Chúng tôi đã định chấm dứt đề tài “Ngô Bảo Châu và phiên tòa xử Cù Huy Hà Vũ” ở đây, nhưng không sao dứt được, vì bạn đọc cứ gửi bài đến. Và giá trị khơi gợi trong các bài viết mới ít nhiều cũng làm cho vấn đề nẩy nở thêm những khía cạnh mới đáng cho ta suy nghĩ, dù rằng có thể ta không hẳn đã đồng tình.
Hai bài viết dưới đây đều cùng nhìn nhận ý kiến Ngô Bảo Châu từ một âm hưởng - ngợi ca. Mặc dầu thế, nội hàm của “phát ngôn Ngô Bảo Châu” thì lại được giải mã theo hai phương vị ngó như đối lập. Một, nhìn nhận mấy lời mở đầu trong bài “Về sự sợ hãi” đúng là đánh giá thấp Cù Huy Hà Vũ thật, và một nữa thì lại xem xét nó trong hàm nghĩa ẩn của nó, tức là đi tìm những lời không nói ra đằng sau “cái nói ra” của Ngô Bảo Châu. BVN cũng thấy phân vân nên không có cách nào hơn là đưa lên mạng để chất chính bạn đọc.
Dẫu sao chúng tôi cũng nghĩ, sau hai bài này, sự phán xét Ngô Bảo Châu từ ảnh xạ của vụ án Cù Huy Hà Vũ tưởng cũng đã nên khép lại, bởi lẽ tuy là một cơ hội hiếm có để một ánh chớp nhoáng lên giúp ta nắm bắt được một nét nào đấy trên diện mục một con người, song trước sau ánh chớp cũng chưa phải là ánh sáng mặt trời, và đoán định sự đẹp xấu qua ánh chớp vẫn cứ có thể là võ đoán.
Nguyễn Huệ Chi
*
1. Phạm Quang Tuấn - Về sự kém hâm mộ Cù Huy Hà Vũ
GS Ngô Bảo Châu viết một bài trên blog (thichhoctoan.wordpress.com) bày tỏ ý kiến riêng của mình về vụ kiện Cù Huy Hà Vũ. Bài rất ngắn, và ý chính cũng tương tự như nhiều người đã nói, nhưng bài được đặc biệt chú ý do địa vị “ngôi sao toán học” của tác giả.
Bài của Ngô Bảo Châu mở đầu bằng hai câu “Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt”. Hai câu đó đã làm nhiều người không hài lòng.
Nhưng, đã ghét độc tài, đòi đa nguyên dân chủ, thì ta phải sẵn sàng chấp nhận những ý kiến khác biệt, miễn là đồng thuận về mục tiêu chung. Thái độ kém khoan dung (intolerant), không chấp nhận sự khác biệt chính là bản chất của chế độ độc tài toàn trị.
Ta kết án phiên tòa xử Cù Huy Hà Vũ vì nó xâm phạm vào những quyền tự do tư tưởng và ngôn luận căn bản của con người, chứ đâu phải nhất thiết là vì ta đồng ý 100% với Cù Huy Hà Vũ. Nhà văn Evelyn Beatrice Hall có một câu rất nổi tiếng, thường gán cho Voltaire: "Tôi không tán thành những gì anh nói, nhưng tôi sẽ tranh đấu đến chết để bảo vệ quyền anh được nói những điều đó ra" (I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it).
Tôi đồ rằng không phải ông Ngô Bảo Châu là người Việt duy nhất không “đặc biệt hâm mộ” Cù Huy Hà Vũ hay không (hoặc chưa) được thuyết phục bởi các lý lẽ của ông, vì Cù Huy Hà Vũ vốn nổi tiếng là hay làm những việc rất ngông, rất khác thường. Chính vì vậy, ý kiến của Ngô Bảo Châu có một giá trị rất đặc biệt.
Thay vì nói “Nếu đồng ý với Cù Huy Hà Vũ thì phải phản đối vụ án”, chúng ta nên nói như Ngô Bảo Châu: “Dù đồng ý hay không đồng ý với Cù Huy Hà Vũ, chúng ta phải phản đối vụ án”.
Phạm Quang Tuấn
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
_______________________
2. Hồ Như Hiển - Bái phục!
Mấy hôm nay, dư luận xôn xao vì bài viết của GS Ngô Bảo Châu. Xin đăng lại nguyên văn:
Về sự sợ hãi
Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt. Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường. Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình. Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này.
Đối diện với ông Vũ là những người bắt ông bằng hai bao cao su đã qua sử dụng, là phiên tòa nửa công khai, nửa bí mật xảy ra ngày hôm qua và là ông quan tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng để tránh tranh luận về nội dung những bài viết, chứng cớ về những việc được cho là vi phạm pháp luật của ông Vũ. Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này. Nghĩ mãi tôi cũng chỉ tìm ra hai cách lý giải. Khả năng thứ nhất là họ muốn làm nhanh cho xong việc. Trong trường hơp này, họ rất xứng đáng được truy cứu trách nhiệm. Khả năng thứ hai là ông quan tòa sợ phải đối mặt với những lý lẽ của ông Vũ. Trong trương hợp này, rất nên tạo điều kiện cho ông ta chuyển sang công tác khác, phù hợp hơn. Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ.
Phải nói rằng, bài viết thể hiện đúng chất của một nhà toán học tài năng. Lời lẽ ngắn gọn. Ý tứ hàm súc, nhiều tầng nghĩa. Có rất nhiều ý kiến phản hồi trên các trang có đăng lại bài viết này. Đồng tình có. Phản đối có. Đồng ý một vài điểm, phản đối một vài điểm cũng có. Cũng có nhiều bài phân tích, trao đổi lại với tác giả bài viết về một vài điểm. Nhưng chủ yếu là đồng tình và khen ngợi.
Cá nhân tớ có vài suy nghĩ khi đọc bài này của ông.
Thứ nhất, GS Châu nói rằng: "Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt". Là một người làm toán chuyên nghiệp - luôn suy nghĩ một cách logic, lập luận chặt chẽ, khoa học - hơn nữa, lại là nhà toán học xuất chúng, tớ không nghĩ GS Châu lại cẩu thả khi đưa ra quan điểm đó mà không hề chứng minh tại sao. Dù là phát biểu trên trang cá nhân, nhưng tớ tin chắc ông ý thức được những gì mình nói, mình trình bày, vì ông là người nổi tiếng, là người của công chúng. Lời nói của ông có sức lan tỏa, công phá như trái bom nguyên tử. Vậy lẽ nào ông nói theo kiểu cảm tính, khơi khơi vậy thôi? Tớ đồ rằng, ông nói vậy để mọi người sẽ tìm hiểu xem lí lẽ, việc làm của TS Vũ như thế nào mà GS Châu không thấy thuyết phục đặc biệt. Kế này là kế khích tướng của GS Châu. Kiểu như mấy cậu sinh viên thách đố nhau xem ai tán đổ cô gái xinh đẹp, kiêu kì ấy mà. Thế là, bà con thi nhau đọc, tìm hiểu những việc làm, những lí lẽ của TS Cù Huy Hà Vũ rồi hăng hái phản bác lại quan điểm này của GS Ngô Bảo Châu. Khi đó, tấm lòng yêu nước, thương dân của TS Vũ một lần nữa lại được nhiều người biết, lên tiếng, ủng hộ. Còn GS Châu ngồi hút thuốc lào (do gia đình gửi sang), tay vân vê mấy sợi râu, gật gù vì mọi người đã trúng "kế" của mình... Hì hì...
Thứ hai, theo tớ được biết (qua Internet), hội đồng xét xử trong phiên toà TS Vũ, không có ai là "bà". Đại diện Viện Kiểm sát cũng không. Thế mà, GS Châu viết "Có cố tình làm mất thể diện quốc gia, chắc cũng khó mà làm hơn mấy ông bà này". Chữ "bà" trong câu này, phải chăng chỉ là thói quen khẩu ngữ, viết "mấy ông bà" để nói về một đám người chả ra sao, hay là thêm chữ "bà" vào để câu văn, hơi văn được xuôi. Hay là, GS Châu ám chỉ mấy ông bà trong cái bờ - cờ - tờ "ít người" nhất nước? He, he, có thể lắm, có thể lắm. He, he.
Cái ông giáo sư trẻ tuổi này thâm nho thật! Bái phục, bái phục!
Hồ Như Hiển
Nguồn: honhuhien.blogspot.com
*
http://boxitvn.blogspot.com/2011/04/lai-hai-bai-viet-khac-quanh-bai-bao-cua.html