Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Trả lời phỏng vấn VNN về "Luật Đặc Khu" (LĐK), sáng ngày 6/6/2018, BT Bộ KH - ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay [1]: "Trong dự thảo luật không có một chữ nào về Trung Quốc" để hồi đáp mối bất an trong dân chúng về hiểm họa mất nước suốt nhiều ngày qua. Cùng nội dung thắc mắc về LĐK, báo Thanh Niên đưa tin ông Nguyễn Chí Dũng quả quyết [2]: "Về sau lịch sử sẽ trả lời ở thời khắc quan trọng nhất ai là người chịu trách nhiệm trước sứ mệnh đất nước, chứ không phải nói cho sướng, không tư duy. Cái gì cũng sợ thì sẽ không làm được".
Song song đó, đài VOA loan báo [3]: "Các Thượng nghị sĩ Cộng hòa và Tổng thống Donald Trump ngày thứ Ba 5/6 sẽ họp tại Tòa Bạch Ốc để thảo luận về biện pháp nhằm thắt chặt luật lệ về đầu tư hầu bảo vệ tốt hơn an ninh quốc gia". Nội dung cuộc họp không nằm ngoài mục đích, như TNS Cornyn nói: "Đây không phải là vấn đề thương mại. Đây là một vấn đề an ninh quốc gia. Luật nhắm trực tiếp vào những nước vi phạm tiến trình này nhiều nhất, đó là Trung Quốc, và tôi tin đây là điều rất quan trọng đối với an ninh quốc gia của chúng ta."
Dù Hoa Kỳ là quốc gia "sừng sỏ" hàng đầu về kinh tế - quân sự; Dù Hoa Kỳ có cả một nền tư pháp lâu đời với những luật lệ chặt chẽ vào bậc nhất thế giới; Dù Hoa Kỳ là quốc gia dung chứa rất nhiều bộ óc vĩ đại về soạn thảo luật; Dù Hoa Kỳ là quốc gia hùng mạnh về nhiều lãnh vực từ khoa học tự nhiên cho đến khoa học kỹ thuật; Dù Hoa Kỳ mang trong mình thể chế "tam quyền phân lập" trên 200 năm qua; Dù Hoa Kỳ sở hữu nhiều trí tuệ, từ khoa học chính trị - lịch sử - văn hóa, cho đến khoa học ngoại giao - công nghệ - vũ trụ, nhưng xem ra người Mỹ thật "nhát gan" - khi nêu đích danh Trung Quốc là hiểm họa "an ninh quốc gia" của họ - nếu so với tư duy của ông BT Bộ KH - ĐT Việt Nam.
"Đặc Khu Kinh Tế" đã lỗi thời
Tạo ra một "đặc khu kinh tế" (ĐKKT) trở nên lỗi thời so với hiện trạng VN - nhiều chuyên gia đã nhận định như vậy.
Quả thật, nếu muốn tạo động lực phát triển cho quốc gia, lẽ ra ĐKKT phải được "xới lên" và đưa ra bàn thảo từ những năm cuối 80 thế kỷ trước - thời điểm Hoa Kỳ chuẩn bị bỏ cấm vận, để khi Hoa Kỳ chính thức bỏ cấm vận, tận dụng lợi thế đó, tiến hành ngay việc lập ĐKKT. Đến nay, đã có thể rút ra những bài học bổ ích từ đó. Nhưng nhà cầm quyền CSVN đã bỏ qua, như họ đã từng bỏ qua quá nhiều cơ hội, cho không chỉ riêng lãnh vực kinh tế mà cho cả các lãnh vực khác: giáo dục, y tế, văn hóa v.v...
Đó cũng là thời điểm VN chưa biết đến 4 chữ "hội nhập quốc tế", chưa vào WTO, chưa có các loại FTA, chưa biết đến khái niệm "thị trường chứng khoán" - "thị trường bất động sản", chưa phải chịu nhiều cuộc tranh chấp thương mại quốc tế, chưa biết thế nào là hậu quả của những chế tài áp thuế chống bán phá giá, các định chế về tiêu chuẩn kỹ thuật; vệ sinh an toàn thực phẩm; sở hữu trí tuệ, cũng như các rào cản thương mại khác v.v... Nói chung chưa có kinh nghiệm gì trên trường quốc tế, bởi nền "kinh tế phi thị trường" chi phối toàn diện.
Cũng bởi toàn bộ hệ thống pháp luật và pháp lý chưa tiếp cận với thế giới và Hiến pháp với "tư duy bao cấp" vẫn thống trị, cùng nhiều biểu hiện khác...
Nói cách khác, mục đích lập ĐKKT là nhằm thử nghiệm một mô hình "mới" dành cho các quốc gia chậm tiến, học theo thế giới để tìm bước phát triển nhanh cho quốc gia mình. Điều này, trở nên không còn cần thiết đối với VN hiện nay.
Đặc biệt, "công bằng thương mại" thay cho "tự do thương mại" (suông và đầy bất cập) do Hoa Kỳ dẫn dắt đang chiếm thế thượng phong trong tư tưởng chủ đạo kinh tế thế giới hiện nay, ĐKKT càng tỏ ra lạc lõng với những điều khoản trong LĐK gần với ý tưởng "tiểu nông", tựa như cho thuê một "mảnh đất cá nhân" và gần như "khoán trắng" cho khách thuê!
Soạn thảo "Luật Đặc Khu" không như những "luật khác"
Những nhà soạn luật, luôn phải là những người nhìn xa trông rộng, dự báo được tương lai để không phải tạo ra những bộ luật, dù vừa thông qua nhưng hoãn thi hành để "sửa xoành xoạch" (như Bộ Luật Hình Sự, Luật BHXH...), hoặc trong quá trình thực hiện, phát hiện sai lầm, bất cập lại... tiếp tục sửa, gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
LĐK không phải muốn "sửa thì sửa" khi quá trình thực thi phát lộ những bất cập và thiệt hại lớn đối với lợi ích quốc gia - dân tộc, bởi luật cho phép Tòa nước ngoài xử, khi quá trình tranh chấp xảy ra. Điều này có nghĩa, căn cứ để "dẫn nhau ra tòa" là LĐK (dù của VN).
Lúc đó, nhà cầm quyền CSVN không thể nói "để chúng tôi về sửa luật, rồi xin phép... hầu tòa sau".
Mặc dù không thuộc phạm vi LĐK, nhưng "vụ án Trịnh Vĩnh Bình" và những vụ án khác liên quan quốc tế, đó là bài học xương máu cho nhà cầm quyền để suy ngẫm khi Tòa quốc tế xử kiện, bởi "Luật là Luật" - triết lý soạn thảo và áp dụng luật của quốc tế vô cùng nghiêm cẩn mà nhà cầm quyền VN cho đến nay vẫn "chưa quen nổi", thế cho nên bà Virginia Foote từng nói [4] "Việt Nam làm ăn không giống ai". Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài trên các lãnh vực tại VN rất "ngán" luật VN vì tính bất ổn định của nó.
Đó cũng là cách tư duy của nhà cầm quyền VN với những phát ngôn, ví dụ như ông Mai Tiến Dũng - CNVPCP từng làm thiên hạ giật mình [5]: "Nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật". "May thay"! Đó là những loại "luật trong nước" dành cho "dân nội địa". Nhưng LĐK là dành cho "dân quốc tế" - những đối tượng hoàn toàn xa lạ với "kiểu tư duy đó" và họ dễ dàng dành phần thắng ngay từ đầu trong những phiên tòa tranh chấp, vốn không có chỗ cho... "luật rừng".
Bên cạnh đó, các ông, các bà ĐBQH trước khi "bấm nút", vui lòng nhớ lại "Luật Điều Ước Quốc Tế" vẫn còn mới toanh với thời điểm luật có hiệu lực thi hành từ 01/7/2016, trong đó Điều 6, khoản 1 ghi rõ: "Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp".
Tự tin là điều tốt, nhưng quá tự tin dễ dẫn đến sai lầm. Có những sai lầm không bao giờ sửa nổi. Đó là điều mà các ông, các bà ĐBQH nên cân nhắc trước khi "bấm nút".
Thiết thực hơn, trong tình hình hiện nay, thay vì "bấm nút" thông qua LĐK, hãy mau chóng cải thiện hình ảnh và uy tín thông qua những việc như: Làm sao để EU thu hồi thẻ vàng đối với thủy sản VN, làm sao để EU sớm thông qua EVFTA, làm sao sớm đưa CPTPP vào thực hiện, làm sao để Hoa Kỳ hủy bỏ việc áp thuế rất nặng lên mặt hàng thép & nhôm, chống tham nhũng thực chất và mạnh mẽ hơn v.v... Đặc biệt, tình trạng người dân mất đất tại Thủ Thiêm và nhiều địa phương khác đang mòn mỏi trông chờ giải quyết thỏa đáng những oan trái hàng chục năm qua.
06.06.2018
Chú thích:
[1] http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/luat-dac-khu-dung-nghi-lam-the-nao-de-do-so-455229.html