Đá bóng chính trị - Dân Làm Báo

Đá bóng chính trị

Kông Kông (Danlambao) - Trận chung kết giải bóng đá U23 Châu Á đã kết thúc. U23 Việt Nam thua trong tiếc nuối. Thua vào phút thứ 119 của trận đấu đá thêm giờ, 120 phút. Là chỉ cần đúng 1 phút nữa thì sẽ đến giai đoạn đá luân lưu 11 mét mà Việt Nam đã thành công liên tiếp 2 trận trước đó. Thắng Iraq, thắng Qatar để vào đến chung kết, làm fan Việt vui mừng điên cuồng, tràn ngập đường phố. Lần nầy thì lấy nước mắt của nhiều fan. Tuy là nước mắt nhưng mãn nguyện, vì U23 Việt Nam đã lập được kỳ tích.

Ngay trước khi đá trận chung kết, U23 đã đón nhận 2 tin đặc biệt:

- Thư của Thủ tướng ca ngợi “bản lĩnh kiên cường, tinh thần sáng tạo trong từng đường bóng lăn...” “... khơi dậy tình yêu tổ quốc và lòng tự hào dân tộc”! Quả thật đây là loại văn chương đặc sản của thủ tướng, khó có thể tìm thấy ở ai khác! “Sáng tạo trong từng đường bóng lăn”? Còn, nếu thua, thì chắc không có “khơi dậy tình yêu tổ quốc và lòng tự hào dân tộc” chăng?

- Chủ tịch nước tặng “huân chương lao động hạng nhất cho đội tuyển”, “huân chương lao động hạng ba” cho 2 cầu thủ xuất sắc và huấn luyện viên Park Hang-seo.

Như vậy lãnh đạo cao cấp nhất đã đem chính trị vào thể thao!

Olympic, với lá cờ 5 vòng tròn 5 màu trên nền xanh, tượng trưng cho màu da và 5 lục địa thế giới. Là biểu tượng bình đẳng và phi chính trị! Vì không phân biệt thể chế nên đội tuyển các nước tham dự được sự bảo trợ của các tổ chức dân sự, các tập đoàn thương mại. Do đó dù thắng hay thua chính phủ cũng vô can. Và muốn giữ được thể diện quốc gia thì một Ủy ban kiểm tra chống doping là điều rất quan trọng.

Thế nhưng với các nước cộng sản thì chuyện doping gần như là một chiến lược, được chế độ tổ chức rất tinh vi. Vì thế số lực sĩ Nga, Trung cộng trong Olympic dính doping nhiều nhất. Còn với các nước khác chỉ là chuyện cá nhân. Tay đua xe đạp nổi tiếng Amstrong của Mỹ là ví dụ.

Dứt khoát không đem chính trị vào thể thao đến như thế mà cũng không tránh được bị khủng bố!

Hoa Kỳ là một nước tôn trọng quyền tự do cá nhân nhưng với sự kiện thể thao đều tránh việc cá nhân biểu lộ thái độ chính trị. Ví dụ việc cầu thủ bóng bầu dục (football) nhà nghề nổi tiếng quarterback Colin Kaepernick của đội San Francisco 49ers là người đầu tiên ngồi, sau đó quỳ một gối, thay vì đứng như đồng đội trong lễ chào cờ trước các trận đấu để phản đối việc “cảnh sát kỳ thị”. Đây là vấn đề gai góc, tưởng sẽ bùng nổ lớn, vì có một số cầu thủ khác hưởng ứng. Nhưng khi nhận được phản ứng chung của xã hội và sự dàn xếp riêng, nội vụ đã lặng lẽ chấm dứt. Hậu quả là Colin Kaepernick đang thất nghiệp. (Diễn tả theo kiểu quan chức đảng viên thì... phải ở nhà “đi buôn chổi đót, làm việc thối móng tay” kiếm tiền để xây biệt phủ!)

Hay, vào đầu năm nay, tranh giải vô địch quốc gia, là giải thể thao đại học lớn nhất hàng năm, giữa 2 đội bóng football đại học Alabama Climson Tide và Georgia Bulldogs có Tổng Thống Trump tham dự. TV chỉ chiếu chừng 15 đến 20 giây lúc ông đứng dưới sân cỏ chào cờ, tiếp theo ngay sau đó là quảng cáo thương mại dài, điều chưa từng xảy ra. Mục đích họ muốn tách rời hình ảnh Tổng Thống Trump ra khỏi trận đấu. Đó là thông điệp trực tiếp gửi đến 30.7 triệu khán giả đang xem và cho người Mỹ. Họ không muốn, dù vô tình, quảng cáo chính trị cho bất cứ ai.

Trong trận chung kết bóng tròn World Cup bà Thủ tướng Đức hay lãnh đạo các nước khác ngồi xem trên khán đài cũng chỉ là việc cá nhân ủng hộ đội nhà.

Rất tiếc lãnh đạo Việt Nam, tưởng là ủng hộ tinh thần thầy trò Park Hang-seo và tìm cách lấy lòng người Việt lại đem chính trị vào thể thao. Một việc làm thiếu hiểu biết!

Trong lúc đó thì Việt Nam đang “đoạt 2 giải nhất” về lượng tiêu thụ bia rượu và phá thai! Bóng đá đơn giản chỉ là game... còn bia rượu và phá thai là tai họa băng hoại về đạo đức. Lãnh đạo đảng đã làm gì?

Riêng với cổ động viên thì những dòng nước mắt tiếc nuối đã thể hiện được tính nhạy cảm dành cho U23. Nhưng liệu có giọt nước mắt nhạy cảm nào còn sót lại dành cho những mảnh đời bất hạnh? Dành cho những người mất nhà cửa ruộng vườn phải lê lết trên đường phố đi tìm công lý? Dành cho thân phận của những nông dân, công nhân bị bóc lột hay phải đi làm lao nô ở xứ người? Dành cho thảm cảnh điêu đứng vì môi trường bị đầu độc?

Và trên hết, có giọt nước mắt nhạy cảm nào dành cho thảm họa cả trăm năm, vì quê hương đang đứng chênh vênh trên bờ vực thẳm bị Tàu cộng nô lệ?

(28/01/2018)



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo