Tham nhũng bất trị, rửa tiền báo động - Dân Làm Báo

Tham nhũng bất trị, rửa tiền báo động

Trần Nguyên Thao (Danlambao) - Đảng cộng sản Việt Nam (CSVN) bế mạc hội nghị trung ương 10, khóa XII trong hoàn cảnh có ông Chủ Tịch nước độc đoán, thể chất mong manh tuổi “xế chiều” là nguồn cơn đưa đến những cuộc đấu đá cạnh tranh quyền lực giữa 247 cán bộ chiến lược, tranh giành 200 chức Ủy Viên Trung Ương đảng khóa 13 (2021-2026). Tình huống này diễn ra đúng lúc nạn tham nhũng trong mọi ngành hoàn toàn bất trị, đưa đến quốc nạn rửa tiền được chính Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) báo động toàn quốc; Mỹ đang cứu xét đưa Việt Nam vào danh sách các nước “thao túng tiền tệ”.

Nơi CSVN dựa dẫm về kinh tế là Bắc Kinh lại đang đụng độ với phần còn lại của thế giới trên căn bản giữa hai hệ thống kinh tế hoàn toàn khác biệt; khởi đầu là Bắc Kinh bị vây hãm cửa ngõ ra Biển Đông. Riêng chiến tranh thương mại với Mỹ, Bắc Kinh “trở mặt” vào giờ chót, lật ngược đàm phán trước đó, vì “đánh giá sai” phản ứng của Tổng Thống Trump. Hoa Kỳ chẳng những tăng thuế quan, mà còn ban hành tình trạng khẩn cấp không cho Bắc Kinh tiếp cận các sáng chế tin học, đề phòng “thế chiến công nghệ cao”.

Thương chiến nhì nhằng, hai bên cùng thiệt hại. Nhưng chắc chắn Trung cộng bị thiệt hại nặng hơn, vì quá lệ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ cả về thương mại và công nghệ cao.

Cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Tầu đã khép lại đêm thứ Sáu, 10 tháng 05 với bước chân âm thầm rời nước Mỹ của 100 thành viên thuộc đoàn đàm phán Trung cộng. Phó Thủ Tướng Lưu Hạc, Trưởng Đoàn còn đưa ra lời gỡ gạc “hẹn ngày tái ngộ" khi nắm tay từ biệt Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ, Robert Lighthizer.

Cho đến tời điểm (10/05), giới theo dõi thông tin mới vỡ lẽ về lời cáo giác 03 ngày trước đó của Robert Lighthizer “Bắc Kinh âm mưu lật lọng ngôn ngữ đàm phán” là sự thật [1]. Đọc dòng "tuýt" của TT Trump, giới truyền thông nhận ra lý do Nhà Trắng cho thi hành kế hoạch “phòng hờ” sắp xếp từ 1 tuần trước, giờ đây đã thành sự kiện trong nền ngoại thương Hoa Kỳ. Bởi vì người cầm đầu ở Trung Nam Hải chỉ thị “trói tay” phái đoàn của họ giờ chót, bỏ hẳn các thỏa thuận trong bản thương thảo 150 trang với qui mô từng được đôi bên xây dựng ngót 3 tháng tính đến Ngày Hiền Mẫu của Hoa Kỳ. 

Bắc Kinh tiên đoán sai về tình hình kinh tế vĩ mô của Mỹ, nên chọn chiến thuật “cù cưa” kéo dài may ra đến năm 2020 Nhà Trắng thay chủ mới, tình thế sẽ thay đổi. Từ suy đoán đó, Bắc Kinh cho rằng ông Trump có thể phải chấp nhận thỏa thuận thương mại do Bắc Kinh lật ngược. Đây là lần thứ hai trong vòng 70 ngày, Bắc Kinh “bắt mạch” sai về Hoa Thịnh Đốn.

Thực tế cho thấy, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung cộng sẽ không bao giờ quay trở lại như ba thập niên qua. Thời kỳ “trăng mật” quá lâu dài Âu Mỹ dành cho Trung cộng đang trong tiến trình “khép lại”. Do chính giới Hoa Kỳ trong hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ cùng với Châu Âu rất dè chừng kiểu làm ăn trở cờ lừa đảo, ăn cắp bí mật công nghệ, tranh thương bất chính... của Bắc Kinh. 

Tổng Thống Trump đã quyết định nâng thuế nhập khẩu lên mức 25% trên 200 tỷ Mỹ Kim đối với 5700 mặt hàng của Trung cộng thay cho mức 10% trước đó [2]. Và còn hứa hẹn, sẽ tăng thuế lên 25% đối với 325 tỷ Mỹ Kim hàng hóa khác của Trung cộng

Thị trường chứng khoán Sanghai đã bốc hơi hơn 345 tỷ Mỹ Kim trong 1 ngày, sau đó tiếp tục lao dốc. Ngay lập tức Bắc Kinh tung tiền ra để cứu thị trường Shanghai Composite Index tránh được cú giảm 5,6%. Đồng Nhân Dân Tệ mất giá kỷ lục kể từ đầu năm nay. Một loạt đồng tiền châu Á, kể cả tiền đồng Việt Nam, nhất là các nước đang trỗi dậy, buôn bán với Hoa lục sẽ bị lôi xuống theo. Tổng cục Hải quan Trung cộng công bố số liệu xuất nhập khẩu cho thấy xuất khẩu tháng 2 của nước này sụt gần 21% và nhập khẩu giảm 5%, đều là những con số xấu hơn nhiều so với dự báo. Giới đầu tư đang chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.

Nhật báo Kinh Tế Les Echos nhìn nhận Donald Trump có lý khi buộc Bắc Kinh mở cửa thị trường và tôn trọng tác quyền trí tuệ. Nhưng tổng thống Mỹ đã sai lầm khi sử dụng biện pháp trừng phạt đơn phương, thay vì qua Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, gây ra phản ứng trả đũa từ phía Bắc Kinh.

Hôm 13 tháng 5, Bắc Kinh trả đũa [3] bằng cách áp thuế lên 5000 mặt hàng của Mỹ trị giá 60 tỷ Mỹ Kim, bắt đầu từ 01/06, với thuế xuất mới từ 5 đến 25%.

Tuy nhiên, Tổng Thống Trump nói rằng, người tiêu dùng Mỹ sẽ tránh được tác động thuế quan của Trung cộng, bằng việc mua sản phẩm tương tự từ các nguồn khác.

Trong một quyết định mới nhằm bảo vệ nước Mỹ, Tổng Thống Trump đã ký sắc lệnh hôm 16 tháng 05, cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông sản xuất bởi các công ty nước ngoài được cho là mối đe dọa an ninh quốc gia. Nhà Trắng nêu ra quan niệm “bảo vệ nước Mỹ khỏi những kẻ thù ngoại bang đang tích cực và tăng cường tạo ra và khai thác các lỗ hổng trong cơ sở hạ tầng và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông” [4]. Sắc lệnh không nêu danh công ty thuộc nước nào, nhưng trong chiến tranh Tin Học hiện tại Huawei của Trung cộng đã được Mỹ và một số quốc gia như Úc và New Zealand đều cấm sử dụng các thiết bị của Huawei trong mạng di động thế hệ 5G đang triển khai trên thế giới.

Hồi cuối tháng 02, lúc ông Trump đang họp với Bắc Hàn ở CSVN về từ bỏ võ khí hạt nhân, khi đó Quốc Hội Dân Chủ “xát xà bông” ông Trump khá mạnh tay, Bắc Kinh tưởng ông Trump lâm thế yếu, liền “thọc gậy bánh xe” xúi “Ủn lên gân trở mặt”, hủy mọi đàm phán kỹ thuật trước đó. Không ngờ ông Trump bỏ phòng họp ra về. Hai ngày sau (02 tháng 03) đại diện thương mại Mỹ tại WTO yêu cầu loại Trung Cộng ra khỏi nhóm các quốc gia nhận ưu đãi của Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO), vì bắc Kinh chơi gian trợ cấp 100 tỷ Mỹ Kim bất chính cho các công ty quốc doanh, vi phạm luật cạnh tranh. Cho đến thời điểm này, nước Tầu bị nạn cúm heo từ tháng 11 năm 2018 hoành hành tại 20 tỉnh khiến Trung cộng phải tiêu hủy trên (1) triệu con heo; đe dọa sang tỉnh Tứ Xuyên, nơi cung cấp mỗi năm 65 triệu con heo cho dân Tầu. Thiệt hại đến 128 tỷ Mỹ Kim cho ngành chăn nuôi trên cả nước, khiến Trung cộng, phải nhập cảng thịt heo. Mỹ buộc Tầu phải gỡ bỏ tất cả thuế biểu trên các lô hàng nông sản gồm thịt heo, bò mua của Mỹ. Nội vụ xảy ra, cả thế giới đều thấy, Bắc Kinh rất “tay mơ” về đàm phán với Mỹ.

10 tháng qua, sau đợt Mỹ tăng thuế 10% lên 200 tỷ Mỹ Kim hàng nhập từ Trung cộng, Bắc Kinh trầm mình vào nội bộ chính trị bất ổn; tăng trưởng GDP chỉ còn quanh mức 6%; chứng khoán đã mất giá 25% nội năm 2018; mức dự trữ ngoại hối giảm từ 4.000 Mỹ Kim xuống mức 2.600 tỷ vào mùa Đông năm ngoái, nay mới phục hồi lên mức 3.100 tỷ; hối suất đồng Nhân Dân Tệ đã tụt xuống mức 6-8% do các nhà đầu tư rút tiền tháo chạy… Chính sách tăng thuế đợt II với thuế quan 25% vừa áp dụng sẽ gây nhiều ảnh hưởng nặng nề cho Bắc Kinh hơn chưa ai tiên đoán được. 

Dịp Bắc Kinh lật lọng đàm phán thương mại trùng vào mốc thời gian đầy ghi nhớ, Hải Quân nhiều quốc gia Tự Do đứng vào thế liên hoàn để chặn cửa ngõ từ Đài Loan đến Nam Hàn, nơi được hình dung như “cái chốt” trên tuyến biên phòng của Mỹ ở vùng Đông Bắc Thái Bình Dương. Cuộc ra quân này còn mang ý nghĩa cảnh cáo Bắc Kinh chớ tung hoành ở Biển Đông, nơi hải lộ chuyên chở trị giá 5000 tỷ Mỹ Kim hàng hóa trên thế giới mỗi năm. 

Các chiến dịch Tự Do Hàng Hải gia tăng nhịp độ đã đã yểm trợ mạnh mẽ cho đạo luật được Hạ Viện Mỹ chấp thuận hôm 07/05/2019 ủng hộ Đài Loan. Từ năm 1954, Bắc Kinh đã muốn “giải phóng” Đai Loan, nhưng gặp phải chiến lược của Mỹ dùng quốc đảo chỉ rộng 36 ngàn cây số vuông, với 23, 57 triệu dân sinh sống, để “cầm chân” Lục Địa Trung cộng có đến gần 1 tỷ rưỡi người! 

Theo thông báo của hải quân Philippines hôm 09/05/2019, lần đầu tiên hải quân của bốn nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Philippines [5] đã tham gia chiến dịch Tự Do Hàng Hải kéo dài một tuần ở Biển Đông. Khởi đầu tại Busan, Hàn Quốc, nhằm củng cố quan hệ đối tác và nâng cao sự thông hiểu nhau giữa Hải Quân các nước.

Chưa hết, ngay hôm sau 10/05/2019, tại Ấn Độ Dương, ngoài khơi tiểu bang Goa, miền Tây Ấn Độ, Hải Quân Pháp và Ấn Độ đã khai mạc một cuộc tập trận với quy mô lớn, huy động hai hàng không mẫu hạm, trong đó có chiếc Charles de Gaulle của Pháp đang có mặt tại châu Á. Dù không bị nêu đích danh, nhưng Bắc Kinh được cho là đối tượng mà cả Pháp và Ấn Độ đều nhắm tới. Cuộc tập trận huy động hơn một chục chiến hạm và tàu ngầm từ cả hai phía [6], và một tàu ngầm hạt nhân không được nêu tên.

Cho đến nay, CSVN và Bắc Kinh đều theo đuổi toan tính buộc chặt toàn dân thành nạn nhân nền kinh tế “Tư Bản Nhà Nước”. Chính sách này chỉ làm giầu cho đảng viên cộng sản. Nếu muốn làm ăn với các nước giầu có ngoài khối cộng sản thì phải thay đổi thể chế và luật hóa, chuyển hướng nền kinh tế sang khu vực tư.

Đầu tháng Tư vừa qua, CSVN đưa ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban kinh tế Trung ương - Ủy viên Bộ Chính trị đến Hoa Kỳ “mè nheo” với Thứ trưởng Bộ Thương Mại Hoa Kỳ Karen Dunn Kelly để “chạy” quy chế kinh tế thị trường. 

Với Châu Âu, CSVN đang mong sẽ có hiệp định thương mại FTA và Bảo Hộ đầu Tư IPA khoảng mùa Thu năm nay, sau khi CSVN phê chuẩn 03 Công ước 98, 87 và 105 về lao động, liên quan mật thiết đến Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và công đoàn độc lập mà CSVN chây ì từ quá lâu chưa chịu ký kết.

FTA với EU lần hồi đưa đến “free” thuế quan của từng nhóm mặt hàng quy định trong văn bản; sẽ đưa đến thất thu ngân sách, buộc cộng đảng phải tăng giá xăng, dầu, điện nước và thuế phí trong nước để bù vào lỗ hổng ngân sách năm nào cũng thâm thủng, vì chính kẻ nội thù là hàng ngũ cán bộ cấp cao của chế độ ngụp lặn với tham nhũng chuyển hết tiền ra ngoại quốc, khiến Việt Nam chỉ còn “cái vỏ” phù hoa!

Hôm 17 tháng 05 (NHNN) Việt Nam công khai nhìn nhận tệ nạn quốc gia về rửa tiền ở 3 mức [7] : trong các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, hệ thống chuyển tiền ngầm được đánh giá ở mức “cao”, mảng kinh doanh kiều hối được xếp “trung bình cao”, trong khi lĩnh vực chứng khoán, sòng bài... xếp ở mức “trung bình”. Tệ nạn rửa tiền được chính NHNN công bố có anh hưởng ra sao nếu Mỹ trừng phạt Việt cộng vì “thao túng tiền tệ”.

Các chuyên gia kinh tế tiên đoán, Việt Nam là vùng có thể “hứng được vài cánh hoa rơi” do nhiều công ty sẽ rời thị trường Trung cộng, bởi muốn tránh hậu quả thuế quan của Mỹ. Việc tuồn hàng vào Mỹ qua ngả Việt Nam để tránh thuế có thể là ý tưởng “chạy trời không khỏi nắng”.

Nền kinh tế, tài chánh của CSVN đang bị buộc chặt vào Bắc Kinh cả về hối đoái hay tiền tệ, mảng công nghệ đấu thầu và hàng chục triệu người Tầu tung hoành làm chủ 31% bất động sản tại các thành phố lớn của Việt Nam... Ngoại thương thì phần lớn phụ thuộc vào các nước khác. Do thực tế này, CSVN luôn phải áp dụng đi dây với khuynh hướng “lách mình” trước những đe dọa hay dụ ngọt từ Phương Bắc.

Về quốc phòng, giới chuyên môn cũng khuyến cáo CSVN phải nhanh tay “rẽ đúng ngõ”, vì bắc Kinh đang nhòm ngó để thi hành toan tính dùng Việt Nam như địa bàn thao dượt cho quân lực của họ “học tập kinh nghiệm chiến trường” [8], trước khi giám giáp mặt với đối thủ cao cơ hơn.

Kẻ thù thuộc mọi lãnh vực đang ở ngay trong lòng đất nước. 

Hy vọng người Việt nam có đủ sáng suất và dũng khí trước vận mệnh của Dân Tộc.

18 May 2019


__________________________________

Chú thích:










Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo