Lễ Lá ở Thái Hà, thắp nến tạ ơn và cầu nguyện cho những người đang bị tù đày, giam cầm và bắt bớ - Dân Làm Báo

Lễ Lá ở Thái Hà, thắp nến tạ ơn và cầu nguyện cho những người đang bị tù đày, giam cầm và bắt bớ

J.B Nguyễn Hữu Vinh - Tối chủ nhật 17/4/2011, tại Giáo xứ Thái Hà đã tiến hành lễ Lá bắt đầu bước vào Tuần Thánh – kỷ niệm biến cố Đức Giêsu Kito chịu nạn cứu chuộc cho nhân loại.

Thánh lễ cuối ngày lúc 20h, quy tụ đông đúc giáo dân bà con xa quê và nhiều người đến từ các miền quê khác nhau.

Lễ Lá là một Thánh lễ quan trọng trong nghi thức phụng vụ của Giáo hội Công giáo, kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu vào Thành Giêrusalem lần cuối. Như bài giảng của Đức Thánh Cha Benêdicto XVI thì: “Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem, cưỡi trên một con lừa con. Con lừa là thú vật của các nông dân; và hơn nữa, lần này con lừa được đi mượn. Chúa Giêsu xuất hiện như một ông vua của người nghèo, một người nghèo ở giữa người nghèo và cho người nghèo. Sự nghèo khó ở đây được hiểu theo nghĩa Kinh thánh về những người anawim, nghĩa là những tâm hồn khiêm tốn.

Có thể một người nghèo về tiền bạc nhưng lòng thì chất đầy tham lam của cải và quyền hành, muốn chiếm đoạt tài sản của những kẻ quyền thế. Đó không phải là thứ nghèo mà Chúa Giêsu đề cao trong bài giảng trên núi. Chúa Giêsu muốn nói đến con người có tâm hồn nghèo khó, ý thức rằng những gì mà mình đang sở hữu là một trách nhiệm đối với tha nhân. Ai có tâm hồn nghèo khó như vậy thì cũng thực sự được tự do, không còn bị nô lệ của nạn tham lam hối lộ đang tàn phá thế giới hiện nay”.

Đặc biệt trong Thánh lễ này, còn có sự hiện diện của nhiều người không ở trong cộng đồng công giáo. Tham dự Thánh lễ có các gia đình Bs Phạm Hồng Sơn, Ls Lê Quốc Quân, Ts luật Cù Huy Hà Vũ cũng như các trí thức, doanh nhân và những người yêu mến Sự thật – Công lý đến để tạ ơn và cầu nguyện cho Ls Lê Quốc Quân, Bs Phạm Hồng Sơn, gia đình cũng như bản thân ông Cù Huy Hà Vũ và những người đang bị bắt bớ, giam cầm.

Trong Thánh Lễ, bài giảng của linh mục Bề trên Mattheu Vũ Khởi Phụng đã nêu lên cội nguồn cứu rỗi nhân loại là Đức Giêsu Kito. Ngài đã xuống trần gian, mặc lấy thân xác nghèo hèn và chấp nhận cái chết của những người mạt hạng trong xã hội. Điều đó đã nói lên tinh thần của Đức Giêsu Kito đứng về phía những người đau khổ, thấp cổ bé miệng không tiếng nói, không thế lực và quyền lực.

Về những biến cố vừa qua, giáo xứ đã hiệp thông với những người bị bắt bớ, giam cầm như Ts Luật Cù Huy Hà Vũ, Ls lê Quốc Quân, Bs Phạm Hồng Sơn và những người đau khổ khác như một sứ vụ, một trách nhiệm của những người theo chân Chúa Giêsu Kito. Ngài nói: “Giáo hội cũng như giáo xứ chúng tôi, không hề mơ một hoặc mong muốn một quyền lực hay lợi ích nào, tất cả những điều chúng tôi làm vừa qua với các anh chị em, đều là những nghĩa vụ, những trách nhiệm của một người tín hữu đi theo con đường Đức Giêsu Kito đã đi”.

Thánh lễ nghiêm trang và đông đúc mở đầu một Tuần Thánh trong Giáo xứ, đưa mọi người về biến cố Đức Giêsu chịu nạn cách đây 2000 năm. Chia sẻ sau Thánh lễ, bác sỹ Phạm Hồng Sơn đã nói lên những lời cảm ơn sâu sắc tự đáy lờng mình, về biến cố Chúa Giêsu chịu chết để cho những người đau khổ, hèn mọn và yếu đuối, cũng như thời hiện tại ngày này, con người  phải được bênh vực, nâng đỡ để đất nước hùng cường, phồn vinh. Ls Lê Quốc Quân đọc lời cảm ơn đến tất cả những người đã lo lắng và cầu nguyện cho mình sau 9 đêm và 10 ngày bị bắt giữ.

Sau Thánh lễ, một cuộc thắp nến cầu cho bình an đất nước, cầu cho Sự thật – Công lý, tạ ơn Thiên Chúa qua những biến cố vừa qua và đặc biệt là cầu nguyện cho những người công chính đang bị bắt bớ, tù đày để họ vững tin và được giải thoát, cũng như ánh sáng của Sự thật – Công lý được nhanh chóng chiếu soi tới những thân phận này.

Giáo sư Phạm Toàn cùng tham dự Thánh lễ

 

Gia đình Ts luật Cù Huy Hà Vũ, Ls Lê Quốc Quân và Bs Phạm Hồng Sơn

 

Ngày 17/4/2011

J.B Nguyễn Hữu Vinh

jbnguyenhuuvinh.wordpress.com



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo