“Lòng dân” thời 4.0 - Sự khởi đầu của "cuộc cách mạng sợ hãi" tại Việt Nam? - Dân Làm Báo

“Lòng dân” thời 4.0 - Sự khởi đầu của "cuộc cách mạng sợ hãi" tại Việt Nam?

Mẹ Nấm (Danlambao) - Hai sự kiện có ảnh hưởng đến cục diện chính trị Việt Nam vừa xảy ra mới nhất là Tổng bí tịch Nguyễn Phú Trọng lâm bệnh đột ngột và cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh qua đời. Tin tức thời sự này được người dân đón nhận bằng nhiều thái độ khác nhau. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ người ta có thể thấy khái niệm “lòng dân” hiện nay hoàn toàn đi ngược với “ý đảng”. Lòng dân thời 4.0 - thời công nghệ, được bày tỏ bằng những biểu tượng (icon) mặt cười hết sức sinh động. Và để giấu nhẹm làn sóng phản kháng này, hình thức kiểm duyệt bình luận và xoá bài viết đã được sử dụng.

Sự kiện Tổng bí tịch Nguyễn Phú Trọng đột quỵ trong chuyến công tác tại Kiên Giang được khá nhiều người đón nhận với tâm trạng hiếu kỳ và hả hê.

Thống kê sơ bộ không chính thức cho thấy ông Trọng không nhận được nhiều thiện cảm của cộng đồng mạng như trong những bài báo ca ngợi lãnh tụ đăng trên VNExpress, VietnamNet... hay nhiều trang báo mạng trước đó.

Ngay sau đó, một sự kiện khác đón nhận phản ứng đầy bất ngờ của cộng đồng mạng đó là khi Lê Mạnh Hà - con trai cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh - đăng thông tin về tình trạng sức khoẻ hiểm nghèo của cha mình trên trang Fanpage cá nhân. Một số đông người tham gia mạng xã hội Facebook đã bày tỏ ý kiến đối kháng thay vì thông cảm.


Đặc biệt nhất, biểu tượng mặt cười, đã được dân cư mạng sử dụng, để bày tỏ sự hân hoan, thái độ khinh bỉ đối với Lê Đức Anh ngay trong lễ tang được phát trực tiếp trên đài truyền hình quốc gia. Người ta gọi ông ta là “hèn tướng” và nhắc đến quân lệnh “cấm nổ súng” trong thảm sát Gạc Ma 1988 tại quần đảo Trường Sa.


Sau khi chặn và xoá các bình luận trái chiều, nhưng không thể chặn đứng việc người đọc bày tỏ thái độ bằng biểu tượng có sẵn của Facebook, ông Lê Mạnh Hà đã xoá status gây bão của mình.

Tương tự, báo Tuổi Trẻ cũng xoá bài viết nhận được gần 1000 lượt tương tác bằng mặt cười từ người đọc trên trang Fanpage của báo.


Người ta cảm thấy vui mừng khi có thể dùng mạng xã hội (MXH) để truyền tải thái độ của mình đến với đúng đối tượng. Và lúc này có thể thấy, MXH chính là công cụ kết nối để truyền tải thông điệp và thái độ của người dân thật hữu hiệu.

Khi nhìn lại sự bày tỏ thái độ của người dân trước hai sự kiện liên quan đến Nguyễn Phú Trọng và Lê Đức Anh, tôi nhớ đến phương thức biến những tên độc tài xấu xa thành trò bỡn cợt của phong trào Otpor trong chiến dịch “Nó thối nát. Nó sẽ ra đi”

Có vẻ hơi khập khiễng khi so sánh bước đầu tiên thể hiện lòng dân thời 4.0 ở Việt Nam với chiến dịch lịch sử của Otpor. Nhưng có mấy điểm chung mà ai cũng có thể thấy là hiệu ứng đám đông từ sự hưởng ứng những việc làm đơn giản không nguy hiểm. 

Nếu trước đây an ninh có thể theo dõi vài chục, vài trăm bình luận của các Facebookers quan tâm đến tình hình chính trị - xã hội và đưa họ vào danh sách đen thì hiện nay, với con số hàng ngàn trở lên, họ bất lực. 

Có thể xoá hết những tài khoản đã thả biểu tượng mặt cười chế giễu vào dòng tin liên quan đến lãnh tụ quốc gia không? 

Không!

Có thể bắt giam những người chế giễu “hèn tướng” Lê Đức Anh bằng mặt cười ha ha trên Facebook không?

Không!

Và những người cầm quyền có cảm thấy do dự trước thái độ được bày tỏ của nhiều công dân trong xã hội hay không?

Chắc chắn là có.

Hơn bao giờ hết, với những gì xảy ra trong hiện tại, tôi tin rằng “cuộc cách mạng của sợ hãi” tại Việt Nam hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lại gần.

05.05.2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo