Ông Lưu biết trách nhiệm của mình trước lịch sử - Dân Làm Báo

Ông Lưu biết trách nhiệm của mình trước lịch sử

Một điếu văn cho Lưu Hiểu Ba

Ian Johnson * Chấn Minh (Danlambao) dịch - Lời giới thiệu: Nhà văn Ian Johnson đọc bài viết này tại Đức vào ngày 7/13/2018 trong một lễ tượng niệm ngày giỗ đầu của Lưu Hiểu Ba. Ian Johnson là một phóng viên đã đoạt giải Pulitzer vào năm 2001 khi viết về Trung Quốc.Ông đang viết báo cho New York Times (Nửu Ước Thời Báo), New York Review of Books (Điểm Sách Nửu Ước), New Yorker (Người Nửu Ước và nhiều tạp chí khác. Ông còn làm cố vấn biên tập cho Tập San Nghiên Cứu Về Á Châu vàlà một thân hửu cao cấp của Merics, một cơ sở chuyên về Trung Quốc tại Berlin. Ông đã du học tại Bắc Kinh từ 1984 đến 1985, và Đài Loan từ 1986 đến 1988. Ông làm phóng viên tại Trung Quốc từ 1994 đến 2001 cho các báo Baltimore’s Sun (Mặt Trời Baltimore) và Wall Street Journal (Nhật Báo Đường Wall) và viết về các đề tài kinh tế vĩ mô, Trung Quốc tiến vào WTO, và các vấn đề xã hội. 

Vào năm 1898, khi vua Quang Tự của nhà Thanh, Trung Quốc, muốn tự khẳng định vị trí của mình và thúc đẩy triều đình tiến hành những biện pháp nhằm cải cách các hệ thống chính trị, kinh tế, và giáo dục của Trung Quốc, rất nhiều trí thức sáng giá đã đồng minh với nhà vua trẻ tuổi này. Tuy nhiên, các người chống cải cách lại đã nhanh chóng phản công; họ hạ bệ được nhà vua và khiến cho các cố vấn của ông phải tháo chạy để giữ gìn tánh mạng.

Tuy nhiên, có một người không chạy đi đâu cả. Người đó là ông Đàm Tự Đồng, một học giả trẻ sinh sống tại một góc xa xăm của đế quốc. ông Đàm biết nếu ở lại Bác Kinh tức là sẽ chết, nhưng ông đã hy vọng rằng cái chết của ông có thể gây sốc và đánh thức được các người đồng hương của ông.

Quyết định ở lại như trên không phải là một quyết định khiêm tốn. Ông Đàm là một trong những nhà bình luận sáng giá nhất của thế hệ ông. Ông đã viết một cuốn sách có ảnh hưởng để phê phán nặng nề chủ nghĩa chuyên chế. Ông đã mở trường học, ra báo, và cố vấn cho nhiều chính trị gia khác về sự nhu cầu cải cách. Ông có thừa lý do để tìm cách cứu lấy mình nhằm góp phần vào các cuộc tranh đấu về sau. Nhưng cũng chính các lý do kể trên đã khiến cho ông Đàm thấy được giá trị lớn lao của quyết định ở lại và chiến đấu: tự hào nhìn thẳng vào cái chết dưới tay những kẻ chống cải cách là một việc làm có thể có ý nghĩa, có thể khiến cho người ta sẽ chú ý. 

Và như thế, khi các bạn của ông xuống tàu qua Nhật hay chạy về các tỉnh khác, ông Đàm rút về một khách sạn nhỏ tại Bác Kinh và chờ lính của hoàng đế đến. Chúng đến không lâu sau đó và nhanh chóng xét xử ông trong một phiên tòa công khai và không thể nào tránh được để răn đe quần chúng. Phiên tòa xử ông Đàm chỉ bị gián đoạn bởi một lệnh trên: phải xử tử ông ngay tức khắc.

Trước khi mất đầu tại pháp trường Thái Thị Khẩu, Bắc Kinh, ông Đàm đã thốt lên một câu nói có thể gọi là một trong những câu nói nổi tiếng nhất trong ngót một thế kỷ rưởi mà Trung Quốc đã ra sức xây dựng một nhà nước hiện đại và đa nguyên: “Tôi muốn giết bọn cướp, nhưng đã không đủ sức để thay đổi thế giới. Vậy thì đây là chổ tôi phải chết. Hãy hân hoan lên! Hãy hân hoan lên!”

Tù ngày Lưu Hiểu Ba qua đời vì ung thư, tôi thường suy nghĩ đến số phận của Đàm Tự Đồng. Ung thư khác với lưởi kiếm đao phủ. Nhưng cái chết của hai ông Đàm và Lưu cho dù cách nhau 120 năm vẫn vang dội và quyện vào nhau. Như ông Đàm, họ Lưu đã lao toàn thân mình vào một cuộc tranh đấu mà kết quả ngay sau đó đã hầu như vô vọng – trong trường hợp của ông Lưu, đó là các cuộc biểu tình chống đối tại Thiên An Môn. Thế nhưng, với thời gian, lịch sử đã hồi phục ông Đàm; và do đó tôi tự hỏi, lịch sử sẽ có làm như thế cho ông Lưu hay không? 

**

Khi các cuộc biểu tình phản đối vào năm 1989 nổ ra, ông Lưu đang ở nước ngoài nhưng ông đã chọn về nước. Sau kỳ đi tù lần thứ nhất ngay sau khi các cuộc biểu tình chống đối tại Thiên An Môn đã bị dẹp tan một cách đẫm máu, ông đã có nhiều cơ hội để rời Trung Quốc nhưng ông lại đã chọn ở lại. Sau kỳ đi tù lần thứ nhì và khắc nghiệt hơn, ông lại tiếp tục quyết định ở lại và tiếp tục thúc đẩy tranh đấu. Khi làm như thế, cái rủi ro mà ông phải gánh chịu sẽ không nằm ở chổ lính sẽ đến bắt ông ngay, mà nằm ở sự tù đày tù có thể giết chết ông; một sự tù đày mà ông hay bất cứ ai khác sẽ không thể nào tránh khỏi một khi đã thách đấu với quyền lực của nhà nước Trung Quốc vào lúc này.

Quyết định của ông không phải là một quyết định tích cực tìm cái chết, mà là ý chí sẳn lòng chết.

Thảm kịch là khi ông ngày càng từ tốn và tự chế, thì hình phạt lại càng nặng nề hơn. Ông Lưu bước vào đời như một sản phẩm tiêu biểu của thời đại Mao Trạch Đông: dễ bị rơi vào các tư thế cực đoan hay lãng mạng, - một tên “du côn băng đảng” - say mê các điệu bộ to lớn và những phát ngôn thô lỗ thái quá. Trong chừng mực nào đó, Ông Lưu lúc thiếu thời cũng giống như ông Đàm Tự Đồng, muốn gây sốc để thức tỉnh Trung Quốc.

Nhưng các suy nghiệm nghiêm ngặt về bản thân của ông Lưu thay đổi các quan điểm và hành động của ông. Điều này không có nghĩa là tránh biểu tình chống đối hay không hành động trực tiếp, nhưng mà khuyến khích xã hội thay đổi qua lối sống và các hành động cá nhân. Ông nói, Trung Quốc cần học hỏi về “cách sống thiếu dân chủ của mình” và “thực hiện một cách có ý thức lối sống dân chủ trong các quan hệ cá nhân (giữa thầy và trò, cha và con, vợ và chồng, và với bạn bè)”.

Sự từ tốn của ông Lưu lên đến đỉnh cao nhất trong Hiến Chương 08, một thỉnh nguyện thư đòi hỏi thay đổi chính trị mà ông đã góp phần viết ra. Vào năm 2009, ông bị kết án 11 năm tù vì “lũng đoạn quyền lực nhà nước.”

Tuy án này không phải là một án tử hình như đã dành cho họ Đàm, bản án này đánh đấu cho việc ông Lưu sẽ không bao giờ tự do nửa. Vào lúc đó, ông Lưu đã 54 tuổi, và ta có thể tin là ông sẽ sống thêm một hay hai thập niên nửa sau khi được thả ra vào lúc 65 tuổi. Tuy thế, cho dù ông có sống sót và ra tù vào năm 2020, số phận ông vẫn sẽ là bị giam lỏng thường trực tại nhà, không được tiếp xúc với quần chúng – không có mạng, điện thoại, người thăm viếng – theo đúng cách mà nhà thơ Lưu Hà, vợ ông, đã bị nhà nước làm cho biến mất. Nhưng mà nhà tù Trung Quốc thì khắc nghiệt, và bị giam lỏng tại nhà không phải là số phận của ông.

Sau khi ông Lưu qua đời, Hoàn Cầu Thời Báo tiên đoán là với thời gian, người ta sẽ quên Lưu Hiểu Ba. Tờ báo đã nói rằng các anh hùng chỉ được tạo nên ra khi mà “lòng kiên trì và những gì họ làm đóng góp được vào sự phát triển và các hướng đi của đất nước.”

**

Ở đó chính là cốt lỏi của vấn đề: các hướng đi về lâu về dài của Trung Quốc. Khi vừa mới cầm quyền, các nhà lãnh đạo độc tài của Trung Quốc biện minh cho chế độ của họ qua chủ nghĩa thần bí: chính các động lực của lịch sử đã chọn Đảng Cọng Sản. Sau đó, sau 30 năm xáo trộn chính trị, vào các năm cuối cùng của thập niên 1970 khi các nạn đói đã không còn nửa, Đảng đã chọn đóng vai trò một chế độ chuyên chế để phát triển: đảng phát triển, do đó đảng cai trị. 

Tuy thế, vào khoảng thập niên đã qua, lời biện minh kể trên đã phai nhạt khi mà tăng trưởng chậm lại và nhiều người Trung Quốc đã dần dần biết đến thế nào là sống trong phồn thịnh. Bây giờ, các người cai trị Trung Quốc lại đưa ra những biện minh khác: họ đang giúp phục hồi các truyền thống đã bị hủy hoại trong thế kỷ thứ 20, và họ hứa hẹn sẽ xây dựng một trật tự chính trị và xã hội có đạo lý hơn.

Nhưng làm thế nào để dung hòa tầm nhìn mới đó và cách họ đối xử với những người như ông Lưu? Trong một tiểu luận ông đã viết, ông Lưu đưa ra một nhận xét có tính tiên tri về sự chống đối. Ông nói bây giờ người ta ít khoan dung hơn khi nhà nước bắt nhốt những người dân dám bày tỏ ý kiến của mình.

Lý do đưa đến nhận xét trên có lẽ là vì phê bình xây dựng đã được chấp nhận như một bộ phận của hệ thống chính trị Trung Quốc từ hàng ngàn năm qua. Trung Quốc có một lịch sử dài trong đó nhiều hoàng đế đã bác bỏ các lời góp ý và xử tử hình những viên chức nào đã dám cả gan nói lên các lời góp ý đó. Nhưng trong lịch sử, các hoàng đế luôn luôn đã được ghi nhận như là những người cứng đầu và thiếu khôn ngoan.

Chính vì ly do trên mà ông Lưu quan trọng: đời sống và cái chết của ông đại diện cho vấn nạn cơ bản của các nhà cải cách Trung Quốc trong suốt thế kỷ vừa qua: làm thế nào để xây dựng được một xã hội nhân đạo hơn và một hệ thống chính trị công bằng hơn, chứ không phải là nâng cao tổng sản lượng quốc gia hay dành lại các vùng đất đã mất.

Như ông Đàm, ông Lưu biết trách nhiệm của ông trước lịch sử. Ông Đàm đã thấy được Trung Quốc vướng mắc trong một chu kỳ ác nghiệp trùng trùng và do đó cần phải thoát ra. Với ông Lưu, trong vai trò một nhà thức quần chúng, ông đã có nhiệm vụ là nhìn về tương lai vào báo cáo lại cho người dân, cho dù ông phải trả bất cứ giá nào. Như ông đã viết trong một tiểu luận có nhan đề là “Về Sự Cô Đơn” vào năm 1988: “Định mệnh của họ (những nhà trí thức quần chúng), và thật ra, định mệnh độc nhất của họ…là nói lên những tư tưởng đi trước thời đại trong đó họ đang sống. Tầm nhìn của một người trí thức phải vượt qua những loại ý kiến đã được chấp nhận và các khái niệm về trật tự; họ phải là một nhà phiên lưu, một người chạy về phía trước một mình; chỉ sau khi họ đã đi thật xa về phía trước các người khác mới có thể phát hiện ra giá trị của họ…họ là người thấy được các điềm gở báo trước tai họa vào lúc đang thịnh vượng, và họ chính là người thừa tự tin để trải nghiệm được sự hủy diệt đang đến dần.”

Ở đó chính là câu trả lời cho tiên đoán của nhà nước là người ta sẽ quên ông Lưu. Ý nghĩa của ông Lưu nằm ở chổ ông là người chạy đi trước và đang chỉ ngón tay vào các vấn đề sắp dấy lên. Vấn đề không phải là cái chết của ông Lưu sẽ khích động giới chống đối, hay bất cứ mơ mộng lãng mạn nào khác. Thay vào đó, ông Lưu quan trọng vì đời ông, những gì ông phê phán, và chính cái chết của ông, đã trở thành một phần của ký ức của quần chúng. Vì chế độ kiểm duyệt, hiện nay đa số người dân không biết gì về ông. Nhưng về lâu về dài, các nỗ lực của những người như ông Lưu sẽ có trọng lượng. 

Đây không phải là một ảo mộng lãng mạn nhưng là một đánh giá thực tế về cách ký ức quần chúng vận hành tại bất cứ nước nào, đặc biệt là tại Trung Quốc. Trong suốt chiều dài của lịch sử Trung Quốc, những người suy nghĩ tự do – từ hiền triết lớn nhất của Trung Quốc, Khổng Tử, đến sử gia lớn nhất, Tư Mã Thiên - đều đã bị các người sống cùng thời xem như không có hay bức hại, để chỉ được lịch sử công nhận về sau.

Lịch sử Trung Quốc thật sự đã được viết ra như thế. Đã có biết bao nhiêu lần, những người nói lên sự thật đã bị lưu đày, xử tử, hay bịt miệng bằng cách này hay cách khác. Họ đã bị vùi dập xuống, nhưng họ vẫn tiếp tục bật lên trở lại – để không ngừng chiến đấu chống lại các hoàng đế. Họ đứng lên và họ bị vùi dập xuống. Nhưng họ vẫn tiếp tục chiến đấu. 

Và sẽ có một ngày, một ngày sẽ luôn luôn đến như đã mãi mãi từng đến, - có khi chỉ trong vài thập niên mà thôi - những ai chiến đấu cho sự thật và phẩm giá của con người sẽ thắng và lịch sử sẽ được viết ra.


Chấn Minh chuyển ngữ để kính tặng chị Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

15 Tháng Bảy 2018




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo