Thái Hữu Tình (x-cafevn) - Người cầm quyền đã đi một nước cờ ngược, theo một quán tính vốn từ trước đây để lại. Bắt Cù Huy Hà Vũ, mà lại bắt nhờ cái cớ “2 bao cao su” một cách bần tiện và rất trẻ con thì thuyết phục được ai? Quần chúng và đảng viên thời Internet này đâu còn như cái thời “bảo sao nghe vậy”?... Ván cờ đã vào thế, cái chính đạo mà Cù Huy Hà Vũ là tiêu biểu kiểu gì cũng thắng! Nhà nước không có gì phải băn khoăn nhiều, bởi đây đâu phải ván cuối cùng?...
*
Trong những cuộc đấu cờ tướng, có những tình huống một cao thủ đáng lẽ vô địch nhưng đi lầm một nước mà sa vào thế thua, dù xử lý cách nào cũng không gỡ được. Bởi tính trước được 3-4 nước, họ biết mình đã lâm vào thế thua nên cười khà khà, lịch thiệp đứng dậy bắt tay đối phương để nhận thua ngay, thế là cao cờ, thua mà vẫn sang. Chứ để đối phương đi đến nước “chiếu bí”, tướng hết đường chạy, mới biết thua thì đấy là kẻ mới học chơi cờ, còn đâu xứng là kỳ phùng địch thủ? Nhà nước Việt Nam ta trong ván cờ Cù Huy Hà Vũ cũng đang ở cái thế của nhà vô địch trót đi lầm nước như vậy. Thôi thì tốt nhất là ta cứ nói tuột ra, không gì quý bằng nói với nhau cho hết sự thật, chúng ta đang hồi phải tập nói thật.
Công an Việt Nam bắt Cù Huy Hà Vũ là một nước cờ sai lầm không thể gỡ.
Thật vậy, về vĩ mô, đây là thời điểm mà chủ nghĩa Mác-Lê đã hết thiêng: Các nước châu Âu (mà trí tuệ và tầm văn minh của họ thì Việt Nam mình biết rất rõ) đã có nghị quyết 1481 coi chủ nghĩa Cộng sản là tai hoạ của nhân loại, đã biết CNCS đã giết khoảng 100 triệu người mà Staline là tên giết người đầu xỏ, khối Cộng sản quốc tế đã tan rã hoàn toàn, mấy nước còn lại phải “biến tướng” sang kinh tế thị trường và luôn bị xếp hạng rất thấp về tự do-dân chủ-nhân quyền dù ta vẫn không ngớt biện bạch…
Ở trong nước, đây là thời điểm mà những hào quang của Chủ nghĩa đã quá mờ nhạt. Dẫu có “ăn mày” hào quang quá khứ cộng thêm rất nhiều hào quang của thứ văn minh kỹ trị hiện đại, ngoại nhập sống sít cũng không che khuất được tình trạng phồn vinh ngoài vỏ nhưng suy thoái mọt ruỗng bên trong, trên cả 3 lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hoá. Nạn ngoại xâm, nạn cướp đất, nạn loạn kiêu binh…đang gây phân cực giàu nghèo kinh khủng, gây ra sự bần cùng hoá và lòng căm giận trong số đông dân chúng. Một chế độ sống bằng niềm tin mà nay niềm tin sa sút thê thảm, một đảng sống dựa vào thành tích trong chiến tranh giành độc lập mà nay bị dân nghi ngờ vào chính nền độc lập ấy... Những sự phê phán gây chấn động nhất không còn từ những “kẻ xấu chống đối” mà từ chính những đảng viên, những cán bộ lão thành, những trí thức công thần của chế độ ; họ không ngần ngại tố cáo tình trạng xã hội là “mất gốc” , là sai lầm một cách hệ thống từ gốc đến ngọn, rằng phải bỏ điều 4 mặc nhiên cho Đảng cầm quyền bất kể dân tín nhiệm hay không, rằng phải bỏ “cái đuôi” XHCN để chấm dứt ảo tưởng vĩ cuồng làm chỗ dựa cho những toan tính to đùng hại dân bán nước… Nhiều cán bộ cao cấp trong Đảng và Chính phủ đã bị tố cao về những sai lầm, tham nhũng và sa đoạ.
Trong một bối cảnh như vậy, hiện tượng Củ Huy Hà Vũ chỉ là sự kết tinh tất yếu của tình hình. Đó là sự kết tinh của những mâu thuẫn từ gan ruột bên trong. Xin đừng buồn, đó là sự hồi sinh của những hạt nhân tinh tuý còn lại từ “thế hệ vàng” ngày trước chứ không ai khác, cái “thế hệ vàng” mà nhờ họ chế độ Cộng sản có thể ra đời trên đất nước này, họ phải dũng cảm đứng lên cứu cho cái cơ đồ chung khỏi bị tuột giốc…Vậy hiện tượng Cù Huy Hà Vũ không hề là một sự kiện đơn lẻ, thù địch, mà là một biểu hiện tất yếu từ trong hệ thống, gắn chặt với toàn xã hội mà ta vẫn thường dùng chữ “toàn Đảng toàn dân”. Là sự kết tinh của một hiện thực nhiều cay đắng như vậy, hiện tượng Cù Huy Hà Vũ đương nhiên không thể ngọt ngào, bởi không cay đắng làm sao chữa bệnh?
Trước tình hình ấy, đáng lẽ phải lấy lại lòng tin bằng sự phục thiện, tỏ ra trân trọng tiếng nói phản biện, có thể điều chỉnh lẫn nhau nhưng phải trao đổi cởi mở để tìm sự thông cảm, hiểu biết lẫn nhau, khôi phục lòng tin, cùng nhau thành tâm sửa đổi vì sự phồn vinh cho đất nước. Không có con đường nào khác.
Nhưng người cầm quyền đã đi một nước cờ ngược, theo một quán tính vốn từ trước đây để lại. Bắt Cù Huy Hà Vũ, mà lại bắt nhờ cái cớ “2 bao cao su” một cách bần tiện và rất trẻ con thì thuyết phục được ai? Quần chúng và đảng viên thời Internet này đâu còn như cái thời “bảo sao nghe vậy”?
Nay nếu cứ tiếp tục hành xử theo lối “trót đâm lao phải theo lao”, tiếp tục nước cờ trấn áp, như con bạc khát nước thì chắc chắn chỉ càng thắt chặt thêm cái nút mâu thuẫn, càng ngày càng khó gỡ hơn mà thôi.
Ta thử hình dung xem đến phiên Toà ngày 24/3 sẽ có những khả năng gì? Phương án có thể có nhiều nhưng cũng giao động quanh 3 mức độ. Cứng rắn nhất là xử 3 đến 6 năm tù một cách “thẳng cánh” không nhân nhượng (như Ls Triển dự báo) . Nhưng cứng rắn thế có làm ai tin không, có làm ai sợ không? Chắc chắn là không. Thời điểm khiến ta có e ngại rằng Cù Huy Hà Vũ có thể dao động và nhận tội chắc chắn qua rồi. Khả năng tồi tệ nhất có thể gây ra là trong tù Ls Hà Vũ sẽ có biến cố về sức khoẻ, ra tù không còn minh mẫn nữa, thì cũng chẳng sao, bởi hình tượng Cù Huy Hà Vũ cũng đã khắc hoạ xong. Biểu tượng một người “anh hùng cứu quốc trong tình hình mới” đã làm xong vai trò lịch sử vẻ vang của nó. Khi ấy lỗi lầm của nhà cầm quyền chỉ càng nặng hơn mà thôi.
Phương án trung bình là cứ xử án vài năm tù nhưng giữa chừng cho ân xá. Phương án này có vẻ khôn ngoan hơn như vẫn thường xảy ra, nhưng cũng là “trung sách”, không phải thượng sách.
Thượng sách là cứ để cho tự do tranh biện trước Toà, tất nhiên cuối cùng xử trắng án! Nếu khả năng này thành hiện thực chắc chắn sẽ thành một dấu ấn lịch sử đậm nét , khởi lộ ra một nét thanh bình, phần nào khơi dậy một niềm tin, mà người được tiếng thơm không ai khác chính là Nhà nước. Có những ván cờ mà người đang “ăn quân” lại vui vẻ nhận mình thua, trong khi các “fan” xung quanh còn ngớ ra chưa kịp hiểu, bởi người nhận thua là bậc kỳ thủ hơn người, anh hùng đoán giữa trần ai, đã tính trước thiên hạ được mấy nước.
Ván cờ đã vào thế, cái chính đạo mà Cù Huy Hà Vũ là tiêu biểu kiểu gì cũng thắng! Nhà nước không có gì phải băn khoăn nhiều, bởi đây đâu phải ván cuối cùng?