Tác phẩm “Đông Dương 1945-1973”
Vừa qua trên trang Danlambao có đăng bài “Hiệp định Genève (20/07/1954) không đề cập đến tổng tuyển cử” (1) của tác giả Trần Gia Phụng. Trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, Đảng cộng sản Việt Nam bảo là Hiệp Định Genève có quy định Tổng Tuyển cử thì người dân cũng tin như vậy chứ người dân (kể cả nhiều trí thức xhcn) nào thấy “mặt dọc, mặt ngang” của Bản Hiệp định quy định Tổng Tuyển cử như thế nào và nào ai biết Phái đoàn nào ký và Phái đoàn nào không ký vào Hiệp định.
Tôi hằng ao ước được đọc nguyên văn Bản Hiệp định Genève chỉ bằng tiếng Việt mà thôi. Rất may là trong một lần dạo mua sách cũ trên vỉa hè đường Hoàng Hoa Thám, Nha Trang, tôi đã mua được cuốn Đông Dương 1945-1973 của các tác giả Thế Nguyên, Diễm Châu, Đoàn Tường trình bày. Cuốn sách này do nhóm Đối Diện xuất bản vào năm 1973 (nhóm Đối Diện được nhiều người mệnh danh là nhóm “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản”. Trước 30/04/1975, nhóm Đối Diện có cho xuất bản nguyệt san mang tên Đối Diện. Sau 30/04/1975 đổi tên là Đứng Dậy. Đứng dậy được vài năm thì chính quyền cộng sản đá cho một cú chuyển thành bất toại luôn!). Trong cuốn Đông Dương 1945-1973 có đăng toàn bộ các văn kiện Hiệp định liên quan tới việc giải quyết chiến tranh tại Đông Dương qua các Hội nghị: Genève 1954 Và 1962, Paris 1973, Vạn Tượng 1973.
Ở trang bìa cuối cuốn sách Đông Dương 1945-1973, nhóm Đối Diện có những lời châm chọc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa: “Gần 6 tháng đã qua từ ngày Hiệp định Pa ri được ký kết. Nhưng cho tới nay, “một trong hai bên miền Nam Việt Nam” đã tuyệt nhiên không cho ai được phép ấn hành xuất bản, phổ biến toàn văn Hiệp định. Đó là dấu hiệu chứng tỏ hùng hồn nhất rằng đối với bên nào sự vi phạm Hiệp định Pa ri đã là cả một chủ trương. Chính vì muốn cho người dân miền Nam Việt Nam ra khỏi tình trạng chỉ có thể đọc Hiệp định Pa ri bằng bản in quá sang trọng của Mỹ hay bản in quá bình dân của (…) mà chúng tôi đã mạn phép – và vì những “lý do dễ hiểu” đã cố tình không xin phép - các tác giả tập tài liệu “Đông Dương/ 1945-1973” để công bố bản thảo tập tài liệu này. Mong các bạn đó cũng niệm tình tha thứ.
Công bố đầy đủ các tài liệu pháp lý liên hệ tới chiến tranh Đông Dương từ 1945 tới nay khách quan mà nói là một công việc đáng tuyên dương công trạng trước cả… Bộ Ngoại giao VNCH. Nhưng xin từ khước trước mọi thứ huy chương tặng thưởng. Chỉ sẳn sàng dành một số cho Bộ Ngoại giao sử dụng với giá thường lệ đối với các công sở, nghĩa là giá gấp đôi. Ông Quản thủ Văn khố Bộ Ngoại giao lo mua nhanh kẻo hết.”
Hiệp định Genève 1954 với vấn đề Tổng Tuyển cử
“Hội nghị Genève 1954 lúc khai mạc vào ngày 25-4-1954, Ngũ Cường định bao biện giải quyết cả vấn đề Triều Tiên lẫn Đông Dương. Cứ một hôm bàn về Triều Tiên lại một hôm bàn về Đông Dương. Nhưng các cuộc thảo luận về thống nhất Triều Tiên trong Hội nghị này không đưa đến kết quả nào, nên nay nói đến Hội nghị Genève 1954, người ta thường chỉ nghĩ tới một Hội nghị về Đông Dương.
Hội nghị khai mạc từ 26-4-1954, nhưng các phiên họp về Đông Dương chỉ thực sự bắt đầu từ 8-5-1954 với sự tham dự của 9 phái đoàn: Pháp, Anh, Hoa Kỳ, Liên Xô, Trung Cộng, Cam Bốt, Ai Lao và 2 phái đoàn của hai chính phủ ở Việt Nam: Chính phủ Quốc gia Việt Nam (Bảo Đại) và Chính phủ VNDCCH (Hồ Chí Minh).
Các Văn kiện được kể là văn kiện Hiệp định trong Hội nghị này gồm có:
1- Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam.
2- Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Ai Lao.
3- Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Cam Bốt.
4- Tuyên bố Cuối cùng của Hội nghị.
Bản Tuyên bố Cuối cùng tuy được xem như là tuyên cáo của Hội nghị, nhưng không mang chữ ký của bất cứ một phái đoàn nào.
Ngoài 4 văn kiện kể trên, có 2 văn kiện khác đã được 2 Phái đoàn đưa ra trong Hội nghị nhằm xác định lập trường riêng của mình. Đó là:
1-Tuyên ngôn của Phái đoàn Quốc gia Việt Nam.
2-Tuyên ngôn của Phái đoàn Hoa Kỳ.
Cả hai Phái đoàn Quốc gia Việt nam và Hoa Kỳ đã không ký vào bất cứ một văn kiện nào của Hội nghị Genève 1954” (2).
Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam gồm 6 chương, 47 điều được “Làm tại Genève ngày 20 tháng 7 năm 1954, lúc 24 giờ bằng tiếng Pháp và tiếng Việt Nam; cả hai bản đều có giá trị như nhau”(3).
Về phía Pháp “Thay mặt Tổng Tư lệnh Quân đội Liên Hiệp Pháp ở Đông Dương: Thiếu tướng Henri Deltiel” ký.
Về phía VNDCCH: “Thay mặt Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nước VNDCCH Tạ Quang Bửu” ký.
Chương II, điều 14 của Hiệp định: “Những biện pháp chính trị và hành chính trong hai vùng tập hợp, ở hai bên giới tuyến quân sự tạm thời:
“Trong khi đợi Tổng Tuyển cử để thực hiện thống nhất nước Việt Nam, bên nào có quân đội của mình tập hợp ở vùng nào theo quy định của Hiệp định này thì bên ấy sẽ phụ trách quản trị hành chính ở vùng ấy” (4).
Toàn văn Hiệp định khi nhắc đến Tổng Tuyển cử, chỉ sơ sài có bấy nhiêu ấy mà thôi, không ấn định rõ ràng hai bên phải tổ chức bầu cử ra sao? Không có những điều khoản chi tiết về Tổng Tuyển cử.
Trong Tuyên bố Cuối cùng việc Tổng Tuyển cử được nhắc đến: “Hội nghị tuyên bố rằng đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị, thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sẽ phải làm cho nhân dân Việt Nam được hưởng những sự tự do căn bản, bảo đảm bởi những tổ chức dân chủ thành lập sau Tổng Tuyển cử tự do và bỏ phiếu kín.
Để cho việc lập lại hòa bình tiến triển đến mức cần thiết cho nhân dân Việt Nam có thể tự do bày tỏ ý muốn, cuộc Tổng Tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7-1956, dưới sự kiểm soát của một Ban Quốc tế gồm đại biểu những nước có chân trong Ban Giám sát và Kiểm soát Quốc tế đã nói trong Hiệp định Đình chỉ Chiến sự. Kể từ ngày 20 tháng 7 năm 1955, những nhà đương cục có thẩm quyền trong hai vùng sẽ có những cuộc gặp gỡ để thương lượng về vấn đề đó”(5).
Tuyên ngôn của Phái đoàn Quốc Gia Việt Nam (ngày 21 tháng 7 năm 1954)
Nói đến Hiệp định Đình chỉ Chiến sự ở Việt Nam năm 1954 mà không nhắc đến Tuyên ngôn của Phái đoàn Quốc Gia Việt Nam là một thiếu sót lớn. Trưởng Phái đoàn Quốc gia Việt Nam là Bác sĩ Trần Văn Đỗ. Toàn văn Tuyên ngôn:
“Phái đoàn Quốc gia Việt Nam đã đưa ra đề nghị nhằm thực hiện một cuộc đình chiến mà không phân chia nước Việt, dù chỉ là tạm thời bằng việc giải giới các lực lượng chiến đấu sau khi rút về khu vực đóng quân, càng hẹp càng hay, của mỗi bên; và bằng sự thiết lập việc kiểm soát tạm thời của Liên Hiệp quốc trên toàn lãnh thổ Việt Nam, trong khi chờ đợi vãn hồi trật tự và hòa bình để dân Việt có thể quyết định vận mệnh mình bằng Tổng Tuyển cử tự do.
Phái đoàn Việt Nam phản đối việc bác bỏ mà không cứu xét đề nghị ấy - đề nghị độc nhất tôn trọng nguyện vọng dân tộc Việt Nam.
Phái đoàn tha thiết yêu cầu Hội nghị chấp thuận nhất là vấn đề phi quân sự hóa và trung lập hóa các giáo khu miền Trung châu Bắc Việt. Phái đoàn long trọng phản đối việc ký kết hấp tấp thỏa hiệp ngừng chiến do 2 cơ quan Tư lệnh Tối cao Pháp và Việt Minh mà thôi, trong khi Bộ Tư lệnh Pháp chỉ huy quân đội Việt Nam do một sự ủy quyền của Quốc trưởng Việt Nam, hơn nữa rất nhiều điều khoản của thỏa hiệp nói trên mang nặng những mối nguy hại cho tương lai chính trị của dân tộc Việt Nam
Phái đoàn long trọng phản đối việc thỏa hiệp đình chiến phó nhượng cho Việt Minh cả những vùng mà quân đội Việt Nam còn đóng quân. Những khu vực này rất cần thiết để bảo vệ cho Việt Nam khỏi bị cộng sản xâm nhập. Trong thực tế, thỏa hiệp còn đi đến chỗ tước của Việt Nam cái quyền bất khả xâm phạm để tổ chức phòng thủ của mình ngoài sự duy trì một quân đội ngoại quốc trên lãnh thổ mình.
Phái đoàn long trọng phản đối việc Bộ Tư lệnh Pháp, mặc dù không được sự thỏa thuận trước của Phái đoàn Việt Nam đã tự tiện ấn định ngày Tổng Tuyển cử. Việc này có tính cách chính trị rõ rệt.
Vì thế cho nên Chính phủ Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận một cách chánh thức rằng Việt Nam long trọng phản đối cách ký kết Hiệp định cùng những điều khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của dân Việt. Chính phủ Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận rằng Chính phủ tự dành cho mình quyền tự do hoàn toàn hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực hiện Thống nhất, Độc lập, Tự do cho xứ sở" (6).
Tuyên ngôn của Phái đoàn Hoa Kỳ liên quan đến Tổng Tuyển cử
Trưởng phái đoàn Hoa Kỳ là Bedell Smith đã tuyên bố: “Về đoạn trong bản Tuyên ngôn của Hội nghị nói đến Tuyển cử tự do ở Việt Nam, Chính phủ tôi muốn lập rõ lập trường của mình từng được bày tỏ trong một Tuyên cáo ở Hoa thịnh đốn ngày 29 tháng 6 năm 1954, như sau:
“Đối với một nước bị phân chia trái với ý muốn của những dân tộc ấy, chúng tôi sẽ tiếp tục cố thực hiện thống nhất cho họ bằng Tổng Tuyển cử tự do, đặt dưới quyền kiểm soát của Liên Hiệp quốc để cuộc tuyển cử được diễn ra một cách ngay thẳng” (7).
Kết luận
Bản Tuyên bố Cuối cùng của Hội nghị Genève đưa ra mốc thời gian là tháng 7 năm 1956 sẽ Tổng Tuyển cử, nhưng Tuyên bố cuối cùng không mang chữ ký của bất cứ một phái đoàn tham dự Hội nghị. Một tác giả đã nhận định: “Vấn đề Tổng Tuyển cử dự trù năm 1956 chỉ là nói miệng với nhau (oral statements) và không có chữ ký (unsigned document) của bất cứ phái đoàn nào, nó không có nhiều giá trị về mặt pháp lý. Trên thực tế cuộc Tổng Tuyển cử tại Việt Nam năm 1956 không được các cường quốc quan tâm kể cả Nga và Trung cộng, người ta chỉ muốn một Hiệp định chấm dứt chiến tranh.
Thứ hai nó không ấn định rõ ràng hai bên phải tổ chức bầu cử ra sao? Không có những điều khoản chi tiết về Tổng Tuyển cử. Nó ngụ ý hai bên Bắc và Nam tự giải quyết lấy vấn đề tùy theo thiện chí của hai bên, hoàn toàn không mang tính mệnh lệnh, quy định phải thực hiện, nói chung mơ hồ” (8).
Và phái đoàn Quốc gia Việt Nam đã “long trọng phản đối việc Bộ Tư lệnh Pháp, mặc dầu không được sự thỏa thuận trước của Phái đoàn Việt nam, đã tự tiện ấn định ngày Tổng Tuyển cử. Việc này có tính cách chính trị rõ rệt”.
Việc chia cắt đất nước dù chỉ tạm thời là hoàn toàn đi ngược lại với nguyện vọng của người dân Việt Nam.
7A Hồng Bàng- Nha Trang
___________________________
Chú thích:
2. Đông Dương 1945-1973, trang 27-28.
3- Cuối Hiệp định ghi: “làm tại Genève ngày 20 tháng 7 năm 1954 lúc 24 giờ”. Hiệp định về Việt Nam được Pháp và VNDCCH ký kết lúc 3 giờ 15 sáng 21.7.1954 trong lúc đồng hồ ở điện Vạn Quốc ở Genève vẫn được giữ nguyên ở khắc 12, đêm 20 tháng 7. Phái đoàn Quốc gia Việt Nam (Bảo Đại) và Phái đoàn Hoa Kỳ không ký vào Hiệp định (xem Đông Dương 1945-1973, trang 11)
4, 5, 6, 7: Đông Dương 1945-1973, trang 34; 53; 55-56; 58