Quốc Hội Việt Nam là của ai? - Dân Làm Báo

Quốc Hội Việt Nam là của ai?

Kami- Hôm Chủ nhật 22/5/2011, trên Báo Quân Đội Nhân Dân - Cơ quan của Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng, tiếng nói của lực lượng vũ trang và nhân dân Việt nam, trong mục Chính luận có đăng bài viết "Quốc hội của Đảng và cũng là của dân"của tác giả Ngọc Thư, với mục đích nhằm làm thất bại Chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch của Đảng.

Theo như tác giả Ngọc Thư cho biết thì (trích): “Dường như đã trở thành một quy luật, cứ mỗi khi Đảng, Nhà nước ta có những đợt sinh hoạt chính trị, thì ngay lập tức các thế lực thù địch trong và ngoài nước lại tập trung xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta trên các phương tiện truyền thông, nhất là trên mạng internet. Gần đây nhất, trong dịp cử tri cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, thì các thế lực thù địch lại tung lên mạng, phát trên đài xuyên tạc thể thức bầu cử, vu cáo vai trò lãnh đạo của Đảng ta đối với Quốc hội. Họ đặt câu hỏi đầy ẩn ý: “Quốc hội của Đảng hay của dân?

Người Việt ta từ xưa đã có câu “Trăm người, mười ý”, cũng là phản ảnh xu hướng đa nguyên tư tưởng, tinh thần đó cũng phù hợp với nguyên tắc dân chủ của đảng , đó là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp khoá XIII, ngày 22/5/2011 vừa qua là một sự kiện trọng đại của đất nước, từng được gọi là ngày hội lớn của non sông. Vậy khi người dân trong và ngoài nước được biết đến sự kiện trọng đại này, thì có nhiều người cho rằng “Quốc hội ở Việt nam là của Đảng”, nhưng cũng không ít người lại cho rằng “Quốc Hội ở Việt nam là của dân”, đây là vấn đề thời sự chính trị bình thường, nghiêm túc. Để qua đó tìm ra một câu trả lời xác đáng rằng Quốc Hội ở Việt nam thực sự là của ai? Muốn vậy, thì người dân phải bàn bạc, phải tranh luận để tìm ra câu trả lời thoả đáng. Vậy tại sao tác giả Ngọc Thư lại gọi họ (nhân dân) là các thế lực thù địch trong và ngoài nước lại tập trung xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước ta? Không hiểu họ vu cáo cái gì khi chỉ đặt câu hỏi đơn giản là “Quốc hội của Đảng hay của dân?”

Bầu cử theo nguyên tắc “Đảng cử, Dân bầu”

Trong giới hạn của bài viết này, tôi xin không đi sâu vào việc phản biện bài viết nói trên của tác giả Ngọc Thư, mà mục đích chính ở đây là tìm câu trả lời thoả đáng cho câu hỏi “Quốc hội ở Việt nam là của ai? Của Đảng hay của dân?”. Cũng vì tôi thấy có ý kiến cho rằng (trích) “Nói như vậy thì Quốc hôi trước hết là của đảng, sau đó mới là của nhân dân? Tác giả Ngọc Thư này cùng Ban biên tập báo Quân đội ND hãy đọc lại Điều 83, Hiến pháp 1992 để tự coi lại mình có quá trớn hay không: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam …“, không một chữ nào trong điều này nói rằng Quốc hội là “của đảng”. Chớ lẫn lộn và quá đà, từ chỗ “lãnh đạo” rồi biến thành thứ sở hữu“.

Trên tinh thần tôn trọng mọi ý kiến đa chiều, kể cả ý kiến khác biệt, tôi xin được mạn phép lạm bàn về chủ đề này, với suy nghĩ chủ quan của cá nhân mình. Nhưng trước hết chúng ta cùng xác định từ của, trông câu hỏi câu hỏi “Quốc hội ở Việt nam là của ai? Của Đảng hay của dân?” đã nêu ở trên có nghĩa gì?

Căn cứ theo hệ thống từ điển chuyên ngành tiếng Việt, từ “của” trong câu hỏi nêu trên là một kết từ, là “từ biểu thị điều sắp nêu ra là người hay sự vật có quyền sở hữu hoặc chi phối đối với cái vừa được nói đến“. Căn cứ định nghĩa trên, để nói một cách dễ hiểu nhất là “Ai có quyền chi phối (cáí sắp nêu ra) là Quốc hội, thì người đó có quyền sở hữu”. Vậy ai đang chi phối Quốc hội ở Việt nam hiện nay? Nhân dân hay đảng CSVN? Hay là kiểu đồng sở hữu theo lối Quốc hội của Đảng và cũng là của dân theo cách lập luận của tác giả Ngọc Thư?

