Im lặng có phải là vàng? - Dân Làm Báo

Im lặng có phải là vàng?

Hồn Nhiên (Danlambao) - Tôi quen được em qua không gian mạng xã hội facebook. Mặc dù chưa từng bao giờ gặp nhau, nhưng chúng tôi đã có một trái tim đồng điệu. 

Em là một cô gái có dáng vóc mảnh mai nhỏ bé, nhưng không hiểu em lấy sức mạnh từ đâu mà có được những hành động dũng cảm khôn lường. Đúng chất con gái Sài thành, những ngày tháng 10 oi ả, trong khi cả nước đang rúng động bởi những đợt càn quét hàng loạt của bộ Công an, An ninh đối với những con người đanh tranh đấu cho quyền được sống sạch, cho môi trường sạch, thì em, Võ Hồng Ly, một mình đứng giữa thành phố Sài Gòn, 2 tay giơ cao tấm biểu ngữ tố cáo Formosa hủy hoại môi trường và binh vực cho các TNLT vừa bị bách hại.

Dưới đây là bức ảnh của em kèm theo những câu thơ đầy cảm khái xuất phát từ trái tim: 

Tôi lặng bước nhìn mọi nhà sum tụ
Thương anh em khổ ải chốn lao tù
Vẫn quyết chí, kiên trung dù gian khó
Để đất nước mình ngày mai có tự do !

08.10.2017


Nhìn cô bé, tôi thấy mừng và lo. Mừng cho thế hệ trẻ hôm nay đã tìm hiểu, đã dấn thân, và đã cất lên tiếng nói chính đáng của mình. Nhưng lo rằng những người như em ví như những viên ngọc quý và hiếm, mà ngọc càng quý thì càng dễ có nguy cơ bị đánh cắp.

Sau đây, tôi xin giới thiệu đến độc giả một bài viết của em, bài viết này như là một thông điệp gởi gắm đến tất cả những bạn trẻ, thế hệ 8x, 9x, biết về một thực tế đau lòng đang xảy ra trên đất nước mình. 

Im Lặng Có Phải Là Vàng?

Võ Hồng Ly - Nhà hiền triết Socrates từng thừa nhận rằng: “Tôi không biết gì cả, đó là điều tôi biết rõ nhất”. Ấy là vì tri thức tựa như biển rộng, còn những điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước trong đại dương. Người ta chỉ nên nói về những điều mình biết rõ, và giữ thái độ cởi mở, im lặng, tôn trọng lắng nghe đối với những thứ bản thân chưa được tiếp xúc hoặc còn mơ hồ. Nếu như bạn nhất thiết cho rằng quan điểm của mình chẳng hề có chỗ sai sót, thì chẳng phải bạn đã trực tiếp đóng cánh cửa tri thức lại hay sao?

Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Bên cạnh những mặt tích cực, hệ lụy tiêu cực của sự im lặng lại đến từ chính sự ngộ nhận trong quan điểm giáo dục hàng ngày của không ít gia đình. Ngay từ bé, chúng ta thường được gia đình dạy dỗ phải biết vâng lời ông bà, cha mẹ mới là ngoan. Khi bị gia đình mắng do làm sai điều gì thì phải tuyệt đối im lặng và không được cãi. Đến khi lập gia đình, cha mẹ hay dặn con cái “cơm sôi nhỏ lửa” và “im lặng là vàng” để chỉ sự nhẫn nhịn nhằm tránh gây xung đột trong gia đình. Sau này ra xã hội, người lớn lại dạy “một điều nhịn là chín điều lành”, “cứ im lặng” vì ''tránh voi chẳng xấu mặt nào”.

Cứ như thế, từ ấu thơ cho đến khi trưởng thành, chúng ta luôn được dạy dỗ và được khuyên nhủ nên im lặng và nhẫn nhịn để cho qua mọi chuyện. Thoạt đầu, chúng ta chỉ nghĩ đơn giản đó là cách “dĩ hòa vi quý”, là nhường nhịn nhau trong cuộc sống, không nên hơn thua mà gây thù chuốc oán.
Bản chất của những quan niệm này không sai nhưng việc áp dụng nó hàng ngày nhằm tạo nên một vỏ bọc an toàn cho bản thân đã vô tình làm thui chột đi bản năng phản biện theo hướng tích cực cần có trong đời sống con người. Im lặng còn có nghĩa là nhắm mắt cam chịu, là lảng tránh và chấp nhận cả những cái sai trái, thói hư tật xấu của người đời, của xã hội. Nếu ta có tìm cách lên tiếng thì lại bị cho là thích thể hiện, chơi trội và lo chuyện bao đồng trong khi thân ta còn chưa lo được cho ta, có khi lại bị vạ lây do “thương người thì khó đến thân”.

Cùng với thời gian, sự nhẫn nhịn, im lặng để né tránh vấn đề đã tạo ra một thế hệ trẻ chỉ thích sống trong một vỏ bọc an toàn cho cá nhân mình. Con người trở nên thực dụng và luôn cố gắng tranh thủ mọi cơ hội để tối đa hóa lợi ích của mình hoặc một nhóm lợi ích mà họ tham gia. Thậm chí, ngay cả khi nhận thức được điều sai trái và bất công, thay vì đấu tranh chống lại điều đó, họ lại chọn cách im lặng vì sợ bị liên lụy và sách nhiễu.

Trong cuộc sống hàng ngày cũng vậy, chúng ta im lặng và lảng tránh những chủ đề chính trị vì chúng ta nghĩ rằng nó quá nhạy cảm, sợ phạm úy, và chính trị là chuyện của mấy bác ở trung ương, không phải chuyện của chúng ta. Trên các mạng xã hội cũng thế, muốn câu like thì đừng có đăng những chủ đề chính trị, mà phải chọn những hình ảnh sành điệu, những cái tựa đề giật gân mang đầy hơi hướng thị trường để thỏa mãn nhu cầu cho số đông. Chúng ta cũng không thiếu những anh hùng bàn phím biết hô hào rất hoành tráng nhưng lại hoàn toàn sáo rỗng, đến khi cần phải ra mặt đấu tranh thì họ lại im lặng trốn tránh với đủ những viện dẫn thật hợp tình, hợp lý!

Trong khi cộng đồng giáo dân và các nhà hoạt động xã hội trong nước cũng như quốc tế kêu gọi cả nước hướng về khúc ruột miền Trung nhằm khởi kiện Formosa và gây sức ép lên chính phủ đòi đóng cửa nhà máy tội ác này thì vẫn còn rất nhiều, rất nhiều những con người vẫn hoàn toàn thờ ơ, vô cảm với sự im lặng vốn có của mình. Họ vẫn chọn đi bên lề xã hội ngay cả khi họ ý thức rằng môi trường chẳng phải của riêng đồng bào miền Trung, biển không phải chỉ là của ngư dân...Một cái like cho phép tương tác thông tin trên mạng mà họ còn không dám thì làm sao chúng ta có thể chờ đợi họ xuống đường đồng hành cùng chúng ta để đấu tranh cho công lý và chính nghĩa?

Sự im lặng của làng báo chí chính thống khi không dám đưa tin về cuộc biểu tình rất ôn hòa và văn minh của hàng nghìn đồng bào tại Formosa Hà Tĩnh ngày 02/10 vừa rồi là một sự hổ thẹn mà nhà cầm quyền không thể che lấp và bào chữa. Ở thời đại nào rồi mà các nhà lãnh đạo vẫn còn suy nghĩ rất lạc hậu rằng với việc không đưa tin thì người dân sẽ không hay và không thấy ? Từ chối đưa tin để phủ nhận và chối bỏ sự tồn tại của sự kiện càng chỉ làm cho người dân thêm mất niềm tin vào chính quyền mà thôi!

Martin Luther King đã từng nói, “Sự bất công ở bất cứ đâu đều là mối đe dọa cho công lý ở khắp mọi nơi”. Nếu im lặng vì lợi ích bản thân, thì chính là đang tiếp thêm sức mạnh cho cái ác. Lẽ ở đời, tiếp sức cho cái ác, cái ác sẽ quay lại làm hại bạn. Im lặng trong những trường hợp đó sẽ chỉ tiếp tay cho cái xấu, thừa nhận cái ác và tạo điều kiện cho sự bất công phát triển.! Chúng ta muốn cuộc sống này, chế độ này thay đổi theo hướng tích cực nhưng bản thân chúng ta lại vẫn luôn im lặng thì mọi ước mơ sẽ chỉ là ước mơ thôi, bởi mọi sự áp bức, bóc lột trong xã hội chỉ có thể tồn tại và vĩnh cửu là nhờ vào sự im lặng và hèn nhát của chính con người!

Chính vì vậy, hãy can đảm và xin đừng để sự im lặng yếu đuối của chúng ta giày xéo đất nước này thêm nữa! Thời gian còn rất ít lắm rồi! Hãy đồng hành và chia sẻ cùng nhau, không gì là không thể, bạn nhé!



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo