Độc tài có những nhược điểm - Dân Làm Báo

Độc tài có những nhược điểm

Gene Sharp * Chuyển ngữ: Tiểu Thạch Nguyễn Văn Thái, Ph.D - Những nền độc tài thường tỏ ra là vững như bàn thạch. Các cơ quan tình báo, cảnh sát, các lực lượng quân đội, các nhà tù, những trại tập trung, và những đội hành quyết đều được một vài người có quyền lực quản chế. Các nguồn tài chánh của một quốc gia, tài nguyên thiên nhiên, các khả năng sản xuất thường bị các nhà độc tài cướp đi một cách độc đoán và được sử dụng để hỗ trợ ý đồ của họ.

So sánh thì các lực lượng đối lập dân chủ thường tỏ ra là cực kỳ yếu kém, không hữu hiệu, và bất lực. Cái ấn tượng vững như bàn thạch đối chiếu lại với sự bất lực làm cho đối lập hữu hiệu có lẽ khó xảy ra.

Tuy nhiên, đó không phải là toàn bộ câu chuyện.

Nhận dạng gót chân Achilles

Một huyền thoại từ thời Hy Lạp Cổ Điển minh xác rõ ràng đặc tính dễ bị tổn thương của những người mà lẽ ra là không thể bị tổn thương. Chống lại đấu sỹ Achilles, không có đòn phép nào có thể làm cho ông ta bị thương được, không có lưỡi kiếm nào có thể đâm thủng được da của ông. Người ta kể lại là lúc còn là một em bé, mẹ của ông đã nhúng ông vào trong dòng nước của con sông thần thoại Styx, đưa đến kết quả là bảo vệ cho thân thể của ông khỏi mọi nguy hiểm. Tuy nhiên, có một vấn đề. Bởi vì em bé được nắm lại ở gót chân để em khỏi bị nước cuốn đi, cho nên nước thần đã không phủ lấp phần thân thể nhỏ bé đó. Khi Achilles trưởng thành, ông ta tỏ ra đối với mọi người là ông ta không thể nào bị vũ khí của địch làm tổn thương được. Tuy nhiên, trong trận chiến thành Troy, được chỉ dẫn bởi một người biết được nhược điểm này, một binh sỹ địch đã nhắm mũi tên vào gót chân không được bảo vệ của Achilles, nơi duy nhất có thể gây thương tích cho ông ta. Mũi tên đó là mũi tên định mệnh. Cho đến ngày hôm nay, cụm từ “gót chân Achilles” có nghĩa là phần dễ bị tổn thương của một người, của một kế hoạch, hay của một cơ chế mà nếu bị tấn công sẽ không tự vệ được.

Cũng cùng nguyên tắc đó được áp dụng cho những nền độc tài tàn ác. Họ, cũng vậy, có thể bị đánh bại, nhưng nhanh chóng hơn cả và với ít tổn thất nhất nếu những nhược điểm của họ có thể được nhận dạng và tấn công phải được tập trung vào những nhược điểm đó.

Những nhược điểm của những nền độc tài

Trong số những nhược điểm của những nền độc tài là những nhược điểm sau đây:

1. Sự hợp tác của số đông người, nhóm, và các cơ chế cần có để điều hành hệ thống có thể bị siết chặt hoặc rút lui.

2. Những đòi hỏi và hậu quả của các chánh sách trong quá khứ của chế độ sẽ phải phần nào hạn chế khả năng chấp thuận hay thực thi những chánh sách đối nghịch.

3. Sự điều hành của hệ thống có thể trở nên thường lệ, ít có khả năng thích nghi nhanh chóng với những hoàn cảnh mới.

4. Nhân viên và tài nguyên đã phân phối cho những công tác hiện hành sẽ không dễ dàng có sẵn cho những nhu cầu mới.

5. Thuộc cấp lo sợ làm mất lòng sếp lớn có thể không báo cáo thông tin chính xác và đầy đủ cần có để cho những nhà độc tài làm những quyết định.

6. Ý thức hệ có thể đã bị xói mòn, và các huyền thoại và biểu tượng của hệ thống có thể trở nên lung lay.

7. Nếu đang có một ý thức hệ mạnh ảnh hưởng đến quan điểm của người ta về hiện thực, thì gắn bó chặt chẽ với ý thức hệ này có thể đánh mất sự lưu ý đến những hoàn cảnh và nhu cầu thực sự.

8. Hiệu năng và chuyên môn của hệ thống bàn giấy trở nên tệ hại, hay là những kiểm soát và luật lệ quá trớn, có thể làm cho các chánh sách và sự điều hành của hệ thống vô hiệu lực.

9. Các xung khắc cơ chế nội bộ, những cạnh tranh và hận thù cá nhân có thể gây tai hại, và ngay cả tạo rối ren, cho sự vận hành của nền độc tài.

10. Các nhà trí thức, học sinh/sinh viên có thể trở nên hiếu động để phản ứng lại những điều kiện, những hạn chế, chủ thuyết giáo điều, và đàn áp.

11. Quảng đại quần chúng, với thời gian, có thể trở thành vô cảm, nghi ngờ, và ngay cả hận thù chế độ.

12. Những khác biệt về vùng địa lý, về giai cấp, về văn hóa, hay về quốc gia có thể trở nên trầm trọng.

13. Hệ đẳng về quyền lực của nền độc tài luôn luôn có phần nào bất ổn, và đôi khi cực kỳ bất ổn. Các cá nhân không chỉ ở mãi trong cùng một vị thế đẳng cấp, mà có thể thăng tiến hay rơi xuống những đẳng trật khác hay là bị loại hẳn và được thay thế bằng những người mới.

14. Có những khu vực của cảnh sát hay lực lượng quân đội có thể hành động để tranh thủ những mục đích của riêng mình, ngay cả chống lại ý đồ của những nhà độc tài đã ổn định, bao gồm cả đảo chánh.

15. Nếu đó là một nền độc tài mới, thì đòi hỏi phải có thời gian để cho nền độc tài này trở nên ổn định.

16. Có quá nhiều quyết định cần phải được thực hiện bởi một số người quá ít trong nền độc tài, nên lỗi lầm về phán đoán, về chánh sách, và về hành động có lẽ sẽ xảy ra.

17. Nếu chế độ tìm cách tránh những nguy hiểm này và phân tán quyền kiểm soát và quyền làm quyết định, thì sự kiểm soát của họ đối với những đòn bẩy quyền lực trung ương có thể sẽ còn bị xói mòn hơn nữa.

Tấn công các nhược điểm của những nền độc tài

Với sự hiểu biết về những nhược điểm hiển nhiên như thế, đối lập dân chủ có thể tìm cách làm cho những “gót chân Achilles” trở nên trầm trọng một cách có chủ ý để thay đổi triệt để hay là phân huỷ hệ thống.

Kết luận đã quá rõ ràng: dù cho có những cái dáng vẻ bề ngoài của sức mạnh, tất cả mọi nền độc tài đều có những nhược điểm, những vô hiệu năng nội tại, những cạnh tranh cá nhân, những vô hiệu năng cơ chế, và những xung khắc giữa các tổ chức và các nha sở. Những nhược điểm này, với thời gian, sẽ có khuynh hướng làm cho chế độ ít hữu hiệu hơn và dễ bị tổn thương trước những hoàn cảnh đổi thay và đối kháng có chủ ý. Không phải tất cả điều gì chế độ đưa ra để thực hiện đều được hoàn tất. Đôi khi, chẳng hạn, ngay như những mệnh lệnh trực tiếp của Hitler cũng không bao giờ được thi hành bởi vì những người dưới quyền của ông trong hệ thống đẳng cấp đã từ chối thi hành những lệnh đó. Chế độ độc tài đôi khi vẫn sụp đổ một cách nhanh chóng, như chúng ta đã từng quan sát.

Điều này không có nghĩa là những nền độc tài có thể bị đánh đổ mà không có những mạo hiểm và tổn thất. Tất cả mọi con đường hoạt động giải phóng có thể có đều mang theo những mạo hiểm và đau khổ tiềm tàng, và sẽ phải cần có thời gian để điều hành. Và dĩ nhiên là không có một phương tiện hành động nào có thể đảm bảo thành công nhanh chóng trong mọi trường hợp. Tuy nhiên, những loại đấu tranh nhắm vào các nhược điểm nhận dạng được của độc tài có cơ hội thành công nhiều hơn là những cuộc đấu tranh tìm cách đánh độc tài ở nơi mà rõ ràng là mạnh nhất của nền độc tài đó. Câu hỏi là cuộc đấu tranh này sẽ cần phải được tiến hành như thế nào.


Chuyển ngữ :



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo