Đại nạn Trung Hoa: Giải giới hay trục lợi - Dân Làm Báo

Đại nạn Trung Hoa: Giải giới hay trục lợi

Trần Gia Phụng (Danlambao) - Sau khi thế chiến thứ hai (1939-1945) kết thúc ở Âu Châu, và trước khi kết thúc ở Á Châu, tam cường Anh, Hoa Kỳ, Liên Xô họp thượng đỉnh tại Potsdam, ngoại ô Berlin (Đức) từ ngày 17-7 đến 2-8-1945. Pháp không được kể là nước thắng trận nên không dự họp.

Tại đây, Anh và Hoa Kỳ cùng Trung Hoa (Quốc Dân Đảng) ký bản tuyên bố ngày 26-7-1945 (xem như tối hậu thư) gởi cho Nhật Bản, buộc quân đội Nhật Bản phải đầu hàng vô điều kiện và buộc Nhật Bản phải chấp nhận những điều kiện do Đồng minh đưa ra. Lúc đó Trung Hoa không dự họp hội nghị Potsdam, nhưng đồng ý ký vào tối hậu thư qua đài phát thanh. Riêng về Đông Dương, tối hậu thư Potsdam giao việc giải giới quân đội Nhật Bản ở bắc vĩ tuyến 16 cho quân đội Trung Hoa (Quốc Dân Đảng), và nam vĩ tuyến 16 cho quân đội Anh. Liên Xô chưa tuyên chiến với Nhật Bản, không có tên trong tối hậu thư vì Liên Xô đã ký hòa ước bất tương xâm với Nhật Bản từ ngày 13-4-1941. 

Nhật Bản không chấp nhận đầu hàng theo tối hậu thư Potsdam. Ngày 6-8-1945, Hoa Kỳ thả quả bom nguyên tử đầu tiên, có tên lóng là “Little Boy”, xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản), giết chết khoảng 130,000 người. Biết chắc chắn Nhật Bản sẽ đầu hàng, Liên Xô liền xé bỏ hòa ước bất tương xâm với Nhật Bản, quyết định tuyên chiến với Nhật Bản vào lúc 5 giờ chiều ngày 8-8-1945. Sáng sớm hôm sau (9-8-1945), Liên Xô tràn quân qua chiếm Mãn Châu và vùng đông bắc Trung Hoa do Nhật Bản chiếm đóng, chỉ vài giờ trước khi Hoa Kỳ dội thêm quả bom nguyên tử thứ hai, có tên lóng là “Fat Man”, xuống thành phố Nagasaki, giết chết khoảng 75,000 người.

Ngày 14-8-1945, Nhật hoàng Hiri-Hito (trị vì 1926-1989) tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Thế là thế chiến thứ hai chấm dứt ở Á Châu và cũng chấm dứt luôn ở trên thế giới. Các nước Trung Hoa và Anh bắt đầu thực hiện việc giải giới quân đội Nhật tại Đông Dương theo tối hậu thư Potsdam.

1. Quân Trung Hoa vào Việt Nam

Tại Trung Hoa, tướng Hà Ứng Khâm (Ho Ying-chin), tổng tư lệnh quân đội Trung Hoa hứa hẹn với trung tướng Marcel Alessandri, chi huy trưởng quân Pháp ở Vân Nam, sẽ đưa quân Pháp đi theo, khi quân Trung Hoa tiến vào Bắc Kỳ để giải giới quân Nhật. 

Được tin Nhật đầu hàng (14-8-1945), tướng Marcel Alessandri đang ở Côn Minh (Kunming), thủ phủ tỉnh Vân Nam, tìm cách gặp tướng Lư Hán (Lu Han), tổng đốc kiêm chỉ huy trưởng quân đội tỉnh Vân Nam, người sẽ phụ trách dẫn quân Trung Hoa qua Việt Nam để giải giới quân đội Nhật. Lư Hán là một kẻ nghiện thuốc phiện. (Marcel Medrano (cựu sĩ quan Pháp ở Đông Dương), Histoire de l'Indochine française durant la seconde guerre mondiale (1939-1945), chương “Le retour des français en Indochine”, mục 2 “Le problème du Nord”. Internet). Vốn ghét Marcel Alessandri, nên Lư Hán tránh mặt. 

Khi dẫn quân ra đi ngày 28-8-1945, Lư Hán không báo tin cho tướng Alessandri biết. (Philippe Devillers, Histoire du Viêt-Nam de 1940 à 1952, Editions Du Seuil, Paris 1952, tr. 151, chú thích số 4.) Số quân Trung Hoa (Quốc Dân Đảng) do Lư Hán đưa vào Việt Nam lên đến khoảng 200,000 người, không có người Pháp đi theo. (Stanley Karnow, Vietnam a History, New York: The Viking Press, 1983, tr. 15.) Trong bộ chỉ huy của tướng Lư Hán, còn có tướng Tiêu Văn (Siao Wen), làm uỷ viên chính trị. 

Lúc đó, mặt trận Việt Minh, thuộc đãng Cộng Sản Dông Dương do Hồ Chí Minh lãnh đạo, đã cướp được chính quyền và gấp rút thành lập nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) ngày 2-9-1945, nhằm tạo một cơ cấu chính trị có sẵn, trước khi quân nước ngoài vào Việt Nam. 

Ngày 14-9-1945, Lư Hán cùng bộ tham mưu đến Hà Nội, đóng bản doanh ở phủ toàn quyền Pháp cũ, không đếm xỉa gì đến sự có mặt của nhà nước VNDCCH. Trong cuộc họp báo ngày 15-9, Lư Hán tuyên bố rằng khoảng 200,000 quân Trung Hoa vào Việt Nam, và chỉ lo việc giải giới quân đội Nhật, không dính líu vào chuyện nội bộ Việt Nam.(Chính Đạo, Việt Nam niên biểu, tập A, Houston: Nxb. Văn Hóa: 1996, tr. 264.)

Sau đó, ngày 19-9-1945, tướng Marcel Alessandri cùng cố vấn chính trị là Léon Pignon, được thiếu tướng Mỹ là Philip Gallagher, cố vấn của Lư Hán, giúp máy bay đến Hà Nội. Archimedes Patti, thiếu tá tình báo Hoa Kỳ, trưởng toán O.S.S. 202, cũng đến Hà Nội ngày 22-8-1945.

Ngày hôm sau, một người Liên Xô là Stephane Solosieff liên lạc ngay với Patti. Theo Patti, Solosieff có thể vừa là nhân viên ngoại giao, vừa là nhân viên tình báo của Liên Xô, được cử đến Hà Nội để theo dõi tình hình. (Archimedes L. A. Patti, Why Viet Nam?, California: University of California Press, Berkely, 1980, tt. 360-361.)

Lễ đầu hàng và giải giới quân đội Nhật Bản tại Việt Nam ở phía bắc vĩ tuyến 16 chính thức được tổ chức ngày 28-9-1945 ở Hà Nội tại phủ toàn quyền Pháp cũ, dưới sự chủ trì của Lư Hán và đại diện Đồng minh. Trong phòng hành lễ treo bốn lá cờ Hoa Kỳ, Liên Xô, Trung Hoa và Anh Quốc. Không có cờ Pháp, vì Pháp không được kể là nước thắng trận, dầu trung tướng Marcel Alessandri, đại diện Pháp ở miền Bắc, được mời tham dự. 

Tại Hà Nội không có phái bộ ngoại giao của Liên Xô. Phái đoàn Ba Lan (Poland) thay mặt cho Liên Xô trong những liên lạc ngoại giao với VNDCCH. (Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, California: Nxb. Xuân Thu, 1990, tr. 233.) Trong buổi lễ quân Nhật Bản đầu hàng, ngoài đại diện các nước Đồng minh, còn có sự hiện diện của Stephane Solosieff, đại diện Liên Xô. Lúc đó, không ai được biết Solosieff liên lạc như thế nào với Hồ Chí Minh. Thiếu tá tình báo Hoa Kỳ Archimedes Patti cho biết Solosieff đang kiếm cách rời Hà Nội, và đưa những nhân viên Liên Xô trong mặt trận Việt Minh rời Hà Nội hoặc rời Đông Dương trước khi lực lượng Anh và Trung Hoa đến. Cũng theo A. Patti, có một toán cộng sản, gồm người Nga, Đức, Bỉ, Hung, trong đạo quân Lê-dương của Pháp, đã từng cộng tác với Việt Minh trước khi Việt Minh chiếm được chính quyền. (Archimedes L. A. Patti, sđd. tt. 178-181.) 

Quân Trung Hoa vào Việt Nam gồm có bốn sư đoàn, trong đó hai sư đoàn Vân Nam và hai sư đoàn Quảng Tây. Hai sư đoàn Vân Nam do Lư Hán trực tiếp chỉ huy, gồm sư đoàn 93 do tướng Lư Cổ Truyền dẫn đầu, vào ngã Lào Cai, theo thung lũng sông Hồng đến Hà Nội và sư đoàn 60 do tướng Vạn Bảo Bang chỉ huy, tiến vào miền trung Việt Nam qua hai hải cảng Vinh và Đà Nẵng. Hai sư đoàn Quảng Tây là sư đoàn 62 do tướng Hoàng Đào lãnh đạo, vào đường Cao Bằng - Lạng Sơn, xuống thẳng Hà Nội và sư đoàn 52 do tướng Triệu Công Vũ phụ trách tiến đến Hải Phòng. Đoàn quân Trung Hoa là những toán quân ô hợp, ăn bận lôi thôi, kèm theo đoàn tùy tùng là phu khuân vác, đàn bà, trẻ em, vừa đói rách, bệnh tật, vừa vô kỷ luật, gây ra nhiều vụ cướp phá khắp nơi. 

Ngày 2-10-1945, tướng Hà Ứng Khâm, tổng tư lệnh quân đội Trung Hoa, tới Hà Nội thanh tra. Cùng đi với Hà Ứng Khâm có trung tướng Hoa Kỳ là Robert McLure. Tướng Hà Ứng Khâm tuyên bố rằng Trung Hoa không có tham vọng đất đai ở Việt Nam, mà chỉ đến giúp Việt Nam thực hiện dần dần nền độc lập theo kế hoạch của các cường quốc Đồng minh. Hà Ứng Khâm còn tiếp rằng không một chiến thuyền nào của Pháp được đến Đông Dương, mà không có sự ưng thuận của Đồng minh, đặc biệt vùng đất do quân đội Trung Hoa kiểm soát. (Philippe Devillers, sđd. tr. 193.)

Khi vào Việt Nam, quân Trung Hoa dùng tiền Trung Hoa gọi là quan kim và quốc tệ, đổi lấy tiền Đông Dương để sử dụng. Càng về sau, hai loại tiền nầy càng mất giá. Lư Hán đòi Ngân Hàng Đông Dương (NHĐD) phải giao cho quân đội Trung Hoa 300 triệu đồng để chi tiêu, nhưng cho đến ngày 26-9-1945, NHĐD chỉ trao từ từ đến 45 triệu mà thôi. (Chính Đạo, sđd. tr. 270.)

Nhà cầm quyền Việt Minh phải nhiều lần lên tiếng trên báo chí để khuyên dân chúng đừng gây gổ, chống đối quân đội Trung Hoa. Việt Minh còn ca tụng quân Trung Hoa vào Việt Nam với thiện chí giúp đỡ Việt Nam, giải giới quân đội Nhật. Điều làm cho Hồ Chí Minh và Việt Minh lo ngại nhứt, là khi vào Việt Nam, quân Trung Hoa đưa luôn cả những lãnh tụ chính trị các đảng phái Việt Nam theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Hoa trở về Việt Nam, bởi vì các tướng lãnh Trung Hoa ở Vân Nam cũng như Quảng Tây đều quen biết các lãnh tụ Việt Nam Quốc Dân Đảng và Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội, như Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam, Nguyễn Hải Thần ... 

Hồ Chí Minh và Việt Minh rất lúng túng. Lúc đó, Việt Minh phải đối phó với ba thế lực cùng một lúc: quân đội Trung Hoa, các đảng phái Việt Nam đối lập với Việt Minh cộng sản, và người Pháp đang trở lui Việt Nam. Việt Minh tìm cách đối phó riêng lẽ ba thế lực trên bằng những biện pháp khác nhau. 

Đối với quân đội Trung Hoa, Việt Minh theo phương pháp cổ điển là hối lộ cho các tướng lãnh Trung Hoa. Vào cuối tháng 9-1945, có nguồn tin cho rằng Việt Minh đã hối lộ cho tướng Tiêu Văn và tướng Lư Hán, mỗi người một bộ đồ nghề hút thuốc phiện (bàn đèn) bằng vàng ròng. (Đoàn Thêm, Hai mươi năm qua, 1945-1964, Sài Gòn: 1965, California: Nxb Xuân Thu tái bản, không đề năm, tr. 14.)

2. Quân Trung Hoa trục lợi và rút lui

Tối hậu thư Potsdam ngày 26-7-1945 giao cho quân đội Trung Hoa giải giới quân đội Nhật Bản ở phía bắc vĩ tuyến 16. Vì vậy, muốn tái chiếm Bắc Kỳ, Pháp phải thương lượng thẳng với Trung Hoa. 

Về phía Trung Hoa, thi hành tối hậu thư Potsdam, Trung Hoa đưa khoảng 200,000 quân vào Bắc kỳ để giải giới quân Nhật, chỉ nhắm mục đích trục lợi, chứ Trung Hoa cũng chẳng muốn đóng quân lâu ngày ở Việt Nam. Trung Hoa sẵn sàng thương lượng với Pháp để giao Việt Nam lại cho Pháp, vì các lý do riêng của Trung Hoa: 1) Thứ nhứt, về kinh tế, Trung Hoa muốn Pháp trả lại cho Trung Hoa đất đai mà Pháp đã chiếm của Trung Hoa trước đây, quyền kiểm soát các thiết lộ trên đất Trung Hoa. 2) Thứ hai, về chính trị và ngoại giao, Trung Hoa muốn chứng tỏ Trung Hoa tôn trọng chủ quyền Pháp đối với thuộc địa cũ của Pháp là Đông Dương, để yêu cầu Liên Xô tôn trọng chủ quyền của Trung Hoa đối với Mãn Châu và trả Mãn Châu lại cho Trung Hoa. 3) Thứ ba, về quân sự, Tưởng Giới Thạch muốn dùng hai hải cảng Hải Phòng và Hòn Gai để đưa sư đoàn 60 do tướng Vạn Bảo Bang chỉ huy, từ tỉnh Vân Nam đi Mãn Châu, để đối phó tình hình ở vùng nầy. (Stein Tonnesson, “La paix imposée par la Chine: l'accord Franco-vietnamien du 6 mars 1946”, Les Cahiers de l'Institut D'Histoire Du Temps Présent, Paris: Charles-Robert Ageron và Philippe Devillers chủ biên, số 34, tháng 6-1996, tt. 47-48.) 

Tuy dự tính rút quân, nhưng Trung Hoa biết Pháp nôn nóng tái chiếm Bắc Kỳ, nên Trung Hoa gây khó khăn cho Pháp để làm giá thương lượng. Vấn đề chính là Lư Hán yêu cầu cung cấp tài chánh và thực phẩm cho quân đội Trung Hoa. Tướng Trung Hoa là Ma Chang Yang vào Sài Gòn ngày 12-11-1945, đòi Pháp phải cung cấp cho quân Trung Hoa mỗi tháng 5,000 tấn gạo. Cao uỷ Pháp tại Đông Dương, đô đốc Georges Thierry d'Argenlieu, đồng ý với điều kiện Trung Hoa rút lui khỏi Lào trước ngày 1-1-1946. 

Dầu Việt Minh chiếm được chính quyền, nhưng Đông Dương Ngân Hàng của người Pháp ở Hà Nội cũng như ở Sài Gòn do quân Nhật bảo vệ, nên Việt Minh không chiếm được hai ngân hàng nầy. (Đặng Phong, Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000, tập I: 1945-1954, Nxb. Khoa Học Xã hội, 2002, tr. 121 và tr. 153.) Khi giải giới quân đội Nhật, quân Trung Hoa thay quân Nhật bảo vệ Đông Dương Ngân Hàng. (Chính Đạo, sđd. tr. 28.)

Tướng Lư Hán tăng dần các đòi hỏi về tài chánh. Ngày 14-11-1945, Lư Hán buộc Đông Dương Ngân hàng phải xuất 600,000 đồng Đông Dương để đổi tiền quan kim cho quân Trung Hoa, mỗi người được đổi 50 quan kim. Ngoài ra, mỗi tháng Đông Dương Ngân Hàng phải ứng cho quân đội Trung Hoa 110 triệu đồng tiền quân phí, trừ vào tiền bồi thường chiến tranh của Nhật. Ngày 20-11, Lư Hán lập lại tối hậu thư trên đây. 

Sau khi tham khảo ý kiến của Jean Sainteny, đại diện Pháp ở Bắc Kỳ, ngày 25-11 đô đốc D'Argenlieu từ chối đòi hỏi của Trung Hoa, thì ngày 29-11-1945, quân đội Trung Hoa bắt giam viên giám đốc chi nhánh Đông Dương Ngân Hàng ở Hà Nội. Cuối cùng, bộ tư lệnh Trung Hoa và Pháp đạt thỏa thuận về vấn đề cung cấp tài chánh cho quân đội Trung Hoa ở Đông Dương ngày 4-12-1945. (Chính Đạo, sđd. tt. 289-291.) 

Tại Trung Hoa, Pháp đẩy mạnh cuộc thương lượng với chính phủ Trung Hoa từ gần cuối năm 1945. Đầu năm 1946, thiếu tướng Raoul Salan (Pháp), tư lệnh lực lượng Pháp tại Trung Hoa và Bắc Kỳ, đồng thời đại diện Pháp bên cạnh bộ Tư lệnh Trung Hoa từ 1-11-1945, đến Trùng Khánh để thảo luận về việc quân Pháp thay thế quân Trung Hoa ở bắc vĩ tuyến 16. Cuộc thảo luận bắt đầu từ 8-1-1946. Để tỏ thiện chí, ngày 16-1-1946, Trung Hoa đồng ý cho Pháp tiến quân vào đất Lào (Laos). 

Cuộc thương thuyết Pháp-Hoa bế tắc một thời gian. Đến ngày 15-2-1946, hội nghị được khai thông. Ảnh hưởng đầu tiên là tướng Tiêu Văn, uỷ viên chính trị của đoàn quân viễn chinh do Lư Hán cầm đầu, bị triệu hồi về nước ngày 23-2-1946. Tiêu Văn là người quen biết các lãnh tụ Việt Cách cũng như VNQDĐ từ khi còn ở Trung Hoa và thường bênh vực hai nhóm chính trị nầy. (Đoàn Thêm, sđd. tr. 19.)

Ngày 28-2-1946 tại Trùng Khánh, ngoại trưởng Trung Hoa là Vương Thế Kiệt (Wang Shih-chiek) và đại sứ Pháp tại Trung Hoa là Jacques Meyrier ký kết hiệp ước Trùng Khánh (Pháp-Hoa) về việc quân Pháp thay thế quân Trung Hoa ở phía bắc vĩ tuyến 16 tại Đông Dương, theo đó Trung Hoa chịu rút quân ra khỏi Việt Nam từ ngày 1 đến 15-3, và chậm nhứt là ngày 31-3-1946. Ngược lại, Pháp trả về cho Trung Hoa các tô giới Pháp ở Thượng Hải, Hán Khẩu, Quảng Đông, Quảng Châu Loan, bán cho Trung Hoa thiết lộ Vân Nam, sửa đổi quy chế người Hoa ở Đông Dương, miễn thuế người Hoa ở Hải Phòng, và người Hoa chuyên chở hàng hóa ngang qua Bắc kỳ sẽ khỏi phải chịu thuế. (Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, tái bản kỳ 2, Sài Gòn 1970, tr. 300. Xem thêm: David G. Marr, Vietnam 1945, the Quest for Power, University of California Press, 1995, tr. 544.)

Trong khi đang còn thương lượng với Trung Hoa, ngày 20-2-1946, Ủy ban Liên bộ về Đông Dương của chính phủ Pháp đã thông qua tại Paris, với sự hiện diện của đô đốc Georges Thierry d'Argenlieu (cao ủy Pháp tại Đông Dương), kế hoạch hành quân Bentré để tái chiếm Bắc Kỳ, do trung tá Jean Lecomte, trưởng Phòng 3 bộ Tham mưu của tướng Leclerc soạn. Kế hoạch nầy nhắm mục đích đưa quân Pháp thay thế quân Trung Hoa ở Bắc kỳ trong tháng 3-1946, trước khi mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 ở đất Bắc và nhứt là trước khi nhà cầm quyền Việt Minh được củng cố.

Thi hành kế hoạch nầy, ngày 27-2-1946, Pháp dùng 35 chiến hạm, chuyên chở từ trong Nam ra Hải Phòng 21,000 quân của sư đoàn 9 bộ binh thuộc địa Pháp (9è Division d'infanterie colonial) [DIC] do trung tướng Jean Valluy chỉ huy, và binh đoàn số 2 (groupement de la 2è Demi-brigade) do đại tá Jacques Émile Massu chỉ huy. (Stein Tonnesson, bài đã dẫn, sđd. tt. 36-38.)

Vào chiều ngày 5-3-1946, chiến hạm Pháp xuất hiện ở ngoài khơi Hải Phòng. Sáng sớm hôm sau, ngày 6-3-1946, đoàn quân Pháp đổ bộ xuống Hải Phòng. Vì chưa được lệnh cấp trên, quân Trung Hoa kháng cự mạnh mẽ, gây thiệt hại nặng cho Pháp: chết 34 người, bị thương 93 người, Valluy cũng bị thương nhẹ. (Chính Đạo, sđd. tr. 316.) Đến trưa, hai bên mới thỏa thuận được với nhau. Cuối cùng, quân Pháp chính thức đổ bộ Hải Phòng với sự đồng ý của người Trung Hoa ngày 8-3-1946. 

Từ đây, Trung Hoa dần dần rút quân về nước. Ngày 13-3-1946, đại diện Pháp và Trung Hoa ký kết quy ước quân sự tại Trùng Khánh, theo đó, Trung Hoa chính thức thỏa thuận cho quân đội Pháp thay thế quân đội Trung Hoa ở Bắc Kỳ. 

Lịch trình quân Trung Hoa rút lui và giao lại cho Pháp ở các tỉnh như sau: Đà Nẵng (Tourane), Đông Hà (Quảng Trị) (26-3), Huế (27-3), Đồng Hới (28-3), Thanh Hóa (29-3), Ninh Hòa (30-3), Thái Bình, Nam Định (31-3). (Chính Đạo, sđd. tr. 324.) Sau khi rút, quân Trung Hoa tập trung ở các thành phố Huế, Vinh, Thanh Hóa, và Nam Định để được đưa về nước. Quân Pháp lần lượt đến trú đóng ở những nơi quân Trung Hoa rút đi.

Kết luận

Trong thế chiến thứ hai, Trung Hoa chẳng có công gì đối với Việt Nam và cũng chẳng có công gì trong việc giúp Đồng minh chiến thắng Nhật Bản. Bản thân quân đội Trung Hoa không đủ sức bảo vệ đất nước Trung Hoa, để cho Nhật Bản xâm lăng và chiếm đóng nhiều nơi. Do hai quả bom nguyên tử của Hoa Kỳ thả xuống Hiroshima ngày 6-8-1945 và Nagasaki ngày 9-8-1945, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng ngày 14-8-1945, nên Nhật Bản đành phải rút quân về nước. Trung Hoa mới thoát khỏi bị Nhật Bản chiếm đóng. 

Theo tối hậu thư Potsdam ngày 26-7-1945, Anh và Hoa Kỳ giao cho Trung Hoa giải giái quân đội Nhật Bản ở phía bắc vĩ tuyến 16 chẳng qua là một giải pháp trung chuyển để Pháp thương lượng với Trung Hoa mà trở lui Việt Nam, vì không thể trực tiếp giao Bắc Việt Nam cho Pháp. Thế là Trung Hoa lợi dụng thời cơ, nuôi béo các đạo quân đói rách bệnh tật ở Vân Nam và Lưỡng Quảng. Pháp muốn tái chiếm Bắc Kỳ đành nhượng bộ và trả lại cho Trung Hoa những quyền lợi kinh tế mà Pháp đã sở hữu trên đất Trung Hoa từ thời Nha phiến chiến tranh (1840).

Cho đến đây, đại nạn Trung Hoa đối với Việt Nam vẫn chưa chấm dứt, nhất là một khi lãnh tụ cộng sản là Hồ Chí Minh sang cầu viện Trung Cộng sau khi Mao Trạch Đông chiếm được lục địa Trung Hoa và thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tức Trung Cộng ngày 1-10-1949.

Về phía nhà nước VNDCCH, vì quá yếu kém, đành lép về chịu đựng những hoành hành của ngoại bang. Lúc đó, đảng Cộng Sản Đông Dương và Việt Minh bị lãnh tụ Liên Xô là Stalin nghi ngờ vì đã từng hợp tác với cơ quan tình báo Hoa Kỳ là O.S.S. (Office of Strategic Services) và Liên Xô chưa có quyền lợi gì ở viễn đông xa xôi, nên Liên Xô cũng chưa giúp đỡ gì cho viên gián điệp Hồ Chí Minh, đã từng được Moscow đào tạo.

(Toronto, Canada)



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo