Hoài niệm 30/4 (P2) - “Biển trời hệ lụy” - Dân Làm Báo

Hoài niệm 30/4 (P2) - “Biển trời hệ lụy”


Nguyễn Thượng Long - Khi công bố Phần I của bài viết này, tôi đã bầy tỏ: “Có thể lắm, sẽ có người lên án tôi chỉ vì tôi đã không suy nghĩ, và không viết như họ”. Dự cảm này nay đã thành hiện thực. Tôi vui vẻ đón nhận tất cả, kể cả lúc tôi biết là tôi đã lọt vào vòng ngắm của cả 2 làn đạn. Người coi ngày 30/4/1975 là ngày Quốc Khánh thì coi tôi là một thứ chiêu hồi. Người coi ngày 30/4/1975 là ngày Quốc Hận thì khó chịu vì những gì tôi đưa ra là không đủ nồng độ để họ “Phê”. Về truyện này, xin được thể tình: “Khi trải lòng ra trước những bi kịch đoạ đầy dân tộc, tôi không có nhiệm vụ phải làm hài lòng ai. Viết để vừa lòng ai đó thì tôi cũng lại là một thứ bút nô đã có quá nhiều trên đất nước này rồi, không cần đến tôi. Vả lại, điều đó cũng không bao giờ là mục đích sống của tôi.

Gần đây, tôi ngơ ngác khi người thầy khai tâm, khai trí cho tôi từ thuở đồng ấu đang trên giường bệnh mà còn gặng hỏi tôi : “Ta nghe các đồng học của anh nói, anh đã bó tay về với triều đình!?”. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi biết trong làng giáo Hà Đông đang xì xào nhỏ to câu chuyện: “Nguyễn Thượng Long là đặc tình nằm vùng của công an, được cơ quan an ninh cài cắm, giao nhiệm vụ khuynh loát ngành Giáo Dục – Đào Tạo Hà Tây từ nhiều năm nay rồi, hãy tránh xa hắn ra”. Vấn đề lại càng có vẻ có lý hơn khi ngay trên tờ Tổ Quốc số 108 đã xuất hiện một bài viết mượn phong cách ngụ ngôn để đánh tôi của một nhà dân chủ trẻ ở Hà Nội, còn từ hải ngoại, một tác giả đã đập bàn với tôi bằng bài viết đầy nộ khí xung thiên:

“Nhà Báo kiêm Nhà Hoạt Động Chính Trị Cộng Sản Nguyễn Thượng Long muốn gì?”

…Xin thưa! Tôi là người Đa Nguyên, tôi tôn trọng và chấp nhận mọi ý kiến khác biệt. Điều này tôi đã hơn một lần khẳng định rồi, xin mời các quý vị cứ tiếp tục. Thực ra sóng gió đến với tôi cơ bản là do sau vụ Bán Nguyệt San Tổ Quốc bị cơ quan an ninh săn lùng & triệt hạ mà tôi lúc đó là Phó Tổng Biên Tập thường trú trong nước cùng “đồng bọn”, nhà thơ DN, ĐML...nguyên là những sĩ quan cao cấp của QĐNDVN lại thoát tù tội một cách ngoạn mục, được cơ quan cảnh sát điều tra tuyên bố đình chỉ điều tra, huỷ lệnh khởi tố một cách quá dễ dàng, một điều hy hữu trong một xã hội toàn trị, hà khắc, nơi con người sinh ra và lớn lên song sinh cùng với những nỗi sợ hãi là triền miên.

Những người ác ý với tôi luôn nghĩ tôi phải đi tù rồi nhanh chóng rơi vào quên lãng như Vi Đức Hồi thì mới hợp lý. Họ cố tình quên: Tôi bị bắt ngày 15/6/2010 thì ngày 16/6/2010 trang Bauxite VN đã đăng tải lại bài “Ai sẽ phải đắc lỗi với tiền nhân” của tôi cùng với thông báo chính thức trên trang Đối Thoại việc tôi bị bắt giữ. Các cơ quan truyền thông quốc tế lớn như BBC, RFA, CTM… đã liên tiếp phỏng vấn tôi, nhiều tiếng nói bạn bè trong và ngoài nước đã điện thoại, Gmail tới gia đình tôi với những lời chia sẻ và tôi đã được trả tự do trên một bình diện ăm ắp tình người như vậy đấy chứ!

Với những người ác ý với tôi thì tôi lại càng đáng ngờ hơn khi giữa lúc từ hải ngoại đến trong nước, ran lên là những lời kêu gọi dân chúng xuống đường làm cách mạng “Hoa Nhài” lật đổ chế độ độc tài thì tôi lại công bố bài viết “Cách mạng đâu có đơn giản chỉ là hiệu ứng của đám đông”, bài viết bị xếp vào cùng dọ là bàn dùn, là hèn cùng với bài “Không ai được đùa với cách mạng và nổi dậy” của tác giả Nguyễn Minh Cần ở Maxcova và bài “Hương hoa lài”… làm tôi… nhức óc!” của nhạc sĩ Tô Hải ở Sài Gòn. Vấn đề lại càng có vẻ tình ngay mà lý gian khi cùng đến quan sát toà xử Cù Huy Hà Vũ sáng 4/4 vừa qua, Bác sĩ Phạm Hồng Sơn, Luật Sư Lê Quốc Quân cùng hàng chục dân oan bị bắt giữ, thế mà tôi vẫn đi lại nghênh ngang chẳng việc gì, lại là người có bài đưa tin vụ án gần như là sớm nhất (5/4/2011), tất nhiên là còn đầy lỗi vi tính, lỗi chính tả thì những bôi bác về tôi càng độc địa, những bới móc tôi trên một số trang blog càng rầm rộ.

Là cư dân mạng, tôi đã chứng kiến cứ vào dịp 30/4 hàng năm, một số người cầm bút ở trong nước, ở hải ngoại công kích, chê bai, bóc mẽ nhau đến tàn tệ. Quan sát những gì đến được với Tiến Sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, nhưng lại không đến được với Nhà Giáo, Hiệu Trưởng Trường Đảng Vi Đức Hồi, khi cả 2 đều duy nhất chỉ có một tội là yêu nước, dùng ngòi bút của mình để bầy tỏ những trăn trở cùng đất nước… mà buồn cho thế thái nhân tình. Nhìn những người dân oan, những giáo dân, những gương mặt dân chủ nổi tiếng như Bác Sĩ Phạm Hồng Sơn, Luật Sư Lê Quốc Quân bị trấn áp khi các anh đứng trên hè đường với thông điệp ôn hoà, với ngôn ngữ hình thể bất bạo động là những cánh tay khoanh trước ngực vậy mà dùi cui vẫn cứ vung lên rồi giáng xuống đầu họ và còng số 8 đã bập vào tay những con người như thế…

Lê Quốc Quân cùng bạn bè khoanh tay trên hè đường Hai Bà Trưng Hà Nội (4/4/2011)

Thử hỏi người nước ngoài sẽ nghĩ gì về tính cách người Việt Nam hôm nay? Ngay với bậc lão thành cách mạng khả kính như cụ Nguyễn Trọng Vĩnh, Nhạc Sĩ Tô Hải, Chính Trị Gia Nguyễn Minh Cần, Nhà Báo Lão Thành Bùi Tín, Luật Sư Trần Lâm, cụ Phạm Toàn, nhà giáo nổi tiếng, một trong những yếu nhân của Bauxite.vn, nhà toán học trẻ Ngô Bảo Châu, sau những phát biểu, bài viết rất sâu sắc, rất có trách nhiệm về cách mạng “Hoa Nhài”, về phiên toà xử Tiến Sĩ Cù Huy Hà Vũ… họ cũng đã là đối tượng để một số người chê bai, bằng những bới móc không trong sáng, những suy diễn không hợp lý, những ngôn từ không hề thuyết phục.

Ngay với nhà khoa học Nguyễn Phúc Giác Hải (Trung Tâm nghiên cứu tiềm năng con người) chỉ vì nhiệt tâm với cuộc sống mà tự ứng cử Quốc Hội 13, ngay lập tức đã bị “quần chúng nhân dân” đấu tố tả tơi với những tội danh trời ơi đất hỡi. Nghĩ lại cũng những ngày này 5 năm về trước, tôi cũng mình mẩy “đầy thương tích” khi phải đi qua những cuộc đấu tố của đồng nghiệp ở Trường THPT Trần Hưng Đạo Hà Đông, của các cụ nơi tôi cư trú khi tôi dám tự ứng cử ĐBQH 12…mà thấy cảm thông cho nhà khoa học Nguyễn Phúc Giác Hải hôm nay.

Không biết sự bất chấp phải trái, bất chấp đạo lý để sẵn sàng ra đòn với người khác, có phải là tính cách mới của người Việt Nam? Thật đáng buồn, khi nhân loại văn minh đã vươn tới cuộc sống của một thế giới phẳng, với những tiêu chí phổ quát về TỰ DO – DÂN CHỦ & NHÂN QUYỀN, với nền kinh tế tri thức… kể cả Liên Xô & Đông Âu XHCN cũng đã bừng tỉnh thì người Việt Nam chúng ta vẫn luẩn quẩn với những triết thuyết ngoại lai đã được thực tế chứng minh là sai lầm, là hoang tưởng, là hoàn toàn xa lạ với truyền thống cội nguồn như: “Đấu tranh giai cấp là không khoan nhượng”, “Bạo lực cách mạng là triệt để ”, “Chuyên chính vô sản là đến cùng”& điều chưa từng có tiền lệ là “Định Hướng XHCN” (!?)

So với những nhân vật khả kính kể trên thì những hệ luỵ đến với tôi thật chẳng đáng kể gì, chỉ có điều khi chẳng ai phục ai, chẳng ai có tiếng nói chung với ai thì sức mạnh cộng đồng còn lại được là bao nhiêu khi đất nước thường xuyên phải đối diện với sự tụt hậu về mọi mặt, phải đối diện với nguy cơ bị đồng hoá, bị phụ thuộc vào Thiên Triều đang không cần giấu giếm tham vọng làm bá chủ hoàn cầu. Phải chăng về tính kết gắn cộng đồng, người Việt Nam chúng ta không được như người người Nhật, người Tầu, người Thái, Người Cam Pu Chia …thì phải. Không biết những chuyện lình xình như thế có liên quan gì đến cái ranh giới “Triệu người vui – Triệu người buồn” mà ngày 30/4/1975 đã tạo ra? Trả lời thấu đáo cho câu hỏi này tôi nghĩ không dễ một chút nào.

Ngày 30/4 trôi qua cũng đã 36 năm có dư rồi mà hoạ dân tộc bị chia rẽ vẫn như những vết thương không ngừng ứa máu. Nhưng cũng rất may, sau 36 năm, ngày 30/4/1975 không phải chỉ duy nhất là độc quyền luận bàn của những người coi đó là ngày Quốc Khánh và những người coi ngày đó là ngày Quốc Hận, mà đã xuất hiện những người Việt Nam coi ngày 30/4/1975 là ngày:

“…để cả nước tưởng niệm và suy nghĩ, tưởng niệm mọi nạn nhân của cuộc chiến tranh và suy nghĩ về đất nước. Đó là ngày Hoà Giải, Hoà Hợp dân tộc. Chúng ta sẽ cùng nhau tâm niệm ý nghĩa thực sự của ngày 30/4/1975. Đối với người trí thức Việt Nam, đó cũng là ngày tự vấn và ăn năn”.
(Một ngày lễ lớn của mai sau – Nguyễn Gia Kiểng).

Về một phương diện khác, hàng năm cứ đến dịp 30/4, ngoài những trận khẩu chiến và bút chiến rất đại ngôn, của những người “Quốc Khánh” và những người “Quốc Hận”, tôi thấy vẫn âm thầm chẩy một dòng chẩy tình người, tình đồng bào vô cùng đằm thắm, không ồn ào, không đua chen, không hơn thua, không theo Chỉ Thị - Nghị Quyết nào hết, chỉ giản dị với tinh thần:

Khánh ly: Sống ở đời cần nhất điều gì?
Trịnh Công Sơn: Cần phải có một tấm lòng.
Khánh Ly: Để làm gì?
Trịnh Công Sơn: Để gió mang đi!

Năm đó, trước hiện tượng học sinh bỏ học tràn lan, trước hiện tượng tiêu chảy cấp đang diễn biến rất xấu, tôi nhiều lần phải trả lời phỏng vấn của bà con ở nước ngoài. Có điều rất lạ là những lần phỏng vấn đó tôi không một lần phải tranh luận với mọi người về đề tài mà cơ quan an ninh rất dị ứng, đó là vấn đề về TỰ DO – DÂN CHỦ & NHÂN QUYỀN, về ĐỘC TÀI, về ĐẢNG TRỊ… Mọi người đều lo âu về tình hình con trẻ bỏ học, thất học về bệnh dịch đang đe doạ. Không phải chỉ là thăm hỏi chiếu lệ, có người còn hỏi tôi muốn tạo một số xuất học bổng cho học sinh trong nước thì phải làm thế nào? Có bác già ở Mỹ hỏi tôi cách thức gửi tiền bạc, thuốc men, dụng cụ y tế về giúp đỡ bệnh nhân đang bị tiêu chảy cấp phải làm sao… Sau những lần hàn huyên đó, tôi rơi vào một tâm trạng rất lạ. Xúc động bao nhiêu trước nghĩa cử của những người đồng bào đã từng chịu bao thị phi, báng bổ của chính quyền trong nước ngày nào, thì tôi lại thấy buồn đến tái tê khi nhận thấy người trong nước sống với nhau không còn giữ đựơc cái nồng ấm của tình đồng bào như ngày nào nữa.

Điều đáng lo lắng hơn cả là sự khủng hoảng, sự bế tắc về thái độ sống, là sự lên ngôi của những lối sống rất xa lạ với phẩm chất truyền thống của giống nòi. Đó chính là điều mà ông Dương Trung Quốc cảnh báo: “Thế hệ chúng ta mất gốc hoàn toàn”, Tiến Sĩ Hà Sĩ Phu thì báo động về “Sự vong bản !”, Nhà văn quân đội Phạm Đình Trọng thì vô cùng hốt hoảng và phiền muộn trước hiện tượng nhiều người Việt Nam hôm nay dường như trở nên lãnh cảm, điêu trác & hung bạo hơn.

Sẽ thật khó mà hiểu nổi vì sao! vì điều gì mà một dân tộc có truyền thống văn hiến nhiều nghìn năm, một dân tộc ngay từ thuở bình minh của giống nòi đã ăm ắp những giá trị nhân văn cao cả: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương – Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Một dân tộc “Trọng nghĩa – Khinh tài”, “Đói cho sạch rách cho thơm”, “Lấy chí nhân để thay cường bạo…”, nay cộng đồng dân tộc đó lại xuất hiện những tính cách lạ. Công an thì sẵn sàng đánh gẫy cổ, đập dập sọ người dân chỉ vì không đội mũ bảo hiểm, và lại còn “… CHỈ BIẾT CÒN ĐẢNG CÒN MÌNH ”. Quân Đội Nhân Dân từ chỗ “TRUNG VỚI NƯỚC HIẾU VỚI DÂN” thì nay lại chỉ “TRUNG VỚI ĐẢNG…”. Từ chỗ “VÌ NHÂN DÂN QUÊN MÌNH”, nay lại rơi vào hội chứng vô cảm trước nỗi đau của đồng bào, nhưng lại bạc nhược trước “Nước Lạ”, “Người Lạ”.

Vì sao trước kia non sông đẹp như gấm hoa, nay rừng thì kiệt quệ, các dòng sông kể cả những dòng sông mang hồn dân tộc như Sông Cái ( Sông Mẹ - Sông Hồng…), Sông Cửu Long… nếu chưa chết thì cũng đang ngắc ngoải vì ô nhiễm, vì hết nước.

Vì sao trước kia dậy học là nghề cao quý, nay thầy dạy biến thành thợ dậy, lãnh đạo giáo dục biến thành một thứ cai thầu chỉ biết còn ghế là còn tiền, thậm chí có thầy Hiệu Trưởng kiêm nghề macô, nghề Tú Ông!

Vì sao trước kia lương y như mẹ hiền, thì giờ đây lại có chỗ để nói “Lương y như quỷ dữ!”!

Vì sao mà phân hoá giầu nghèo lại trầm trọng hơn cả thời thực dân phong kiến còn tham nhũng lại ở tốp dẫn đầu?

Vì sao trong khi kinh tế Việt Nam nằm trong tốp cuối của khu vực và thế giới thì các quan chức chóp bu của Đảng, Nhà Nước cùng con cháu trong gia đình lại được mô tả là những người giầu có nhất nhì Châu Á với khối tài sản kếch xù mà bọn “Tư Bản xấu xa”, bọn “Địa Chủ thối nát” phải ghen tị!

Vì sao ngay sau Đại Hội 11, tình cảnh của người dân chúng tôi lại là:

Hãy ra chợ để thương những người vợ
Cầm đồng lương chúng ta mang về
(khuyết danh)

Vì sao chúng ta không giữ được chủ quyền ở Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc, Hoàng Sa, Trường Sa, bãi Tục Lâm, núi Lão Sơn cùng phần lớn Biển Đông? Vì sao mà cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngay sau Hội Nghị Thành Đô 1991 phải than trời “Mình hớ, mình dại rồi…”còn cố ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch thì hốt hoảng: “Một thời kỳ Bắc Thuộc mới đã bắt đầu!”?

Có đau lòng không, năm 1979 khi xua quân tràn vào các tỉnh biên giới của Việt Nam, Đặng Tiểu Bình, người thầy, người bạn lớn của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã vui vẻ chia sẻ với người Mĩ rằng: “Phải dạy cho bọn lưu manh, côn đồ Việt Nam một bài học!”.

Có đau lòng không khi không ít dân tộc văn minh nhìn những người Việt Nam đến đất nước họ làm ăn trong thời hội nhập như nhìn một đám Digan da vàng đầy biển lận!

Có đau lòng không, khi không ít những Mỵ Nương con gái mẹ Âu Cơ những năm 2000 rồi vẫn bị mang đi và cũng tự mình mang mình đi rao bán mình ở các động điếm, các chợ tình ở Băng Cốc, Nông pênh, Ma Cao, Kualalampơ với tấm biển đeo trước vồng ngực mới nhú: “Gái Việt Nam giá rẻ bất ngờ!” và một mặt bằng phẩm hạnh thật đau xót:

“Các em thất tiết nhiều hơn trước,
Bộ ngực nào cũng nhuốm phong sương.”

(Bùi Chí Vịnh)

Tinh thần xã hội nhìn về đại thể thấy rất rõ sự thắng thế của lối sống chụp giật, lấy dối trá làm cứu cánh, chọn thái độ bạc nhược, thích nghi tuyệt đối rồi ơ hờ đứng nhìn cái thiện đang phải lùi bước trước cái ác, cái chính đang phải quỳ gối trước cái tà và bảo nhau như thế là khôn ngoan là thức thời! Một dân tộc đã từng “Ra ngõ là gặp anh hùng”, dân tộc đó sẽ đi về đâu với sự biến đổi tính cách lạ lùng đến như thế.

Còn giới trẻ, tương lai của đất nước thì sao?

Biết giải thích thế nào đây trước hiện tượng, con cháu chúng ta có thể sẵn sàng vung dao hạ sát nhau ngay giữa lòng đường chỉ vì va chạm xe cộ, vì tắc đường, thậm chí chỉ vì “Nhìn Đểu” nhưng lại không hề biết nổi giận khi lạm phát gia tăng, giá cả tăng phi mã, bất công thì tràn lan, tham nhũng thì ngập tràn, môi trường sống ngày càng ngột ngạt vì ô nhiễm, vì thay đổi khí hậu và trên hết cả là hoạ mất nước đã hiển hiện nhãn tiền.

Điều gì đã diễn ra trong sâu thẳm tâm hồn lứa trẻ trong một đám đông đầu chít khăn xô, xe tháo bỏ thắng rồi lao vào cuộc đua tốc độ kinh hoàng với các tử thần trên đường phố, đã có lần tới 700 xe máy bị công an bắt giữ chỉ trong một đêm. Hiện tượng này có đơn giản được giải thích: Lứa trẻ thích đi tìm cảm giác mạnh (!?)

Điều gì đã xẩy ra trong tâm hồn những thục nữ tuổi teen, tuổi ô mai, tuổi học trò khi lao vào đấm đá, cấu xé, giật tóc, lột quần áo nhau trước sự thích thú của các khán giả là bạn của mình, rồi tung các trường đoạn đó lên mạng!?

Điều gì đã diễn ra trong não trạng của những kẻ giết ông, bà, cha, mẹ, giết thầy cô giáo, giết rồi băm xác bạn tình của mình, xô bạn tình của mình xuống giếng, bán bạn tình cho kẻ khác …được đăng tải tràn ngập trên báo chí lề phải!?

Phải chăng! Đó là cách phản ứng, cách lên tiếng của những tâm hồn bế tắc mang mặc cảm lạc loài, thất bại trước cuộc đời, là cách nổi loạn của những cái tôi khao khát được khẳng định, được hiện diện, được yêu thương, được chia sẻ và nâng đỡ nhưng lại bị bỏ rơi, bị chối bỏ, bị phủ nhận, bị cùng đường.

Thế mới biết, với thế hệ 8x, 9x…một Phạm Thanh Nghiên mảnh mai ngồi toạ kháng dưới khẩu hiệu “Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam” tại nhà mình, một Nguyễn Anh Tuấn với lá đơn “Tự Thú” trước Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, cùng với thế hệ đàn anh của họ là những Cù Huy Hà Vũ, Vi Đức Hồi, Phạm Hồng Sơn, Lê Quốc Quân…cùng nhiều người khác vì khát khao được sống trong một xã hội ngập tràn tình yêu thương trong một trật tự dân chủ đích thực mà phải chịu tù đầy. Họ thực sự là những hạt vàng lấp lánh nhưng rất cô đơn trên cả một sa mạc của những điều tẻ nhạt, tầm thường, u buồn và không tương thích.

Còn đâu nữa hình ảnh một Việt Nam bừng sáng! Một Việt Nam là niềm tin, là lương tâm của thời đại! Còn đâu nữa con người lãng mạn và đa cảm như Xararitman (Thuỵ Điển): “Tôi ao ước sau một giấc ngủ tôi được hoá thân thành người Việt Nam!”.

Làm mất đi những phẩm chất cao đẹp của giống nòi, ai đã biến dân tộc trở thành những kẻ biến chất xa lạ, vất vưởng tha hương trên chính quê hương, xứ sở của mình? Nếu tình hình không được cải thiện, Đảng sẽ tự thổi tắt đi những hào quang đã có trong quá khứ, làm mất đi sự bình an của hiện tại và đương nhiên Đảng cũng sẽ mất luôn hy vọng ở tương lai./.

Thành phố Hà Đông những ngày đầu tháng 5 -2011

Nhà Báo Nguyễn Thượng Long

- Nguyên giáo viên dậy Địa Lý của Giáo Dục Hoà Bình và Hà Tây
- Nguyên Thanh Tra kiêm nhiệm Sở Giáo Dục Hà Tây.
- Địa chỉ: Tổ 6 - Phố Văn La – Phường Phú La – Quận Hà Đông – Hà Nội
- Email: nguyenthuonglong571@gmail.com

gửi Dân Làm Báo

http://danlambao.com/
http://danlambaovn.blogspot.com/



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo