Đằng sau núi nợ Vinashin… trách nhiệm của ai? - Dân Làm Báo

Đằng sau núi nợ Vinashin… trách nhiệm của ai?

Vĩnh Thanh (Tamnhin.net) - Thực chất số lỗ của tập đoàn Vinashin lên tới gần 5.000 tỷ đồng, tăng hơn 3.300 tỷ đồng so với báo cáo kiểm toán năm 2009 xác định, Vinashin chỉ lỗ gần 1.700 tỉ đồng.

Đó là kết luận của Thanh tra Chính phủ trong báo cáo trình Thủ tướng về quá trình thanh tra toàn diện tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin)...

Sau hơn 4 tháng (từ tháng 7 - 11/2010) tiến hành thanh tra hoạt động sản xuất kinh doanh tại tập đoàn này, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện Vinashin mắc hàng loạt sai phạm trong việc xây dựng thể chế hoạt động, huy động, quản lý và sử dụng vốn…

Kết quả thanh tra cho thấy, từ cuối năm 2005 đến thời điểm thanh tra, Vinashin đã huy động một khối lượng vốn rất lớn từ các nguồn trong và ngoài nước dưới hình thức vay các tổ chức tín dụng, vay nguồn trái phiếu quốc tế của Chính phủ, phát hành trái phiếu doanh nghiệp...

Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2010, các khoản vay của tập đoàn này đã lên đến trên 72.000 tỷ đồng. Tuy nhiên tập đoàn đã buông lỏng quản lý, tùy tiện và vi phạm quy định của pháp luật trong các giai đoạn của quá trình huy động, quản lý sử dụng vốn.

Nổi bật nhất là việc đầu tư dàn trải, không hiệu quả, trong đó có việc đầu tư mua tàu biển cũ trái chỉ đạo của Thủ tướng, không tuân thủ quy định của pháp luật dẫn đến lãng phí vốn, nhiều trường hợp mất vốn với số lượng lớn.

Một sai phạm nghiêm trọng khác cũng được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại Vinashin là trong vòng 5 năm, đó là hoạt động chủ yếu của công ty mẹ là huy động vốn cho các đơn vị vay lại và hưởng lãi.

Thanh tra Chính phủ kết luận thực chất đây là hoạt động cấp tín dụng trái pháp luật, cùng với những vi phạm về quan hệ hợp đồng, quản lý nợ… dẫn tới không quản lý được dòng tiền, mất khả năng thanh toán nợ đến hạn.

Không những thế, Vinashin đã vi phạm giao kết, dẫn tới hủy quá nhiều hợp đồng đóng tàu, phải chấp nhận trả lãi tiền đặt cọc và phạt vi phạm hợp đồng thiệt hại trên 1.000 tỷ đồng.

Theo kết quả thanh tra, giá trị tài sản và nguồn vốn của Vinashin đến hết ngày 31/12/2009 là trên 102.000 tỷ đồng, loại trừ công nợ nội bộ còn hơn 92.500 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, nợ phải trả của Vinashin là hơn 86.700 tỉ đồng.

Khoản tiền này được cân đối tương ứng với các nguồn vốn, tài sản cố định trong sản xuất kinh doanh, vật tư, tài sản hình thành trong các dự án đầu tư. Hiện Chính phủ đã và đang chỉ đạo kiểm kê đánh giá thực chất giá trị tài sản hiện thời của tập đoàn này.

Đáng chú ý, theo kết quả kiểm toán báo cáo tài chính năm 2009, Vinashin chỉ lỗ gần 1.700 tỉ đồng, nhưng qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ xác định thực chất số lỗ của tập đoàn này lên tới gần 5.000 tỷ đồng, tăng hơn 3.300 tỷ đồng so với báo cáo kiểm toán.

Cụ thể, tập đoàn đã lỗ gần 848 tỷ đồng từ chi phí chưa phân bổ hết đối với các hợp đồng đóng tàu đã hoàn thành, bàn giao cho chủ tàu; chi phí phải trả các công ty quản lý tàu; chi phí khấu hao tài sản cố định đối với những tài sản đã đưa vào sử dụng nhưng tập đoàn chưa trích theo quy định...

Vinashin cũng lỗ 2.455 tỷ đồng do khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh từ việc đánh giá lại các tài sản và nợ phải trả dài hạn bằng tiền, có gốc ngoại tệ ở thời điểm hết năm 2009.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra Vinashin còn khoảng 8.500 tỷ đồng lỗ tiềm tàng, bao gồm gần 2.800 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của các hợp đồng đóng tàu đã bị hủy; chênh lệch từ các khoản phải thu nội bộ nhưng không xác định được đối tượng phải thu gần 4.700 tỷ đồng và hơn 1.000 tỷ đồng bị phạt, trả lãi tiền đặt cọc cho các chủ tàu do Vinashin vi phạm hợp đồng.

Theo Thanh tra Chính phủ, để xảy ra sai phạm trên trách nhiệm trước hết thuộc về Hội đồng Quản trị, Ban tổng giám đốc và một số cá nhân có chức vụ tại Công ty mẹ Vinashin.

Hội đồng Quản trị công ty mẹ Vinashin không hoạt động đúng theo quyết định của Thủ tướng, không thực hiện được đề xuất bổ nhiệm hay thuê Tổng giám đốc mà để Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm nhiệm trong nhiều năm. Tất cả những điều này dẫn đến yếu kém, khuyết điểm và sai phạm của công ty mẹ cũng như toàn tập đoàn.

Theo Thanh tra Chính phủ, ba bộ Giao thông Vận tải, Tài chính và Nội vụ đều phải chịu chung trách nhiệm về tình trạng này của Vinashin.


Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải chưa kiên quyết yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) xây dựng, trình Thủ tướng ban hành điều lệ tổ chức hoạt động; trong nhiều năm phát hiện chưa kịp thời những yếu kém và cố ý làm trái tại Vinashin.

Bộ Tài chính chưa kiên quyết yêu cầu Vinashin xây dựng quy chế tài chính; chưa có giải pháp kiên quyết, hiệu quả trong kiểm soát, sử dụng vốn trái phiếu quốc tế mà Vinashin vay lại của Chính phủ.

Bộ Nội vụ chưa kiên quyết yêu cầu Vinashin thực hiện đúng quy định về bổ nhiệm, thuê tổng giám đốc điều hành, để tình trạng chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc kéo dài nhiều năm.

Các kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến trách nhiệm của các bộ không mới. Bởi nó đều là những vấn đề đã từng được xới xáo nhiều lần tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII. Nhưng tại kỳ họp này, chỉ có mình Bộ Giao thông Vận tải nhận lỗi, Bộ Nội vụ im lặng, còn Bộ Tài chính thì kiên quyết tránh xa... trách nhiệm.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng khi đó nhận về mình trách nhiệm rằng: “Việc giám sát có những khiếm khuyết mà chúng tôi tự nhận thấy rằng trong việc thực hiện chức năng, thực hiện đại diện chủ sở hữu của mình cũng chưa tốt về vấn đề này” và “trong giám sát đầu tư, nhiều vấn đề không phát hiện được, nhiều vấn đề phát hiện chậm, thậm chí tất cả những vấn đề cố ý làm sai trái là hoàn toàn không phát hiện được, cái đó là khuyết điểm của Bộ”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh thì luôn khẳng định Bộ Tài chính đã làm hết sức mình. Đối với khoản 750 triệu USD trái phiếu Chính phủ cho Vinashin vay lại, vào thời điểm năm 2005, trách nhiệm của Bộ Tài chính cũng đã được ông Ninh nói rõ: “Bộ Tài chính chủ trì cùng với các bộ có liên quan thẩm định, hiện nay chúng tôi vẫn lưu giữ được văn bản của các bộ có tham gia. Trên cơ sở thẩm định phương án đó phù hợp với mục đích sử dụng vốn, phù hợp với cơ chế chính sách, phù hợp với đề án, phù hợp với chiến lược thì Bộ Tài chính có trình với Thủ tướng Chính phủ và trình Chính phủ có nghị quyết về việc phát hành vốn cho Vinashin vay lại.

Khi cho vay lại thì cho vay theo một chương trình dự án tổng thể và chúng tôi cũng đã ban hành Quyết định số 36 ngày 7/7/2006 về quy chế giám sát việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu quốc tế của Chính phủ năm 2005, trong đó có phân công trách nhiệm của Bộ Tài chính, trách nhiệm của Vinashin và trách nhiệm của các ngân hàng phục vụ, định kỳ có kiểm tra và giám sát với nguồn vốn trái phiếu này. Đối chiếu với các quy định của Nhà nước thì việc cho vay thực hiện đấy là phù hợp với quy định”...

Vĩnh Thanh

http://tamnhin.net/tieu-diem/11608/Dang-sau-nui-no-Vinashin-trach-nhiem-cua-ai.html



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo