Lê Diễn Đức (RFA) - Như vậy là vào đầu năm mới 2011, ngành công an, an ninh “chỉ biết còn Đảng còn mình” của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam đã có “món quà” quý dâng lên đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11: hành hung một nhà ngoại giao của Hoa Kỳ đang công tác tại Việt Nam.
Đây là một tiền lệ nguy hiểm, đúng hơn là một scandal ô nhục, rất hiếm hoi trong quan hệ ngoại giao quốc tế.
Trong ngày 6 tháng 1, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chính thức gửi kháng thư đến Bộ Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội và Đại sứ quán Việt Nam tại Washington, phản đối mạnh mẽ sự vụ công an Việt Nam tại thành phố Huế đã có thái độ thô bạo, xô đẩy, làm chấn thương ông Christian Marchant, tùy viên chính trị của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội.
"Con vẹt mái" của Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga trong cuộc họp báo chiều 06/01 nói Việt Nam đang “xem xét sự việc” và “Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện cho ngoại giao đoàn hoạt động, nhưng các viên chức ngoại giao nước ngoài cũng cần phải tuân thủ pháp luật nước sở tại”.
Đã từng làm việc nhiều năm ở Sở Ngoại vụ và Tổng lãnh sự quán Ba Lan tại thành phố Hồ Chí Minh, tôi biết được một số nguyên tắc cơ bản đối với các nhà ngoại giao làm việc tại Việt Nam.
Ngoài mục đích tới thăm linh mục Thadeus Nguyễn Văn Lý, một nhân vật bất đồng chính kiến, đã được tạm trả tự do để chữa bệnh nhưng đang chịu chế độ quản thúc tại Huế, ông Christian Marchant đã không có hành vi nào khác trái với pháp luật Việt Nam.
Nếu không có gì thay đổi, trong thời gian làm việc tại Việt Nam, tôi chưa bao giờ được nghe truyền đạt, chỉ thỉ hoặc khuyến cáo của cơ quan chủ quản rằng, pháp luật của CHXHCN Việt Nam cấm các nhà ngoại giao thăm viếng dân chúng nước sở tại, kế cả người đang bị chế độ quản chế.
Ông Christian Marchant chỉ bị cáo buộc không “tuân thủ pháp luật” khi đi ra khỏi khu vực đăng ký cư trú (cụ thể trong trường hợp này là Hà Nội) mà không có sự đồng ý của phía Việt Nam.
Mỗi khi các viên chức ngoại giao thực hiện công vụ tại các địa phương khác, cơ quan ngoại giao nước ngoài phải viết công hàm cho phía Việt Nam thông báo và rất ít khi bị từ chối cấp giấy phép đi đường.
Tôi không nghĩ Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã không thực hiện điều này.
Hơn nữa, tất cả nhân viên ngoại giao làm việc ở bất kỳ quốc gia nào cũng được hưởng đặc quyền ưu đãi, miễn trừ và quyền bất khả xâm phạm thân thể.
Không vì vậy nhân viên ngoại giao mặc nhiên trở thành con Trời, vi phạm pháp luật mà không bị trừng phạt. Nếu vi phạm pháp luật của nước sở tại nhưng tội phạm không thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng (được ghi trong thỏa thuận riêng rẽ giữa hai nước hoặc quốc tế), thông thường họ sẽ bị trục xuất về nước và bị xét xử theo pháp luật của nước đó.
Tuy nhiên, bất luận trong trường hợp nào, kể cả vi phạm pháp luật nước sở tại, các nhà ngoại giao cũng được pháp luật của nước sở tại bảo vệ an ninh và an toàn thân thể theo công ước Vienne về Quan hệ Ngoại giao năm 1961 mà CHXHCN Việt Nam đã ký kết.
Cũng chính vì vậy mà các nhà ngoại giao mang hộ chiếu bìa đỏ của CHXHCN Việt Nam đã khai dụng triệt để quyền ưu đãi miễn trừ để chuyển hàng lậu từ Ba Lan về Việt Nam hay qua Nga trong những năm cuối của thập niên 80 và đầu thập niên 90. Trong thời kỳ này, thuê người mang hộ chiếu đỏ làm “cửu vạn” trở thành dịch vụ phổ biến với sự cạnh tranh gay gắt giữa các tướng soái (tiếng lóng chỉ các doanh nhân thành đạt ở Nga và Đông Âu). Nhiều nhân vật cao cấp trong các đoàn đại biểu của chính phủ Việt Nam qua Ba Lan cũng đã sẵn sàng tham gia các thương vụ béo bở “chả phải làm gì” mà bỗng dưng có tiền này!
Chúng ta còn nhớ sự kiện chuyển người bất hợp pháp trong những năm 70 ở Cộng hòa Dân Chủ Đức. Biên phòng Đông Đức có lần đã bắt quả tang đại sứ Cuba “anh em” giấu hai phụ nữ trong cốp đựng hành lý của xe hơi để chở qua Tây Đức với giá 50 ngàn Mác. Vi phạm nghiêm trọng luật pháp Đông Đức, với người dân bình thường có thể bị án tù chung thân, thậm chí bị tử hình, ngài đại sứ Cuba cũng chỉ bị trục xuất về nước.
Một trường hợp cách đây không lâu với Thứ trưởng Ngoại giao CHXHCN Việt Nam Lê Văn Bàng. Khi còn làm Đại sứ tại Hoa Kỳ, đi bắt sò ở vùng cấm, ông Bàng đã vi phạm luật pháp của nước sở tại. Tuy có giữ lại xét hỏi nhưng khi biết ông Bàng là đại sứ Việt Nam, có thân phận ngoại giao, cảnh sát chỉ khuyến cáo nhẹ nhàng, còn phía chính phủ Hoa Kỳ dường như lờ đi, không đả động chính thức gì về việc này.
Tôi cho rằng, ông Christian Marchant đã không có thái độ nào chứng tỏ “không tuân thủ pháp luật” Việt Nam. Ông chỉ làm cái việc mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không muốn, không thích. Lộ trình chuyến công du đi Huế của ông chắc chắn đã được thông báo cho nhà chức trách Việt Nam. Bởi vì, đi máy bay từ Hà Nội vào sân bay Phú Bài, rồi thuê xe đến số 69 đường Phan Đình Phùng, nơi Linh mục Nguyễn Văn Lý đang chữa bệnh, khi tới nơi, ông Christian Marchant đã thấy nhiều công an chực sẵn và ngăn cản không cho ông thực hiện công việc của mình.
Dủ thế nào đi nữa, có quyền ngăn cản để giải thích, lời qua tiếng lại có thể xảy ra, nhưng dẫn tới xô xát, có hành vi hung bạo, làm chấn thương ông Christian Marchant, công an Việt Nam đã vi phạm luật pháp và thông lệ quốc tế dành cho các nhà ngoại giao.
Tôi không tin rằng những nhà lãnh đạo chóp bu của Đảng Cộng sản Viêt Nam lại ngu dại đến mức chỉ thị cho thuộc cấp tại Huế thẳng tay với nhà ngoại giao Hoa Kỳ như vậy. Đây là hậu quả tất yếu của một lực lượng an ninh đã bị côn đồ và lưu manh hóa.
Trong bài “Hãy gọi chúng cho đúng tên loài chó mang bản sắc Việt Nam” [1] trên RFA Blog này, tôi đã có bài vừa phân tích, vừa chứng minh bằng cả dư luận trong nước về “thành tích” lưu manh, côn đồ của công an Việt Nam trong năm 2010. Hiện tượng công an đánh đập, gây chấn thương hoặc tử vong cho dân thường trở nên thường xuyên và hầu như chưa có kẻ phạm tội nào được đưa ra xét xử minh bạch.
Thật khó tưởng tượng hành vi nào hèn mạt, dơ bẩn hơn trong một chế độ mà công an thản nhiên mặc cho bọn lưu manh ném cứt đái vào nhà cụ Hoàng Minh Chính, một nhà cách mạng lão thành, cựu Giám đốc trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, cựu Viện trưởng Viện Triết học Mác-Lenin, chỉ vì cụ có ý kiến khác với chính quyền!
Thản nhiên, vô cảm hay là chính quyền bắt tay với xã hội đen?
Không bỗng dưng mà có đơn nặc danh gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, được cho là của người trong ngành công an, tố cáo Nguyễn Đức Nhanh, giám đốc công an Hà Nội, đã “mời” các tay chân đàn anh trong xã hội đen dự đám cưới cậu ấm Nguyễn Đức Quang. Mời nhưng cấm không được bén mảng, chỉ cần gửi phong bì với ba ngàn đôla “mừng vọng cháu”!
Ở bài “Việt Nam một xã hội đã bị lưu manh hóa”, viết trên Talawas Blog [2], tôi có nói về nhân vật Ánh Trọc (tức Trần Xuân Ánh ngụ ở Ngõ Thông Phong, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội), trùm đâm thuê chém mướn khét tiếng của Thủ đô Nghìn năm Thăng Long, nhởn nhơ, ngông nghênh ra sao ngoài vòng pháp luật, dù hắn đã “hóa kiếp” ít nhất 3 người và có lệnh truy nã.
Trả lời phỏng vấn của Quỳnh Chi, phóng viên RFA hôm 6/1, ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) nói:
“Hơn một năm nay, Human Rights Watch đã ghi nhận những trường hợp đáng lo ngại về cảnh sát Việt Nam dùng bạo lực. Chúng tôi thấy rằng việc này biểu hiện thêm rằng cảnh sát không bị kiểm soát. Việc này liên quan một phần đến việc chính phủ Việt Nam không bắt họ chịu trách nhiệm cho những hành động này, và vì họ đang nằm ngoài pháp luật”.
“Hậu quả là hình như cảnh sát có thể làm gì họ muốn làm. Không thể loại trừ trường hợp những cảnh sát này không biết họ đang hành hung người thuộc Đại sứ quán. Tuy nhiên, khi cảnh sát hành hung người, bất kể người nào, đều là không đúng”.
“Đây là một xu hướng thật đáng lo ngại bởi vì chúng tôi đã ghi nhận được rằng nhiều trường hợp cảnh sát bắt người rồi hành hạ trong lúc điều tra. Theo một bản báo cáo chúng tôi đã đưa ra hồi tháng 9, có khoảng 15 thường dân bị chết trong lúc bị cảnh sát tạm giữ điều tra trong 1 năm qua…”.
“Tôi cho rằng, hiện giờ rất nhiều nhân viên ngoại giao của các nước có trụ sở tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (HCM) đang quan tâm về vụ việc. Lý do là làm sao họ biết được chắc chắn rằng sự việc tương tự không xảy ra với họ? Chính vì thế, chính phủ Việt Nam không những nên giải thích với chính phủ Hoa Kỳ, mà còn phải giải thích với các Đại sứ quán và Lãnh sự quán ở Hà Nội cũng như TPHCM. Đồng thời, phía Việt Nam cũng nên cho biết làm cách nào để trong tương lai không xảy ra những việc tương tự”. [3]
Kết luận
Tôi đã gặp và phỏng vấn Lê Phước Tuấn, một người mang hai dòng máu Việt-Mỹ, đã đả thương ông Nguyễn Quốc Huy, một thành viên trong phái đoàn Thủ tướng Phan Văn Khải đến thăm Hoa Kỳ vào năm 2005.
Cú đấm của Tuấn - như Tuấn tâm sự với tôi - là sự trút hận, nhưng không nhắm vào cá nhân ông Nguyễn Quốc Huy, mà là nhắm vào cái chế độ rêu rao đạo đức, bình đẳng xã hội nhưng đã khinh bỉ, bạc đãi và đẩy số phận những người con lai xấu số trong chiến tranh Việt Nam tới bần cùng.
Mặc dù cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ đã vận động tư pháp và quyên góp tài chính thuê luật sư tốn kém hàng chục ngàn đô la, Lê Phước Tuấn vẫn bị ngồi tù gần 14 tháng về tội phạm hình sự và tiếp theo là tình trạng có thể bị Tòa án Di Trú trục xuất về Việt Nam.
Trong nhiều năm qua Tuấn đã bị Tòa án Di Trú quần cho lên bờ xuống ruộng vì phải chịu sự giám sát chặt chẽ về chỗ cư trú, hạn chế đi lại và thường xuyên phải ra hầu tòa. Mãi đến tháng 6/ 2009, tòa án mới phán quyết cho Tuấn ở lại Hoa Kỳ nhưng phải chịu sự quản chế (probation).
Một phó thường dân (thường trú nhân, chưa phải công dân Hoa Kỳ) gây thương tổn đến thân thể một nhà ngoại giao Việt Nam (cấp thấp) đã bị luật pháp Hoa Kỳ xử phạt như vậy.
Còn công an cộng sản Việt Nam - người đại diện cho công quyền – hành hung, làm chấn thương nhà ngoại giao của Đại sứ quán Hoa Kỳ, sẽ được luật pháp Việt Nam xử lý ra sao?
Chúng ta hoàn toàn kiên nhẫn chờ xem cái vụ “xem xét sự việc” mà Bộ Ngoại giao CHXHCN Việt Nam tuyên bố sẽ đi đến đâu! ■
-------------------------------------
* [1]: “Hãy gọi chúng cho đúng tên loài chó mang bản sắc Việt Nam”, Lê Diễn Đức, RFA Blog: http://www.rfavietnam.com/node/345
* [2]: “Việt Nam, một xã hội đã bị lưu manh hóa”, Lê Diễn Đức, Talawas Blog: http://www.talawas.org/?p=18163
* [3]: Phóng viên RFA Quỳnh Chi phỏng vấn ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch):
© 2011 Lê Diễn Đức
© 2011 Radio Free Asia
http://www.rfavietnam.com/node/371