Bất chấp sự cố ở Nhật, Việt Nam vẫn tiếp tục các dự án điện hạt nhân - Dân Làm Báo

Bất chấp sự cố ở Nhật, Việt Nam vẫn tiếp tục các dự án điện hạt nhân

Ben Bland (Lê Quốc Tuấn, X-Cafe chuyển ngữ) - Mặc cho không khí nóng sốt gây ra từ cuộc khủng hoảng lò hạt nhân ở Nhật Bản, chính phủ Việt Nam đã tuyên bố rằng họ vẫn tiến hành kế hoạch từng được hình thành trước đây để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của quốc gia với sự hỗ trợ của Nhật Bản và Nga...

*

Khi một cơn mưa bão đổ xuống thành phố Hà Nội vào giờ trưa hôm Thứ ba, một số người vội vã hủy bỏ những cuộc họp để đón con cái mình về nhà sau những tin đồn nhảm lan tràn cho rằng Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi "cơn mưa phóng xạ" thổi qua từ Nhật Bản. (Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh rằng những tin đồn ấy, từng lan rộng khắp châu Á, là vô căn cứ).

Mặc cho không khí nóng sốt gây ra từ cuộc khủng hoảng lò hạt nhân ở Nhật Bản, chính phủ Việt Nam đã tuyên bố rằng họ vẫn tiến hành kế hoạch từng được hình thành trước đây để xây dựng một nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của quốc gia với sự hỗ trợ của Nhật Bản và Nga.

Bà Nguyễn Phương Nga, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết, an toàn hạt nhân là một ưu tiên hàng đầu và là "đặc biệt quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thiên tai, đặc biệt là sau trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản".

Bà nói thêm rằng Việt Nam sẽ làm việc chặt chẽ với Nhật Bản và các đối tác quốc tế khác để phát triển năng lượng hạt nhân trong khi "đảm bảo an toàn về hạt nhân và bảo vệ môi trường".

Trần Thanh Minh, nguyên Giám đốc Viện khoa học và Công nghệ Hạt nhân của Việt Nam, đã nói với trang blog beyondbrics (của Financial Times) rằng chính phủ Việt Nam là đúng đắn khi tiếp tục tiến trình bất chấp khủng hoảng hạt nhân đang nở rộng ở Nhật Bản.

"Tôi quan tâm về những gì đang xảy ra ở Nhật Bản nhưng, như hầu hết các nhà khoa học hạt nhân khác, tôi không lo lắng đến mức ấy", ông nói. "Việt Nam sẽ được sử dụng công nghệ hạt nhân mới nhất và sẽ phải đặt trọng tâm lớn hơn về an toàn và kỹ thuật đối với các lò phản ứng hạt nhân của mình".

Ông nói rằng những nguy cơ từ các trận động đất và sóng thần đối với các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam có khả năng là rất nhỏ căn cứ vào việc đất nước không nằm gần khu vực có hoạt động tích cực về địa chấn nhất của châu Á.

Nhưng ông nói thêm rằng chính phủ và các nhà khoa học sẽ phải suy nghĩ cẩn trọng về những thách thức có tiềm năng của mực nước biển dâng cao, khi Việt Nam là một trong những quốc gia tiếp xúc nhiều nhất với các biến đổi của khí hậu.

Vào tháng Mười, Naoto Kan, thủ tướng Nhật Bản, và Nguyễn Tấn Dũng, đối tác Việt Nam của ông, đã ký một thỏa thuận cho thấy rằng Nhật Bản sẽ xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân cho Việt Nam.

Dự án hạt nhân Nhật Bản, sẽ được đặt tại tỉnh Ninh Thuận, miền Nam Việt Nam, là đơn đặt hàng đầu tiên của International Nuclear Energy Development of Japan Co (Công ty Phát triển năng lượng hạt nhân quốc tế Nhật Bản), một công ty liên doanh thành lập năm ngoái nhằm giúp xuất khẩu công nghệ hạt nhân của Nhật Bản.

Việc cạnh tranh bán công nghệ hạt nhân trên toàn cầu đang sốt bỏng đối với các quốc gia thiếu năng lượng, khi các nước Pháp, Hàn Quốc và Mỹ đang cạnh tranh với Nhật Bản trong các hợp đồng béo bở ở nước ngoài.

Mối lo ngại về việc xử lý vụng về các khó khăn tại nhà máy Fukushima Daiichi sẽ không nâng cao uy tín về hạt nhân quốc tế của Nhật Bản.

Nhưng khả năng cung cấp các khoản vay mềm và các hỗ trợ tài chính khác của Nhật Bản đã giúp họ giành được chiến thắng quan trọng trong kinh doanh cơ sở hạ tầng của Việt Nam trong những năm gần đây.

Vấn đề cho Việt Nam là sau trận động đất và sóng thần tàn phá, chi phí tái thiết sẽ ăn vào vốn liếng các khoản viện trợ cho vay ưu đãi ở nước ngoài của Nhật Bản sẽ ra sao.

http://www.x-cafevn.org/node/1983

Nguồn: Ben Bland, Financial Times



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo