Cô bé bán diêm Việt Nam - Dân Làm Báo

Cô bé bán diêm Việt Nam


"Ai cũng muốn có gia đình đầm ấm, 
và cũng muốn có tay mẹ âu yếm
được yêu thương, được mơ ước, được học hành
để cuộc sống luôn có những nụ cười..." (NS Lê Quang Ngọc)

Không biết cái giọng trầm của người nhạc sĩ đang thả những cảm xúc vào bài hát của mình hay ca từ bài hát làm mọi người bỗng im lặng. Và xúc động theo anh. Bởi đó là bài hát mà nhạc sĩ Lê Quang Ngọc - người đang ca trên sân khấu trong một chương trình văn nghệ ủng hộ phong trào dân chủ quốc nội vừa được tổ chức tại Dallas, đã viết cho cô bé Nguyễn Bảo Nguyên - con gái của Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vừa bị nhà cầm quyền Việt Nam giữ nguyên án tù 10 năm trong phiên tòa phúc thẩm đôi tuần trước đây. Cái giá cho tấm lòng yêu nước của một người mẹ trẻ.


Chỉ mới tháng trước, không ít người Việt khắp mọi nơi đã biết đến cái tên của cô bé Nguyễn Bảo Nguyên, qua bức thư em khẩn cầu phu nhân Melania Trump giúp đỡ cho mẹ mình được trở về với gia đình. Lá thư nắn nót với chữ viết khá đẹp của một cô bé 11 tuổi nhớ mẹ làm chùng lòng những ai đọc qua. "... Chỉ còn vài ngày nữa là đã đến sinh nhật con và em con là Gấu, thế là một lần sinh nhật nữa mà không có mẹ bên cạnh chúng con, chúng con yêu mẹ nhiều lắm và chỉ mong muốn mẹ về với chúng con...". Cô bé bảo đó đã là lá thư thứ tư em viết cho Melania mà không biết có đến tay bà hay không. Nhưng em vẫn viết vì bà ngoại bảo chỉ còn biết hy vọng. Niềm hy vọng chính đáng và tội nghiệp của ba bà cháu. Bây giờ thì niềm hy vọng đó tắt. Tắt hẳn. Bởi Melania ngoài một danh xưng và sự xuất hiện mang tính tượng trưng khi trao giải Phụ Nữ Can Đảm cho mẹ em, thì đâu có được những thẩm quyền gì khác hơn. Mà thật vậy.

Giải thưởng Phụ Nữ Quốc Tế Can Đảm (International Women of Courage Award) được Ngoại Trưởng Condoleezza Rice sáng lập vào năm 2007 nhân ngày Quốc Tế Phụ Nữ, từ thời tổng thống George W. Bush cho đến nay. Hàng năm, Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại các quốc gia sở tại đề cử một phụ nữ của quốc gia đó lên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Đó là những người phụ nữ can cường, có tinh thần dấn thân, dám tranh đấu và hy sinh cho quốc gia và người dân của mình, đặc biệt trong vấn đề nhân quyền và nữ quyền nói riêng, theo như tiêu chí và mục đích của giải thưởng này. Năm 2013, nhà báo Tạ Phong Tần được Phu Nhân Michelle Obama thay mặt Bộ Ngoại Giao trao giải thưởng này sau khi chị bị kết án 10 năm tù vào tháng 9 trước đó. Năm nay thì Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh -một blogger và nhà hoạt động dân sự từng tham gia biểu tình chống Trung Cộng, chống việc khai thác bauxite, chống công ty Formosa gây ô nhiễm môi trường, đã được trao giải sau khi bị bắt vào tháng 10 năm ngoái. ĐSQ Hoa Kỳ có lẽ đã đề cử chị từ cuối năm trước, bởi trong hai ngày 11 và 12 tháng 10 - hai ngày liên tiếp ngay sau khi Mẹ Nấm bị bắt thì bà Katina Adams - Phát Ngôn Viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tại khu vực Đông Á- Thái Bình Dương cùng Đại Sứ Ted Osius tại Việt Nam đều ra tuyên cáo ngoại giao bày tỏ mối quan ngại về hành động này. Tên chị từ sau đó đã xuất hiện liên tục trong các báo cáo nhân quyền đăng ngay trên trang mạng của Đại Sứ Quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho đến cuối năm 2016. Bỏ qua những vấn đề chính trường Hoa Kỳ, bất kể ai đắc cử hay tân nội các nào nắm quyền, có lẽ tên của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã xứng đáng và nằm sẳn trong danh sách những phụ nữ được đề cử lên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ từ cuối năm trước, chứ chẳng đợi đến tháng Ba trao giải. Nhưng cũng nói thêm rằng, giải Phụ Nữ Can Đảm năm nay có đôi điều khác với truyền thống trước đây. Những ai theo dõi giải thưởng này ắt cũng sẽ nhận thấy rằng, không có nhà tranh đấu Hoa Lục nào nằm trong danh sách giải thưởng năm nay, trong khi năm 2016 là năm Trung Cộng đã đàn áp và bắt giữ rất nhiều nhà tranh đấu nhân quyền tại Hoa Lục, trong đó có không ít các nữ luật sư khá nổi tiếng của phong trào. Liệu những phụ nữ Hoa Lục can đảm này không xứng đáng được trao giải như các nhà tranh đấu Hoa Lục các năm trước hay tên họ đã bị bỏ ra cho phù hợp với chính sách đối ngoại của tân nội các với Trung Cộng? Sự vắng mặt của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson tại giải thưởng nói trên, cũng như việc hủy bỏ cuộc họp báo thông lệ mỗi khi phúc trình nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại Giao được công bố, đã cho thấy những dấu hiệu báo trước về các thứ tự ưu tiên của nội các Hoa kỳ trong chính sách đối ngoại và phong trào nhân quyền thế giới. Phải chăng giá trị giao thương đã được đặt lên trên những giá trị về dân chủ, nhân quyền, bỏ qua truyền thống của một quốc gia luôn cổ súy và binh vực cho phong trào nhân quyền thế giới như Hoa Kỳ? Có những cách lý giải khác nhau, nhưng những gì diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh APEC vừa qua đã cho phép không ít người nghĩ như vậy. Cả hai tổ chức Human Rights Watch và Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền đều cho rằng APEC là "đầy thất vọng" về khía cạnh nhân quyền. Các tổ chức này bảo đây sẽ là giai đoạn đáng lo ngại cho các tổ chức phi chính phủ và dân sự tại các quốc gia Đông Nam Á, vốn trước nay vẫn thường được Hoa Kỳ ủng hộ. Nên chẳng ngạc nhiên khi Trung Cộng đã bắt đầu đưa ra xét xử hàng trăm luật sư, những nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền bị bắt giữ trong chiến dịch "Thanh trừng 709" (709 Crackdown) từ hai năm qua. Họ chịu những bản án nặng nề, có người bị đến 12 năm tù giam vì lên tiếng cho vấn đề Hồng Kông và Tây Tạng hay chỉ trích nhà cầm quyền. Bản án phúc thẩm y án 10 năm tù cho Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cũng chỉ là sự lặp lại bước chân Trung Cộng muốn răn đe người dân mà thôi.

Ai là người trả lời cho cô bé Nguyễn Bảo Nguyên biết, những lá thư khẩn cầu sự can thiệp cho người mẹ thân yêu của em đã về đâu? Sẽ về đâu? Nhà thơ Trần Trung Đạo viết rằng, "Nước mắt của Nguyễn Bảo Nguyên chỉ chảy trong sông Cái ở Nha Trang chứ không chảy qua sông Potomac ở Washington DC xa lạ". Có lẽ vậy. Nên mùa Giáng Sinh năm nay, và chẳng biết bao nhiêu mùa nữa, cô bé sẽ chẳng có mẹ bên mình. Để được dẫn đi lễ nhà thờ, để được chiêm ngắm Chúa Hài Đồng trong hang đá Bê-Lem. Rồi về nhà mở dăm món quà Giáng Sinh nho nhỏ của mẹ dành cho chị em mình. Xem clip phim ngắn mà bà ngoại bé đưa lên mạng, chỉ hơn một phút mà cô bé lặp lại câu "con nhớ mẹ" đến vài lần, ắt phải làm xót xa và đánh động lương tâm của những người làm cha, làm mẹ. Cùng những con dân Việt đang suy nghĩ về đất nước Việt Nam. Tôi chợt nhớ đến truyện ngắn "Cô bé bán diêm" của Hans Andersen, khi nghĩ về bé Nguyễn Bảo Nguyên. Cô bé bán diêm của Andersen đốt dần từng que diêm giữa cái cô đơn, rét cóng mùa Đông mà mơ tưởng về những niềm hạnh phúc đơn sơ. Rồi diêm lụi tàn và cô bé chết đi trong cái buốt lạnh đêm Giáng Sinh. Nhưng những que diêm mà Nguyễn Bảo Nguyên thắp lên ước nguyện tự do cho mẹ mình, chẳng thể nào đơn độc lụi tàn trong nỗi khắc khoải nhớ mẹ của trẻ thơ. Hãy chung tay thắp lên một que diêm. Ngàn que diêm. Triệu que diêm. Để cùng thắp sáng một khát vọng tự do cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và cho cả dân tộc Việt Nam. 


Mùa Giáng Sinh 2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo