tăng chống đỡ.

"Vậy làm sao người Mỹ có thể rút lui được? Nhưng họ phải thoát ra. Họ không thể nào duy trì 600.000 quân ở Việt Nam thêm mười hay mười lăm năm nữa. Thất bại chính trị của họ là ở chỗ đấy: bất chấp tất cả bộ máy chiến tranh của mình họ vẫn không thể nào thắng về chính trị.

Đô la Mỹ

Ông nói như thầy giáo đang cố gắng nhồi nhét bài học vào đầu óc học sinh đần độn, và ta hầu như không thể nào ngắt lời ông. Mọi thứ khiến ta nản lòng trước ý muốn ngắt lời ông: ông nói tràng giang, tay ông vung vẫy trước mặt và ông rõ ràng thích thú nghe chính mình nói. Nhưng tôi thử ngắt lời ông.

"Thưa Tướng Giáp điều ấy không có nghĩa là về quân sự họ đã thua trong chiến tranh."

"Hãy kiên nhẫn; đừng ngắt lời tôi. Tất nhiên nó có nghĩa như vậy. Nếu họ không cảm thấy bị đánh bại thì Nhà Trắng sẽ không nói về hòa bình trong danh dự.

"Nhưng ta hãy trở lại thời Geneva và chính quyền Eisenhower. Người Mỹ đã bắt đầu ở Việt Nam như thế nào? Theo cách thường lệ của họ, tức viện trợ kinh tế và quân sự cho ngụy quyền. Tóm lại bằng đô la. Vì họ nghĩ họ có thể giải quyết bất kỳ chuyện gì bằng đô la.

"Họ nghĩ họ có thể dựng nên chính quyền độc lập và tự do bằng đô la và ngụy quân được trả bằng đô la; với 30.000 'cố vấn quân sự' cũng được trả như thế, và 'những ấp chiến lược' được lập ra bằng đô la.

"Nhưng nhân dân bắt đầu tham gia vào cuộc đấu tranh, thế là kế hoạch của Mỹ sụp đổ. Ấp chiến lược, 'cố vấn quân sự', ngụy quân hết thảy đều thất bại, cho nên người Mỹ bắt buộc phải can thiệp quân sự như Đại sứ Taylor đã đề nghị. Rồi bắt đầu giai đoạn thứ hai của cuộc xâm lược, tức 'chiến tranh đặc biệt'. Với 150.000 quân và 18 tỷ đô la, họ nghĩ họ có thể kết liễu chiến tranh vào cuối năm 1965, hay muộn nhất vào năm 1966. Nhưng đến năm 1966 chiến tranh vẫn hoàn toàn chưa kết thúc: họ liền gởi qua thêm 200.000 quân, và họ bắt đầu nói về giai đoạn thứ ba, tức 'chiến tranh cục bộ', Chương trình gọng kiềm của Westmoreland: một mặt thu phục được lòng dân, và một mặt tiêu diệt phong trào giải phóng.

"Nhưng hai gọng kiềm đã không kẹp chặc lại, thế là Westmoreland thua trong chiến tranh. Ông thua với tư cách vị tướng vào năm 1967 khi ông yêu cầu tăng thêm quân và Washington công bố báo cáo lạc quan rằng năm 1968 sẽ là năm tốt đẹp cho cuộc chiến ở Việt Nam, tốt đẹp đến độ Johnson sẽ tái đắc cử. Ở Washington, Wesrmoreland được đón tiếp như anh hùng, nhưng ông ta không thể nào không biết rằng chiến tranh càng lúc càng trở nên quá tốn kém, điều này thì Taylor đã biết ngay từ đầu.

"Mỹ đã chi ở TriềuTiên hai mươi tỷ đô la, còn ở Việt Nam họ đã chi ra hơn cả trăm tỷ. Năm mươi bốn ngàn người Mỹ chết ở Triều Tiên, ở Việt Nam số người Mỹ chết còn cao hơn nhiều..."

"Thưa Tướng Giáp, người Mỹ nói chỉ ba mươi bốn ngàn người Mỹ chết."

"Hừ... tôi cho là phải nhiều gấp đôi chứ. Người Mỹ luôn luôn nói thấp hơn sự thật; lúc họ trung thực nhất, thì chết năm họ nói ba. Họ không thể nào chỉ có 34.000 người chết thôi. Chúng tôi bắn hạ hơn 3.200 máy bay của họ! Cứ năm máy bay bị bắn hạ thì họ chỉ thú nhận có một thôi đấy nhé. Trong năm năm chiến tranh này tôi cho họ đã mất ít nhất 60.000 quân, có lẽ còn nhiều hơn nữa."

"Thưa Tướng Giáp, người Mỹ nói ông mất nửa triệu quân."

"Hoàn toàn chính xác."

Cuộc tấn công Tết

Ông hé lộ điều này một cách rất hời hợt như thể nó hoàn toàn chẳng quan trọng, một cách rất vội vã như thể, có lẽ, con số thật sự còn lớn hơn nhiều. Rồi ông lặng lẽ tiếp tục rao giảng.

"Trở lại những gì chúng ta đang nói... Vào 1968, năm mà người Mỹ tin chắc chắn thắng lợi. Rồi, bất ngờ, có cuộc tấn công Tết mà chứng tỏ Mặt Trận Giải Phóng có thể tấn công họ bất kỳ lúc nào và bất kỳ ở đâu Mặt Trận muốn, kể cả những thành phố được bảo vệ kỹ càng, thậm chí kể cả Sài Gòn.

"Cuối cùng người Mỹ thú nhận chiến tranh Việt Nam đã là một sai lầm chiến lược. Johnson thú nhận điều này. McNamara thú nhận điều này. Họ thú nhận rằng chiến tranh diễn ra không đúng lúc và không đúng chỗ, rằng Montgomery đã đúng khi ông ta cảnh cáo không nên đưa quân sang Châu Á. Cuộc tấn công Tết (năm 1968) thắng lợi..."

"Thưa Tướng Giáp, mọi người đồng ý cuộc tấn công Tết là chiến thắng tâm lý rất lớn. Nhưng xét từ quan điểm quân sự, ông không nghĩ đây là thất bại sao?"

Ông im lặng một giây. Rồi ông tươi cười.

"Chị phải hỏi Mặt Trận Giải Phóng câu hỏi ấy chứ."

"Thưa Tướng Giáp, tôi muốn hỏi ông trước."

Ông đứng lên, đi vòng quanh bàn, rồi ngừng lại và hất tay ra trong cử chỉ tôi có thể cho là thất vọng.

"Chị phải hiểu đây là vấn đề tế nhị. Tôi không thể phán xét vấn đề như thế này, tôi không thể xen vào công việc của Mặt Trận. Đây là vấn đề tế nhị, rất tế nhị... Nhưng chị khiến tôi ngạc nhiên. Mọi người đều biết, xét từ quan điểm cả quân sự lẫn chính trị thì cuộc tấn công Tết..."

"Thưa Tướng Giáp, cuộc tấn công Tết không thành công lắm ngay cả khi xét từ quan điểm chính trị. Dân chúng đã không nổi dậy, và sau một vài tuần người Mỹ lại hoàn toàn làm chủ tình thế. Chỉ ở Huế cuộc chiếm đóng mới diễn ra cả tháng. Ở Huế là nơi có lính chính quy Miền Bắc..."

Khi tôi nói từ cuối cùng này tôi cố gắng nhìn thẳng vào mắt ông. Nhưng ông giả vờ không nghe.

"Tôi không biết Mặt Trận có tiên đoán hay hy vọng nhân dân sẽ nổi dậy hay không, mặc dù nếu không có sự giúp đỡ của nhân dân tôi không nghĩ Mặt Trận có thể đưa quân vào các thành phố. Tôi không thể thảo luận về cuộc tấn công Tết vì chúng tôi chẳng có liên quan gì đến nó. Mặt Trận tự tiến hành cuộc tấn công ấy.

"Tuy nhiên, sự thật là sau cuộc tấn công Tết, người Mỹ chuyển từ thế tấn công sang thế phòng thủ. Nhưng phòng thủ luôn luôn là sự khởi đầu của bại trận. Tôi nói sự khởi đầu. Chúng tôi chưa thắng, và người Mỹ chưa có thể gọi là thua. Họ vẫn còn mạnh về quân số; không ai có thể phủ nhận điều ấy. Về phần mình chúng tôi phải mất nhiều công sức mới đánh bại họ hoàn toàn.

"Bây giờ tôi nói với tư cách người lính về vấn đề quân sự... đúng là họ có nhiều vũ khí. Nhưng vũ khí cũng không giúp gì được cho họ, bởi vì chiến tranh ở Việt Nam không chỉ là vấn đề quân sự. Cho nên sức mạnh quân sự và chiến lược quân sự cũng không thể góp phần vào chiến thắng, hay thậm chí để hiểu được cuộc chiến."

Tinh thần của Nhân dân

Ông ngồi xuống, và vẻ khó chịu thoáng qua của ông biến mất khi ông trở lại vai trò người thầy giáo.

"Hoa Kỳ có chiến lược dựa trên số học. Họ hỏi máy tính, họ làm các phép tính cộng và trừ, lấy căn bậc hai, xong rồi bắt đầu hoạt động. Nhưng chiến lược số học ấy không thành công ở đây. Nếu như thành công thì họ đã tiêu diệt chúng tôi rồi. Hãy lấy thí dụ máy bay của họ. Họ nghĩ chỉ trong vài tuần họ có thể khuất phục chúng tôi bằng cách trút lên đầu chúng tôi hàng tỷ chất nổ. Vì, như tôi đã nói với chị, họ tính toán mọi thứ theo hàng tỷ, hàng tỷ đô la.

"Nhưng họ không tính đến tinh thần của một dân tộc chiến đấu cho chính nghĩa, để cứu nước thoát khỏi quân xâm lược. Họ không thể nào nghĩ ra được rằng cuộc chiến tranh Việt Nam phải được hiểu theo chiến lược chiến tranh nhân dân, cuộc chiến tranh này không phải là vấn đề về quân số và chiến cụ, chúng không liên quan đến vấn đề.

"Chẳng hạn, lúc đầu họ nói để chiến thắng họ cần tỷ lệ hai mươi lăm trên một. Rồi, khi họ không thể đưa nhiều quân như thế vào chiến trường, họ rút xuống thành sáu trên một, rồi cuối cùng ba trên một, tuy như thế là hơi nguy hiểm.

"Nhưng tỷ lệ ba và sáu và hai mươi lăm trên một sẽ không giải quyết được gì. Chiến thắng phải cần thêm điều khác nữa, và đấy chính là tinh thần của nhân dân. Khi toàn dân đứng lên thì không có gì mà không làm được. Tiền bạc không thể đánh bại nhân dân. Đó chính là nền tảng chiến lược và chiến thuật của chúng tôi mà người Mỹ hoàn toàn không hiểu."

"Thưa Tướng Giáp, nếu ông hoàn toàn chắc chắn cuối cùng họ sẽ bị đánh bại vậy ông có thể cho chúng tôi biết khi nào?"

"À, đây không phải là cuộc chiến tranh mà có thể thắng trong vòng một vài năm. Chiến tranh chống Hoa Kỳ cần thời gian, thời gian... Theo thời gian họ sẽ trở nên mỏi mệt rồi bị đánh bại. Và để khiến cho họ mỏi mệt chúng tôi phải tiếp tục, phải kiên trì...

"Xưa nay chúng tôi đã luôn luôn làm như thế. Chúng tôi là nước nhỏ, chỉ ba mươi triệu người. Vào lúc bắt đầu Công nguyên chúng tôi chỉ có một triệu người, khi đại quân Mông Cổ bất ngờ tấn công chúng tôi. Nhưng cả triệu người chúng tôi đánh bại họ. Ba lần họ kéo đến, ba lần chúng tôi đánh bại họ. Chúng tôi không có vũ khí giống họ. Chúng tôi vẫn không lùi bước và chiến đấu đến cùng, Lúc đó chúng tôi đã kêu gọi toàn dân phải quyết chiến.

"Và những gì đã đúng vào năm 1200 vẫn còn đúng ngày hôm nay. Vấn đề cũng giống nhau. Chúng tôi là những người lính giỏi bởi vì chúng tôi là người Việt Nam."

"Thưa Tướng Giáp, những người Việt ở Miền Nam đang chiến đấu cùng với người Mỹ cũng là người Việt Nam. Vậy ông nghĩ gì về họ với tư cách người lính?"

"Họ không thể nào là những người lính giỏi được. Họ không tin điều họ đang làm, cho nên họ không có tinh thần chiến đấu. Người Mỹ cũng biết điều này và ngẫu nhiên lính Mỹ đánh giỏi hơn rất nhiều. Nếu như họ không biết những ngụy quân này không biết chiến đấu thì họ sẽ chẳng mang rất nhiều quân của họ qua."

"Thưa Tướng Giáp, chúng ta hãy nói về Hội nghị Paris. Ông nghĩ hòa bình sẽ đến từ Paris hay từ chiến thắng quân sự như chiến thắng ông đạt được ở Điện Biên Phủ?"

"Điện Biên Phủ... Điện Biên Phủ... sự thật là chúng tôi đã đến Paris chứng tỏ chúng tôi có thiện ý. Và không ai có thể nói Paris là vô ích, vì Mặt Trận Giải Phóng cũng ở đó. Ở Paris, họ phải chuyển sang bình diện ngoại giao những gì diễn ra ở Việt Nam... Madame ơi, Paris dành cho những nhà ngoại giao."

Ông nói chính xác những từ này: "Paris, vous savez, madame, c'est un chose pour les diplomats." Và ông nói những lời này bằng giọng lãnh đạm khinh thường, đồng thời ông nhăn mũi và lắc đầu, như thể những từ "Hội nghị Paris" khiến ông khó chịu, trái lại ông lặp lại "Điện Biên Phủ" với niềm vui thú như đứng trước cái đẹp.

"Thưa Tướng Giáp, như vậy ông muốn nói chiến tranh sẽ không được giải quyết ở Paris, phải thế không ạ? Phải chăng chiến tranh cần giải pháp quân sự thay vì giải pháp ngoại giao? Phải chăng Điện Biên Phủ của Mỹ chưa đến, nhưng chắc chắn ngày nào đấy sẽ đến?"

"Madame, Điện Biên Phủ... Điện Biên Phủ... Lịch sử không phải luôn luôn lặp lại. Nhưng lần này nhất định lịch sử sẽ lặp lại. Chúng tôi đã đánh thắng người Pháp và chúng tôi cũng sẽ đánh thắng người Mỹ. Madame, đúng là Điện Biên Phủ của họ vẫn còn chưa đến. Nhưng nhất định nó sẽ đến.

"Người Mỹ nhất định sẽ thua cuộc chiến tranh này vào lúc sức mạnh quân sự của họ đạt đến đỉnh điểm và guồng máy rất lớn họ đã lắp ráp bấy giờ không còn vận hành được nữa. Nghĩa là, chúng tôi sẽ đánh bại họ vào lúc họ có nhiều quân nhất, nhiều vũ khí nhất và nhiều hy vọng chiến thắng nhất. Vì tất cả tiền bạc và sức mạnh ấy sẽ là gánh nặng lớn cho họ. Điều ấy là tất yếu."

"Thưa Tướng Giáp, tôi có thể sai, nhưng chẳng phải Khe Sanh là Điện Biên Phủ thứ hai sao?"

"Không, không phải. Khe Sanh đã không phải và cũng không thể nào là Điện Biên Phủ thứ hai. Nó hoàn toàn không quan trọng đến mức như thế. Hay chỉ bởi vì người Mỹ cho nó là quan trọng khi uy tín của họ bị lâm nguy ở Khe Sanh. Quả là nghịch lý thông thường của người Mỹ. Chừng nào họ còn giữ vững được Khe Sanh để giữ gìn uy tính của mình, họ nói nó quan trọng. Còn khi họ bỏ Khe Sanh, họ nói nó chưa bao giờ quan trọng.

"Chị không nghĩ Khe Sanh là chiến thắng đối với chúng tôi ư? Tôi cho là chiến thắng đấy. Nhưng các nhà báo vốn tò mò, chắc chị biết thế? Quá tò mò là đằng khác. Vì tôi cũng là nhà báo nên tôi muốn đảo ngược vai trò để hỏi chị đôi câu hỏi. Câu hỏi đầu tiên: Chị đồng ý rằng người Mỹ đã thua chiến tranh ở Miền Bắc?"

"Thưa Tướng Giáp, đúng, tôi đồng ý. Nếu chiến tranh ở Miền Bắc như ông nói có nghĩa là các vụ ném bom thì tôi cho họ đã thua. Vì họ không đạt được gì đáng kể, cho nên họ phải ngưng lại."

"Câu hỏi khác: Chị đồng ý rằng người Mỹ đã thua chiến tranh ở Miền Nam?"

"Thưa Tướng Giáp, không. Họ không thua. Hay chưa thua. Ông đã không đánh đuổi họ đi được. Họ vẫn ở đấy và họ đang ở lại đấy."

"Chị sai rồi. Họ vẫn ở đấy... nhưng trong hoàn cảnh nào? Bị sa lầy, tê liệt, đang chờ đợi những cuộc thua trận mới mà họ hy vọng tránh được nhưng không biết cách tránh. Những cuộc thua trận đã và đang và sẽ có những hậu quả tai hại về kinh tế, chính trị và lịch sử. Họ đang ở lại đấy, nhưng đã bị trói tay, bị giam cầm trong chính sức mạnh của mình.. Họ chỉ có thể hy vọng ở cuộc hòa đàm Paris. Nhưng ở đó họ cũng ngoan cố. Họ không chịu từ bỏ lập trường của họ."

'Chúng tôi có kiên nhẫn'

"Thưa Tướng Giáp, ông gọi người Mỹ ở Paris là ngoan cố. Nhưng họ cũng nói như vậy về ông. Như vậy cuộc hòa đàm phỏng có ích gì?"

Ông vẫn bất động và im lặng. Như thể cho rằng nó chẳng đáng nhắc đến. Nhưng tôi hỏi dồn ông.

"Thưa Tướng Giáp, lúc này đây mọi người đang bàn về hòa bình, nhưng dường như chẳng ai thật sự muốn hòa bình. Vậy theo ông Hội nghị Paris sẽ kéo dài bao lâu?"

"Rất lâu! Đặc biệt nếu người Mỹ không từ bỏ lập trường của họ. Vâng, rất lâu. Chúng tôi sẽ không từ bỏ lập trường của mình. Chúng tôi không cần phải vội. Chúng tôi có kiên nhẫn. Trong khi các phái đoàn đàm phán, chúng tôi vẫn đánh.

"Chúng tôi muốn hòa bình, nhưng không phải hòa bình bằng mọi giá, không phải hòa bình bằng thỏa hiệp. Đối với chúng tôi, hòa bình phải có nghĩa là thắng lợi hoàn toàn; người Mỹ phải ra đi. Thỏa hiệp tiềm ẩn nguy cơ nô lệ. Nhưng chúng tôi thà chết hơn nô lệ."

"Vậy thì, thưa Tướng Giáp, chiến tranh sẽ kéo dài bao lâu? Nhân dân đáng thương này rồi sẽ còn phải chịu hy sinh, đau khổ, và chết chóc biết bao lâu nữa?

"Chừng nào còn cần thiết-mười, mười lăm, hai mươi, năm mươi năm. Chừng nào cho đến khi như Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng tôi nói, chúng ta đã hoàn toàn chiến thắng. Đúng! Thậm chí đến hai mươi, năm mươi năm chăng nữa. Chúng tôi không sợ, và chúng tôi cũng không cần phải vội."

Lần này ông đã đứng lên để trả lời lần cuối. Bây giờ ông không còn là thầy giáo vui với công việc giảng bài, không còn là nhà chiến lược sáng suốt, nói tiếng Pháp như hiệu trường trường đại học Sorbonne, con người lịch lãm thích hưởng thụ, rất thích phụ nữ và áo quần đẹp và đời sống vô tư lự. Giờ ông là kẻ cuồng tín với má ửng đỏ và đôi mắt chất chứa đầy căm thù vừa nói vừa khoa tay múa chân khiến ta cảm thấy sợ-một người hoàn toàn khác.

Nhưng ông bình tâm trở lại khi chúng tôi bắt đầu ra về. Ông tiễn chúng tôi ra đến tận bên ngoài rồi đứng đấy, vẫy tay cho tới lúc xe đi khuất. Ông tươi cười và tinh tế, giữa các sĩ quan quanh bên ông, kể cả người sĩ quan với đôi giày đã tháo dây.

Tối thứ Bảy. Trước mặt tôi là bản giấy than đánh máy trên ba tờ giấy mỏng. Nhìn đi nhìn lại chúng, tôi không thể nào tin tất cả chuyện này thật sự xảy ra. Nhưng đúng là như thế.

Cách đây một giờ Võ Thị Thế mang đến những tờ giấy này đưa cho tôi và bảo tôi đây là một văn bản chính thức và duy nhất về cuộc gặp gỡ của tôi với Tướng Giáp. "Các sĩ quan tham mưu đã mất công soạn thảo văn bản này cho chị, và Tướng Giáp đã phê chuẩn. Ông muốn chị biết rằng ông sẽ không thừa nhận bất kỳ điều gì khác, chỉ văn bản này thôi mới được phép công bố." Bà giơ ngón tay lên đe dọa, như thể muốn nói: "Nếu không thì hãy coi chừng đấy!"

Tôi lẳng lặng cầm lấy đọc. Hầu như chẳng có bất kỳ điều gì tôi đã nghe bằng chính tai mình, đã chép xuống, đã so sánh với các bản ghi chép của Hộ và Huân. Tuyệt nhiên không có câu trả lời của ông cho câu hỏi của tôi về cuộc tấn công Tết: "Chị phải hỏi Mặt Trận Giải Phóng câu hỏi ấy chứ." Tuyệt nhiên không có câu trả lời của ông cho câu hỏi của tôi về Hội nghị Paris: "Madame ơi, Paris dành cho những nhà ngoại giao." Tuyệt nhiên không có giải pháp quân sự cho cuộc chiến: "...Điện Biên Phủ của họ vẫn còn chưa đến." Không, chẳng có câu trả lời nào hết, chỉ toàn là những khẩu hiệu có sẵn, khoa trương, mơ hồ.

Những câu hỏi của tôi cũng không có ở đấy; thực ra chẳng có gì chứng minh cuộc gặp gỡ từ 3 giờ đến 3 giờ 45 chiều đã diễn ra, hay thực ra cuộc gặp ấy chỉ do tôi tưởng tượng ra. Phải chăng Tướng Giáp xem chúng tôi là lũ ngốc? Phải chăng ông quên rằng không chỉ có một mình tôi ở đấy, mà còn có ba phụ nữ có tai để nghe có đầu để nhớ? Tất nhiên, ông có thể tin tưởng ở Hộ, người phiên dịch, ở Thế và Huân và các sĩ quan của ông; họ sẽ sợ hãi đến độ hoàn toàn phủ nhận bất kể điều gì tôi có thể nói ra. Nhưng Carmen và Giulia và Marisa không phải như thế. Họ không sống trong bầu không khí sợ hãi. Họ đọc ba bản sao rồi lắc đầu. "Đừng lo!" Họ nói. "Chị có thể viết bài báo của chị, chị có thể thuật lại đúng những gì đã thực sự xảy ra."

"Vâng, tất nhiên," tôi nói. Nhưng tôi thất vọng và ghê tởm. Chính trong tâm trạng này mà tôi bỏ ra ngoài và may là Thế hay Huân hay Hộ không cố gắng cản tôi lại. Tôi đang trong tâm trạng tức giận.

Tiếng Pháo và Tiếng Súng

Lúc này đây thực sự bắt đầu Tết, và phố xá đông kín những người khoe áo quần Tết. Trên quảng trường kế bên khách sạn Metropole, người ta đã dựng lên sân khấu và họ đang trình diễn vở kịch múa: "Bắt giặc lái Mỹ". Phi công Mỹ có mũi rất dài, và anh ta vặn vẹo mình mẩy như con sâu để van xin lòng thương hại trong lúc những vũ công khác thọc lưỡi lê vào người anh. Chỉ có Trời mới biết tại sao họ lại nhảy múa với lưỡi lê và súng máy.

Rồi nhạc trở nên hào hùng hơn; các vũ công rút lui và trên sân khấu hiện ra lá cờ đỏ có khuôn mặt Hồ Chí Minh. Đám đông ngoan ngoãn vỗ tay theo.

Ai đấy bắt đầu đốt pháo. Tôi bắt đầu nghĩ về cái Tết năm ngoái ở Sài Gòn khi pháo vừa mới nổ thì tiếng súng cối và súng máy hòa lẫn vào tiếng pháo. Đó là cuộc tấn công mà Giáp tác giả của nó đã chối phăng chỉ cách đây vài giờ. Tôi tự hỏi nếu chuyện như thế xảy ra ở đây thì sao. Không, ở đây chẳng bao giờ có chuyện gì xảy ra. Mọi người ai ai cũng đều suy nghĩ như nhau.

Tôi đi dọc theo bờ Hồ, dưới những chiếc loa phát ra inh ỏi những bài thơ chúc Tết của Hồ Chí Minh cho tới khi tôi gặp Chùa Cầu Tự, nơi những người Nga và Trung Quốc đang chờ bước vào-và như thường lệ họ không nhìn mặt lẫn nhau. Bên trong chùa đang làm lễ với những sư cụ mặc áo nâu sòng và những cụ bà quỳ lạy trên sàn nhà. Họ vừa cúng những món ăn giả mặn và chay cho Đức Phật bằng đồng và vừa tụng kinh và thắp hương. Đây có thể là hình ảnh Việt Nam thời trăm năm trước. Khi một nhóm các cháu bé trai đeo khăn quàng đỏ bắt đầu ghẹo các sư cụ thì người Trung Quốc cười vang nhưng người Nga có vẻ bất bình.

Tôi về lại phòng. Hai chàng Boris của thông tấn xã Novosti muốn tôi uống rượu champaigne với họ, nhưng tôi thích ở một mình. Pháo nổ đùng đùng và khói pháo mù mịt... Sắp đến Giao Thừa rồi. Bây giờ Giao Thừa đã đến. Năm Thân qua đi năm Dậu bắt đầu.

Pháo nổ càng lúc càng to hơn; giờ thì tiếng pháo nổ dữ dội đến mức rung chuyển cả thành phố. Tưởng như Mỹ lại ném bom. Người Việt thích tiếng ồn inh ỏi. Họ thường cười khi cái gì đấy nổ vang hay tan vỡ. Phải chăng đấy là loại âm nhạc duy nhất họ biết hay muốn biết? Để Tướng Giáp có ý kiến của ông, còn tôi sẽ có ý kiến của tôi sau. Tôi không thể nào chờ để trở về với thế giới của mình, nơi tiếng ồn ào khiến người ta hoảng sợ và giật mình mỗi khi nghe.

Ngày mốt tôi sẽ phỏng vấn hai phi công Mỹ. Họ cũng có thể khiến tôi thất vọng. Nhưng ý nghĩ thấy họ khiến tôi cảm thấy gần gũi hơn với quê nhà. Có ai ngờ đâu?

© 1969 L'Europeo

*

'Văn bản Chính thức' của cuộc phỏng vấn của Oriana Fallaci với Tướng Giáp


Những ghi chép vắn tắt về cuộc gặp gỡ của phụ nữ Ý với Đại Tướng Võ Nguyên Giáp:

Về thất bại quân sự của người Mỹ:

"Rõ ràng người Mỹ đang thua trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Họ đang thua về chính trị và quân sự trong cuộc chiến tranh này.

"Trên đất Việt Nam, người Mỹ đi từ thất bại này đến thất bại khác, trước tiên thất bại về chính sách xâm lược chủ nghĩa thực dân mới truyền thống của họ vào thời Ngô Đình Diệm với chính sách gọi là 'giúp đỡ quân sự kinh tế.'

"Thất bại lần nữa trong cuộc chiến tranh 'đặc biệt' nổi tiếng với nửa triệu ngụy quân của 30.000 cố vấn Mỹ. Và rồi hôm nay, đặc biệt sau cuộc tấn công Tết, thất bại của chiến lược 'chiến tranh địa phương', của chiến lược 'chiến tranh cục bộ'. 'Chiến tranh cục bộ' với hầu như chi phí và quân đội không giới hạn, với những quân đoàn viễn chinh hơn nửa triệu quân.

"Người Mỹ đã bị đánh bại trong các mục đích chiến lược và quân sự của họ. Họ bị đánh bại trong các mục tiêu chiến tranh. Bất chấp các nỗ lực của họ về quân sự và chính trị, họ đã không thành công trong việc chống đỡ cho bọn ngụy quyền và ngụy quân ở Miền Nam Việt Nam.

"Người Mỹ đang đánh cho cuộc chiến tranh xâm lược nhưng đã bắt buộc phải tiến hành cuộc chiến tranh phòng thủ và tìm kiếm 'hòa bình trong danh dự'. Họ đang đối phó với toàn thể nhân dân, và khi toàn thể nhân dân chiến đấu cho độc lập và tự do thì tất cả các lực lượng xâm lăng, kể cả bộ máy chiến tranh Mỹ khổng lồ, đều bất lực.

"Chiến lược và chiến thuật của cuộc chiến tranh giải phóng có những đặc trưng và những lực lượng mà không thể bị đánh bại. Đây là điều người Mỹ không bao giờ có thể hiểu. Họ đã thua."

Về cuộc nổi dậy của nhân dân Miền Nam:

"Đồng thời với cuộc đấu tranh quân sự, Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam cũng kêu gọi nhân dân Miền Nam vì độc lập và hòa bình hãy nổi dậy chống lại quân thù. Bè lũ Mỹ và Ngụy Quyền đang tìm mọi cách trấn áp phong trào, nhưng nhân dân Miền Nam Việt Nam vẫn tiến lên. Không có gì cản nổi cuộc đồng khởi của toàn dân vì hòa bình và độc lập."

Về Khe Sanh:

"Đầu tiên, Khe Sanh là biểu tượng uy tín của Mỹ mà phải được bảo vệ bằng mọi giá. Rồi khi cần thiết phải bỏ đi, luôn luôn theo như những tuyên bố của họ, thì Khe Sanh bất ngờ mất tất cả các tầm quan trọng chiến lược. Rõ ràng sau Khe Sanh, với những tổn thất vô cùng lớn, uy tín quân sự Mỹ và các mục tiêu chiến lược của nó đã không còn nữa."

Về vấn đề hội nghị Paris:

"Đoàn đại biểu của chúng tôi đã công bố trước công luận thế giới lập trường và thiện ý hòa bình của chúng tôi. Kết quả của cuộc hội nghị phụ thuộc vào thái độ của người Mỹ. Sẽ có hòa bình ngay lập tức một khi người Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược và rút vô điều kiện toàn bộ quân đội của họ ra khỏi lãnh thổ quốc gia của chúng tôi."

Về kết thúc chiến tranh:

"Nhân dân chúng tôi quyết tâm đấu tranh cho đến thắng lợi cuối cùng, cho tới khi tên lính Mỹ cuối cùng cút ra khỏi lãnh thổ quốc gia của Việt Nam. Chúng tôi ủng hộ hòa bình, nhưng hòa bình duy nhất có thể có đối với chúng tôi là nền hòa bình thật sự, hòa bình đi kèm với độc lập và tự do. Ngoài ra, không có kiểu hòa bình nào khác."

Về Ngụy quân:

"Ngụy quân là quân đội bù nhìn, một quân đội mà đặc trưng duy nhất là từ trước đến nay đều luôn luôn bị đánh bại."

Đáp lại lời cảm ơn của trưởng đoàn đại biểu Ý, Đại Tướng nói:

"Chúng tôi cảm ơn nhân dân Ý, phụ nữ Ý, đã ủng hộ cuộc đấu tranh của chúng tôi. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh chúng tôi nói, không có gì quý hơn độc lập và tự do. Vì độc lập và tự do, tất cả nhân dân chúng tôi đều được động viên. Chúng tôi nhất định không lùi bước trước bất kỳ sự hy sinh nào. Đồng thời chúng tôi đang đấu tranh cho các quyền cơ bản của các dân tộc, cho giá trị con người đích thực, cho sự nghiệp hòa bình.

"Điều gì sẽ xảy ra nếu như bọn đế quốc Mỹ, những tên giặc Hung Nô của thế kỷ hai mươi, thành công trong việc áp đặt ý muốn của chúng bằng vũ lực? Như thế sẽ trở lại luật rừng. Không. Nhân dân Việt Nam nhất định thắng. Sự nghiệp của nhân dân nhất định thắng. Chiến thắng cuối cùng sẽ là chiến thắng của chúng tôi, nhưng chiến thắng ấy cũng sẽ thuộc về tất cả chúng ta."

Oriana Fallaci (1929-2006) là nhà báo Ý nổi tiếng với các bài phỏng vấn các nhà lãnh đạo và chính khách trên thế giới trong thời Chiến Tranh Lạnh.

Nguồn:

Đăng lần đầu tiên trên tạp chí L'Europio ở Milan, Ý. Báo The Washington Post đăng bản tiếng Anh vào ngày 6 tháng Tư, 1969. Tựa đề bản tiếng Anh:" ' American Will Lose,' Says Gen. Giap" và " The 'Official Text' of the Interview". Tựa đề tiếng Việt của người dịch.

2/9/2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo