Cánh Cò - Hãy nói về Rùa trước. Mình cũng muốn gọi chú rùa này bằng “cụ” lắm nhưng lại bị cái cảm giác ngỡ ngàng chen lẫn xấu hổ nên thôi. Ai mích lòng thì mặc, mình cứ gọi là rùa Hồ Gươm, hay một cách thương yêu loài vật, gọi bằng chú vậy.
Từ “Cụ” xuống “Chú” chắc làm cho giáo sư rùa Hà Đình Đức mất lòng. Nhưng mình không phỏng vấn ông như đài BBC thì xét ra cái sự mích lòng của ông chỉ làm mình hơi…nhúc nhích lương tâm một chút rồi thôi. Nhúc nhích bởi thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn của ông, hơn là chia sẻ cái công trình mà ông bỏ hàng bao năm nghiên cứu. Nghiên cứu duy nhất về rùa, mà phải là rùa Hồ Gươm cơ!
Chú rùa được (hay bị) giới khoa học Việt Nam chú tâm đến độ nếu nói được, mình tin ắt chú sẽ không ngại gì mà không chửi thề! Chú được trục vớt bằng lực lượng đặc công, vốn được huấn luyện vào công tác chống khủng bố nay bị điều về làm một công việc khá hoành tráng có tính bảo vệ lịch sử ngàn năm Thăng Long.
Thế nhưng nhìn hình ảnh của các chàng trai sung sức này mình lại liên tưởng đến những ngư dân đang chăm chỉ với công việc…. đánh bắt cá hơn là đang nhận lãnh một nhiệm vụ trọng đại mà UBND thành phố Hà Nội giao cho họ.
Hay các anh giai này đang buồn khi bị xem là dùng dao mổ trâu để giết gà?
Vậy mà gà thì sổng chuồng mấy bận, còn dao mổ thì lại cùn!
May thay, chú rùa cuối cùng cũng được mang lên khỏi hồ để điều trị các vết thương. Nhiều nhà khoa học liên tiếp tuyên bố những lo âu về tình trạng sức khỏe của chú với kết luận là phải thả chú về với môi trường, nếu không thì sẽ gây nguy hại cho sức khỏe.
Nhiều người tin, và cũng có nhiều người che miệng cười.
Sao lại cười đối với những nghiên cứu khoa học được thực chứng một cách nghiêm túc như vậy nhỉ? À, xin lỗi, họ cười vì nhớ tới chuyện khác. Chuyện mà ai cũng biết nhưng rất nhiều người lại làm ngơ coi như không có. Đấy là hồ Hoàn Kiếm có rất nhiều chú rùa chứ nào phải một chú “hoàn kiếm” thuở xưa?
Người ta cười vì màn kịch tung hứng quá nhạt. Chú rùa được vẽ lên mu (hay mai) cơ man nào là huyền thoại. Báo chí vận động dư luận xã hội viết lời có cánh tung hô huyền sử về chú. Họ cố làm cho huyền sử ấy trở thành lịch sử. Từ một sinh vật, chú nghiễm nhiên trở thành linh vật và người ta tranh nhau ve vuốt, thương xót, thậm chí cung kính và tôn sùng như một lãnh tụ.
Vậy là sao?
Có sao đâu! Người ta muốn nhân dân quên. Mà nhân dân thì dễ quên lắm bạn ạ. Thật, mình không dối đâu! Cứ đọc “Những người khốn khổ” của văn hào Victor Hugo thì rõ!
Chuyện chú rùa xảy ra sau khi Ngàn Năm Thăng Long kết thúc với nhiều câu hỏi liên quan đến kinh phí nhà nước cấp cho đại lễ. Ai, cơ quan nào, chi phí việc gì… đang chạy đua với thời gian để trình báo cho nhân dân cả nước, nhất là người dân Hà Nội được rõ.
Kinh phí cho rùa sẽ được “tộng” vào chi phí cho đại lễ. Mỗi lần cộng là một cơ hội khai man. Sướng nhé!
Bây giờ tới lượt quái thú xuất hiện tại xứ Quảng.
Người dân hoảng loạn lo sợ vì con thú này ăn thịt chó trong làng. Biết cắt đầu, moi ruột và chỉ thích ăn…chó mà thôi!
Không ai biết loại động vật này hình thù ra sao chỉ nghe đồn nó hú như sói, vằn vện như báo, vết chân như gấu và to….tùy theo trí tưởng tượng của từng người!
Một giáo sư (lại giáo sư) mãi tận Hà Nội phán, với những miêu tả như thế là gấu rồi, không cần phải bàn cãi. Lần đầu tiên mình nghe nói gấu ăn thịt chó! Con gấu này hình như quê ở đê Yên Phụ thì phải?
Nhân dân và nhà nước dàn hàng ngang trong nhiều ngày đi săn con thú bí mật này. Kết quả là con số không. Người dân chờ đợi câu trả lời từ giới khoa học, nhất là vụ viện gì đó có liên quan tới nghiên cứu thú..lạ để họ được yên ổn làm ăn. Thế nhưng nhiều ngày đã trôi qua, con thú vẫn “lạ” và các “cụ” giáo sư tiến sĩ ngành động vật học vẫn chưa có ai mở miệng đề nghị một giải pháp nào để đánh tan sự sợ hãi cho dân nhờ.
Rùa và quái thú là chuyện nhỏ, nên không ai đi tìm cái lõi cho ra lẽ. Thế nhưng lâu lâu lại xuất hiện vài phát ngôn có liên quan đến hạt nhân, một lĩnh vực mà có đánh chết mình cũng tin là Việt Nam còn rất ngẫng tò te!
Bởi những phát ngôn không khớp với hiện thực làm mình cả tin như thế.
Chưa có nhà máy, chưa vận hành ngày nào. Chưa biết phản ứng của lò nếu có sự cố sẽ ra sao, nhưng nhiều vị giáo sư, tiến sĩ làm việc cho nhà nước cứ mạnh miệng nói rằng nhà máy điện hạt nhân Việt Nam sẽ là nhà máy an toàn nhất nhì thế giới! thế mới khiếp. Người ta nói tới hạt nhân như nói về một nhà máy làm nước đá. Với những câu nói vô trách nhiệm và thiếu luận chứng khoa học như vậy liệu Việt Nam sẽ đi về đâu trong môi trường khoa học?
Và cuối cùng, một việc mới toanh vừa xảy ra cho hai “nhà” trí thức.
Đó là vụ lùm xùm của cái công trình nghiên cứu khoa học mang tên “Tài năng và đắc dụng” do GS.TSKH. Nguyễn Hoàng Lương và PGS.TS. Phạm Hồng Tung đồng chủ biên.
Trong quyển sách được gọi là công trình nghiên cứu này hai nhà trí thức đặt hàng cho một doanh nhân nổi tiếng là ông Đặng Lê Nguyên Vũ để viết tự sự về bản thân mình. Sau đó lấy bài viết của ông này đặt chung với mấy danh nhân khác kể cả Bill Gate để gọi là…case study!
Nghe mà phát sốt cho quý vị giáo sư tiến sĩ. Mình không còn biết nói gì hơn là thưa với các ông, xin đừng làm xấu thêm nữa hai tiếng trí thức Việt Nam, vốn dĩ đang bị tứ bề thọ địch. Bị cáo buộc là giả dạng, mua bằng như mua rau chứ không phải do đào tạo bài bản mà có tấm bằng giá trị.
Buồn!