Nói tiếng công bằng cho Nguyễn Tấn Dũng (Phần 1) - Dân Làm Báo

Nói tiếng công bằng cho Nguyễn Tấn Dũng (Phần 1)

Nguyễn Ngọc Trác - Sau cái chết của ông Võ Văn Kiệt, nay sự ra đi của ông Phan Văn Khải - cả hai đều là "dân miền Nam" - trở thành cơ hội cho các "đồng chí" tấn công ông Nguyễn Tấn Dũng. Một cơ hội có vẻ đúng cả 3 yếu tố "thiên thời-địa lợi-nhân hòa", lúc mà ông "thợ đốt lò" Nguyễn Phú Trọng đang tranh thủ nhiều nhất.

Những gì viết ra dưới đây, hầu hết tất cả người VN trong và ngoài nước đều tỏ tường, chỉ duy nhằm mục đích nói tiếng công bằng cho ông Nguyễn Tấn Dũng. Từ đó, nếu ông Dũng nhận chân sự thật, kể cả dám nhìn thẳng vào những cái hay/cái dở/cái thành/cái bại của bản thân và phe nhóm để "ứng phó" lại "các đồng chí", âu cũng là việc nên làm trong tình hình ĐCSVN phân rã mãnh liệt và thoái trào tận cùng.

Thăm Nhật và thăm Tàu

Ngày ông Nguyễn Tấn Dũng nhậm chức Thủ tướng, người ta vẫn nhớ, năm 2006, quốc gia ông viếng thăm đầu tiên chính thức là Nhật Bản. Ông Nguyễn Xuân Phúc, với tư cách Thủ tướng đã thăm chính thức đầu tiên là Trung Quốc, vào năm 2016, cách Nguyễn Tấn Dũng tròn 10 năm. Riêng ông Nguyễn Phú Trọng thăm Tàu luôn là ưu tiên số một.

Hậu duệ

Về gia đình. Cho đến nay, so sánh giữa tất cả những lãnh đạo cao cấp nhất trong Bộ Chính trị tính từ thời Võ Văn Kiệt cho đến Phan Văn Khải, kể cả Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Sinh Hùng, Trần Đại Quang, Nguyễn Phú Trọng v.v... con cái của Nguyễn Tấn Dũng tỏ ra thành đạt nhất trên chính trường và thương trường, thay vì ngỗ nghịch như Hoàng Ty, hư đốn như Nông Quốc Tuấn hay chỉ biết "ngồi trên đống tiền" để hưởng thụ như con ông Kiệt, Trương Tấn Sang hoặc chẳng thấy tăm hơi gì như con của ông Trọng, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Minh Triết v.v...

Tuyên bố "để đời"

"Vụ giàn khoan HD - 981", người dân cũng biết ông Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố "để đời" [1]: “Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”.

Trong thời đoạn đấu đá, để sau đó Nguyễn Tấn Dũng bị hất văng khỏi ghế BCT, thiên hạ đồn rần trời, ông Trọng ở lại là do Tập Cận Bình đỡ đầu. Ông Dũng phải bị loại, vì chống Tàu quá rõ. Không biết thực hư ra sao, nhưng tình hình dân Tàu "quậy từa lưa" trên mọi lĩnh vực xảy ra ghê gớm như hiện nay, mọi người đều nhìn thấy rõ.

Nhân Quyền

Hai vụ án nổi bật nhất về tình trạng Nhân Quyền tồi tệ mà Nguyễn Tấn Dũng phải mang tiếng nhiều nhất vào lúc bấy giờ: "Nghiên cứu Chấn" của các ông Trần Huỳnh Duy Thức - Lê Thăng Long - Lê Công Định và "CLBNBTD" của ông Điếu Cày, ông Phan Thanh Hải và bà Tạ Phong Tần cùng một số cá nhân khác. Cần lưu ý, cả 2 vụ án lớn này, đều ở Sài Gòn. Hiện nay, chỉ ông Thức với án 16 năm tù còn trong trại giam. Tất cả những người còn lại đã tại ngoại dù trong nước hay ở Hoa Kỳ.

Nhấn mạnh "hai vụ án" nói trên xảy ra tại Sài Gòn, để nhắc lại việc Nguyễn Thanh Nghị "rớt bạch tuột", khi ông Dũng ráng "cơ cấu" con trai (lúc đấy là Phó hiệu trưởng trường Đại học Kiến Trúc) vào bộ máy của Lê Thanh Hải vào năm 2010. Cuối cùng, Nguyễn Thanh Nghị cũng vào được BCHTƯĐ và về quê nhà làm Bí thư tỉnh Kiên Giang. Ngay cả con trai của mình, ông Dũng còn thất bại, vậy có đáng để suy nghĩ về vai trò của ông ta, vốn bị mang tiếng là chi phối mọi việc?

Sau đó, người ta biết vụ "Nghiên cứu Chấn" do Lê Mạnh Hà (con trai Lê Đức Anh) là "chủ mưu" trong việc đẩy các ông Thức - Long - Định vào nhà tù, bằng cách vu khống "trộm cước viễn thông", với tư cách giám đốc Sở TT-TT tại Sài Gòn. Tháng 2/2010, ông Nguyễn Ngọc Giao cho biết chi tiết vụ bắt giữ nhóm "Nghiên cứu Chấn" [2]: "...ba người bỏ phiếu bắt giam, đó là các ông Nông Đức Mạnh, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng. Bốn người bỏ phiếu chống (ông Nguyễn Minh Triết và ba người khác); tám người còn lại trong Bộ chính trị không bỏ phiếu...". Có độc giả đặt câu hỏi: Tại sao một việc cơ mật như thế mà ông Giao biết vanh vách? Vì vậy, quả thật không có căn cứ nào để tin ông Giao nói chính xác.

Vụ án "CLBNBTD". Lúc bấy giờ, "CLBNBTD" có thể coi là một tổ chức XHDS đầu tiên "quá mới, quá lạ, quá sốc" đối với xã hội, tựa như một "hiện tượng chống Tàu nổi trội" vào lúc Trung Cộng bắt đầu lộ rõ dã tâm, khi chúng nghênh ngang và tung tăng giữa Sài Gòn để quảng bá cho kỳ Olympic vào lúc đó. Người dân Sài Gòn không thể nào quên hình ảnh Điếu Cày và bằng hữu với biểu ngữ chống Tàu, hiên ngang và công khai đứng giữa Nhà hát Thành phố - nơi trung tâm đông đúc người qua lại - làm nức lòng dân chúng. 

Thử hỏi, nếu không "xử đẹp" CLBNBTD, có phải CSVN đã vô hình chung tạo "tiền lệ" vô cùng nguy hiểm cho chế độ độc đảng toàn trị - vốn kiểm duyệt tất cả sinh hoạt của dân chúng?. Chủ trương - xuyên suốt hàng chục năm qua của CSVN - "RĂN ĐE" là điều khó chối cãi! Tất nhiên, người dân chỉ thấy "đe" mà không thấy "răn". 

Ông Nguyễn Tấn Dũng, có lẽ chỉ một cách duy nhất là "bỏ phiếu thuận" để bắt CLBNBTD, bởi nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" (nghĩa là trong BCT, trước một vấn đề nghiêm trọng, phải bỏ phiếu để định kết quả theo hướng nào đó) được quy định rõ tại khoản 2 điều 9 chương II trong Điều lệ ĐCSVN. Nói cách khác, ông Dũng không có "đường binh" nào tốt hơn vào lúc bấy giờ để bảo đảm chỗ đứng trong BCT.

Vụ giàn khoan HD-981 & FORMOSA

Sau khi Trung Quốc đặt giàn khoan HD-981, các vụ biểu tình và bạo loạn xảy ra khá khốc liệt như mọi người đều rõ. Tuy nhiên, sau đó không có bất kỳ một cuộc bố ráp hay trả thù nào xảy ra đối với giới bất đồng chính kiến hay các nhóm hoạt động XHDS, dù đó là cuộc bạo loạn hỗn độn nhất lúc bấy giờ. 

Trong khi liên quan đến FORMOSA, những án tù nghễu nghện từ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Hoàng Bình, Trần Thị Nga, Vũ Quang Thuận, Trần Hoàng Phúc v.v... cho đến Công giáo, thảy đều đang bị trả thù khốc liệt và dai dẳng. Ở đây cần mở ngoặc để nói rõ, vụ FORMOSA có thể là hình thức trả thù thâm độc, tiểu nhân và hèn hạ của Trung Cộng, xuất phát từ vụ nổi loạn ở Bình Dương và đặc biệt tại Hà Tĩnh, do "vụ giàn khoan HD-981" mà một số dân Tàu đã chết và thương tật. FORMOSA trở thành bằng chứng quá rõ cho tư tưởng "bán nước hại dân" của tập đoàn Nguyễn Phú Trọng hiển hiện dưới ánh mặt trời.

Về kinh tế và tham nhũng

WTO là cơ hội rõ ràng cho nguồn vốn các loại (đầu tư, vay mượn, viện trợ, phát hành trái phiếu CP v.v...) đổ vào VN trong suốt 10 năm qua, tính từ năm 2006. 

Nếu nói rằng việc gia nhập thành công WTO không phải do công lao cá nhân Nguyễn Tấn Dũng, chắc không ai phản đối? Tất nhiên, cần lặp lại "nguyên lý" quy định tại khoản 2 điều 9 chương II trong Điều lệ ĐCSVN và "chân lý" "hiến pháp ở dưới Văn kiện đại hội đảng" tại "xứ sở thiên đường XHCN".

Điều cũng khó chối cãi, thành công WTO làm nguồn vốn "dạt dào" đổ vào VN, "tạo điều kiện" cho tham nhũng ngày càng tha hồ vơ vét. Vơ vét trắng trợn và khủng khiếp. Ông Nguyễn Tấn Dũng cũng vì vấn đề tham nhũng mà bị "lôi đầu" vào ngày càng nặng nề. Tưởng cũng nên nhắc lại nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách". Nói điều này để khẳng định: không chỉ riêng vấn đề tham nhũng, nhân quyền, tù nhân lương tâm v.v... tất cả vấn đề liên quan đến quản trị quốc gia, đều phải do Bộ Chính trị và BCHTƯĐ chịu trách nhiệm, quy định tại điều 4 Hiến pháp "... ĐCSVN gắn bó mật thiết với Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về mọi quyết định của mình..."

Nếu thành công WTO không được công nhận cho riêng ông Dũng thì việc đổ trút mọi trách nhiệm trên mọi lãnh vực cho cá nhân Nguyễn Tấn Dũng là hoàn toàn không công bằng. 

Nắm kinh tế là nắm tất cả. Đó cũng là yếu tố mà phe cánh ông Trọng thấy rõ và chính nó là "tiền đề" để buộc phải dựng lại Ban kinh tế trung ương và Ban Nội chính trung ương, vốn dĩ đã bị loại bỏ, vì chỉ phù hợp với nền kinh tế phi thị trường. Trước thời Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, bối cảnh Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn hội nhập quốc tế, nên làm gì thì làm, các Thủ tướng cũng không chịu nhiều ràng buộc bởi các điều luật quốc tế. Thời ông Dũng buộc phải tuân theo. Đó là lý do, không thể cứ "mỗi chút mỗi thông qua" BCT. Đó không đúng theo thông lệ quốc tế. Cũng vì lẽ đó, ông Dũng mang tiếng "tự tung tự tác", "muốn làm gì là làm" v.v... và là "đầu dây mối nhợ" cho tham nhũng lộng hành (!).

Phải nói cho công bằng, nếu ông Khải, ông Kiệt tiếp tục làm Thủ tướng, đặt trong bối cảnh đã vào WTO, đang thương thảo TPP, các ông này cũng buộc phải ra các quyết định cá nhân (như các nguyên thủ quốc gia trên thế giới) không khác ông Dũng. Đây cũng là yếu tố mà ông Phúc đang "kẹt cứng" giữa "kinh tế thị trường" và "kinh tế thị trường định hướng XHCN" (!).

Hãy nghe ông Nguyễn Đình Lương nói về BTA với Hoa Kỳ, vào năm 2000 với phóng viên VNN [3]:

"Tại vòng đàm phán cuối cùng, trong buổi gặp riêng hai trưởng đoàn, tôi bảo ông JOE Damond - Trưởng đoàn đàm phán Hoa Kỳ: ta cứ ghi vào BTA "phía Hoa Kỳ sẽ xem xét dành GSP cho Việt Nam" còn khi nào xem xét, được hay không ta sẽ bàn sau. Ông Damond thấy đề xuất hợp lý, đồng ý ghi vào.

Về nước tôi không dám khoe thành tích đó vì tôi hiểu đó chỉ là một cụm từ "làm đẹp" BTA cho "cả nhà đều vui" nhưng có người lại báo cáo rằng vòng đàm phán này ta đã giành thắng lợi, ta đã kiên trì đấu tranh đã bắt Mỹ dành cho ta GSP!"

Đây là thời ông Khải vẫn đang là đương kim Thủ tướng. Tiết lộ này, cho thấy "trình độ cao thâm" của ông Khải và BCT lúc bấy giờ ra sao (!) Tôi đọc xong những dòng chữ trên bỗng... nghẹn họng!

Mặt khác, BCT và BCHTƯĐ có vẻ vẫn không nhận thấy sự hỗn loạn đang xảy ra giữa các khái niệm: "tập quyền", "phân quyền" và "tản quyền" khi điều hành cả một quốc gia với dân số trên 90 triệu người. Chính sự nhập nhằng giữa 3 khái niệm này, nên dân chúng vẫn không quên câu "trên bảo dưới không nghe" của ông Khải. Nó có khác gì câu "trên nóng dưới lạnh" (vẫn còn mới nguyên) của ông Phúc? Vậy thử hỏi, tại sao thời ông Dũng, hầu như những việc lớn đều có vẻ trôi chảy? Câu trả lời phải chăng: "Ai" cũng kiếm ăn được, tại sao phải chống báng Thủ tướng? Và đó là câu trả lời cho khái niệm "tản quyền" nhưng mang hình thức "cát cứ" từng địa phương, là vậy.

Putin và Tập Cận Bình là "model" cho CSVN tham gia lớp "phụ trội" về bài học "quyền lực". Tuy nhiên, để lên dốc đạt tới cảnh giới của "bài học" ngỡ giản dị này, có lẽ là thách thức không tài nào vượt nổi, bởi hai đầu gối đau nhức - chứng tỏ xương khớp lỏng lẻo của tuổi già - biểu hiện từ dáng đi khập khiểng trong ngày 3/2/2018, lúc mà ông Trọng vào lăng viếng Hồ Chí Minh, đã vội đưa tay xua chú cảnh vệ khi đang định tới dìu ông ta. Một cách tránh né, nhưng không thành công dưới con mắt soi kỹ của dân chúng. Dù sao ông Trọng cũng đã 75 tuổi rồi!

Danh dự

Thông thường, để đánh gục "sinh mạng chính trị", không có cách nào hay hơn là "hạ đo ván" danh dự. Nếu gặp đối thủ quá mạnh, tốt nhất "trường kỳ kháng chiến", đánh từ từ, kéo dài thời gian cho đến khi đối thủ mệt lử và kiệt sức, rồi hãy nói đến knock-out.

Thử điểm lại một số sự việc nổi bật về "danh dự" của ông Nguyễn Tấn Dũng khi đang là Thủ tướng.

Không ai có thể quên vụ ông Cù Huy Hà Vũ kiện đích danh ông Nguyễn Tấn Dũng về khai thác bauxite để sau đó ông Vũ nhận án 7 năm tù vì "tội 88", thông qua kịch bản "hai bao cao su đã qua sử dụng". Trong vụ khai thác bauxite, ông Dũng tuyên bố nó là "chủ trương lớn của đảng và nhà nước". Nhưng có vẻ ông Cù Huy Hà Vũ và dư luận lúc bấy giờ không chịu nhận ra (khai thác bauxite không phải chủ trương của Chính phủ và của Thủ tướng), lại cứ "một hai đổ riệt" cho cá nhân ông Dũng, dù trước đó rất nhiều người biết [4]: “Bản tin của Bộ Ngoại giao VN thì nói, hồi giữa năm ngoái, TBT đảng CSVN, ông Nông Đức Mạnh, sang thăm Trung quốc, cũng khẳng định hai nước“tăng cường hợp tác trong các dự án” trong đó có dự án khai thác bauxite tại Đắc Nông” (RFA online ngày 11-2-2009) ..."

Ngày vợ chồng ông Cù Huy Hà Vũ đi Hoa Kỳ gọi là "chữa bệnh", người ta vẫn còn nhớ, sau đó không lâu, chính quyền Hà Nội lúc bấy giờ do ông Phạm Quang Nghị đứng đầu, đã ra lệnh cưỡng chế, tịch thu một phần nhà của ông Vũ. Việc này, dư luận cũng cho rằng do ông Dũng "trả thù" Cù Huy Hà Vũ.

Sau khi ông Ngô Bảo Châu "đăng quang" với giải Fields, ngoài việc được cấp căn hộ giá trị tiền tỉ, ông Châu còn được chính phủ lúc bấy giờ mời về làm Viện trưởng Viện Toán cao cấp tại Việt Nam. Ông Dũng đã yêu cầu Hà Nội cấp đất cho Viện này, nhưng rất tiếc điều đó không xảy ra.

Nhắc đến cái tên Nguyễn Trường Tô - Chủ tịch tỉnh Hà Giang, có lẽ nhiều độc giả không quên vụ án "nữ sinh bị ép bán dâm", có ông CS này tham gia. Tuy nhiên, song song với vụ án đình đám đó, người ta cũng biết Nguyễn Trường Tô đã năm lần không thực hiện yêu cầu của ông Nguyễn Tấn Dũng về khuất tất của Công ty Sông Lô và ông Dũng đã phải thốt lên "câu để đời" kèm cả hơi hướm "bất lực thê thảm" [5]: "Hơn ba năm nay tôi làm thủ tướng cũng chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào..." và ông Dũng có nhắc về ông Phạm Văn Đồng như một cách "học tập". Cũng trong ngày hôm đó, ngày 19/11/2009, ông Dũng nói tiếp : "...Xử lý kỷ luật cũng phải theo trình tự quy định của pháp luật, theo tính chất, mức độ của từng sự việc, theo quy định của pháp luật và quy định của Đảng. Việc này Chính phủ cũng như Thủ tướng hết sức cố gắng làm đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình...". Những người đang "ghét dơ" ông Dũng hãy ngẫm lại chi tiết này và những chi tiết thượng dẫn để nói lời công bằng cho ông Dũng, thế mới xứng là "nhà báo" khách quan (?).

Quay về lại với "thủ đô ngàn năm văn hiến" "của riêng" ông Phạm Quang Nghị, trong một cuộc họp về kinh tế vào tháng 4/2014, ông Dũng bực bội [6]: "... Thủ tướng cũng phê bình lãnh đạo Hà Nội là địa phương có nhiều dự án chậm bàn giao mặt bằng, khi báo cáo xong không ở lại nghe ý kiến chỉ đạo của Chính phủ."

Mới đây, vụ xây nghĩa trang 1.400 tỉ đồng, được biết là do ông Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt quy hoạch. Một lần nữa, người ta đòi "đào mồ cuốc mả" với lời lẽ căm thù tột độ ông cựu Thủ tướng [7].

Mới nhất, trong khi dành những lời ân cần và kính trọng cho ông Phan Văn Khải, ông Lê Phú Khải miệt thị ông Nguyễn Tấn Dũng [8]: "...khi Thủ tướng Phan Văn Khải tiến cử ông Vũ Khoan thay mình thì trong cuộc họp đó, Nguyễn Tấn Dũng đã phản ứng mà có người nói lại với tôi là, thái độ rất du côn! Như hàng tôm hàng cá! Để “giữ ổn định”, người ta đã chọn Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng để tàn phá đất nước này 10 năm sau đó…"

Người dân trong và ngoài nước rất muốn biết "người ta" đó là những ai, "nhà báo" Lê Phú Khải có thể trả lời chăng (?!) Và "người ta" phải chịu trách nhiệm ra sao khi đưa một "kẻ du côn" (như ông Lê Phú Khải gọi ông Nguyễn Tấn Dũng) lên làm Thủ tướng? Chỉ cần "như hàng tôm hàng cá" là có thể "đòi được" cái ghế Thủ tướng (?) Dễ đến vậy sao (?!) 

Những sự kiện nói về uy danh của một đương kim Thủ tướng như dẫn trên, cho thấy chẳng có" thế lực thù địch" nào bôi nhọ các ông (bà) CSVN cấp cao ngoài chính những người "đồng chí/ đồng liêu/đồng đảng". 

Tất nhiên, tôi sẽ viết hầu quý độc giả về khái niệm "bỉ ổi", nhưng đó là một dịp khác...

(Còn nữa)

________________



Nguyễn Ngọc Giao là ai?: 

GS.TS Nguyễn Ngọc Giao sinh ngày 17 tháng 9 năm 1939 tại Sài Gòn, nhưng nguyên quán là Bến Tre, quê hương “Đồng Khởi”. Thời niên thiếu Nguyễn Ngọc Giao học trường Trung học Pétrus Ký (nay là trường Lê Hồng Phong) vào năm năm 1951-1954. Ông tập kết ra Bắc tháng 12-1954. Sau khi hoàn thành chương trình trung học phổ thông tại các trường phổ thông cấp III và trường Nguyễn Trãi ở Hà Nội, và trở thành sinh viên khoa Vật lý Đại học Tổng hợp (ĐHTH) Hà Nội, vào năm 1958. Sau khi tốt nghiệp, ông được tuyển chọn làm cán bộ giảng dạy Bộ môn Vật lý lý thuyết, khoa Vật lý, của trường ĐHTH Hà Nội (1961 – 1968). 

Nguyễn Ngọc Giao hiện là Phó Chủ tịch Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật - Thành phố. (2014 - 2019)

Cần suy ngẫm, việc ông Giao tập kết ra Bắc lúc 15 tuổi. Lứa tuổi này, được dạy dỗ dưới "mái trường XHCN" với triết lý giáo dục không phải "nhân bản, dân tộc và khai phóng", nên đòi hỏi lớp thiếu niên tính trung thực và trách nhiệm - liêm sỉ rất khó. Vì những tính chất đó không giúp ích cho bất kỳ "con người XHCN" nào kiếm được chỗ đứng trong "xã hội XHCN". Hãy nhớ lại Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh từng nói về việc bà Bùi Hằng bị bắt như sau: 

"...ít lâu sau, đích thân thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công an phải làm thủ tục trả tự do cho Bùi Hằng “vô điều kiện”. Không những ông thủ tướng đich thân ra lệnh, mà thông tin quanh mệnh lệnh của ông, rồi chính quyền Hà Nội có vẻ như cố tình trì hoãn, lại như còn được “rò rỉ” một cách nhanh chóng và khác thường ra bên ngoài qua một đài phương Tây nữa". 

Cách nói của ông Nguyễn Hữu Vinh rất giống ông Nguyễn Ngọc Giao (vì không cho thấy bằng chứng đâu cả). Tất cả những ai từng dõi theo trang Anh Ba Sàm đều biết ông Vinh luôn tuyên bố 2 ý "để đời":

- "Tọa sơn quan cẩu đấu"
- "Khen cho mày chết"

Nguyễn Hữu Vinh cũng từng là thiếu tá an ninh A25 được đào tạo bài bản, lăn lộn nhiều năm cùng với việc mở công ty thám tử tư và từng được mời dự các hội thảo do phía cầm quyền tổ chức, khi ông Vinh chưa bị bắt và kết án.








Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo