Nguyễn Dư (Danlambao) - Cách nay cũng chưa lâu, tôi có đọc một bài viết trên Dân Làm Báo của tác giả Cánh Dù lộng gió. Ông đặt ra câu hỏi: "Ai là những kẻ đánh thuê?". Thật ra trong câu hỏi này, người ta chỉ cần nhìn vào biểu tượng của màu cờ thôi, chịu khó động não một chút thì cũng đã có sẵn câu trả lời.
Lá cờ màu vàng và ba sọc đỏ là tượng trưng cho dân tộc máu đỏ da vàng của cả ba miền. Cờ đỏ sao vàng mang hàm ý đã bán linh hồn cho cộng sản quốc tế chứ không thể là lá cờ của người Việt Nam!
Chiến tranh Nam - Bắc là một cuộc chiến thuộc về ý thức hệ; là một cuộc chiến giữa chính và tà; là để bảo vệ nền nhân bản dân tộc, quyền con người, lẽ phải; chống lại những đường lối ngoại lai vô thần và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa cộng sản. Mọi sự trả lời, mọi bằng chứng cho chúng ta, dễ nhận ra nhất là đã hơn bốn mươi năm nay, cộng sản lúc nào cũng sửa sai, đổi mới liên tục; chắp vá lúng túng, vụng về, học đòi nền kinh tế (thị trường) và ý thức hệ của chủ nghĩa tư bản để mà tồn tại. Nhưng xã hội dần đã biến tướng, cho nên sản sinh ra những phe cánh bảo thủ cho quyền lợi cá nhân; ngụp lặn trong những u mê tham lam không thoát ra nổi nghèo đói, lạc hậu. Và nó cũng chính là "thành quả cách mạng mà đất nước và nhân dân ta đã đạt được như ngày hôm nay": nợ nần chồng chất, con người sống dưới chế độ mất hết nhân tính!
Chính thể Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa ra đời là nhằm để đối phó với Hồ Chí Minh có ý đồ áp đặt chủ nghĩa cộng sản man rợ trên toàn cõi đất nước Việt Nam. Ông Diệm thề trước chúa và nhận trách nhiệm từ Bảo Đại về nước để chống lại chủ nghĩa ngoại lai đó của Hồ Chí Minh
*
Bài viết này nhằm vào ngày giỗ lần thứ năm mươi bốn (02/11/1963 – 02/11/2017) của cố tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ -ông cố vấn Ngô Đình Nhu; và cũng để nói lên một trong những gian trá, xảo quyệt của người cộng sản dẫn đến cơ hội cho họ chiếm trọn miền Nam
Phải khẳng định cho chính xác rằng ông Diệm là một người quốc gia chân chính. Cờ hiệu của ông là khóm trúc: "Tiết trực tâm hư" tượng trưng cho tấm lòng của người quân tử. Ông là người Quốc gia yêu nước, không tham quyền và không tham nhũng. Bằng chứng sau khi ông mất, gia sản của ông không có gì. Và hơn nữa, ông ba lần từ chối (có những nguyên nhân sâu xa) theo yêu cầu của Bảo Đại ra thành lập nội các.
Lần thứ nhất: Năm 1945 Bảo Đại có ý muốn ông Diệm ra thành lập nội các đầu tiên của một "nước Việt Nam độc lập", nhưng Bảo Đại không đạt được ý nguyện đó cho nên mới giao cho ông Trần Trọng Kim sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương.
Lần thứ hai là năm 1948, chính quyền ba miền Nam, Trung, Bắc hình thành, ông Diệm chống lại những đòi hỏi của người Pháp về chủ quyền, không ký vào hiệp ước sơ bộ Vịnh Hạ Long, thế cho nên Bảo Đại giao cho trung tướng Nguyễn Văn Xuân đứng ra thành lập nội các.
Và lần thứ ba là vào năm 1954, lúc này Bảo Đại đang ở Pháp, ông muốn ông Diệm về Việt Nam thành lập chính phủ. Ông Diệm từ chối, viện lẽ là sau nhiều năm suy nghĩ, đến lúc này ông quyết định sẽ đi tu. Bảo Đại nghiêm khắc, có thể nói gần như ra lệnh: "Tôi tôn trọng ý định của ông, nhưng hôm nay tôi kêu gọi lòng ái quốc của ông. Ông không có quyền từ khước trách nhiệm vì vận mệnh đất nước". Ở một đoạn khác, ông nói tiếp: "Mỗi lần thay đổi nội các, tôi nhờ đến ông và ông đều từ chối, nhưng tình thế hôm nay rất quan trọng, có thể đất nước sẽ bị chia đôi, ông phải đứng ra cầm đầu nội các. Cuối cùng, sau một lúc im lặng, ông ta thưa: tâu bệ hạ, nếu vậy tôi xin nhận lãnh sứ mạng". Bảo Đại dẫn ông qua phòng kế bên chỉ tượng Chúa rồi bảo: "Chúa của ông đó. Ông sẽ thề trước Chúa của ông bảo vệ lãnh thổ đã trao phó. Ông sẽ bảo vệ nó chống lại cộng sản, nếu cần chống lại cả người Pháp. Ông ta trầm tư giây lát, nhìn tôi rồi quay qua cây thánh giá nói nhỏ bằng một giọng nghẹn ngào: tôi xin thề" (nên nhớ, Bảo Đại có lẽ không thích ông Diệm cho lắm trong việc ông Diệm trưng cầu dân ý truất phế ông, nhưng chính Bảo Đại sau này viết lại trong hồi ký như vừa nêu thì chúng ta đáng tin đó là lời lẽ trung thực)
Thời gian sống ở Pháp, chắc có lẽ Bảo Đại nhận ra rằng người Pháp sau thế chiến thứ hai và nhất là sau khi thua trận ở Điện Biên Phủ, không còn khả năng đương đầu với cộng sản nữa. Lúc này người Mỹ muốn trực tiếp chính tay họ giúp miền Nam nói riêng và bán đảo Đông Dương nói chung ngăn chặn làn sóng đỏ tràn xuống từ phương Bắc.
Quân đội, các tướng lãnh và dàn lãnh đạo cũ thân Pháp, người Mỹ không mấy mặn mà gì nên Bảo Đại buộc lòng phải thay đổi. Do đó, ông mới cử ông Diệm về nước để thành lập chính phủ mới, cho nên không gặp khó khăn gì với sự chống đối của quyền tổng tham mưu trưởng -trung tướng Nguyễn Văn Hinh. Lúc này vai trò của Bảo Đại được người Pháp bảo hộ không còn giá trị nữa.
Phải công nhận rằng, trong giai đoạn đầu, người Mỹ giúp ông Diệm rất nhiều tiền của trong việc định cư cho hơn tám trăm ngàn người di cư từ miền Bắc chạy trốn chế độ cộng sản.
Khác với những người theo đạo thờ cúng ông bà hay Phật giáo, những người theo đạo Công giáo thường sống tập trung trong một cộng đồng có sự dìu dắt của cha xứ. Khi người chủ chăn biết rằng các giáo dân không thể tồn tại dưới chế độ cộng sản, họ khuyến khích các giáo dân chạy vào Nam theo ông Diệm là một người mộ đạo là lẽ đương nhiên. Không riêng gì người Công giáo, mà có cả những người Phật giáo di cư được sự giúp đỡ tận tình của chính quyền để ổn định lại cuộc sống mới.
Sau khi chia đôi đất nước, tình hình còn tranh tối tranh sáng, cộng sản cài lại những thành phần theo phe nằm vùng để phá rối miền Nam. Trong giai đoạn đầu, họ phát động chiến tranh tâm lý gây hoang mang cho người dân về chính quyền Ngô Đình Diệm. Bằng những cuộc biểu tình; bằng những rỉ tai các đảng phái quốc gia chân chính chống lại anh em ông Diệm với cái gọi là "độc tài gia đình trị"; kích động Phật tử, sinh viên, Phật giáo Ấn Quang bằng cách thêu dệt, chỉ ra cho họ thấy những người Công giáo di cư được chính quyền Ngô Đình Diệm giúp đỡ tận tình.
Cái gian trá, bất công của những kẻ giấu mặt là chỉ nói một nửa sự thật về người Thiên Chúa giáo được sự giúp đỡ của chính quyền Ngô Đình Diệm; nửa sự thật còn lại -về những người Phật giáo di cư, những chùa chiền được xây thêm dưới thời ông Diệm thì họ không thèm đếm xỉa!
Những kẻ giấu mặt rất ma mãnh, tìm đủ mọi cách, mọi nguyên nhân để tuyên truyền, bảo rằng anh em ông Diệm chỉ biết lo cho tôn giáo của mình, kỳ thị Phật giáo. Họ khiêu khích hai tôn giáo đúng với câu thành ngữ: "Trai cò đánh nhau, ngư ông đắc lợi". Phật giáo chỉ là "phương tiện". Thế là họ đã đạt được "mục đích". Và nó cũng chính là tử huyệt của gia đình họ Ngô.
Thế rồi những đòi hỏi yêu sách bình đẳng của Phật giáo Ấn Quang ra đời bằng những cuộc biểu tình, rồi dẹp biểu tình cứ xoay tròn trong cái vòng không lối thoát. Chính quyền lập lại trật tự, dẹp những kẻ đem bàn thờ Phật xuống đường làm loạn đường phố thì người ta cho rằng đàn áp tôn giáo(!). Những mâu thuẫn càng ngày càng leo thang, đỉnh điểm là vụ tự thiêu của hòa thượng Thích Quảng Đức.
Cần phải làm sáng tỏ trong vấn đề này: Đã gọi là "tự thiêu" thì phải là do chính mình hủy hoại đời mình; đàng này một nhà sư khác chế xăng lên đầu nạn nhân rồi châm lửa đốt vào tháng 06/1963! Hình ảnh này còn lưu truyền trên mạng. Nhiều người còn "vẽ rắn thêm chân", cho rằng hòa thượng tự đốt. Thử hỏi lấy loại bật lửa nào sử dụng trong khi tất cả đều ướt do xăng! Đây phải gọi là "bị" thiêu chứ không phải "tự" thiêu! Ai đứng đàng sau trong vụ này???.
Tội phạm giết người sờ sờ ra đó, cần phải bắt giam, truy tố theo pháp luật. Thế mà mọi người vô tâm, mù quáng, trút mọi trách nhiệm lên gia đình họ Ngô! Một sự lừa đảo trắng trợn! Lừa đảo các nhân sĩ trí thức dở hơi, nhẹ dạ và các tướng lãnh ngây ngô của nền Đệ Nhất VNCH; lừa đảo chính quyền Mỹ và cả thế giới!
Nếu là vì "độc tài gia đình trị", nếu là vì "Nhà Ngô kỳ thị tôn giáo" thì tại sao mãi cho đến đầu năm 1966, tức gần ba năm sau khi nền Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, nhóm Phật giáo Ấn Quang vẫn còn làm loạn?! Những yêu sách mà họ đòi tiếp theo là cái gì? Có phải chăng là giao hoàn toàn miền Nam cho cộng sản!?
Thật vậy, khi miền Nam rơi vào tay cộng sản rồi, chùa chiền bị đập phá, Sư sãi đi tù mà chẳng còn thấy ma nào yêu sách! Cái đám sinh viên, Phật tử, nhà sư ngày xưa làm loạn đường phố, trói tay chính quyền của nền Đệ Nhất và Đệ Nhị VNCH chết đâu hết rồi!?
Tất cả chỉ là những mưu ma chước quỷ, những con rối trong chiến tranh tâm lý bị các thế lực đứng đàng sau điều khiển. Thế mà cộng sản lừa được cả thế giới!
Sau khi cái gọi là "cuộc cách mạng giải phóng miền Nam thành công", đến bây giờ người ta mới giật mình nhận ra, thì đã muộn!
Rồi đến tháng 07/1963, vụ uống thuốc độc của nhà văn Nhất Linh khi ông bị chính quyền giam lỏng tại tư gia. Tháng 08/1963, Quách Thị Trang -lúc đó mới mười lăm tuổi, là một Phật tử đấu tranh(!)- bị trúng đạn chết trong vụ biểu tình trước chợ Bến Thành
Ba cái chết trong ba tháng nối tiếp nhau làm rúng động lương tâm của người Mỹ và thế giới, cho nên chính quyền John F. Kennedy cân nhắc trong việc loại bỏ Ngô Đình Diệm qua bàn tay các tướng tá phản loạn. Ngoài mặt thì người Mỹ muốn đổ trách nhiệm, coi như trong nội bộ, để các tướng tá Việt Nam tự giải quyết. Nhưng thật ra nếu người Mỹ không khuyến khích, không hỗ trợ thì đố có ông tướng nào dám tạo phản. Tức là người Mỹ đã chủ mưu. Đám tướng tá chỉ là những kẻ thừa hành.
Những nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ cho rằng anh em ông Diệm làm cản trở mục tiêu ngăn chặn cộng sản của họ tại miền Nam Việt Nam, cho nên lúc đầu họ có ý định không giúp anh em ông Diệm dồi dào như ngày xưa, và biện pháp cúp viện trợ được tính đến. Nhưng kế hoạch này có lẽ họ cho rằng với tinh thần quốc gia của ông Diệm thì khó mà lay chuyển, tốn nhiều thời gian mà tình thế bạo động thì càng ngày càng căng thẳng. Rồi vấn đề đảo chánh được đặt lên bàn cân, nhưng họ cũng dè dặt bởi rút kinh nghiệm từ sự thất bại trong vụ đảo chánh của đại tá Nguyễn Chánh Thi và trung tá Vương Văn Đông hồi năm 1960; Vịnh con heo ở Cuba hồi năm 1961. Nhưng cuối cùng thì vấn đề đảo chánh cũng được thi hành. Và tổng thống Kennedy trao toàn quyền cho đại sứ Henry Cabot Lodge tùy cơ ứng biến mà hành động.
Người ta đồn đoán rằng ông Diệm không cho Mỹ đổ quân vào miền Nam nên mới bị lật đổ!. Thật ra, trước đó (khoảng năm 1962), ông Diệm có cân nhắc trong vấn đề này. Ông bảo rằng: miền Bắc có cố vấn Liên Sô và Trung Quốc, chứ không có quân đội tham chiến; nếu chính quyền ông cho Mỹ đổ quân vào thì mất hết chính nghĩa. Ông cũng đã dự trù cho rút bớt một số cố vấn Mỹ về nước.
Như đã nói ở trên, ông Diệm không tham quyền, không tham nhũng nhưng cái tánh cố chấp, quyết đoán của ông quá lớn! Ông thề trước Chúa và nhận trách nhiệm từ Bảo Đại về nước để bảo vệ miền Nam. Ông có sách lược riêng của ông. Ông là người không đội trời chung với cộng sản vì trong gia tộc có hai người là Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Huân bị Việt cộng thủ tiêu cùng lúc với học giả Phạm Quỳnh. Bảo Đại hiểu rõ kể cả khả năng, tánh thanh liêm, ngay thẳng nên tin tưởng và trao hết quyền hành cho ông về quân sự cũng như về dân sự (hồi ký cựu hoàng ghi lại chỉ dụ trước khi ông Diệm về nước). Trong vấn đề này chưa có tiền lệ cho vai trò của một thủ tướng thời bấy giờ
Vào dịp lễ Quốc khánh 26-10-1963, tình hình lúc này bất ổn nghiêm trọng. Đại diện các cơ quan, đoàn thể đến Dinh Gia Long chúc tụng. Linh cảm một điều gì không lành. Có thể ông Diệm cảm nhận được có một số tướng lãnh muốn tạo phản, truất phế ông chăng? Cho nên ông buồn rầu tuyên bố trước mặt bá quan văn võ: "Nếu tôi tiến, các ông tiến theo tôi. Nếu tôi lùi, các ông cứ giết tôi. Nếu tôi chết, các ông hãy theo gương tôi". Một con người quả cảm, quá tự tin ở tấm lòng ngay thẳng, chân thật của mình đối với quốc gia, dân tộc. Nếu ông chịu "lùi" thì không chết, anh em ông đi ra ngoại quốc sống, đâu có bị Dương Văn Minh sai thuộc hạ giết! Ông không "lùi", nói lên cái khí tiết của một người quân tử. Họ giết ông bởi vì họ run sợ trước một con người "tiết trực tâm hư", có chính nghĩa rõ ràng. Những năm tiếp theo sau ông, chính quyền miền Nam... loạn bởi các tướng tá tham lam, bất tài, rồi miền Nam rơi vào tay cộng sản
Hay nói trắng ra: gia đình ông Diệm là nạn nhân của Phật giáo Ấn Quang. Tất cả mọi người Việt Quốc gia, kể cả người Mỹ đã bị trúng độc kế cộng sản khi loại trừ được ông Diệm
Có phải chăng vận mệnh đất nước đã có sự sắp đặt: Đại tá Nguyễn Văn Thiệu kéo quân về tấn công Dinh Gia Long để rồi sau đó ông lên làm tổng thống. Còn Dương Văn Minh đứng đàng sau chủ mưu, điều hành, chỉ thị hạ sát anh em ông Diệm, cuối cùng làm tổng thống được ba ngày thì giao trọn miền Nam cho cộng sản. Lịch sử đã ghi nhận điều này.
Gần mười năm trời, Nguyễn Văn Thiệu "ăn sò"; còn Dương Văn Minh thì có công "đổ vỏ". Là cái giá Dương Văn Minh phải trả cho việc đê hèn của một vị được gọi là chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách mạng mà lại đi giết lén tù binh bị trói hai tay trong hầm xe bọc thép, không còn khả năng phản kháng.