Lời kêu cứu vô vọng của một dân oan - Dân Làm Báo

Lời kêu cứu vô vọng của một dân oan

Thanh Trúc (RFA) - Sau gần năm năm cất công đi khiếu nại liên tục, một hộ nghèo ở Tây Ninh có nhà đất bị trưng thu, bộc lộ nỗi oan khiên rằng những lời kêu ca của họ không được chính quyền đoái hoài, hoàn cảnh sống của mọi người trong gia đình càng ngày càng thê thảm hơn.

Bồi thường theo kiểu "bố thí"?.

Screen capture - Dân oan biểu tình khiếu nại đất bị chiếm (TPHCM-02-2011) Ảnh minh họa

Trước ngày bị mất đất, gia đình này, gồm cha mẹ và hai người con, ở trong căn nhà mặt tiền tại Trảng Lớn, ấp Bình Phong, xã Thái Bình quận Châu Thành tỉnh Tây Ninh.

Ngày 20 tháng Chín  2006, chủ tịch xã, ông Nguyễn Bình, gởi giấy thông báo tới tháng Chín đất của họ sẽ được trưng thu để làm trạm bơm cấp thuỷ và xây nhà mới.  Anh Đức, con trai lớn trong nhà, thuật lại:

-Đất nhà em ngang 80 sâu 76, có giấy tờ giá trị tám trăm cây. Trước cưỡng chế, bí thư xã, trưởng ấp, ông Thảo, phó chủ tịch xã, hỏi đất nhà em bán một mét bao nhiêu. Nhà tui lúc nào cũng nói một mét mười lượng, tám chục mét tám trăm lượng.

Tuy nhiên chính quyền địa phương đã không bồi thường thỏa đáng mà lại chỉ định cho gia đình anh Đức một căn hộ gọi là nhà tình thương trong tình trạng rất tồi tệ. Căn nhà này, theo anh Đức, trước đó rao bán hai cây vàng mà cũng không ai muốn mua.

-Ngày 26 tháng Chín 2006 xã tiến hành cưỡng chế, áp giải gia đình chúng tôi vào nhà tình thương, tính bồi thường gia đình tôi căn nhà trong hóc ngập nước ấp Bình Long. Nhà nhỏ xíu, bán hai cây người ta  không mua. Nhà tui không ký nhận vì không thỏa đáng. Tụi tui chuẩn bị xây nhà thì ông phó chủ tịch xã không cấp giấy. Ban bí thư tỉnh uỷ, trưởng đoàn đại biểu quốc hội Tây Ninh, bà Thủy,  vân vân, hứa trả lại đất với bồi thường thiệt hại mà không hề trả với bồi thường gì cả.

Và như đã nói,  ngày 26 tháng  Chín 2006 thì  chính quyền xã tiến hành cưởng chế đất, mang hết đồ đạc vật dụng của gia đình anh Đức liệng vào căn nhà dột nát gọi là nhà tình thương mà họ chỉ định trước đó:

Một vụ cưỡng chế đất ở Thái Nguyên. Ảnh minh họa. RFA file

Một vụ cưỡng chế đất ở Thái Nguyên. Ảnh minh họa. RFA file

-Hiện gia đình tôi đang tạm trú nhà ngập nước ấp Bình Long xã Thái Bình huyện Châu Thành tỉnh  Tây Ninh,  đến nay chưa nhận được đồng  tiền bồi thường, gia đình khổ lắm. Cái miếng đất mà họ chỉ định , gọi căn nhà tình thương,ở trong hóc trong hang, bị ngập nước và ô nhiễm , tôn cũ nóng chịu không nỗi, dột nhiều chỗ, tệ hơn nhà kia nhiều. Sau nhà thì hầm hố không trồng tỉa gì được. Lội khoảng năm chục mét nước  mới tới nhà, trong nhà ngập khoảng ba tấc, không cầu tiêu buồng tắm, chung quanh nước như con sông, đĩa rắn chun lội vô nhà  rất nguy hiểm, kiến lửa  leo lên giường cắn  người. Ở đây gia đình tôi bệnh hoài không làm ăn gì được, đổ nợ dữ tợn…

Những lời hứa suông

Trong hoàn cảnh sống ngặt nghèo như vậy, từ năm 2006 đến giờ anh Đức đã đi khắp nơi để khiếu nại. Lần khiếu nại mới nhất của gia đình là hồi tháng Tư vừa qua, khi anh đến gặp bà Thủy từng là chủ tịch uỷ ban nhân dân tỉnh Tây Ninh vào lúc đất của gia đình bị cưỡng chế, cũng là người đã nhiều lần hưá hẹn sẽ giải quyết cho gia đình anh. Sau đây là đoạn băng ghi âm cuộc nói chuyện giữa anh Đức với bà Thuỷ mà kết quả chỉ là lời hứa cho qua:

Gia đình thấp cổ bé miệng này cứ phải tiếp tục đi kêu ca với chính quyền địa phương mà không có hy vọng, trong lúc cha mẹ già yếu, em gái duy nhất vì quá bức xúc mà bị trầm cảm. Lời cô Siêu  em anh Đức:

-Ba má em già, mẹ em điếc, mắt mờ và cũng bịnh hoạn hoài. Ba cũng già, cũng bị cao huyết áp không làm gì được.

Tại nhà nghèo khổ quá thành người ta thấy em người ta cũng không muốn quen luôn. Ở trong này binh hoạn hoài với nước buồn chán nữa, em đi khám bệnh em bị trầm cảm buồn chán nhiều khi không muốn sống. Anh của em cứ lên chính quyền khiếu nại hoài, đi hoài mà họ hứa nhưng họ không giải quyết.

Đó là tình cảnh cơ cực của một gia đình nghèo, có miếng đất trên mặt tiền đã bị trưng thu từ năm năm qua, nay ở một căn nhà cũ kỹ ngập nước với điều kiện sinh hoạt tồi tệ, cũng không có lấy một đồng bạc đền bù.

Là người bao năm đi kêu ca khắp cửa công, anh Đức nói anh không có ý chống đối mà chỉ xin chính quyền xử lý công bằng cho trường hợp khó khăn của gia đình anh:

-Nguyện vọng gia đình là được trả nhà trả đất, bồi thường thiệt hại với đổi sổ đỏ. Nếu không trả thì bồi thường đất tám trăm lượng. Nếu trả không được xin trả căn nhà mặt tiền trên đất vì ngày cưỡng chế chính quyền xã tuyên bố nữa cất nhà sẽ trả lại đất cho tui để tụi tui làm ăn kiếm sống.

Cần rõ đây là một trong những trường hợp mà người trong cuộc tự xưng là dân oan, nhiều lần tìm cách liên lạc với RFA qua điện thoại. Thế nhưng vì đó là khu vực trũng nằm trong vùng sâu vùng xa nên mạng sóng viễn liên rất yếu. Đó là  lý do chúng tôi khó có thể liên lạc với viên chức xã hay huyện ngay tại đây.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/land-victim-impos-to-claim-05102011071504.html



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo