Mai Thanh Truyết (Danlambao) - Người thiểu số miền Cao nguyên rất nhạy cảm và có mặc cảm đối với người Việt. Với diện tích Cao nguyên ngày càng thu hẹp vì di dân, từ 1,4 triệu trước năm 1975 cho đến 4 triệu năm 2009, người Thượng có khuynh hướng ngày càng rút sâu vào hướng Tây, đôi khi vượt qua biên giới Lào và Cambodia.
Mật độ người Thượng trước năm 1975 chiếm khoảng 90%. Ngày nay, chỉ còn ước tính khoảng 400 ngàn người sinh sống ở vùng Cao nguyên Trung phần Việt Nam. Điều nầy nói lên việc khai thác quặng bauxite tại vùng nầy càng làm cho sự việc càng nghiêm trọng hơn đối với họ. Theo thống kê của World Bank năm 2008, tỷ lệ người Thượng hiện đang sống dưới mức nghèo đói là 72%.
Đối với những người ở lại bám đất, vì đất canh tác càng bị thu hẹp, gia đình có nguy cơ làm không đủ ăn. Do đó, các lao động chính của gia đình cần phải tha phương cầu thực. Vô hình chung, gia đình sẽ bị xáo trộn và có thể đưa đến ly tan. Con cái của họ, vì thiếu vắng cột trụ của gia đình có thể đi vào vòng sa đọa. Đây có thể là viễn ảnh của xã hội trong một tương lai không xa nếu, TC "thực sự" khai thác hay "chiếm đóng" Cao nguyên Trung phần Việt Nam.
Đứng về phượng diện địa lý, tỉnh Đắk Nông được bao bọc bởi tỉnh Đắk Lắc về phía Bắc, Lâm Đồng về hướng Đông Nam, tỉnh Bình Phước và giáp với biên giới Cambodia về hướng Tây. Gia Nghĩa là trị trấn của Đắk Nông, cách Sài Gòn 245 km, Phan Thiết 180 km. Còn Lâm Đồng được bao bọc bởi các tỉnh Đắk Lắc, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Đồng Nai, và Sông Bé.
Tỉnh Đắk Nông chiếm diện tích 6.510 km2, có độ cao trung bình từ 600 đến 700m, nhưng cũng có nhiều nơi chiếm cao độ trên 1.900m. Về dân số, có 417 người năm 2007 gồm đa số 80% người Kinh (Việt Nam) và 31 sắc tộc thiểu số trong đó người M'nong, Tay, Ede chiếm đa số. Mật độ trung bình là 64 người/km2 và có 15% dân sống trong các thành phố. Thu nhập đầu người cho năm 2006 là 7,7 triệu/năm (~US$350).
Đắk Nông được bao phủ bởi rừng rậm chiếm 64%, trong đó gồm 87% là rừng thiên nhiên, 2% rừng trồng cây công nghiệp, và 11% đất hoang.
Nói về ảnh hưởng của xã hội và xáo trộn văn hóa một khi CSVN cho TC khai thác bauxite vùng nầy, chúng ta, trước hết có thể nêu một thí dụ điển hình ở tỉnh Pleiku ảnh hưởng lên người dân Jarai chỉ sau một thời Việt Nam phát triển vùng từ sau 1975.
1- Tỉnh Pleiku
Tiến sĩ Matthieu Guérin, Giáo sư Trưởng khoa Sử Hiện đại của Viện Đại Học Caen và chuyên viên nghiên cứu nền Văn hóa dân tộc Jarai tại Pleiku nhấn mạnh "Chỉ cần có 30 năm là đủ để hủy hoại toàn bộ khu "Rừng Muôn Thánh" (la forêt des mille génies). “Cuộc tàn phá bắt đầu ngay vào những ngày đầu những ngày “Thống Nhất” đất nước Việt Nam năm 1975" đã gây sự chú ý của các thính giả trong buổi nói chuyện ở Đại học Sorbonne vào tháng 2/2009 về cuộc tàn phá rừng già và cướp đất ở Cao nguyên Trung phần Việt Nam.
Hiện tượng một nền nông nghiệp lương thực (của người dân tộc Jarai) được biến thành một nền nông nghiệp công nghệ và thương mãi dài hạn ngày nay đã lên đến một mức độ trầm trọng có nguy cơ đến tương lai của người Jarai. “Trước hoàn cảnh bị cướp đất có kế hoạch, người dân Jarai trước chỉ biết lùi sâu vào vùng rừng già. Nhưng ngày nay, gần như không còn rừng già nữa, và họ đang bị đưa vào bẩy sập. Không biết làm sao hơn, hoặc là chấp nhận số phận, hoặc bị đồng hóa vào dân tộc Kinh, hoặc là kêu gọi mở ra một cuộc đấu tranh đầy tuyệt vọng”.
Thật vậy, đây là một nền Văn hóa đang bị hủy hoại. Cách đây không bao lâu, người dân tộc Jarai di săn cọp trong những khu rừng già (của họ), câu cá trên những dòng nước chảy xiết, hái hoa, hái trái, đốt rừng làm rẩy... và dân tộc Jarai, những đứa con của rừng lớn lên, sanh hoạt trong rừng, và sống với rừng. Và còn hơn thế nữa, dân tộc Jarai có một mối tương quan đặc biệt và mật thiết với rừng, họ với rừng mà một, như những tài liệu nghiên cứu của nhà truyền giáo - nhân chủng học Jacques Dournes đã chứng minh. Nhưng ngày nay "Hãy tưởng tượng rằng trong vòng chỉ 30 năm ngắn ngủi, quý bạn đang nhìn thấy gia tài văn hóa của quý bạn đang bị tiêu hủy và trên đường sụp đổ" - Tiến sĩ Matthieu Guérin nói tiếp. "Đó là những gì hiện đang xảy ra với dân tộc Jarai. Nếu họ không hòa đồng, nếu họ không chấp nhận lối sống của người Kinh, và nếu họ không chấp nhận lối sống định cư, họ sẽ không còn nơi cư ngụ. Và để kết luận chúng tôi gọi đây là một loại diệt nhân chủng (ethnocide)".
Ngày nay tại thành phố Pleiku, thủ phủ Tỉnh Gia Rai, có 200 ngàn người Việt gốc Kinh và 40 ngàn người dân tộc Jarai. Để so sánh, trước Đệ nhị thế chiến, tỷ số dân Thượng ở Tây nguyên Trung Phần Việt Nam là 93%.
Ngày nay nếu ta đến viếng Pleiku, từng một thời được nhắc đến như là một thành "phố núi cao" thơ mộng, của các "em Pleiku má đỏ môi hồng", thì nay, không còn cảnh thiên nhiên nên thơ gần gũi để chỉ "đi năm phút đã về chốn cũ" nữa, mà sẽ chỉ thấy một thị xã tân thời, đầy những cao ốc, với những nạn kẹt xe, bụi bặm, ồn ào bởi những tiếng xe gắn máy, chúng ta chỉ tìm thấy bóng người Thượng, người dân tộc Jarai ở tụ tập (bị vất) bên ven bờ thành phố, trong những nhà tôn, vách ván trên nền đất nện tạo thành những khu nhà bình dân (ghetto) điêu tàn, dơ dáy...
Đừng nghĩ rằng tình trạng kinh tế của dân tộc Jarai khá hơn lúc trước vì nhờ nền kinh tế vùng Cao nguyên đã phát triển. Rất ít gia đình người dân tộc có điện vào nhà, và rất hiếm nhà người dân tộc có TV, ta có thể kết luận nhà người dân tộc Jarai sống cũng giống như giấc mơ của họ: tí ti, tạm sống qua ngày.
2- Giấc mơ thực sự của họ ư?
Họ mong Nhà nước CSVN trả đất lại cho họ. Trả đất của tổ tiên họ cho họ. Và có thể cho phép họ được tự do thờ phượng, như Hiến Pháp nước "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam" đã quy định. Họ có xin quyền Tự chủ không? Thật sự mà nói cũng có vài người có nghĩ đến, nhưng đó là một chuyện khác. Tuy không nói ra, nhưng trong thâm tâm họ, chắc chắn là họ xót xa vì mảnh đất quê hương họ bị giày xéo. Ước mơ giản dị nhất của người Jarai không gì khác hơn là được sống yên ổn làm ăn. Nhưng nào có được?
Trước những tình trạng đói khổ và những đòi hỏi nhân quyền này, rất dễ đưa đến những sự xung đột; và quả thật điều này đã xảy ra: Cuộc cưỡng chiếm đất của Nhà nước để quy hoạch cho công nghệ, một chuyện ép giá của một chủ xí nghiệp tư để mua đất,... và còn nhiều chuyện không được các cơ quan cầm quyền địa phương xử lý công bằng đã đem lại một cuộc nổi dậy và cuộc đàn áp dữ dội đổ máu vào năm 2001.
Trở qua vấn đề khai thác quặng bauxite tại Cao nguyên Trung phần Việt Nam, hay đúng hơn tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông), người Thượng là tiếng gọi chung để gọi toàn thể các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên Trung phần Việt nam: Jarai, Bahnar, Rhadé, Sédang, Koho, Bru, Pacoh, Katu, Sré. Có tất cả là 31 dân tộc khác nhau gọi chung theo một từ chung (cấm) là Degar, có nghĩa là "những người con của rừng núi".
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng trước khi xảy ra "chiến dịch rêu rao" "khai thác quặng Bauxite" này của nhà nước CSVN, họ cũng đã từng bị chèn ép lấn đất, lấn rừng, cấm đạo rồi... Nhưng vì thấp cổ bé miệng họ đành nhẫn nhục chịu đựng, sau khi đã chống đối không xong. Cuối cùng, rất nhiều người đã phải bỏ rừng bỏ rẫy tìm đường ra đi. Ra đi trong uất ức và đau xót vì có lắm người đã phải để vợ, con ở lại. Hiện nay Canada là nơi đang đón nhận người tị nạn Jarai từ mấy năm nay. Cho đến bây giờ thì tình trạng cưỡng bức đã trở nên toàn diện, lộ liễu và có kế hoạch.
Vậy thì xin hỏi: Đằng sau tất cả mọi sự cưỡng chiếm đất đai của đồng bào thiểu số, và vụ "khai thác quặng bauxit" ở Cao nguyên Nam Trung phần là do thế lực nào thúc đẩy, và với mục đích gì?
Bài học ở Pleiku kể trên, cho thấy sự việc lại tái diễn ở hai vùng đất nêu trên (Tân Rai và Nhân Cơ) nhưng dưới một hình thức khác. Nói theo kiểu quân sự thì việc CSVN bề ngoài thì hô hào việc khai thác Bauxite (gọi là "DIỆN") mà kỳ thực bên trong là nhà nước CSVN đã giao khoán cho TC toàn quyền khai thác hai vùng nầy (tức là "ĐIỂM"). Do đó, nhiều vấn đề không thuận lợi cho người địa phương tức người Thượng có thể nảy sinh trước sự hiện diện của một dân tộc ngoại quốc chiếm đóng và khai thác.
3- Tập quán người thiểu số ở Cao nguyên Trung phần Việt Nam
Người Thượng là tên gọi chung của hơn 20 sắc tộc thiểu số sống ở cao nguyên Trung phần Việt Nam. Ngày hôm nay, căn cứ vào Hiến chương LHQ vào năm 1986, họ còn có được tên gọi là “dân tộc bản địa” (indigenous people). Họ sống theo từng bản làng, canh tác và chăn nuôi vẫn còn mang tính cách du mục nghĩa là canh tác theo mùa. Sau mỗi mùa thu hoạch, họ di chuyển và canh tác ở một nơi khác. Thông thường, một chu kỳ đất của họ là ba năm, nghĩa là họ để cho đất nghị ban mùa rổi trở lại khai thác nghề trồng trọt.
Sau năm 1975, CSVN cho di dân từ miền Bắc vào. Khi thấy một mãnh đất trống nào do người Thượng vừa rời khỏi để đi canh tác ở một nơi khác, những người di dân mới tới chiếm đất, và họ giữ luôn để làm tài sản cho riêng họ. Chính vì vậy mà sau chu kỳ ba năm, người Thượng không còn nơi canh tác nữa.
Chu kỳ bị tắt nghẻn. Và đây chính là một trong những lý do khiến người Thượng phải “di chuyển” vào tận rừng sâu.
Ngay cả từ thời Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hòa, chính phủ cũng đã thiết lập những khu “Sinh sống chính” cho đồng bào Thượng. Nhưng cũng có những lạm dụng của một số nhà cầm quyền địa phương và tướng lãnh, lợi dụng uy thế, chiếm một số không nhỏ đất đai dành cho người Thượng. Điều nầy cũng là nguyên nhân đẩy họ phải vào rừng sâu.
Và nguyên nhân sau cùng và tệ hại hơn cả là các dự án khai thác Bauxite ở Lâm Đồng và Đắk Nông... khiến cho người Thượng hầu như không còn đất sống. Rất nhiều bản làng “phải” trốn chạy qua Lào, hoặc Cao Miên và xin tỵ nạn tai Hoa Ky.. Tình trạng nầy vẫn còn tiếp tục cho đến tận hôm nay.
Người Thượng ở Việt Nam có nhiều phong tục, tập quán, cung cách sống và sinh hoạt đặc biệt khác xa với người Kinh (người Việt Nam). Nhiều chương trình phát triển miền Cao nguyên dưới thời Việt Nam Cộng Hòa cũng không đem lại sự ổn định hay làm tăng mức sống của người Thượng cũng vì không nghiên cứu tường tận nhu cầu thực sự của họ.
Hai địa điểm hiện đang được khai thác là Nhân Cơ, Đắk Nông nằm về phía Tây của thị xã Đà Lạt và cách trung tâm này khoảng 40 Km. Còn địa điểm Tân Rai ở xã Lộc Thắng nằm về phía Bắc của thị xã Bảo Lộc và cách 15 Km.
Ngày nay, CSVN lại áp dụng một chính sách áp đặt và cung cách cư xử với họ càng khắc nghiệt hơn hoàn toàn không ứng hợp với nguyện vọng của họ. Từ đó nảy sinh ra nhiều hệ lụy có thể gây ra sự đổ vỡ mối liên hệ Kinh-Thượng vốn đã không thể hiện một cách công bằng và bình đẳng.
Sau đây là những sự kiện và hệ lụy đang và tiếp tục xảy ra khi sự xâm nhập của TC vào công cuộc khai thác bauxite ở vùng cao nguyên.
- Việc chiếm đất để làm công trường khai thác hay xây dựng cơ xưởng của TC và Việt Nam, cũng như việc áp đặt và chuyển dời người thiểu số là một vần đề hệ trọng chứ không đơn thuần là một bài toán cần phải giải quyết như tịch thu đất đai và đền bù cũng như di dời người thiểu số.
- Việc chọn chỗ mới cho việc di dời theo quan điểm của CSVN chỉ là một việc đơn giản, nghĩa là tìm cho họ một vùng đất nào đó để họ ở, sinh sống, và "tìm miếng ăn". Nhưng thực sự, người Thượng chú trọng nhiều đến phong tục, thổ nhưỡng, và nhất là truyền thống sinh hoạt thôn xóm ngay cả việc đào giếng hay làm cổng vào làng cũng là một việc hết sức tế nhị cần nghiên cứu. Nếu không, họ, sau khi bị tập trung lại, sẽ chỉ ở một thời gian ngắn rồi bỏ đi…
- Đối với việc di dời, ai là người chịu trách nhiệm trực tiếp? Đất đã khoán cho TC, mà sao trách nhiệm di dời lại để cho nhà cầm quyền địa phương, một cơ quan không có phương tiện tài chánh để thực hiện việc di dời cũng như đền bù thiệt hại. Địa phương chỉ có khả năng cung cấp "đất hoang" mà thôi, hoàn toàn không đủ nghiên cứu để cứu xét tính cách khả thi của đất cho nông nghiệp hay không, một việc cốt lỏi của sự sinh tồn của người Thượng. Do đó, sự di dời đã xảy ra từ 2006 đến nay vẫn còn tồn đọng và hiện tại vẫn còn hơn 500 gia đình người Thượng vẫn chưa được sắp xếp và đang còn trong vòng tranh chấp.
- So với phong tục đặc biệt của người Thượng, việc thay đổi nếp sống "văn minh" chưa hẳn làm cho họ có thêm nguồn phúc lợi và hạnh phúc; nhưng trái lại, có thể làm cho việc di dời trở nên phức tạp hơn. Kinh nghiệm của Việt Nam Cộng Hòa trong việc làm nhà mái tole, dẫn nước sinh hoạt vào nhà, làm nhà vệ sinh bên trong nhà hoàn toàn không ứng hợp với tập quán của họ. Việc rời bỏ các khu định cư để đi sâu vào rừng trước năm 1975 là một kinh nghiệm quý báu cho nhà cầm quyền hiện tại trong chính sách đối với người Thượng.
- Thêm một hệ lụy có nhiều xác suất xảy ra là tiền đền bù. Theo như tin tức Việt Nam thì số tiền đền bù không xứng đáng với tài sản, đất đai, nhà cửa và hoa màu của người Thượng bị di dời. Nhiều vụ kiện đang còn kéo dài ở Tân Rai vì đất mới được cung cấp và số tiền bồi thường không đủ để cất nhà giống như ngôi nhà cũ lấy chi để tạo dựng lại cuộc sống mới. Cũng như cần phải tính thêm những sự ăn chận, tham những, ép buộc của địa phương trong việc áp dụng chính sách di dời.
- Từ những yếu tố vừa kể trên chúng ta thấy không thể khoán cho địa phương mà cần phải có chính sách chung và thống nhất từ trung ương cũng như việc thực hiện cần phải có sự giám sát chặt chẽ, nghiên cứu địa chất tường tận, và nhất là cần nghiên cứu yếu tố tôn giáo... để từ đó giải thích rõ ràng cho người dân lý do vì sao họ phải dời đi nơi khác. Làm được như thế thì sự dời đổi sẽ bớt đi nhiều khó khăn và cuộc sống người dân sẽ bớt phiền toái ngõ hầu có thể sớm được ổn định trong cuộc sống mới.)
- Sau cùng, đối với sự tín ngưỡng và phong tục của người Thượng, vai trò của ông "Già Làng" rất quan trọng, vì là một ngôi vị tối cao của một làng. Mọi người già trẻ lớn bé đều phải thực hiện, làm đúng những mệnh lệnh, khuyến cáo của "Già Làng", hoàn toàn không có một ngoại lệ nào. Do đó, nhà cầm quyền cần phải giải thích, thuyết phục chính sách di dân, đừng để Già Làng còn nhiều nghi ngờ ảnh hưởng không tốt đến việc di chuyển, dời đổi người dân. Điều quan trọng nhứt là đừng dối gạt niềm tin của người Thượng qua sự chơn chất của họ. Nếu sai phạm, mọi chính sách di dời sẽ bị đổ vỡ và họ sẽ rút vào rừng sâu…
Qua những yếu tố phân tích trên đây, chúng ta thấy quả thật người Thượng rất nhạy cảm trong cung cách đối xử hiện tại của CSVN. Ngày nay, với sự hiện diện của ngoại bang, người Hán, chắc chắn trong tương lai sự mâu thuẫn giữa hai sắc dân kể trên sẽ làm cho vùng cao nguyên Trung phần Việt Nam biến thái theo chiều hướng bất thuận lợi cho người Thượng.
4- Chính sách Hoa Kỳ và Việt Nam đối với người thiểu số
Đặc biệt có hai điểm cần lưu ý về chính sách đối với người Thượng từ sau 1975 về phía Hoa Kỳ và CSVN.
- Do chính sách muốn tạo ảnh hưởng, ngay từ sau khi Việt Nam hoàn toàn nằm trong tay CS, Hoa Kỳ bằng mọi phương tiện đã đẩy mạnh mức độ xâm nhập vào miền Cao nguyên Trung phần qua sự phát triển phong trào gia nhập vào đạo Tin lành của dân tộc thiểu số. Có thể nói, sau hơn 40 năm, Hoa Kỳ đã đạt được thành quả là lực lượng tín đồ Thượng hiện nay là một lực lượng đáng kể ở vùng này nhất là ở những thị xã hoặc thành phố.
- Trong lúc đó, CSVN cũng cố gắng ngay từ đầu đào tạo một tầng lớp cán bộ người Thượng đề làm nồng cốt cho công cuộc "quản lý" người thiểu số.
Cà hai chính sách nầy đã đào tạo một số nhân sự có trình độ, tuy ở hai chiều hướng và mục đích khác nhau, nhưng rốt ráo lại, tuyệt đại đa số người Thượng vẫn không gia nhập vào hai khuynh hướng trên và tiếp tục theo sự hướng dẫn của Già Làng mà rút sâu vào nội địa.
Kết quả tiên liệu cho tương lai qua những hiện tượng đã xảy ra ngay từ sau khi chiếm toàn cõi Việt Nam, sĩ số người Thượng sống trong vùng nầy bị giảm đi hằn. Họ đã trốn chạy vào rừng sâu, qua Cambodia và Lào. Và cuối cùng, nhiều người đã phải xin tị nạn chính trị tại nước thứ ba, như đã nói trên.
Trong một tương lai không xa nữa, viễn ảnh không còn sự hiện diện của nhiều sắc dân thiểu số sống trên Cao nguyên Trung phần Việt Nam qua việc khai thác bauxite của TC không phải là điều không tưởng. Và nóc nhà của Việt Nam, thảm thực vật che chở cho sức sống của người Việt sẽ bị hủy diệt cả về hệ sinh thái lẫn tính đa dạng xã hội của vùng này...
5- Kết luận
Để kết luận, việc "giúp đỡ" người Thượng là giúp đỡ kinh tế cho họ cải thiện đời sống, là giúp họ hiểu và khai triển khái niệm về sự tiến bộ của con người. Nhưng tuyệt đối, phải biết tôn trọng dị biệt văn hóa của người Thượng, không được áp đặt những gì đi ngược lại truyền thống của họ. Hơn nữa, nếu những người cầm quyền hiện tại, nếu còn một chút nhứt điểm lương tâm để thấy rằng không nên đặt họ, những đồng bào thiểu số, những người con của đất trời thiên nhiên vào hoàn cảnh hay tâm trạng của những kẻ “mất” quê hương để phải "sống mãi trong tình thương nỗi nhớ". Nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn, với cái "cảnh sơn lâm bóng cả cây già", với "tiếng gió gào ngàn", với "giọng nguồn thét núi" như Hổ Nhớ Rừng của Thế Lữ. Tội nghiệp cho những đồng bào thiểu số bơ vơ nầy đã bị chèn ép, đàn áp đến "ba tầng áp bức" và đã bị dồn đến chân tường!
Và rốt ráo hơn nữa là đừng để Vùng Cao nguyên Nam Trung phần việt Nam biến thành những khu “biệt lập người Da đỏ” (Indian reserve) kiểu Mỹ, chuyên biểu diễn Múa Vũ Văn Hóa cho các đoàn du khách ngoại quốc đến thăm viếng.
Thiết nghĩ, hình ảnh của Người Thượng hiện tại như đã mô tả ở phần trên sẽ là hình ảnh trong tương lai của họ ở Việt Nam, nếu còn sự cai trị của Cộng sản Việt Nam.
03/09/2017
Hội Khoa học & Kỹ Thuật Việt Nam (VAST)