Nguyễn Minh Thuyết: Chống tham nhũng - Món nợ lớn nhất của ĐBQH - Dân Làm Báo

Nguyễn Minh Thuyết: Chống tham nhũng - Món nợ lớn nhất của ĐBQH

Đức Trung (Tamnhin.net) - Điều mắc nợ lớn nhất đối với cử tri là về chống tham nhũng, lãng phí, vì tuy có phát biểu trước QH nhiều lần nhưng hiệu quả chưa được bao nhiêu. Đấy là một vấn đề ĐBQH áy náy nhất.

 
 

ĐBQH, Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Nguyễn Minh Thuyết đã nhấn mạnh điều này khi chia sẻ về nhưng vấn đề xung quanh sự giám sát và thúc đẩy hoạt động đại biểu của cử tri.

ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết cho rằng món nợ đó của ĐBQH còn bao gồm  những bức xúc cụ thể của người dân vùng mà  ĐBQH được bầu chưa giải quyết được tốt, đời sống phát triển kinh tế còn rất kém, còn quá nhiều kiến nghị, đơn từ của cử tri, ĐBQH chuyển đi mà không giải quyết được.

ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ, quả thật ĐBQH đeo đuổi nhiều vấn đề theo kiến nghị, đơn từ của cử tri, nhưng kết quả chẳng được bao nhiêu. Thí dụ, Đoàn ĐBQH Lạng Sơn kiên trì đề nghị và cuối cùng Bộ Giao thông, Vận tải cũng đã duyệt dự án trải nhựa con đường chạy từ Bắc Giang lên Quảng Ninh, qua huyện Đình Lập của Lạng Sơn. Con đường này nhân dân kêu suốt từ Khóa VIII đến giờ, đến mãi khóa XI vẫn chưa thực hiện được và các ĐBQH đã theo đuổi vấn đề đó. Đến bây giờ, Bộ Giao thông, Vận tải đã bắt đầu thực hiện dự án, nhưng việc thực hiện còn chậm… Còn rất nhiều nguyện vọng của người dân chưa thực hiện được.

Có thể nói, cũng có những cái ĐBQH đã báo cáo với QH, với các cơ quan chức năng, nhưng cũng có những cái chưa báo cáo được và cũng có những cái đã có báo cáo rồi nhưng chưa thành công.

ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết nêu rõ, về cả mặt lý thuyết lẫn thực tiễn, khi cử tri đã bỏ phiếu bầu ĐBQH, thì cử tri rất mong ĐBQH sẽ thể hiện được ý chí, nguyện vọng của mình, bàn việc nước. Và khi thể hiện ý chí, nguyện vọng như thế thì đại biểu cũng phải thể hiện trí tuệ, bản lĩnh của mình. Trên thực tế, có khá nhiều cử tri chưa ý thức sâu sắc về điều này, chọn thì cũng chọn đại khái thôi và cũng không hy vọng gì nhiều vào đại biểu của mình. Nhưng cũng phải nói rằng, những năm gần đây, hoạt động QH sôi nổi, đặt ra nhiều vấn đề hơn. Các cơ quan nhà nước lắng nghe ĐBQH cũng điều chỉnh được hành vi của mình nhiều, cho nên cử tri có quan tâm hơn.

Chắc là đến Khóa XIII này, cử tri kén chọn cũng chặt chẽ hơn, nhất là cử tri ở thành thị.

Theo ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết, trước hết đại biểu phải chịu trách nhiệm trước cử tri địa phương bầu ra mình, cử tri phải giám sát chương trình hành động của đại biểu. Nhưng đại biểu của chúng ta cũng là đại biểu của cả nước, cho nên đúng là cũng phải tìm một phương cách nào đó để cử tri ở cả nước sau khi đại biểu được bầu thì theo dõi được đại biểu. Ngay cả cử tri ở khu vực bầu cử đại biểu cũng không phải ai cũng nắm được chương trình của đại biểu. Một phần do đại biểu cũng không đi tiếp xúc cử tri ở hết các điểm trong địa phương được, vấn đề đó là không khả thi. Thứ hai là những điều đại biểu nói có thể là rất khái quát, chưa được cụ thể. Thứ ba, cử tri nhiều nơi chưa quan tâm đến chương trình đại biểu, chỉ biết đại biểu này có quá trình chưa, bầu vào ĐBQH như thế đã xứng đáng chưa, thậm chí nhiều nơi cử tri còn ít quan tâm hơn, lựa chọn một cách tương đối, không chắc lắm. Đúng là cử tri cũng phải quan tâm đến chương trình của đại biểu.        

Và khi ra QH, QH cũng đã nhiều lần nêu lên yêu cầu các đại biểu ứng cử các chức danh để QH bầu và phê chuẩn cũng phải trình bày chương trình hành động của mình. Nhưng thực tế chưa bao giờ thực hiện được. Các chức danh được giới thiệu bầu thì cứ bầu như thế thôi nhưng không biết chương trình như thế nào.

Đức Trung

http://www.tamnhin.net/tieu-diem/10250/Chong-tham-nhung-Mon-no-lon-nhat-cua-DBQH.html



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo