Vụ đàn áp đạo tràng Út Trung: Kế hoạch đàn áp tôn giáo qui mô ở diện rộng (Bài 1) - Dân Làm Báo

Vụ đàn áp đạo tràng Út Trung: Kế hoạch đàn áp tôn giáo qui mô ở diện rộng (Bài 1)

Người tổng hợp - Ngày 09/02/2018 Tòa án Nhân dân huyện An Phú sẽ mang 6 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo (PGHH) ở tỉnh An Giang ra xét xử. Vào cuối năm ngoái, Cơ quan Cảnh sát Điều tra huyện An Phú phát ra Bản Kết luận Điều tra số 55 vào ngày 20/11/2017 và Viện Kiểm sát Nhân dân huyện An Phú phát ra Cáo trạng số 57/VKS-HS.TA vào ngày 30/11/2017 về vụ án hình sự “gây rối trật tự công cộng” và “chống người thi hành công vụ”. Phiên xử này nhằm trả thù các tín đồ PGHH đến tham dự lễ giỗ mẹ của ông Bùi Văn Trung, chủ Đạo tràng Út Trung, vào ngày 18 và 19/04/2017 ở ngã ba Chợ Mới thuộc ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng, huyện An Phú, tỉnh An Giang.

Liên quan đến sự kiện này có 6 người bị đưa ra xử, trong đó 1) ông Bùi Văn Trung, 2) ông Nguyễn Hoàng Nam, 3) bà Lê Thị Hên, 4) bà Lê Thị Hồng Hạnh, 5) bà Bùi Thị Bích Tuyền bị truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo điểm c khoản 2 Điều 245 [với mức án từ 2 đến 7 năm tù] và 6) ông Bùi Văn Thâm bị truy tố về tội „Chống người thi hành công vụ“ theo khoản 1 Điều 257 Bộ luật Hình sự [với mức án từ 6 tháng đến 3 năm tù]. Những nạn nhân 1, 2, 4 và 5 đang bị tạm giam. Các nạn nhân 3 và 5 hiện được tại ngoại nhưng bị cấm đi khỏi địa phương.

Cả Cáo trạng lẫn Bản Kết luận Điều tra (CT&KLĐT) đã không phản ánh ĐÚNG và ĐẦY ĐỦ DIỄN BIẾN VỤ VIỆC và đã chọn lọc và bóp méo những thông tin cho mục đích gán tội hình sự cho các nạn nhân. Các văn bản này không nêu được NGUYÊN NHÂN của các sự kiện xảy ra ngày 18 và 19/04/2017. Chúng không trả lời được câu hỏi tại sao bỗng dưng những tín đồ PGHH hiền lành và vốn bị đàn áp nặng nề nay lại gây rắc rối cho mình hay lại phản ứng mạnh mẽ bằng cuộc xuống đường. Nhìn bao quát, việc khởi tố một tội danh hình sự chỉ là khâu cuối trong kế hoạch đàn áp tôn giáo qui mô của chính quyền Việt Nam.

Bài này thu thập, so sánh thông tin từ nhân chứng của những vụ việc xảy ra trong 9 tháng qua để đưa ra thẩm định khách quan và trả lại công bằng cho các nạn nhân. Việc công bố mối liên hệ giữa các sự kiện rải rác sẽ cho dư luận trong và ngoài nước thấy sự thật về một âm mưu đàn áp tôn giáo có tính hệ thống của chính quyền được trá hình bằng các biện pháp kiểm tra hành chánh thực hiện bởi cảnh sát giao thông và những nhân viên công an mặc thường phục.

Không có lửa sao có khói

CT&KLĐT hoàn toàn không nhắc đến một sự kiện then chốt xảy vào ra ngày 18/04/2017, một ngày trước giỗ chính. Hôm đó, khoảng 20 giờ, sau khi tham dự buổi cầu nguyện tại Đạo tràng Út Trung ra về, nữ tín đồ PGHH Lê Thị Diệu Hiền thấy hai người mặc thường phục chạy theo và chặn xe bà lại để kiểm tra giấy tờ của bà. Bà phản đối vì cho rằng người dân thường không được phép kiểm tra giấy tờ xe. Một lúc sau thì có 2 viên CSGT đến để kiểm tra bà. Viên CSGT tên Đại Hải Đăng (số hiệu 453 – 803, đi xe có bảng số 67-A1 0084) nói là giấy phép lái xe của bà Hiền là giả nên phải tạm giữ giấy tờ. Bà Hiền phản đối và khẳng định giấy tờ của bà là thật nhưng CSGT vẫn thu giữ giấy tờ của bà. Các tín đồ PGHH khác phản đối cũng không được.

Hình: CSGT Đại Hải Đăng (số hiệu 453 - 803) đi xe môtô số 67-A1 0084 
là người thu giữ giấy xe của tín đồ PGHH Lê Thị Diệu Hiền 
dù giấy tờ của bà hợp lệ vào đêm ngày 18/04/2917.

Hơn môt tháng sau, vào ngày 26/05/2017, khi bà Hiền đến CSGT huyện An Phú để lấy lại giấy tờ xe thì CSGT không những không trả mà còn bắt bà làm tường trình về vụ việc khiến bà tức giận bỏ về. Hơn nửa tháng sau, ngày 16/06/2017, CSGT huyện An Phú bỗng nhiên gọi bà đến trả lại giấy tờ xe mà không ra điều kiện gì khác. Như thế giấy tờ xe của bà tuy hợp lệ mà vẫn bị CSGT thu giữ 2 tháng trời mới trả. Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy việc lấy giấy tờ xe của bà Hiền trong ngày 18/04/2017 là tùy tiện và có mục đích sách nhiễu các tín đồ đến Đạo tràng Út Trung. Sự kiện viên CSGT Đại Hải Đăng xuất hiện vào ngày hôm sau, 19/04/2017, để chặn xe của những tín đồ PGHH đến Đạo tràng Út Trung càng làm cho tín đồ PGHH tin rằng lần này chính quyền đang cố tình thu giữ xe hoặc giấy xe để sách nhiễu họ như các năm trước đây.

Cũng cần biết rằng tình hình trong khu vực đã rất căng thẳng trong ngày 18/04/2017.Từ sáng sớm công an đã bắt đầu đeo bám theo các tín đồ PGHH ra vào đạo tràng và đe dọa họ bằng những câu như: "Mày đi vô thì được chứ không đi ra được", "Đã biết (chỗ cấm) rồi mà còn lủi đầu vô", "Tội đi tu thì phải đi tù". Công an xã đến yêu cầu gia đình ông Trung phải đăng ký tạm trú, dù chưa biết có ai đến đó. Khoảng 5 giờ chiều ngày 18/04/2017 có 20 tín đồ PGHH bị chặn phải quay lui. Nói chung mục đích ngăn chặn tín đồ PGHH và đàn áp tôn giáo bằng biện pháp kiểm tra hành chính đã lộ rõ từ ngày 18/04/2017. 

Kế hoạch đàn áp tôn giáo qui mô ở diện rộng

Việc đàn áp Đạo tràng Út Trung được hoạch định một cách qui mô và kéo dài từ ngày 18/04/2017. Tính chất đàn áp tôn giáo đã xuyên suốt tất cả các sự kiện xảy ra cho dù chính quyền Việt Nam cố tình che giấu bằng phương cách kiểm tra hành chánh hay vu cáo tội gây rối. Sơ đồ dưới đây cho thấy những sự kiện đàn áp xảy ra trong khu vực quanh đạo tràng từ ngày 18/04 đến 26/06/2017.

Riêng trong 2 ngày 18 và 19/04/2017, công an đã cho lập 5 chốt canh gác chặn tất cả các ngõ đường dẫn đến Đạo tràng Út Trung, kể cả đường bộ lẫn đường thủy, trong một khu vực có bán kính 15 km, và cho tăng cường thêm nhiều nhân sự cho những chốt gác cố định.

Hai chốt gác số 1 và số 2 ở cách Đạo tràng Út Trung từ 30 m đến 100 m là những chốt gác chính. Chốt gác số 1 có nhiệm vụ theo dõi và ngăn chặn những tín đồ đi đường sông từ bến đò Phú Hữu đến và thành viên của Đạo tràng Út Trung. Cạnh chốt gác này là một cây cột đèn có gắn loa để phát thanh át tiếng giảng trong đạo tràng và một camera hướng vào đạo tràng để theo dõi người ra vào. Trong ngày 19/04/2017 chốt gác số 2 có nhiệm vụ chặn xe của những tín đồ ở xa đến bằng Tỉnh lộ 956 (nay gọi là Quốc lộ 91C). Những người mặc thường phục ngồi trực ở chốt gác số 2 có nhiệm vụ ra đường chặn xe gắn máy để chờ Cảnh sát giao thông (CSGT) đến tạm giữ giấy tờ xe hoặc tạm giữ xe, nếu như CSGT không chặn kịp tất cả khách đến đạo tràng. Không phải xe nào cũng bị chặn mà chỉ có xe của những tín đồ PGHH mới bị chặn lại khám xét dựa trên những đặc điểm sau đây: người lái xe mặc áo bà ba, đàn ông để tóc dài búi tó theo truyền thống PGHH, xe có biển số của các địa phương khác, đi thành từng nhóm 3-4 xe, hay xe của những người thường xuyên đến đạo tràng trong nhiều năm qua. Bao vây chung quanh những xe tín đồ bị chặn là hàng chục người mặc thường phục, đứng lấn ra cả lòng đường, chạy đi chạy lại qua đường hỗ trợ nhau, gây trở ngại giao thông, tạo ra cảnh hỗn loạn. Người dân hiếu kỳ bị họ đuổi đi chỗ khác để dễ kiểm soát tình thế. 

Chốt gác số 5, ở cách Đạo tràng Út Trung 15 km, có nhiệm vụ chặn các tín đồ đến từ bến đò Vĩnh Trường. Chốt này đã chặn khám giấy tờ của 20 tín đồ PGHH tìm cách đến đạo tràng vào lúc 5g chiều ngày 18/04/2017. Họ phải đi sớm vì sợ bị chặn vào ngày chánh lễ hôm sau. Trong số này có 10 tín đồ bị đe dọa nên đã sợ hãi quay về luôn. Còn lại 10 tín đồ khác vẫn quyết tâm đi tiếp thì bị chặn lại và thu giữ giấy tờ xe ở chốt gác số 4, ở cách đạo tràng 10 km. Đến khi họ chấp nhận quay về thì công an mới chịu trả giấy tờ cho họ. Rõ ràng công tác của hai chốt gác số 5 và số 4 được phối hợp rất nhịp nhàng để không để lọt các tín đồ đến từ bến đò Vĩnh Trường. 

Chốt gác số 4 và số 3 còn có nhiệm vụ chặn các tín đồ đi từ thị trấn An Phú kế cận về đạo tràng. Thí dụ bà Hồng Hạnh là một tín đồ ở thị trấn này và hiện đang bị bắt giam và khởi tố. Trong số nhiều người ở thị xã này đến dự lễ thì có người bị lấy giấy tờ xe, người bị phạt tiền, người bị đánh ngất xỉu, người bị bắt khiêng về nhà. Cũng giống như các năm trước, phần lớn những vụ đánh người để lại thương tích nặng nề đều xảy ra gần các chốt số 3 và số 4, nghĩa là nằm cách xa Đạo tràng Út Trung để che giấu bằng chứng đàn áp tôn giáo liên quan trực tiếp đến đạo tràng.



_____________________________________

Chú thích:

* Tòa án Nhân dân huyện An Phú (tỉnh An Giang) đã quyết định đưa 6 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo có tên sau đây ra  xét xử vào ngày 09/02/2018:

1) Bị truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo điểm c khoản 2 Điều 245 gồm có ông Bùi Văn Trung, ông Nguyễn Hoàng Nam, bà Lê Thị Hên, bà Lê Thị Hồng Hạnh và bà Bùi Thị Bích Tuyền;

2) Bị truy tố về "Chống người thi hành công vụ" theo khoản 1 Điều 257 Bộ luật Hình sự có  ông Bùi Văn Thâm.

Theo cáo trạng Cáo trạng  số 57/VKS-HS.TA do Viện Kiểm sát Nhân dân huyện An Phú đưa ra ngày 30/11/2017 thì họ đã "ngăn cản, phản đối, xô đẩy, la hét để khiêu khích, vu cáo lực lượng CSGT, làm mất an ninh trật tự và làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, gây ách tắt giao thông cục lộ trên tuyến Quốc lộ 91C". Sự thực đây là một vụ đàn áp các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đến dự lễ giỗ mẹ của ông Trung tại Đạo tràng Út Trung.














Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo