360Luatphap - Luật bầu cử Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và Luật bầu cử Hội đồng nhân dân (HĐND) đều được Quốc hội sửa đổi, bổ sung năm 2010 và được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24/11/2010, cũng đều do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã ký, có hiệu lực ngày 01/01/2011.
Tuy nhiên, với tư cách là cử tri, 360luatphap đọc sơ qua Điều 3 của hai luật này đã thấy những điểm xung đột pháp luật hết sức ngờ ngệch, phản ánh sự thiểu năng trí tuệ của gần 500 Đại biểu Quốc hội khóa XII, đã làm ra các điều luật trên (?!).
Gần 500 ứng cử viên ĐBQH khóa XIII có tích cực đấu tranh chống tham nhũng?
Khoản 1 Điều 8 Luật bầu cử ĐBQH quy định: “Tổng số đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNamkhông quá năm trăm người”. Trong khi đó, Khoản 2 Điều 3 của Luật này quy định: “ĐBQH có những tiêu chuẩn sau đây: 2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật;”.
Thế nhưng, qua các lần hiệp thương ứng cử vào ĐBQH vừa qua do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, không thấy cơ quan này công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc kê khai (minh bạch) tài sản của tổng số ứng cử viên ĐBQH khóa XIII này (!!!). Đồng thời, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng không công bố công khai việc xem xét số ứng cử viên ĐBQH khóa XIII này có Đại biểu nào có “thành tích tham nhũng” và “kiên quyết chống tham nhũng” hay không.
Nếu không có sự công bố trên thì chắc chắn số ứng cử viên được cử tri cả nước đi bầu trong ngày 22/5/2011 tới đây sẽ bị bưng bít thông tin không biết ai đủ hoặc thiếu điều kiện mà Điều 3 của Luật bầu cử ĐBQH đã quy định; xét một cách cụ thể theo Điều 3 của Luật này là không hiểu hoặc không biết ứng cứ viên ĐBQH nào hội đủ “những tiêu chuẩn” quy định tại khoản 2; nếu đúng thế thì đương nhiên các “ông, bà nghị gật” tương lai chưa xứng đáng là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Đại biểu HĐND không cần trung thành với Hiến Pháp?
Khoản 1 Điều 3 Luật bầu cử ĐBQH, quy định: ĐBQH phải “1. Trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam,…”. Thế nhưng, tại Khoản 1 Điều 3 Luật bầu cử HĐND, lại quy định: “Đại biểu HĐND có những tiêu chuẩn sau đây: 1. Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa,…”. (Không quy định phải trung thành với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNam– 360luatphap).
Như vậy, chỉ cần nhìn vào hai quy định trên thấy ngay rằng, có ba khái niệm không đồng nhất, đó là “Tổ quốc”; Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; và, “Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Xét về logic hình thức, quan hệ của ba khái niệm này là không có nội hàm và ngoại diên thống nhất. Nói cách khác, các nhà làm luật trong Quốc hội đã không tìm ra thuật ngữ pháp lý chung, gọi tên nước Việt Nam một cách nhất quán, để cho nhân dân dễ hiểu nhất.
Mặt khác, đọc Khoản 1 cùng Điều 3 của hai Luật trên, cử tri cả nước cũng đều nhận ra rằng: “Đại biểu HĐND” 3 cấp (xã, huyện, tỉnh) đều không cần phải “trung thành với Hiến pháp – đạo luật cơ bản (luật gốc) của Nhà nước!”. Có lẽ xuất phát từ quy định này nên ở nước ta đã tồn tại hiện tượng “trên bảo dưới không nghe” và nay nó càng mang tính phổ biến hơn (?!). Cũng có thể, từ việc quy định thiếu nhất quán này đã và đang làm phát sinh hiện tượng ở khắp các địa phương trên cả nước các cấp chính quyền cơ sở bán đất, bán rừng, bán tài nguyên tràn lan không theo quy định của Hiến pháp (vì Đại biểu HĐND ở địa phương không cần trung thành với Hiến pháp) và không bị ĐBQH (không kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng) giám sát.
Chốt hạ:
Rốt cuộc, chỉ vì những quy định có tính xung đột pháp luật nêu trên nên rất có thể dẫn đến hệ quả pháp lý làm khổ thằng dân ngu cu đen, úp mặt xuống đất, (chổng mông) bán lưng cho giời, cày sâu cuốc bẫm, thắt lưng buộc bụng, kiếm đồng bạc cắc từ đồng ruộng để đóng thuế nuôi một số bọn “nghị gật – không trung thành với Hiến pháp” đang chui rúc trong bộ máy công quyền.
360Luatphap
gửi Dân Làm Báo