Đông A - Nếu chúng vốn là sâu thì chỉ có cách chặn chúng lẫn vào nồi canh, còn nếu chúng vốn là người, nhưng sau đó hóa thành sâu thì phải xem cơ chế hóa sâu đấy. Hay nói một cách khác, câu trả lời sau là sự tha hóa của con người. Đến đây lại sẽ có câu hỏi tiếp theo: có phải chính cái cơ chế đã tha hóa con người, biến con người thành sâu...
*
Dụng điển là một hình thức mời gọi suy nghĩ. Tôi không nghĩ để làm đẹp câu văn hay thể hiện một phong cách hùng biện cần thiết phải dụng điển. Tất nhiên, trong nhiều trường hợp dụng điển chỉ để làm vậy. Dụng điển là một hình thức mở. Mặc dù các điển tích đều có những biểu đạt hay ký hiệu nhất định, nhưng biểu đạt của điển tích ở người dụng nó và ở người tiếp nhận nó, không cho thấy có bất kỳ lý do nào chúng nhất thiết phải trùng nhau. Đấy là đặc tính bất định của dụng điển. Với những đặc điểm như vậy, dụng điển luôn chứ đựng trong nó nhiều tầng suy tưởng, đa nghĩa, nhiều giọng. Do vậy, việc quy dụng điển về một mối thống nhất, một cách tiếp nhận duy nhất là không tưởng. Tiếp nhận dụng điển là một hình thức phản ánh cá nhân của người tiếp nhận hơn là phản ánh cá nhân hay tư tưởng của người dụng điển.
Tôi lấy ví dụ một trường hợp dụng điển rất gần đây. Ông Trương Tấn Sang trong buổi gặp gỡ với cử tri đã phát biểu như sau: "... trước kia là một con sâu làm rầu nồi canh, bây giờ nhiều con sâu lắm. Thật hết sức xấu hổ, nhưng không lẽ cứ để hoài như vậy. Một con sâu, rồi nhiều con sâu đã thấy nguy hiểm rồi, còn để có một bầy sâu thì chết đất nước này".Ở câu phát biểu này, ông Trương Tấn Sang đã sử dụng tục ngữ "con sâu làm rầu nồi canh", có thể coi như là một điển về sâu. Cách tiếp nhận câu phát biểu của ông Trương Tấn Sang phổ biến nhất là cách hiểu biểu đạt thường thấy của câu tục ngữ, chỉ cần một con sâu thôi cũng đủ khiến cả một nồi canh ngon phải đổ đi, và ở hình thức ký hiệu của loài sâu. Song nếu suy nghĩ ở một tầng ý nghĩa khác sẽ thấy khác. Ông Trương Tấn Sang không đề cập tới vấn đề: những con sâu đấy vốn chúng là sâu giả dạng người hay trước khi là sâu chúng vốn là người.
Tùy thuộc vào câu trả lời mà sẽ có các hình thức ứng xử khác nhau. Nếu chúng vốn là sâu thì chỉ có cách chặn chúng lẫn vào nồi canh, còn nếu chúng vốn là người, nhưng sau đó hóa thành sâu thì phải xem cơ chế hóa sâu đấy. Hay nói một cách khác, câu trả lời sau là sự tha hóa của con người. Đến đây lại sẽ có câu hỏi tiếp theo: có phải chính cái cơ chế đã tha hóa con người, biến con người thành sâu. Ở đây lại thấy một hình thức dụng điển khác: một hóa thân của Kafka. Không còn phải là một cá nhân tỉnh giấc sau những cơn mơ thấy mình hóa thành sâu như ở Kafka, mà là cả một bầy người - sâu hiện thực, và cái cơ chế không ngừng nghỉ biến người thành sâu. Bất kể anh là ai, một khi rơi vào cái cơ chế đấy, không sớm thì muộn đều hóa thành sâu. Như vậy có thể thấy các tầng ý nghĩa khác nhau của dụng điển. Do vậy, như nhà thơ Vương Chi Hoán từng viết: Dục cùng thiên lý mục, Cánh thướng nhất tằng lâu.