Đào Tuấn - Tối khuya, quyết định tăng giá xăng dầu mới được Bộ Tài Chính đưa ra và có hiệu lực sau đó chỉ chưa tới 2 tiếng đồng hồ, tức lúc 22h ngày 29-3.
Một quyết định bí mật, ban hành bất ngờ, chỉ hơn 1 tháng sau khi xăng tăng giá kỷ lục (thêm 2.900 đồng/lít vào 24-2), chỉ 3 ngày sau khi Bộ trưởng Bộ Tài chính đăng đàn Quốc hội nói về việc kiểm soát giá cả, và chỉ 4 tiếng sau khi QH bế mạc. Rồi ngay sau đó, ngày 30-3, Chính phủ tổ chức họp, chắc thế nào cũng có phần giải thích nguyên nhân và kêu gọi nhân dân bớt ra đường.
Ừ thì sự bí mật của quyết định tăng giá đã loại bỏ hoàn toàn các yếu tố đầu cơ, tích trữ, găm hàng vẫn tồn tại mà ví dụ điển hình có thể nhìn lại ngay trong tháng 2. Ừ thì sự bất ngờ, nhất là quyết định được công bố về đêm, đã tránh được nạn…kẹt xe khi hàng đoàn dân chúng, chỉ vì muốn tiết kiệm 10-20 ngàn, đã rồng rắn xếp hàng mua xăng nom rất… mất mỹ quan. Nhưng một quyết định hành chính liên quan đến sản xuất và đời sống của đất nước có nên chơi kiểu đánh úp như vậy?
Phản ứng đầu tiên ngay sau khi xăng tăng giá là thị trường chứng khoán đỏ lòm dù chưa đến mức bán tống bán tháo các bluechips. Còn người dân thì mang tâm lý của kẻ bị đánh úp. Phản ứng thứ hai là các DN vận tải đã kịp thời có phản ứng về việc tăng giá vé. Phản ứng thứ ba là giá cả ngoài chợ kịp thời được “điều chỉnh” mà câu thanh minh cửa miệng vẫn là “Điện tăng, xăng lại vừa tăng”.
Sáng nay, cô bán bánh PappaRoti ở đối diện 103 Quán Thánh đã kịp thay bảng giá, sửa từ 12 lên 14 ngàn. Hỏi thì được cô đãi lại bằng một nụ cười: Xăng tăng giá đêm qua rồi anh ạ. Còn những phản ứng gì? Còn những gì tăng giá nữa thì trời mới biết.
Còn nhớ, phát biểu trước QH, chỉ 4 ngày trước khi xăng tăng giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh than vãn: Giá xăng hiện nhà nước không thu thuế 20% và “mới điều chỉnh một phần”. Ông nói, rằng: mặt bằng giá xăng ở VN hiện vẫn thấp hơn Lào và Campuchia từ 3,2 ngàn cho đến 5 ngàn đồng/lít. Rằng: Nếu tới đây giá xăng dầu thế giới tăng thì sẽ phải tiếp tục điều chỉnh giá trong nước. Còn giá thế giới giảm thì sẽ… khôi phục thuế.
Nhưng Bộ trưởng Ninh nói về giá xăng dầu trong bài phát biểu chung về việc kiềm chế đà tăng giá và tăng cường quản lý giá. Không ai nghĩ ông phê cho giá xăng tăng chỉ 4 tiếng sau khi QH bế mạc. “Chúng ta theo thị trường từ 2009 và giờ phải quay lại theo thị trường”- ông nói. Quay lại theo thị trường, có nghĩa là do thị trường quyết định, tức là có tăng, có giảm theo sự tăng giảm mang tính thời điểm của thị trường. Nhưng thị trường kiểu Việt Nam đã cho thấy sự điều tiết mang khuynh hướng thành tích, mang dấu ấn ý chỉ cá nhân hơn là theo quy luật.
Một bằng chứng là để đảm bảo kiềm chế lạm phát trong năm tài khoá 2010, Chính phủ đã lắc đầu với mọi đề nghị tăng giá xăng dầu để chỉ số cá nhân người lãnh đạo Chính phủ không quá thấp trong dịp đại hội Đảng. (Chính Bộ trưởng Ninh cũng nói: “Đầu vào của một số mặt hàng phải kìm nén để đạt được mục tiêu ngắn hạn”). Giá xăng bị buộc dây suốt qua ĐH Đảng, buộc cho đến 24-2 và khi các cây xăng buộc phải đóng cửa, cột chó, trùm mền, thực chất cũng là một hình thức đình công- vì lỗ đến hàng ngàn đồng mỗi lít bán ra. Nhưng việc buộc dây giá xăng hôm qua, đã trở thành cái lò so giá hôm nay khi xăng lại tăng liên tục, và cũng liên tiếp lập kỷ lục về giá xăng dầu ở Việt Nam .
“Sẽ không có chuyện trình QH điều chỉnh chỉ tiêu lạm phát”- Uỷ viên TƯ Đảng, Bộ trưởng chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố hồi đầu tháng 3. Năm ngoái, chỉ tiêu lạm phát được xác định là 7%. Tháng 5-2010, Chính phủ xin “nới” lên 8%. Kết quả lạm phát 11,37%. Năm nay, chỉ tiêu cũng vẫn là 7% trong khi 3 tháng đầu năm, CPI đã lên tới 3,7%. Cú tăng giá thứ hai, một kỷ lục mới, sau đợt tăng giá kỷ lục cũ chỉ hơn 1 tháng đã làm gần hơn câu chuyện xin nới chỉ số lạm phát. Mà lạm phát chính là cú đánh vào bữa cơm của dân chúng.
Đào Tuấn