So sánh số phận 2 dân tộc Hàn quốc - Việt Nam trong bối cảnh liệu Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim có xảy ra hay không? - Dân Làm Báo

So sánh số phận 2 dân tộc Hàn quốc - Việt Nam trong bối cảnh liệu Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim có xảy ra hay không?

Luật sư Đào Tăng Dực (Danlambao) - Những người Việt trong cộng đồng tại hải ngoại, khi có tiếp xúc với những người Tây Phương hoặc các chủng tộc khác, thường gặp nhiều khó khăn để giải tích tại sao, cộng đồng người Việt Hải Ngoại lại thành công về mọi phương diện, không thua kém cộng đồng người da trắng, da vàng và đôi khi vượt trội, trong khi đất nước Việt Nam lại là một trong những quốc gia nghèo khổ, tham nhũng, kém phát triển nhất thế giới.

Khi chúng ta nêu ra lý do là vì chế độ CSVN độc tài, tiêu diệt mọi đối lập và sử dụng các công ty quốc doanh lũng đoạn kinh tế, củng cố tham nhũng, làm chậm sự phát triển kinh tế, thì họ cảm thấy rất khó tin vì họ cho rằng trên đời không thể nào có những chế độ như thế. Họ liền hỏi lại, như thế thì hệ thống tòa án để đâu, quân đội đâu, cảnh sát đâu? Thì chúng ta lại đi vào những giải thích rất dài dòng. 

Tuy nhiên khi chúng ta gặp những người bạn đến từ Nam Hàn thì sự thông cảm vô cùng nhanh chóng. Một khi họ nghe mình giải thích rằng đất nước chúng ta chậm tiến vì bị cộng sản cai trị thì họ hiểu ngay và bày tỏ lòng chia xẻ sự bất hạnh của dân tộc Việt Nam. 

Khi chúng ta thân thiết hơn với họ, chúng ta liền nhận xét ngay rằng, tuy họ rất hãnh diện vì sự phát triển vượt bực của Nam Hàn trên các phương diện kinh tế và dân chủ hóa đất nước, nhưng họ vô cùng xấu hổ vì sự hiện điện của Bắc Hàn, không những như một chế độ CS, mà còn như một chế độ CS theo truyền thống Stalinist nữa. Họ cho rằng, CS Bắc Hàn còn tệ hại hơn CSVN và như thế, tuy họ có một nửa đất nước tự do và phồn thịnh, nhưng người dân trên nửa còn lại thì sống không khác những con vật. 

Sự đồng cảm của họ đối với dân tộc VN dĩ nhiên là có cơ sở. Cả hai dân tộc đều oai hùng bất khuất, vượt sống sau những đêm dài lịch sử phải phấn đấu với Bá Quyền Trung Quốc. Sau đó, sự du nhập của Phong trào CS Đệ Tam Quốc Tế qua các nhân vật lịch sử như Hồ Chí Minh và Kim Nhật Thành đã khai sáng 2 đảng CS liên hệ, trá hình dưới danh nghĩa 2 đảng Lao Động. 

Cả 2 quốc gia không phải là không có những đảng phái đối lập cạnh tranh với các đảng CS, nhưng vào năm 1949, với sự chiến thắng của Đảng CSTQ, dưới quyền lãnh đạo của Mao Trạch Đông, thì các đảng CS Việt Nam và Hàn Quốc vươn lên, tiêu diệt mọi thành phần quốc gia. 

Trong giai đoạn hậu Đệ Nhị Thế Chiến, Đại Hàn dưới mắt của cả Hoa kỳ lẫn Trung Quốc, có một vị trí chiến lược quan trọng, như một vùng trái độn, giữa lục địa Trung Quốc, cũng như thủ đô Bắc Kinh và quân đội Hoa Kỳ (đồn trú tại Nhật Bản). Chính vì thế khi đảng CS Triều Tiên phát động cuộc chiến xâm lược toàn bộ bán đảo Triều Tiên, năm 1950, với sự tham gia của hằng trăm ngàn quân Trung Cộng, đẩy lùi phe quốc gia và Hoa Kỳ về một vùng đất nhỏ ven biển thì Hoa Kỳ phản công. Sự giao tranh dừng bước với một cuộc ngưng bắn tạm thời kéo dài đến hôm nay chia cắt đất nước làm hai. 

Cũng cùng thời điểm đó, Pháp Quốc là chủ nhân ông thuộc địa Việt Nam thất trận tại Điện Biên Phủ năm 1954. Hồ Chí Minh và đảng CSVN bị Trung Quốc và Liên Xô ép buộc ký Hiệp Định Geneve chia cắt đất nước năm 1954. Tuy nhiên ngay từ đó, CSVN đã chuẩn bị kế hoạch và gài người để lũng đoạn hệ thống chính trị và xã hội dân sự miền nam, hầu tổng tấn công xâm chiếm sau đó. 

Ngày hôm nay, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam nằm dưới sự cai trị của người CS, trong khi chỉ miền Bắc Hàn Quốc chịa số phận cay nghiệt này. Tuy nhiên tính về giai đoạn lịch sử thì cả 2 đảng CSVN và Lao Động Bắc Hàn hầu như 2 đảng cộng sản song sinh. 

Mặc dầu gần đây, thế giới sôi động vì tình hình Triều Tiên, bắt đầu bằng những cuộc thí nghiệm nguyên tử và phi đạn liên lục địa liên tục, sau đó là thương thuyết hòa bình bất ngờ với chính quyền dân chủ Nam Hàn ngày 27 tháng 4 vừa qua và mới nhất là đề nghị Hội Nghị Thượng Đỉnh giữa TT Hoa Kỳ Donald Trump và Lãnh Tụ Kim Jung-Un của Bắc Triều Tiên về võ khí nguyên tử. 

Một cách tổng quát, nhiều người lập luận rằng nhân dân Đại Hàn may mắn hơn nhân dân Việt Nam. Lý do là vì vào thời điểm 1975, chủ nghĩa CS đang trên đà bành trướng và Hoa Kỳ cũng như thê giới tự do đang rơi vào khủng hoảng chính trị (là Watergate) và Kinh Tế (về dầu hỏa Trung Đông). 

CSVN lúc đó đang quyết tâm chinh phục miền nam như công cụ bành trướng chủ nghĩa của Liên Xô và Trung Quốc. 

Ngày hôm nay, toàn bộ chủ nghĩa CS đã và đang tiếp tục thoái trào. Bắc Hàn tuy có võ khí nguyên tử nhưng chỉ còn thoi thóp về kinh tế. Dân chúng lầm than và dưới sự tuyên truyền liên tục của chính quyền dân chủ Nam Hàn, có thể nổi loạn bất cứ lúc nào. 

Một áp lực khác vô cùng lớn lao trên CS Bắc Hàn phát xuất từ đàn anh Trung Quốc. Thật vậy, những phiêu lưu nguyên tử của Bắc Hàn về tuy có tính chiến lươc thuận lợi cho việc bảo vệ chế độ Bình Nhưỡng, nhưng vô cùng nguy hiểm trên phương diện chiến lược đối với Bắc Kinh. Lý do là vì sự hiện diện của vũ khí nguyên tử Bắc Hàn là biện minh vô cùng thuyết phục, hầu các chính quyền Nam Hàn lẫn Nhật Bản tăng cường quân sự. Riêng Nhật Bản sẽ tái vũ trang kể cả chính thức hóa các hàng không mẫu hạm và trang bị vũ khí nguyên tử. 

Không có sự đe dọa nào lớn lao và kinh hoàng cho Trung Quốc bằng một nước Nhật tái vũ trang và sở hữu vũ khí hạt nhân. 

Chính vì thế, tuy CS Bắc Hàn đưa ra nhiều yêu sách và hăm dọa trước ngày đàm phán 12 tháng 6 sắp đến, hoặc có thể hủy bỏ cuộc đàm phán này ngắn hạn. Tin tức gần đây cho thấy TT Hoa Kỳ Donal Trump tuyên bố hủy bỏ hội nghị hội nghị thượng đỉnh ngày 12 tháng 6 vì những khó khăn do CS Bắc Hàn gây ra, nhưng sau đó một ngày lại tuyên bố có thể tiếp tục vì thái độ hòa hoãn hơn của Bình Nhưỡng. 

Tuy nhiên khách quan mà nói thì các thái độ khác nhau của CS Bắc Hàn chỉ là những trò hề vô thực chất. Các áp lực từ bên trong của nhân dân rên xiết, hoặc từ bên ngoài của đàn anh Trung Quốc và nhu cầu duy trì chế độ, sẽ buộc CS Bắc Hàn đàm phán sớm muộn mà thôi. 

Sự thật oái ăm là, trong giai đoạn này của lịch sử, con đường duy nhất để các chế độ CS sống còn, từ Việt Nam đến Bắc Hàn, là dùng nhân dân của chính họ, như những con tin nhân quyền, hầu thương thuyết những hiệp ước về kinh tế, kéo dài quyền thống trị của giai cấp chóp bu trong đảng trên sự thống khổ của toàn dân. 

Một cách tổng quát thì cả 2 dân tộc Hàn Quốc và Việt Nam đều là những vật hy sinh vô cùng bất hạnh cho sự sống còn của 2 định chế song sinh, phi nhân nhất của nhân loại, còn sót lại của thế kỷ 21: đảng CSVN và đảng Lao Động Bắc Hàn. 

Sự cáo chung của 2 định chế này tăng tốc tiến trình dân chủ hóa và sẽ kéo theo sự sụp đổ của chính đảng CSTQ lẫn sự cáo chung của nhiều chế độ độc tài khác trên thế giới, khai sinh một 

Kỷ nguyên dân chủ, hòa bình và thịnh vượng chưa từng có cho nhân loại. 

26.05.2018



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo