Lê Khả Sỹ - Sau hòa bình lập lại năm 1954, ngành Đường sắt Việt Nam là một trong những ngành có nhiều khó khăn, vất vả, cũng là một tập thể chịu khó chịu thương, đoàn kết tốt, vượt qua mọi thử thách hoàn thành nhiệm vụ trong bất kỳ tình huống nào.
Tiếp đến 20 năm đấu tranh thống đất nước, CBCNV Đường sắt cống hiến hết sức mình, không tiếc máu xương trên mặt trận chống chiến tranh phá hoại, phục hồi giao thông, đáp ứng yêu cầu vận tải của tiền tuyến. Thời kỳ bước vào công cuộc đổi mới, ngay từ những năm đầu họ đã sớm đồng tâm nhất trí thay đổi toàn bộ hoạt động kinh doanh sản xuất, đưa ngành đường sắt từ một tổ chức trì trệ, một gánh nặng cho Nhà nước thoát khỏi bao cấp, từng bước vươn lên thành một trụ cột trong hệ thống giao thông vận tải Việt Nam.
Với đặc thù kinh doanh - phục vụ, không đơn thuần kinh doanh như các ngành kinh tế khác, dẫu có nhiều cố gắng nhưng để giữ được vị thế, khẳng định mình trước cơ chế thị trường, vẫn đang là thách thức lớn. Mức thu nhập bình quân của người lao động so với một số doanh nghiệp Nhà nước thì còn kém hơn. Mặc dù vậy, kỷ cương vẫn được giữ vững, sản xuất kinh doanh không đình trệ, khối lượng vận tải vẫn tăng trưởng và đáng ghi nhận là ổn định chính trị nội bộ, phần lớn CBCNV tin tưởng vào công cuộc đổi mới của ngành trong tiến trình đổi mới của đất nước ! Nhưng thời gian gần đây xuất hiện số đơn xin thôi việc và số người bỏ việc đáng báo động. Đối tượng chủ yếu là hệ vận tải (nhà ga, nhà tàu và một số công nhân toa xe đầu máy). Tình trạng này đến nay không còn giấu kín được nữa, ở một số đơn vị có tăng cường tuyên truyền giải thích, vận động nhưng xem ra không mấy hiệu quả.
Tìm hiểu được biết, do đồng lương quá ít ỏi, không đủ sống nên họ xin thôi việc, bỏ việc, đơn giản thế thôi. Tất nhiên, trong hoàn cảnh này cũng là dịp để họ nêu lên một số khiếm khuyết của lãnh đạo, theo họ là nguyên nhân gây nên đói nghèo cho người lao động mà họ không thể chấp nhận để tồn tại gắn bó với ngành. Đó là mức thu nhập bình quân đầu người / tháng qúa thấp (chưa kiểm chứng đầy đủ): Hàng ngũ trưởng tàu chưa vượt ngưỡng hai triệu rưỡi, trưởng ga hạng bốn cũng cùng chung số phận. Còn nhân viên nhà tàu và nhà ga hạng ba hạng bốn, bình quân trên dưới một triệu năm trăm ngàn đồng, kiểm soát vé các ga hạng ba trở xuống có mức bình quân một triệu hai trăm ngàn đồng, thậm chí một triệu một trăm ngàn đồng, thì ăn tiêu cách nào cho đủ ? Công nhân lái máy tuy chưa đến nỗi như hệ vận tải, nhưng họ so sánh giá trị đồng lương cách đây 10 năm với bây giờ, chỉ còn dưới 52%. Theo dư luận phản ánh, đến thời điểm đầu tháng 5-2011, đơn xin thôi việc đã lên đến con số hơn nửa nghìn, người bỏ việc đã lên đến con số hàng trăm. Nhiều đơn vị thiếu nhân lực không tuyển dụng được. Số liệu trên đây nếu chính xác thì thật đáng buồn ! Bởi không dễ gì một lúc người ta bỏ ngành bỏ nghề - nơi họ đã từng gắn bó và nhất là trong thời buổi người nhiều việc ít.
Còn những việc được dư luận phản ánh ghi lại dưới đây, chẳng qua theo lẽ đời “vỡ bờ mới ngập”, bởi những sự việc ấy cũng diễn ra trong dăm ba năm gần đây nhưng không thấy ai kêu ca hoặc chỉ âm thầm phản ứng, dù đó là chuyện không bình thường. Chẳng hạn:
- Tình trạng chậm tàu triền miên và nhiều tai nạn thuộc chủ quan đường sắt nhưng không xử lý nghiêm minh và kịp thời
- Đảo lộn mô hình tổ chức kinh doanh trong vòng luẩn quẩn
- Cán bộ đi tham quan nước ngoài quá nhiều, gây tốn kém
- Mua 20 đầu máy Đức, giá đắt gấp 10 lần đầu máy Trung Quốc và chỉ nhận được 16 cái, thiệt hại 98 triệu 210 ngàn euro, bằng 2905 tỷ VNĐ
- Cấp trên hưởng thụ quá nhiều hơn cấp dưới, Khối gián tiếp hưởng thụ quá nhiều hơn khối trực tiếp sản xuất
- Cùng chức danh thì người phục vụ lâu năm cũng như người mới vào ngề (do lương khoán sản phẩm cào bằng)
- Chủ trương tháo bỏ giường của nhân viên phục vụ trên tàu khách v.v.
Nhưng dù sao, nhân dịp này lãnh đạo ngành cũng không nên bỏ qua những thắc mắc ấy !
Tình trạng công nhân viên chức đường sắt xin thôi việc, bỏ việc nêu trên tuy chưa lớn nhưng không phải nhỏ, tuy không dễ giải quyết nhưng không phải là khó. Mặt thuận lợi để vào cuộc có hiệu quả là truyền thống yêu nghề yêu ngành, chịu thương chịu khó của công nhân đường sắt – những con người được rèn luyện trong môi trường khó khăn vất vả và khuôn phép kỷ cương, có thể nói là thuần tuý. Phải chăng họ đang thiếu sự đối thoại với các vị có trách nhiêm (?) Lúc này họ cần nghe lãnh đạo nói và nói cho lãnh đạo nghe. Tình trạng khó khăn chung trong thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu đã đành, ngành Đường sắt lại có đặc thù bất lợi trong kinh doanh sản xuất, thì việc “thua em kém chị” phần nào về thu nhập bình quân đầu người là khó tránh khỏi, nhưng không thể dưới mức nghèo ! Điều đáng lưu ý, từ trên xuống dưới cần quán triệt lời dạy của Bác Hồ là không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng ! Mà trong trường hợp này, hai từ công bằng đang được người công nhân nêu lên như là một chủ đề. Ta không nên tránh né để rồi “cái sẩy nẩy cái ung”. Lãnh đạo cần tổ chức các cuộc đối thoại với những công nhân viên chức xin thôi việc, bỏ việc, trao đổi với họ có lý có tình trên tinh thần thân ái, thẳng thắn và cầu thị. Mặt khác, cũng nên có sự điều chỉnh phương án phân phối quỹ lương, điều tiết giữa các bộ phận công tác sao cho hợp lý và bằng mọi cách khai thác hết tiềm năng, thực hành tiết kiêm, giảm các chi phí tham quan hội họp theo chủ trương của Nhà nước để tăng thu nhập cho người lao động thì mới mong hiệu quả ổn định.
Gần đây có các cuộc biểu tình đòi tăng lương ở khu vực doanh nghiệp nước ngoài và liên doanh với nước ngoài, chứ chưa xảy ra ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Xin hãy coi tình trạng công nhân đường sắt bỏ việc là tín hiệu không bình thường, cần kiểm tra để xác định mức độ và sớm có cách xử sự tế nhị, êm thấm. Người viết bài này hy vọng sẽ tốt đẹp, bởi trên cõi đời, giàu sang chưa hẳn đã là trong ấm ngoài êm, nghèo khó chưa hẳn là không hạnh phúc và chắc chắn người công nhân đường sắt thừa hiểu điều đó để cùng chung lưng đấu cật vượt qua giai đoạn khốn khó này !
Tháng 5-2011