Xóa mua bán vàng miếng: nguy cơ lợi ích nhóm - Dân Làm Báo

Xóa mua bán vàng miếng: nguy cơ lợi ích nhóm

Nam Nguyên, phóng viên RFA "Hiện nay ở Việt Nam có 10.000 tiệm mua bán vàng bạc, theo những tính toán thận trọng thì số vàng trong dân cũng khoảng 500 tấn, điều chính phủ muốn là số vàng đó được sử dụng vào đầu tư để có lợi cho nền kinh tế.  Nhưng việc sử dụng vàng để đầu tư phải phù hợp với lợi ích và là quyết định của người dân..." - TS Lê Đăng Doanh.

*

Việt Nam tiến tới xóa bỏ thị trường kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Công luận phản ứng như thế nào về vấn đề này. Nam Nguyên trình bày chi tiết:

AFP - Vàng lá 24K còn gọi là vàng miếng

Xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do

Không còn là thông tin tin thăm dò dư luận nữa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định cần dứt khoát thực hiện lộ trình xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Người đứng đầu chính phủ Việt Nam chỉ đạo như vậy trong phiên họp ngày 15/3 ở Hà Nội về việc thực hiện nghị quyết 11 chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.  

Việc chống đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế được đề cập tới và việc cấm kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do nằm trong mục tiêu này.

Trả lời chúng tôi, TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội nhận định là, Thủ tướng muốn chấm dứt việc đầu cơ, lợi dụng kinh doanh vàng để buôn lậu vàng. TS Doanh phân tích:

“Việc xóa buôn bán vàng miếng này đòi hỏi một giải pháp thực sự kinh tế và đồng bộ, bởi vì trong lịch sử của Việt Nam chiến tranh diễn ra rất dài, nhiều chính phủ nhiều đồng tiền thay nhau nhưng mà vàng luôn luôn được công nhận.

Cho nên người dân Việt Nam từ rất lâu có truyền thống là giữ vàng, một khối lượng vàng rất ít ngay cả những người rất nghèo cũng giữ vàng. Thứ hai, bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam chưa rộng khắp mặc dầu chính phủ có nhiều nỗ lực nhưng người già cũng cần phải tiết kiệm để lo cho tuổi già của mình và họ cũng giữ vàng.

Cửa hàng bán vàng bạc nữ trang. AFP
Cửa hàng bán vàng bạc nữ trang. AFP

Thứ ba là Việt Nam bây giờ đã hội nhập kinh tế quốc tế và giá vàng thế giới ảnh hưởng trực tiếp giá vàng của Việt Nam. Do vậy tôi nghĩ là tất cả những việc đó cần được xem xét hết sức cẩn trọng và điều quan trọng là quyết định đó của Thủ tướng được thực hiện theo hướng thị trường hay được quyết định theo hướng có tính chất hành chính, thì điều đó chúng ta cần phải xem xét thêm.”

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, trưởng ban tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM thì Hiến pháp và Bộ Luật Dân sự qui định rõ về tài sản của cá nhân được pháp luật bảo vệ do vậy cải cách không thể là cấm đoán. LS Hậu tiếp lời:

“Về mặt pháp lý không nên cấm kinh doanh vàng mà nên đặt ra một số điều kiện nhất định cho người kinh doanh vàng thí dụ như nguồn tài chính lớn. Hiện nay thị trường kinh doanh vàng rất khó kiểm soát, do đó nhà nước muốn tập trung quản lý thị trường vàng này.

Trong cơ chế kinh tế thị trường tôi cho rằng không nên cấm mà nên đặt điều kiện kinh doanh, bởi vì ở Việt Nam người dân có thể kinh doanh bất cứ thứ gì mà pháp luật không cấm, trước đây đã có những qui định về kinh doanh vàng bạc thì bây giờ nên sửa đổi cho phù hợp thực tế thị trường là tốt nhất.”

Về việc xóa bỏ thị trường vàng miếng tự do, VnExpress trích thuật các nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết trong tương lai vàng miếng có thể chỉ được giao dịch một chiều, người dân có quyền sở hữu vàng miếng nhưng chỉ có thể bán cho ngân hàng và không được mua vàng miếng nữa. Phải chăng Nhà nước tiến tới mục tiêu cuối cùng là tất cả vàng miếng sẽ vào tay chính phủ.

Cần phải được xem xét thận trọng

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, TS Lê Đăng Doanh nhận định, hiện nay ở Việt Nam có 10.000 tiệm mua bán vàng bạc, theo những tính toán thận trọng thì số vàng trong dân cũng khoảng 500 tấn, điều chính phủ muốn là số vàng đó được sử dụng vào đầu tư để có lợi cho nền kinh tế.

Nhưng theo TS Lê Đăng Doanh việc sử dụng vàng để đầu tư phải phù hợp với lợi ích và là quyết định của người dân, chứ chính phủ không nên tập trung số vàng ấy trong tay mình để thực hiện đầu tư. Việc này cần phải được xem xét thận trọng và cần hiểu quyết định của thủ tướng như thế nào.

Vấn đề cơ bản là giá vàng sẽ như thế nào, nếu giá vàng ở Việt Nam cao hơn thế giới thì buôn lậu vàng vào Việt Nam sẽ diễn ra, như Hội đồng vàng thế giới đã cảnh báo. Nhưng nếu giá vàng tại Việt Nam thấp hơn thế giới thì xuất khẩu vàng kiếm chênh lệch giá cũng là một vấn đề. TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh:

“Tôi nghĩ về lâu về dài cần phải tiến tới áp dụng những biện pháp thị trường, có một thị trường vàng, có một khung pháp luật thích hợp để có những sản phẩm như chứng chỉ buôn bán vàng cho tương lai, chứng chỉ buôn bán vàng tự chọn, chứng chỉ buôn bán vàng hoán đổi như swaps, futures hay options. Trên cơ sở đó người ta không cần phải có vàng thực mà sử dụng vàng trên tín chỉ, trên giấy phù hợp với tập tục quốc tế.

Điều quan trọng là chính phủ có những qui định pháp lý chặt chẽ để cấm không được đầu cơ. Trong quá khứ Việt Nam đã có thị trường vàng nhưng chỉ cần ký quĩ 7% là có thể mua bán 100% số tiền ký quĩ đó, điều đó là đầu cơ. Bây giờ cần có qui chế pháp lý thích hợp, điều đấy cần phải hướng tới bởi vì Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế cho nên về thị trường vàng sớm hay muộn Việt Nam cũng phải hội nhập và chấp nhận các tập tục quốc tế.”

Theo Thời báo kinh tế Saigon thị trường vàng miếng trở nên trầm lắng sau các thông tin về việc dứt khoát sẽ xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Tuy vậy người dân lại chuyển sang mua vàng nhẫn như trong thời kỳ bao cấp. Các công ty vàng bạc đá quí như Saigon SJC, Bảo Tín Minh Châu, Phú Nhuận PNJ đều ghi nhận giao dịch vàng nhẫn gia tăng từ 40% tới 60% so với trước kia.

Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi TS lê Đăng Doanh cảnh báo nếu chính phủ làm ráo riết và nếu người dân thấy không có lợi thì thị trường vàng sẽ đi vào bí mật, chính phủ sẽ không thu được thuế không kiểm sóat được và điều đó không có lợi cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh:

“Bây giờ chúng ta phải tôn trọng lợi ích của người dân, tôn trọng quyền có vàng và được hoán đổi vàng ra tiền khi nào thích hợp và điều đấy liên quan tới một loạt các biện pháp rộng lớn trong nền kinh tế Việt Nam nghĩa là chấm dứt sử dụng vàng như là một phương tiện thanh toán, chấm dứt sử dụng tiền mặt để thanh toán và sử dụng công cụ ngân hàng, bằng cách đó kinh doanh vàng sẽ trở nên nhẹ nhàng và có thể kiểm soát được.”

TS Lê Đăng Doanh trình bày quan điểm rằng mọi cải cách sắp tới đây phải phù hợp với kinh tế thị trường và thể hiện sự công khai minh bạch, bất cứ những quyết định nào tạo ra lợi ích nhóm, hoặc chỉ định những quyền không công khai thì theo ông là không có lợi cho việc thu hút nguồn vàng 500 tấn trong dân đưa vào nền kinh tế.  

Qua các phương tiện truyền thông chính phủ Việt Nam đã bày tỏ quyết tâm xóa bỏ thị trường vàng miếng tự do, nhưng Hiệp hội Kinh doanh vàng cho đến ngày 15/3 chưa được tham gia ý kiến vào dự thảo nghị định cũng như lộ trình thực hiện sắp được Ngân hàng Nhà nước trình chính phủ.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/ban-gold-piece-free-market-03162011074810.html



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo