Đã có muôn vàn bài viết nói về tình trạng giáo dục của nước ta, nhưng có thể nói bài viết này - một lá thư của một học sinh gửi cho cô giáo Văn đã nói lên hết tất cả, từ bề rộng đến chiều sâu. Cuối thư, ước mơ của người học trò gửi đến cô giáo sao mà đau đớn lòng: "dù cô có mắng mỏ, hay không coi là “học trò cũ” đi nữa, em vẫn mãi mong muốn được là đứa con bé bỏng của cô, là công dân có trách nhiệm của nước Việt. Cô sẽ không bao giờ phải ân hận vì đã sinh ra em lần thứ hai. Và em mong, một ngày nào đó về thăm trường, em sẽ được cô trìu mến nắm tay và bảo với em rằng: “Cô hiểu em. Cô chia sẻ với em. Cô sẽ cố gắng để những điều làm em phải dằn vặt sẽ không còn tồn tại trên đời này nữa!”. Dân Làm Báo xin mời các bạn trong thôn đọc tâm tình của Phạm Thị Mẫn gửi cô giáo Văn.
*
Ngày… tháng… năm…
Cô kính yêu của em!
Chắc cô sẽ ngạc nhiên khi nhận và đọc xong lá thư này. Em nói như thế, phần vì chưa bao giờ em viết thư gửi cô, phần vì những điều em viết ra có thể sẽ làm cô rơi nước mắt, hoặc cô sẽ phẫn nộ vì tội bất kính của đứa học trò hỗn hào, hoặc cô sẽ giận run người. Vâng, dù thế nào em cũng xin chấp nhận, và không vì thế mà em vơi hao sự kính trọng và lòng biết ơn đối với cô.
Thưa cô, em đã từng được sống trong những bài giảng văn của cô. Em đã thấy mỗi khi nói về nỗi đau của con người, cô đều nghẹn lời, mắt rưng rưng lệ. Em đã thấy Con Người là một khái niệm chứa đựng trong đó bao điều lớn lao và đau khổ mà vì nó, cô của em đã tận tụy sống, tận tụy đem tình thương yêu tới lũ trò nhỏ, và cũng từng nhận về mình bao hệ lụy. Em đã chứng kiến cô tự hào và vui sướng như thế nào khi có bạn trong lớp em là người thành đạt. Em cũng đã chứng kiến cô đau buồn ra sao khi một đứa trong chúng em sống chưa ra sống. Em thầm cảm ơn số phận đã cho em được gần cô, được học cô, và qua cô để tìm thấy những điều mà không phải môn học nào cũng có thể mang tới cho em như môn Văn.
Đến hôm nay em vẫn còn nhớ hồi ấy, để giảng bài: “Phong cách Hành chính”, cô chuẩn bị tỉ mỉ đủ các loại giấy tờ, văn bản để làm cho giờ học sinh động, một giờ trả bài chất lượng. Rồi cô cân nhắc từng lời trước khi đặt bút ghi lời phê vào mỗi bài văn của chúng em. Giờ trả bài của cô bao giờ cũng giàu kịch tính, và học sinh thì rất nhớ lỗi để rút kinh nghiệm cho lần sau. Trong một số bài học ứng dụng, chúng em được thảo luận, nêu ý kiến, diễn kịch… Có khi tranh cãi như mổ bò, có khi thẹn thò vì không dám diễn đoạn Pênêlôp quàng tay ôm lấy cổ chồng. Ôi cái tuổi học trò vụng dại!… Cứ như vậy, cả cô và trò đã ngất ngưởng cùng Nguyễn Công Trứ, chiến đấu rồi hi sinh cùng người nghĩa sĩ Cần Giuộc, khóc Dương Khuê cùng Nguyễn Khuyến, thương bà Tú cùng Trần Tế Xương…
Nhưng cô ơi, ở đời nhiều khi không biết thế nào là hay. Nếu như được ở bên cô là một niềm hạnh phúc, và học môn Văn cô dạy em đã giúp em thi đậu Đại học với điểm số cao, thì những ngày học môn Văn cũng là thời gian em phải chứng kiến nhiều việc mà lẽ ra ở tuổi học trò, chúng em chưa nên biết. Em đã suy nghĩ rất nhiều và thấy rằng, mình không thể im lặng lâu hơn được nữa. Em không muốn giả tạo với chính mình, vì em hi vọng sẽ được một chút gì cho môn Văn yêu quí của chúng ta. Có thể cô sẽ trách em “Tại sao không nói ra sớm hơn?”, nhưng em tin cô sẽ không đặt ra câu hỏi đó mà chia sẻ với em. Bởi trước đây em chỉ là một đứa học trò, và không biết điều gì sẽ đến với em, nếu những điều em viết dưới đây được công bố ngay khi em còn ngồi trên ghế nhà trường?
Thưa cô, em phải nói thực là dù vẫn biết cô là một giáo viên giỏi, nhưng không rõ tại sao, với nhiều bạn trong lớp em, giờ Văn thường là giờ buồn ngủ. Buồn ngủ lắm cô ạ, dù thương cô nhưng cơn buồn ngủ của tuổi mới lớn khiến chúng em không sao cưỡng lại được. Cô cũng biết, và có lần cô đã lại gần bạn Nam, dùng văn chương lay thật khẽ: “Tỉnh lại em ơi qua rồi cơn ác mộng!”, làm cả lớp cười ồ. Riêng bạn Nam thì mắt đỏ quạch, ngẩng lên ngơ ngác nhìn xung quanh rồi lại gục xuống. Với thầy cô khác, có thể bạn ấy đã bị quát: “Dậy, ra ngoài lấy nước rửa mặt!”. Nhưng có lẽ vì nghĩ đêm trước bạn Nam mất ngủ do phải học nhiều, nhà bạn Nam ở xa phải dạy sớm,… nên cô chỉ nhẹ nhàng nhắc: “Thôi, để cho bạn ấy ngủ thêm lát nữa, lời cô nói như lời ru của mẹ đưa bạn ấy vào giấc ngủ êm đềm” và cả lớp lại cười. Lúc ấy em biết, cô đã thỏa hiệp.
Cô ạ, một trong các lý do để chúng em buồn ngủ trong giờ Văn là do phải học quá nhiều. Mười ba môn học chính khóa cùng với các chương trình Hướng nghiệp, Quân sự, Phụ đạo, học nghề, luyện thi Tốt nghiệp, luyện thi Học sinh giỏi… khiến thời gian biểu của chúng em chật cứng. Tính ra, phải tới 19 môn đấy cô ạ. Đó là chưa kể để đạt được ước mơ vào Đại học, thì lịch học thêm còn dày đặc hơn nữa, khiến chúng em “không còn thở được”. Nghĩa là với học sinh lớp 12, ngày “chạy sô ba ca” là chuyện thường tình. Mà môn nào thầy cô cũng yêu cầu: “Phải học! Phải học!”. Yêu môn Văn và kính trọng cô, nhưng nay nghĩ lại em thấy, áp lực như vậy mà cái đầu bé nhỏ của chúng em không “nổ tung” thì mới là chuyện lạ! Chúng em đã phải học như “cái máy”, học như để “nhồi nhét” vào đầu, thì còn đâu thời gian cảm thụ, nghiền ngẫm tác phẩm văn học? Còn vì tình yêu văn chương, nếu chúng em cất lên tiếng nói thật, suy nghĩ thật của bản thân trong cảm thụ tác phẩm thì có khi sẽ tự làm khổ mình. Bởi chắc chắn tiếng nói thật, suy nghĩ thật đó không trùng khớp với những bài văn mẫu, với những “ba rem” mà thầy cô đã chuẩn bị sẵn. Và hình như đôi lúc thầy cô đã quên điều từng truyền dạy chúng em rằng: “Văn chương phải khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có…”.
Em nhớ, cô đã dạy thật hay trích đoạn Thề nguyền, ngợi ca một cô Kiều dám “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” đến tự tình với Kim Trọng, và họ đã ở bên nhau cho đến sáng. Khi cô nói đến đó, có bạn đã thì thầm: “Thế mà không có con!”. Em thì lại nghĩ, dù ở thời nào cũng không có cha mẹ nào đồng ý cho con gái mình chủ động đến nhà bạn trai như vậy. Rồi khi trong giờ Văn, thầy cô dạy chúng em về đức hi sinh của người đàn bà miền biển. Chị ấy biết chấp nhận đớn đau từ những trận đòn dữ dội của người chồng chỉ để nhìn thấy đàn con được ăn no. Thày cô còn bênh vực lão đàn ông vũ phu rằng anh ta chỉ là nạn nhân của hoàn cảnh. Vì đói khổ không lối thoát nên ngày nào anh ta cũng lôi vợ mình ra đánh. Sao lại có thể oan ức như vậy? Giờ là thế kỉ nào rồi? Giải phóng phụ nữ ở đâu? Quyền con người ở đâu? Rồi trong bài giảng Về luân lý xã hội… cô khen ngợi cách đặt vấn đề trực diện, bộc lộ quan niệm tư tưởng của một nhà Nho uyên bác, sắc sảo, thức thời: “xã hội luân lí trong nước ta tuyệt nhiên không ai biết đến”. Và cô đưa ra một loạt dẫn chứng: “dân ta quen phải ai tai nấy, ai chết mặc ai, cháy nhà hàng xóm bình chân như vại, đèn nhà ai nhà nấy rạng, chỉ nghĩ đến sự yên ổn của riêng mình, bất công cũng cho qua”. Em ngồi nghe và nghĩ, nói như thế e có vơ đũa cả nắm hay không? Dù chỉ là một học sinh lớp 12, nhưng qua tìm hiểu, em đã lờ mờ nhận thấy chúng ta đã đi từ cực đoan này đến cực đoan khác. Chương trình cũ hầu như chỉ một “tông” ca ngợi, chương trình mới lại yêu cầu chúng em tiếp cận một loạt vấn đề gai góc. Chúng em không dám cãi, vì cô nói rất say sưa, nhưng ngồi dưới nghe thì chúng em chưa phục. Vâng, thưa cô, còn bao điều nhức nhối mà em muốn gửi đến cô và không biết trang giấy này có nói hết.
Lên đến lớp 12, chúng em không còn thời gian để mê mải cùng Đam-san đi bắt “Nữ thần Mặt trời”, hay cùng Chí Phèo “say” bên Thị Nở… Và chúng em liên tục phải nghe để chép, nhìn máy chiếu và chép. Cô ngồi ghế đung đưa chân và đọc những con chữ từ một thế giới vô hình xa xăm nào đó. Còn chúng em thì chép lia lịa, chép mà nhiều khi chẳng biết mình đang chép cái gì? Chép để khỏi bị cô phạt, chép để yên tâm khi thi cử có cái để ôn, nếu thuận tiện thì có cái để mà… “quay”! Lúc có người “dự giờ”, cô vẫn bày biện đủ mọi thứ, nhưng khi chỉ còn có cô trò mình, cô lại tiếp tục… đọc, và chúng em chép. Đơn giản là, nếu cô không đọc cho chép thì chúng em không thể làm được bài. Và thế là điều thầy cô dạy: “các em phải là những ngọn đèn tự sáng, lối học nhồi nhét nặng về đổ đầy kiến thức đã cũ kĩ lắm rồi” trở thành một sáo ngữ hơn là lời răn dạy có ý nghĩa thực hành. Một vài bạn không thích đi theo lối mòn, suy nghĩ và diễn đạt phá cách, thì nhận được lời phê: “Bài của em thể hiện tư duy độc lập, nhưng cần chú ý kiến thức cơ bản để đảm bảo yêu cầu thi cử”. Thế đấy cô ạ, phải viết như khuôn mẫu mới dễ “ăn điểm”. Vì đáp án dài đến 3, 4 trang, qui định chi li kiến thức cần có, phần ghi chú bao giờ cũng nói rõ: “Học sinh có thể trình bày theo ý riêng”. Nhưng cái “ý riêng” liệu có ý nghĩa gì trước các bài văn mẫu?
Có lúc vô tình, cô từng kể về một bài thi làm đầy đủ cả ba câu chỉ được 2 điểm, và cô nói đùa: “Chắc vị giám khảo này say rượu!”. Sau này, phúc tra lại, bài ấy lại được 7 điểm, như thế là chênh lệch đến 5 điểm phải không cô? Trong khi chỉ thiếu nửa điểm đã đủ “chết” chúng em rồi. Về sau, em còn biết nhiều chuyện “độc đáo” khác nữa, như hai cô ở cùng tổ chuyên môn của một trường lớn mà chấm bài thi Đại học chênh lệch đến 6 điểm, người chấm 3, người chấm 9 (!); thày P.T.L còn nêu rõ địa chỉ bài một bạn bị 3 điểm khi chấm vòng thứ nhất, sau chấm chung được 10. Rồi sau đó bạn đã được đi học nước ngoài.
Thưa cô, vì sao lại có những sai lệch như vậy?
Cô kính mến!
… Vì những sự lộn xộn đó nên thày cô phải dồn hết tâm lực cho việc dạy để chúng em… thi, chứ không phải dạy để học! Chỉ cần lật trang cuối sách giáo khoa là chúng em thấy rõ, các tác phẩm thuộc nội dung thi được ôn rất kĩ, còn những bài không trong giới hạn ôn thi thì: “Các em ghi đầu đề thôi, chúng ta tập trung vào những bài quan trọng!”. Lúc ấy, chúng em thấy cô thật tâm lý, vì đa số các bạn thi khối A, B nên phải “ưu tiên” thời gian cho các môn tự nhiên. Ban Khoa học Xã hội của mình gần như bị triệt tiêu rồi! Nhưng em thì thấy đau lòng lắm cô ạ, vì em tiếc cho môn Văn, tiếc cho từng khắc từng giờ trôi đi oan uổng. Những môn không phải thi tốt nghiệp thì cô trò được ngồi “tâm sự”. Rồi ở “lớp chọn”, các thày cô phải đầu tư cho đội tuyển, ở lớp thường, chỉ có các bạn yếu được quan tâm. Thày cô chà xát thật kĩ những “phần tử” có khả năng làm trường hụt chỉ tiêu, làm thày cô mất thành tích. Các bạn còn lại hầu như được “thả” (!).
Thưa cô, cuộc vận động “Nói không với tiêu cực” liệu có trở thành một khẩu hiệu trống rỗng hay không, khi đã và đang có quá nhiều điều hoàn toàn không hay chút nào vây lấy chúng em, từ học hành đến thi cử, từ tiếp thu kiến thức đến sử dụng kiến thức? Trường học lẽ ra phải là nơi chúng em được học những điều tốt đẹp nhất thì tại đây, sự giả dối vẫn ngang nhiên diễn ra, không biết bao giờ mới chấm dứt?
Giờ học ầm ầm như cái chợ vẫn được điểm 10 vì thày cô nể nhau. Một số thày cô thực tập lên lớp còn lúng ta lúng túng, thậm chí dạy sai cả kiến thức, nhưng nghe thày Hiệu trưởng công bố kết quả xếp loại thì vẫn thấy những thầy cô ấy đạt loại xuất sắc! Hàng ngày thày cô xa xả mắng học trò dốt nát, nhưng cuối năm vẫn cứ 70% học lực khá giỏi, 90% hạnh kiểm tốt, tốt nghiệp vẫn 100%. Buổi lễ trọng nào chúng em cũng phải ngồi giữa trời nắng đến cả tiếng đồng hồ để chờ đại biểu. Chờ họ đến và lên diễn đàn nói những điều ít ai muốn nghe, vậy mà chúng em vẫn phải liên tục vỗ tay để thể hiện lòng hiếu khách! Thày cô luôn dạy chúng em phải trung thực, nhưng trước khi thi tốt nghiệp, thày cô lại dặn phải gây thiện cảm với giám thị, nếu là bạn trường mình thì phải “giúp đỡ”, nhưng với trường ngoài thì tuyệt đối không để cho “người ta” nhìn bài. Tại sao lại thế hả cô? Và em lại phải xin lỗi cô, khi nhắc lại điều em được nghe kể rằng khi đi thi, thày cô cũng “quay cóp”, làm y như những việc mà thày cô đã phê phán. Ngày nào đài báo rầm rộ chuyện thày Khoa ở Hà Tây được coi là “anh hùng chống tiêu cực”, nhưng đến giờ thì thày còn tiêu cực hơn cả những người thày đã chống! Thế mà thày cô từng dạy em: “Điều gì mình không muốn làm cho mình thì đừng làm cho người khác!”.
Sau ba năm học và thi thoảng trở lại trường, em thấy càng ngày trường mình càng được xây dựng đàng hoàng, to đẹp. Nhưng em thấy đắng lòng khi cảm nhận được mỗi viên đá lát, mỗi vườn cây đều thấm đầy mồ hôi, nước mắt. Năm nào phụ huynh cũng phải nộp thêm bao nhiêu khoản, nào là chăm sóc vườn hoa cây cảnh, làm sân thể thao, xây hàng rào bảo vệ, quét vôi ve lớp học, mua quạt trần. Cuối khóa thì “ủng hộ” Hội đồng thi… Chưa nói ở trường nọ trường kia số tiền quĩ cho một năm hoạt động của cha mẹ và học sinh lên đến mấy trăm triệu. Đóng góp của phụ huynh thì nhiều thế, mà thật lạ lùng – em nói điều này mong cô đừng cho là em quá chi tiết – đến một cái nhà vệ sinh sạch sẽ một chút cho tụi học trò chúng em, nhà trường cũng không có nổi. Để đến nỗi, cái việc cực chẳng đã là phải đi vệ sinh ở các khu WC không thể bẩn thỉu hơn, đã luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng của biết bao nhiêu thế hệ học trò. Điều đáng buồn là chuyện “Wiliam Cường”này báo chí kêu hộ chúng em nhiều lắm, nhưng các thầy cô dường như lại không mấy để tâm, xem như chuyện vặt. Tại sao lại như vậy hả cô?
Chúng em không biết nhiều, nhưng cô từng bảo rằng, tiền phụ huynh “giúp đỡ” nhà trường nào có đáng kể gì. Ban Giám hiệu phải sấp ngửa đi “xin” các doanh nghiệp, các nhà tài trợ. Và cũng vì thế nên năm nào lớp chọn cũng phải có vài suất “ngoại giao”, dù điểm “đầu vào” của các bạn ấy còn thua xa điểm chuẩn. Nhập lớp rồi, mấy bạn ấy được đi học mà không thèm học, bỏ học và trốn học đi chơi điện tử như cơm bữa. Trong khi bao nhiêu bạn khát khao được đến trường, chỉ vì điểm thi thấp mà đành rẽ cuộc đời sang ngả khác, chấm dứt ước mơ học hành. Em còn nhớ trong buổi sinh hoạt lớp, bạn Thành đề nghị chuyển toàn bộ số tiền mua quà mừng ngày 20-11 cho đồng bào miền Trung, có bạn quát rất to: “Mày ngu thế!”. Bạn Thành bảo: “Em xem ti vi, thấy người ta không có mì để ăn, không có nhà để ở, trường mình tổ chức 20-11 hoành tráng thế để làm gì?”. Cô lúng túng vài giây rồi từ tốn giải thích: “Việc nào ra việc ấy em ạ, em muốn ủng hộ bao nhiêu cũng được, còn đây là việc chung của trường, mình không bỏ được”. Cô đã tìm ra “chìa khóa” giải quyết vấn đề, vừa thỏa mãn ý kiến của học trò, vừa không làm hao hụt phần “quà 20-11” của các thày cô. Vâng, cô đã không nổi giận mà áp chế chúng em nhưng nếu chúng ta đồng lòng bớt chi tiêu lãng phí đi, thì đã có người nghèo được giúp đỡ cô ạ.
Còn một việc nữa, mà nói ra có thể cô sẽ coi là “phạm thượng”, vì liên quan đến sinh hoạt của thày cô. Nhưng xin cô hãy nghe em nói một lần. Nhà trường quy định học sinh đến trường phải ăn mặc giản dị, mặc áo sơ mi có cổ bẻ, không sử dụng điện thoại di động, không ăn quà bánh, nhưng trong giờ lên lớp, em vẫn thấy không ít thày cô nghe điện thoại, mang túi to túi nhỏ để giờ ra chơi ăn uống tùm lum. Nhiều thày cô vừa ăn vừa cười nói rất to, phản cảm lắm cô ạ. Có một hôm vào giờ Văn, cô T. dạy thay ở lớp mình. Cô rất xinh nhưng mặc áo hơi trễ, có lúc cô cúi thấp xuống… làm mấy bạn nam ngồi bàn đầu khoái chí, còn các bạn gái thì xấu hổ thay cho cô! Kinh khủng nhất là chuyện thày X. dạy toán quên không kéo khóa quần, mấy bạn trai bịt miệng không dám cười. Nhận ra “sự cố”, thày thản nhiên thò tay kéo đánh “roạt!” trước mặt học sinh và nói chửi: “Mẹ bố chúng mày, thấy bố quên thì chúng mày phải nhắc chứ?”! Thày thật “vui tính”!?
Thày cô vẫn nói với chúng em về mục tiêu giáo dục phát triển toàn diện, nhưng nhiều khi thày cô lại không làm như thế. Nhiều bạn trong lớp mình không biết làm vệ sinh lớp học, không cầm đến cái cuốc cái xẻng bao giờ…vì phụ huynh đã nộp tiền thuê lao động vệ sinh cả năm rồi. Trường tổ chức cắm trại, nhưng không bạn nào biết làm, cô lại chỉ đạo thuê tất từ thiết kế đến dựng trại, nhổ trại, “Để thời gian cô trò mình chơi cho sướng!”. Là giáo viên chủ nhiệm, nhưng vì cô bận nên không có thời gian nghe hết tâm sự của chúng em. Cô có biết là ở lớp mình, một số thày cô đã công khai gợi ý cho chúng em học thêm, đến các lớp để phát tờ rơi quảng cáo? Giờ trên lớp thì thầy cô ấy dạy qua loa, nếu chúng em không học thêm thì khó lòng thi đạt điểm cao được. Ban đầu, một số bạn không đăng kí những lớp phụ đạo tại nhà như thế, nhưng rồi khổ suốt cả năm. Thầy cô không nói gì nặng đâu ạ, nhưng chỉ cần nhìn ánh mắt lạnh lùng, nhận vài câu mát mẻ, lỡ có lỗi thì bị chì chiết, thế là đủ ức chế lắm rồi, còn đâu tâm trí mà học? Ở lớp 10A6, bạn Tú gan lì nhất, kiên quyết không theo lớp học thêm, thì trong buổi học cuối kì I, cô giáo chủ nhiệm đã đề nghị gặp riêng và không cần giấu giếm nữa: “Nếu em không theo được phong trào của lớp thì thôi, gia đình nên cho em chuyển sang lớp khác!”. Bạn ấy ngồi khóc. Chúng em thương bạn lắm và bảo: Thôi, cần gì, đã thế thì chuyển đi! Nhưng rồi biết chuyển đi đâu hả cô? Lớp nào cũng thế thôi, cùng một gầm trời này… rồi trường nào cũng vậy! Bạn Tú đành chấp nhận nộp tiền oan chỉ đến lớp ngồi cho cô điểm danh. Bạn không vào đầu thêm được chữ nào, vì ở nhà đã có anh trai học ở trường chuyên dạy cho bạn rồi!
Có thày cô còn “hướng dẫn” chúng em rằng: “Sau ba năm học dưới mái trường này, các em như bầy chim đã đủ lông đủ cánh sắp bay xa, chúng ta phải thể hiện niềm biết ơn với các thày cô, biết ơn các bác bảo vệ, lao công, người phụ trách y tế học đường, thày dạy quân sự, cô dạy hướng nghiệp, các thày cô trong Ban Giám hiệu…”. Thế là số tiền “biết ơn” đó tăng lên biết bao nhiêu lần để mua thêm mấy chục suất quà! Chưa kể, lớp nào cũng phải có thêm một thứ gì đó “to to” nữa để “kỉ niệm” nhà trường. Các thày cô đi đâu cũng khoe: “Học sinh trường mình chu đáo, hiếu nghĩa, có trước có sau!”. Các cô chủ nhiệm thì mát mặt! Chỉ các bạn con nhà nghèo là phải cắn răng mà chịu đựng thôi cô ạ. Cô của em thì không phải là người tham, em biết rõ như vậy. Nhưng dần dà em nhận thấy, những phẩm chất tốt đẹp mà em đã từng cảm nhận ở cô cũng ngày một hao mòn. Em nhớ hồi đầu, phát hiện thấy phong bì của phụ huynh khéo léo gài trong bó hoa, cô đỏ mặt và tìm cách trả lại. Sau rồi tình trạng không thay đổi, không thấy cô trả lại lần nào nữa. Đã có lúc, em đau xót nghĩ đến đề văn mà cô đã ra cho lớp, tập quán xấu ban đầu là khách qua đường, sau nó ở chung nhà và trở thành chủ nhà khó tính. Cô còn kể về con Sói xin gửi một chân vào nhà Cừu, sau đó thì gửi cả hai chân và nhảy luôn vào nhà ăn thịt lũ cừu bé bỏng. Cô có thấy là những bài học đó vô tình đã được “ứng dụng” vào cô rồi không?
Em hết sức xin lỗi cô vì đã không giấu được suy nghĩ của mình. Nhưng cô hãy tin rằng, trong trái tim bé nhỏ của em luôn có chỗ cho tình yêu thương thày cô. Thày cô cũng là con người, cũng có gia đình, cũng phải vất vả trong cuộc mưu sinh. Đa số thày cô là tốt, không thiếu những người đã tận tụy làm việc, hết mình vì sự tiến bộ của chúng em. Những lời chuyện trò tâm huyết, những việc làm thấm đầy tình thương yêu và ý thức trách nhiệm mà nhiều thày cô dành cho chúng em, làm sao chúng em có thể quên? Em xin khắc ghi tận đáy lòng những điều ân nghĩa. Dưới mái trường này, rất nhiều thế hệ học trò chúng em đã lớn khôn và nhận về mình bao tình cảm tốt đẹp. Ngôi trường sẽ mãi phong kín trong em với những hoài niệm còn lặng im, run rẩy. Trong đó, có biết bao kỉ niệm đẹp của tuổi học trò hồn nhiên và vụng dại. Nhưng cũng còn một số điều chưa đẹp không chịu ngủ quên…như em đã kể lại trong thư…Lỗi là ở đâu? Không hẳn tại thày cô, em lờ mờ cảm nhận như vậy.
Nhưng cô ơi, sản phẩm giáo dục của cô, thày không thể chỉ là những đứa con ngoan ngoãn biết vâng lời. Cuộc sống đang phát triển từng ngày, cuộc sống đang đòi hỏi chúng em phải trau dồi tri thức một cách nghiêm túc, biết suy nghĩ độc lập và biết sáng tạo, đặc biệt là biết tự ý thức về mình để sống tốt hơn, sống có ích hơn. Em chưa một lần dám nói “hỗn” với cô, vì em không muốn làm cô buồn. Nhưng nếu không vượt qua mặc cảm để viết bức thư này, thì em lại vô cùng day dứt. Từ nơi xa xôi, em nhớ cô, nhớ nhà buồn đến khóc. Em thấy mình có lỗi thật nhiều. Nhưng, dù cô có mắng mỏ, hay không coi là “học trò cũ” đi nữa, em vẫn mãi mong muốn được là đứa con bé bỏng của cô, là công dân có trách nhiệm của nước Việt. Cô sẽ không bao giờ phải ân hận vì đã sinh ra em lần thứ hai. Và em mong, một ngày nào đó về thăm trường, em sẽ được cô trìu mến nắm tay và bảo với em rằng: “Cô hiểu em. Cô chia sẻ với em. Cô sẽ cố gắng để những điều làm em phải dằn vặt sẽ không còn tồn tại trên đời này nữa!”.
Mãi là trò nhỏ của thầy cô.
Phạm Thị Mẫn
Nguồn: Văn nghệ Thái Nguyên số 8/2011