Quốc Hội là của Nhân dân?

Theo Hiến pháp Nước Cộng hoà Xã hội Chủ Nghĩa Việt nam năm 1992. tại Chương I – Điều 2 đã ghi rõ (trích) “ Điều 2: Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức“.

Và cũng tại văn bản Hiến pháp năm 1992 này, tại Chương VI – Điều 83 ghi rõ (trích): “Điều 83: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp.

Quốc hội quyết định những chính sách cơ bản về đối nội và đối ngoại, nhiệm vụ kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, những nguyên tắc chủ yếu về tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, về quan hệ xã hội và hoạt động của công dân. Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

Căn cứ vào những điều trích dẫn nêu trên cho thấy Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp… Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

Vậy nhân dân có quyền chi phối Quốc hội ở Việt nam hiện nay hay không? Trả lời được câu hỏi này sẽ rõ Quốc Hội Việt nam là của ai?

Nên nhớ tại văn bản Hiến pháp năm 1992 này, tại Chương VI – Điều 83 ghi rõ (trích): “Điều 83: Quốc hội (chỉ) là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân”, nó khác nghĩa với Quốc hội là của nhân dân, vì nhân dân thực chất không có quyền chi phối Quốc Hội, trong việc đề cử, ứng cử, bầu cử và bãi miễn các thành viên của Quốc Hội. Mà Quốc Hội Việt nam là do đảng CSVN lãnh đạo và chi phối và định hướng kết quả trúng cử trước khi bầu cử theo nguyên tắc “Đảng cử, Dân bầu”

Không, Quốc Hội là một bộ phận của Nhà nước, Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo (chi phối) Nhà nước – Quốc Hội.

Như trên đã dẫn, về quyền lực của Quốc Hội đối với Nhà nước – đối tượng của Quốc Hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động, Vậy Nhà nước là cái gì?

Theo định nghĩa Nhà nước (trích) : “… hiểu theo nghĩa pháp luật, là một tổ chức xã hội đặc biệt của quyền lực chính trị được giai cấp thống trị thành lập nhằm thực hiện quyền lực chính trị của mình. Nhà nước là bộ máy do lực lượng nắm quyền thống trị (kinh tế, chính trị, xã hội) thành lập nên, nhằm mục đích điều khiển, chỉ huy toàn bộ hoạt động của xã hội trong một quốc gia, trong đó chủ yếu để bảo vệ các quyền lợi của lực lượng thống trị. Nhà nước được tổ chức thành các cơ quan để thực hiện các nhiệm vụ và chức năng Nhà nước. Tương ứng với 3 loại chức năng Nhà nước nói trên có 3 loại cơ quan Nhà nước, đó là cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp.

  1. Cơ quan lập pháp là cơ quan quyền lực Nhà nước, bao gồm Quốc hội (hoặc Nghị viện) và các hội đồng địa phương.(Cái mà chúng ta đang bàn tới)
  2. Cơ quan hành pháp là cơ quan hành chính Nhà nước, bao gồm Chính phủ (hay Nội các), các Bộ và cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ, các chính quyền địa phương.
  3. Cơ quan tư pháp bao gồm các cơ quan xét xử (các hệ thống tòa án) và các cơ quan kiểm sát

Cũng cần nhắc lại đến Điều 4- Chương I của bản Hiến pháp năm 1992, khi nói về vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam là “lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội“. Nhưng cũng ghi rõ “Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật“. Nói tóm lại, theo Điều 4 của Hiến Pháp Nước CHXHCNVN quy định, thì đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo Nhà nước, cũng có nghĩa đảng CSVN là tổ chức lãnh đạo và chi phối Quốc Hội.

Điều này đồng nghĩa với Quốc Hội Việt nam là của Đảng CSVN, đây là một sự thật hiển nhiên trong thực tế đời sống chính trị của người dân ở Việt nam. Do vậy, căn cứ váo các văn bản Hiến Pháp và pháp luật hiện hành của nhà nước ở Việt nam hiện nay, cho thấy một điều là sự thật hoàn toàn không thể chối cãi, trên cả thực tế và lý luận, như tác giả Ngọc Thư nhận định, đó là Quốc hội ở Việt nam hiện nay là của Đảng CSVN. Còn cái gọi là Quốc Hội cũng là của dân chỉ là cái trò vòng vo, kiểu bán bánh nhưng nói thêm cho khách lá gói, vớt vát hòng đánh lừa các bạn đọc còn thiếu kiến thức, hòng đánh bóng cho cái thể chế Tư bản chuyên chế độc đảng, núp bóng chủ nghĩa Marx-Lênin của đảng CSVN hiện nay.

Còn ai còn suy nghĩ cho rằng Quốc Hội ở Việt nam là của dân, vì lý do Hiến pháp ghi thế này, thế khác, thì có nghĩa là các bác chỉ đọc lướt qua, mà vẫn chưa tỉnh khi bị họ lừa. Vì Hiến pháp – một hệ thống quy đinh những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền ở Việt nam, cũng là do cái lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội này họ tự biên, tự diễn kiểu lắt léo. Để rồi quanh co, rồi họ nghiễm nhiên là lực lượng lãnh đạo và chi phối cái Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.

Để tăng tính thuyết phục, xin được trích một đoạn trong Bài giảng của V.I Lenin đọc tại trường Đại học Xveclov (ngày 11/7/1919), được đăng lần đầu tiên trên báo “Sự thật”, số 15, ngày 18 tháng Giêng 1929, khi nói về một nhà nước tự coi là chính quyền của toàn dân, như kiểu ở Việt nam hôm nay, đảng CSVN họ đang ca ngợi (trích) :

Dù chính thể cộng hoà mang hình thức nào chăng nữa, ngay cả là cộng hoà dân chủ nhất, nhưng nếu đó là một cộng hoà tư sản, nếu quyền tư hữu ruộng đất, quyền tư hữu về nhà máy và công xưởng còn tồn tại trong nước cộng hoà đó, và nếu ở đấy toàn thể xã hội còn bị tư bản tư nhân duy trì trong chế độ nô lệ làm thuê, thì nhà nước đó vẫn là một bộ máy để cho những người này áp bức những người khác … Đó chỉ là một sự lừa bịp: chừng nào còn có bóc lột thì không thể có bình đẳng được. Địa chủ không thể bình đẳng với công nhân, cũng như người đói không thể bình đẳng với người no được. Bộ máy đó, mà người ta gọi là nhà nước, mà mọi người sùng bái một cách mê tín và tin vào các câu chuyện hoang đường cũ rích nói rằng nhà nước là chính quyền của toàn dân, – bộ máy đó, giai cấp vô sản vứt bỏ nó đi và nói: đó là một sự dối trá của tư sản“.

Tất nhiên, những lý luận kiểu cũ của V.I. Lênin là không chính xác, không còn phù hợp trong thời đại ngày nay, nhưng với những kẻ luôn luôn mang cái Chủ nghĩa Marx-Lênin ra rêu rao làm bình phong cho màn lừa bịp và những bạn đọc còn chưa tỉnh ngộ, thì cần phải đọc và suy ngẫm. Để hiểu rõ ý đồ, thâm hiểm, bịp bợm kiểu trái nho giờ vẫn còn xanh của một số kẻ làm công tác Tuyên giáo trong Đảng CSVN khi cho rằng “Đến khi CNXH được xây dựng xong thì chúng ta có một nền dân chủ hoàn thiện, không những xã hội có ý thức cao mà còn có điều kiện đầy đủ để thực hiện nền dân chủ vô cùng đẹp đẽ ấy. Chúng ta xây dựng một nhà nước của dân, do dân, vì dân, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, là một kiểu nhà nước dân chủ, văn minh nhất trong lịch sử“.

Mới đây, ông Trương Tấn Sang có nói rằng “Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được”. Suy ra, có nghĩa là trước thì viên đảng CSVN chỉ có một vài đồng chí “Sâu”, nay thì đã có rất nhiều đồng chí “Sâu”, còn mai kia (chắc là khi xây dựng xong CNXH) thì … toàn Đảng sẽ là Sâu?

Nếu thế, khi đó các đồng chí Đảng sẽ xây dựng cho nhân dân chúng ta một nhà nước của Sâu, do Sâu, vì Sâu, mọi quyền lực thuộc về Sâu.

Nếu ai hỏi bạn rằng “Quốc hội ở Việt nam hiện nay của ai? “, thì bạn hãy bảo nó là của một bầy Sâu! Đây là chúng ta suy từ lời phát biểu của ông Trương Tấn Sang, nhân vật số 2 trong thành phần Ban lãnh đạo đảng CSVN

Ngày 24/5/2011

—————————–

*Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA

http://rfavietnam.com/node/626



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo